13 nhà báo của báo Thanh niên vừa bị thôi chức vì không phải đảng viên
Sáng nay, 23/11/2018, báo Thanh niên đã họp và công bố sự thay đổi trong hầu như tất cả các phòng ban. Có 13 vị trí gồm trưởng ban, phó ban/phó phòng đã được “thôi chức” vì không phải đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam:
Ban Chính trị – Xã hội: Thanh Tùng – Phó ban
Ban Văn Nghệ: Thu Nga – Trưởng ban; Bích Hạnh và Đỗ Tuấn – Phó ban
Ban Giáo dục: Thùy Ngân – Phó ban
Ban Thể thao: Quang Huy – Phó ban
Ban Công tác Bạn đọc: Trần Thanh Bình – Phó ban
Ban Mạng Xã hội: Kim Trí – Trưởng ban (Kim Trí trước là Trưởng ban Chính trị- Xã hội); Thu Thủy – Phó ban
Tòa soạn tiếng Anh: Thế Vinh – Thư ký tòa soạn
Ban Phóng viên Báo Điện tử: Thành Trung – Phó ban
Phòng Tài vụ: Nguyễn Tuấn – Phó phòng
Phòng Quảng cáo: Quỳnh Na – Phó phòng.Lần đầu tiên, một tòa soạn báo đã “tự cho thôi chức” một loạt lãnh đạo cấp ban/phòng của mình vì không phải Đảng viên.
Về các nhà báo cộng sản và không cộng sản ở báo Thanh niên
Tin nóng là 13 nhà báo giữ các chức phó ban, trưởng ban chuyên môn hoặc tương đương bị đồng loạt cho thôi chức vì không phải là đảng viên cộng sản đã gây ra xôn xao dư luận.
Tui biết tất cả 13 nhà báo không cộng sản nầy cũng như biết hầu hết các nhà báo cộng sản khác đang nắm giữ các cương vị từ phó ban lên đến tổng biên tập.
Báo Thanh Niên do các đảng viên cộng sản Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Công Khế lập ra vào thời kỳ bắt đầu đổi mới. Báo lúc đó chỉ có vài người trong ban biên tập là đảng viên. Báo đang cần người làm nên nhận người vào không cần truy xét lý lịch và đề bạt chức tước không cần là đảng viên cộng sản. Tui được vào làm báo và lên chức nhanh chóng vào thời kỳ đó mà không hề là đảng viên cộng sản.
Thời đó, báo TN chỉ có vài đảng viên vừa đủ lập ra một chi bộ. Các đảng viên đó phần lớn được kết nạp sau năm 75 ở các nơi khác rồi mới về làm báo. Thế hệ đó không còn ai, đã nghỉ hưu hết.
Hiện nay phần lớn đảng viên của báo là được kết nạp sau khi vào làm báo, hầu hết những đảng viên nầy tui đều biết, trong đó có những người là phóng viên do tui tuyển và đào tạo chuyên môn ban đầu.
Vậy thì những nhà báo cộng sản đó có gì khác hơn những nhà báo không cộng sản? Chẳng khác gì hết ngoài mỗi một việc lý lịch tốt hơn và muốn lên chức cao một cách bền vững để có quyền cao và lương cao hơn. Còn lý tưởng cộng sản thì sao? Tui đoan chắc 100% là các vị ấy chẳng có lý tưởng gì hết, và thậm chí chẳng biết lý tưởng cộng sản là gì.
Nay trong cơn bấn loạn cuối mùa, đảng cộng sản muốn siết chặt cái gọi là lập trường giai cấp vô sản (hình thức) trong hệ thống báo chí tuyên truyền nên ra lệnh báo phải loại bỏ những nhà báo không cộng sản ra khỏi các chức vụ của báo. Những người bị mất chức đó sẽ xuống làm phóng viên, biên tập viên, nhân viên bình thường như mọi người khác trong báo.
Việc thanh lọc nầy sẽ gây thiệt hại khá nhiều cho báo, vì tất cả những người vừa bị loại đó, theo tui biết đều là những người làm báo có chuyên môn tốt và quan trọng là họ đã tích lũy kinh nghiệm rất nhiều sau một thời gian dài giữ chức vụ.
Mà thôi, báo của đảng thì thiệt hại đảng chịu, hơi công mô mà lo.
Nhưng tại sao là báo Thanh Niên mà chưa thấy các báo khác?
Vì các báo khác, ở đây là những tờ báo quan trọng tương đương và hơn báo TN, việc đề bạt phóng viên lên chức đã được kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn phải là đảng viên cs ngay từ đầu.
Còn ở báo TN, từ thời mới thành lập và phát triển về sau đã bỏ qua tiêu chuẩn hàng đầu nầy thành thói quen kéo dài mãi đến bây giờ.
Thêm vào nữa, từ cái lò báo TN đã sản sinh ra các Nguyễn Viện, Ngô Thị Kim Cúc, Đỗ Hùng, Nguyễn Thông, Hoàng Hải Vân, Chí Thảo… nhiệt tình góp ý cho đảng quá làm đảng điên cái đầu. Chưa nói có bọn mới lướt qua báo TN có vài tháng cũng trở thành nhiệt liệt góp ý tốt cho đảng như Tuấn Khanh, Huy Đức… do vậy cộng sản phải xuống tay xiết chặt báo TN thôi, đưa nó toàn tâm trở về với giai cấp vô sản bần cố nông…
Tờ Thanh niên ngoài sạp bán bán báo – hình minh họa. Ảnh: NHAC NGUYEN
Hơn mười phóng viên, cán bộ vừa bị cho thôi giữ các chức vụ quản lý trong báo Thanh Niên vì họ không phải là đảng viên cộng sản Việt Nam.
Tin này được một số bạn bè của các phóng viên chia sẻ trên mạng xã hội hôm 23/11/2018 chỉ ít ngày sau khi một quan chức Đà Nẵng, người từng bỏ sinh hoạt đảng nhiều năm, bị công bố xóa tư cách đảng viên.
Hai vụ riêng rẽ trên xảy ra ra chỉ hơn một tuần sau việc Giáo sư Chu Hảo bị Đảng Cộng sản khai trừ vì ‘có hành vi chống đối’.
Trước đó, hôm 26/10, ông Chu Hảo, một cựu thứ trưởng, đã tuyên bố ‘từ bỏ Đảng Cộng sản’.
‘Chuẩn hóa cán bộ’
Một số nguồn tin xác nhận với BBC việc thay đổi nhân sự tại báo Thanh Niên được công bố trong cuộc họp sáng 23/11.
Được biết có 13 người hiện đang là trưởng ban, phó ban hoặc tương đương được cho ‘thôi chức’ tuy vẫn tiếp tục làm công tác chuyên môn.
Một nguồn tin khác từ TPHCM cho hay chuyện này dẫn đến tình trạng "Ban Văn nghệ của báo Thanh Niên hiện thiếu cả trưởng và phó ban" vì không có ai là đảng viên cộng sản.
Một nữ thư ký Ban Biên tập được cho tạm thời nắm Ban Văn nghệ của tờ Thanh Niên, theo nguồn tin này.
Đáng chú ý, trong số những người bị công bố thôi chức có các vị trí phó Ban Chính trị Xã hội, phó Ban Công tác Bạn đọc, trưởng và phó Ban Mạng Xã hội, và thư ký Tòa soạn tiếng Anh.
Các bộ phận khác như ban Văn nghệ, Thể thao, Phóng viên Báo Điện tử cũng bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, một số bộ phận không trực tiếp liên quan tới nghiệp vụ báo chí cũng có sự thay đổi, như Phòng Tài vụ và Phòng Quảng cáo.
Được biết ở nhiều tòa báo khác, những vị trí này thường được trao cho cán bộ là đảng viên cộng sản.
Hồi năm ngoái, Bộ Chính trị ra quy định về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Trong số các yêu cầu được nêu trong Quyết định 89 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký hôm 04/08/2017, thì những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý phải "trung thành với lợi ích của Đảng" và "chấp hành chủ trương, đường lối, quy định của Đảng" cũng như "các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng".
Họ cũng được yêu cầu phải "đặt lợi ích của Đảng, quốc gia – dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân".
Bị phạt
Hồi tháng 7/2017, báo Thanh niên đã bị phạt tiền cùng hai tờ báo khác ở Việt Nam.
Tờ Thanh Niên, có trụ sở chính ở TPHCM bị xử phạt 15 triệu đồng vì đã thông tin sai sự thật trong bài "Doanh nghiệp tặng xe sang được tỉnh "xử nhẹ" sai phạm" đăng ngày 22/2 cùng năm.
Cuối năm 2016, Bộ trưởng TT&TT khi đó là ông Trương Minh Tuấn đã ký quyết định thu hồi Thẻ nhà báo đối với ông Đặng Ngọc Hoa, Phó tổng biên tập báo Thanh Niên vì "đã bị xử lý kỷ luật cảnh cáo".
Cùng vụ việc, Tổng biên tập tờ Thanh Niên, ông Nguyễn Quang Thông cũng bị kỷ luật khiển trách.
Đồng thời, Bộ trưởng Tuấn cũng ra lệnh thu thẻ nhà báo của ông Võ Văn Khối sau khi ông Khối đã bị cách chức ủy viên Ban Biên tập, Tổng thư ký tòa soạn trang báo in Thanh Niên bản tiếng Việt.
Hồi cuối 2008, nhà báo Nguyễn Công Khế phải rời chức Tổng biên tập tờ Thanh Niên.
Sang tháng 1/2009, BBC News có bài về sự việc ông Nguyễn Công Khế, và ông Lê Hoàng, Tổng biên tập Tuổi Trẻ, "bị mất việc".
Trang web tiếng Anh của đài BBC khi đó nói đây là hai tờ báo ủng hộ "cải cách, đi đầu chống tham nhũng" ở Việt Nam.
Nhưng phải tới tháng 9/2009, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên CS Hồ Chí Minh mới bổ nhiệm ông Nguyễn Quang Thông, Phó tổng biên tập báo Thanh Niên lên giữ chức Tổng biên tập.