Cuộc sống trên sao Hỏa

Thái Bình

(TBKTSG) – Nguồn khoáng sản bauxite của Guinea ở miền Tây châu Phi đang giúp ích lớn cho các tập đoàn nhôm Trung Quốc nhưng gây thiệt hại cho cư dân địa phương. Để thủ đắc nguồn khoáng sản quý, Bắc Kinh cam kết cho Guinea vay khoản tiền lớn gấp đôi GDP của nước này. Tường thuật của báo The Economist.

clip_image002

Khai thác bauxite đã biến cảnh vật thành giống như sao Hỏa. Ảnh: Bloomberg

Trong ngôi làng nhỏ Lasanayah vùng Boké, ông Mamadou Kalissa trông coi ngôi nhà của tổ tiên. Năm ngoái, nơi đây còn là đồng ruộng nhưng bây giờ việc khai thác bauxite đã biến cảnh vật thành giống như trên bề mặt sao Hỏa, trải rộng đến ngút tầm mắt.

Vàng đỏ của Guinea là nguyên liệu chính để sản xuất nhôm. Vùng Boké ở miền Tây Guinea là nơi có trữ lượng bauxite lớn nhất thế giới. Một chiếc xe tải chở quặng bauxite chạy vụt qua, tung lên một lớp bụi đỏ khiến ông Kalissa ho sặc sụa và nhổ ra một bãi nước bọt đỏ ngầu.

Mỗi ngày hàng trăm chuyến xe tải như vậy chạy qua các thôn làng, chở quặng ra cảng để xuất sang Trung Quốc. Chuyện Trung Quốc quan tâm tới nguyên liệu thô của châu Phi không có gì mới. Các công ty khai khoáng của cả Trung Quốc và phương Tây từ lâu đã nhìn vào sự giàu có về khoáng sản của châu lục này như một cách đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của Trung Quốc.

Bauxite chế biến thành nhôm, được dùng trong rất nhiều sản phẩm, từ mạng lưới điện, máy bay tới điện thoại và nồi niêu xoong chảo. Cho đến nay, Trung Quốc là nước tiêu thụ nhiều bauxite nhất thế giới. Nhưng vào năm 2014, các tập đoàn nhôm khổng lồ của nước này gặp vấn đề lớn trong việc mua bauxite. Indonesia, một nước sản xuất nhiều bauxite, đã ngừng xuất khẩu loại quặng này vì tác hại mà việc khai thác bauxite gây ra. Hai năm sau, Malaysia chấm dứt việc khai thác bauxite cũng vì lý do tương tự. Guinea, với trữ lượng quặng sắt và bauxite chưa được đụng tới lớn nhất thế giới, đã mang lại cho Trung Quốc một nguồn cung thay thế.

Năm 2014, một công ty vận tải biển của Singapore, Winning Shipping, và một công ty logistics của Guinea, UMS, liên kết với tập đoàn Shandong Weiqiao – nhà sản xuất nhôm hàng đầu Trung Quốc, lập ra một liên doanh có tên là La Société Minière de Boké, gọi tắt là SMB. Chính phủ Guinea cũng có 10% cổ phần trong liên doanh này. SMB được giao quyền khai thác hai khu vực ở Boké. Năm 2018 chỉ riêng SMB đã sản xuất được 35 triệu tấn quặng bauxite, gần gấp đôi tổng khối lượng bauxite xuất khẩu của Guinea trong năm năm trước đó cộng lại. Tất cả đều được đưa sang Trung Quốc.

Tầm quan trọng của Guinea đối với Trung Quốc đã rõ ràng. Để bảo đảm nguồn cung cấp bauxite, Bắc Kinh đã hứa cho Chính phủ Guinea vay 20 tỉ đô la Mỹ – gấp đôi tổng sản lượng GDP của nước này – giải ngân dần trong 20 năm. Nhưng sự bành trướng của công ty SMB có cái giá của nó. Một báo cáo hồi tháng 10 của Tổ chức Quốc tế quan sát nhân quyền (HRW) cho biết Chính phủ Guinea đã bỏ qua các biện pháp bảo vệ môi trường. “Sự tập trung vào tăng trưởng đã khiến người dân địa phương phải trả giá về môi trường và cuộc sống”, Jim Wormington, nhà nghiên cứu của HRW, nhận định. Mặc dù SMB thuê mướn khoảng 17.000 lao động trực tiếp và gián tiếp nhưng người dân địa phương nói rằng, cơ hội làm việc mới không đủ để bù đắp những thiệt hại về môi trường mà họ gánh chịu. SMB thì khẳng định họ đã đóng thuế đầy đủ và thực hiện kiểm tra môi trường đúng đắn.

Dù sao, tình hình quanh các khu mỏ khai thác bauxite thật ảm đạm. SMB đã trả cho hàng ngàn dân làng tiền bồi thường một lần để được sử dụng đất đai của họ, nhưng nhiều ngôi làng vẫn bám trụ một cách nguy hiểm bên những con đường rộng mà xe tải chở quặng qua lại cả ngày lẫn đêm. Nhiều dân làng nói họ không có nước sạch bởi vì công ty khai thác mỏ đã chặn dòng hoặc làm ô nhiễm các dòng sông. SMB thì nói họ đã đào giếng cho dân làng và cung cấp nước trong các xe bồn cho đến khi đào xong giếng. Nhưng một cuộc kiểm toán do Chính phủ Guinea thuê làm hồi tháng 5-2018 cho rằng SMB “đã không giám sát môi trường” và công ty cũng không có thiết bị theo dõi phẩm chất không khí và nước.

Đã có vài dấu hiệu cải thiện: SMB nói rằng năm nay họ đã khởi sự một chương trình giám sát môi trường. Nhưng trong khoản tiền mà SMB trả cho việc khai thác quặng và nộp thuế chỉ có một số rất ít được chính quyền trung ương tái đầu tư vào địa phương. Ông Bouzigues cho biết khi công ty xây dựng xong một trạm y tế thì phải hai năm sau chính phủ mới cử bác sĩ tới điều hành. Trong một cuộc phỏng vấn với báo The Economist hồi tháng 4, ông này thừa nhận rằng SMB có thể làm nhiều hơn để cải thiện cuộc sống của người dân địa phương và bản thân ông cũng muốn làm tốt hơn nữa.

Về lý thuyết, Guinea có thể công nghiệp hóa nếu chuyển sang tinh luyện bauxite thay vì xuất khẩu nguyên liệu thô. Công ty SMB cũng đã lập kế hoạch xây dựng nhà máy tinh chế bauxite đầu tiên của Guinea vào năm 2022. Cho dù chuyện gì xảy ra, cư dân vùng Boké chỉ biết phó mặc số phận cho việc tìm kiếm thứ nguyên liệu quý giá này mà không thể làm gì khác. “Chúng tôi không thể rời bỏ nơi này. Chúng tôi không có chỗ nào khác để đến,” ông Kalissa nói và nhìn mông lung ra vùng đất đã đổi sang màu đỏ quạch.

(Từ The Economist, số ra ngày 3-11-2018)

T.B.

Nguồn: https://www.thesaigontimes.vn/281628/Cuoc-song-tren-sao-Hoa.html

This entry was posted in Mặt thật Tàu cộng. Bookmark the permalink.