GIỚI THIỆU TÓM TẮT SÁCH ĐƯỜNG VỀ NÔ LỆ (đoạn cuối)

Nguyễn Đình Cống

Chương 12- CỘI NGUỒN TƯ TƯỞNG CỦA CHẾ ĐỘ PHÁT XÍT

Nhiều người đã lầm khi cho rằng chủ nghĩa quốc xã chỉ là một vụ nổi loạn chống lại lí trí, là phong trào phi lí tính, không có một căn bản trí tuệ nào. Đấy là quan điểm sai lầm và hoàn toàn thiếu căn cứ. Học thuyết của chủ nghĩa quốc xã là đỉnh điểm của một quá trình tiến hóa tư tưởng kéo dài, trong đó có sự đóng góp của các nhà tư tưởng có ảnh hưởng vượt rất xa bên ngoài ranh giới nước Đức.

Thế thì tại làm sao cuối cùng quan điểm của một thiểu số phản động đó lại được đa số dân Đức và hầu như toàn bộ thanh niên Đức ủng hộ? Đấy không chỉ là do thất trận (chiến tranh 1914-1918), không chỉ là do những khó khăn sau chiến tranh và làn sóng dân tộc chủ nghĩa. Lại càng không phải là, như nhiều người muốn tin như thế, phản ứng của chủ nghĩa tư bản nhằm chống lại sự tiến công của chủ nghĩa xã hội. Ngược lại, chính sự ủng hộ của phái xã hội chủ nghĩa đã giúp những người có tư tưởng như thế nắm được quyền lực. Không phải tư sản mà chính là sự thiếu vắng giai cấp tư sản đủ mạnh đã giúp họ leo lên đỉnh cao quyền lực.

Giáo sư Plenge, một nhà tư tưởng lớn đã viết : “Vì trong lĩnh vực tư tưởng, Đức là nước ủng hộ triệt để nhất giấc mơ xã hội chủ nghĩa, còn trên thực tế thì Đức cũng là kiến trúc sư quyền năng nhất trong việc thiết lập hệ thống kinh tế được tổ chức một cách chặt chẽ nhất. Chúng ta là thế kỉ XX. Dù chiến tranh có kết thúc như thế nào đi nữa, chúng ta vẫn là hình mẫu cho nhân dân các nước khác. Tư tưởng của chúng ta sẽ quyết định mục đích sống cho toàn thể loài người. Lịch sử thế giới đang chứng kiến một đại hí trường, cùng với chúng ta, một tư tưởng vĩ đại mới về cuộc đời nhất định sẽ giành chiền thắng, trong khi một trong những nguyên lí mang tầm lịch sử thế giới của Anh cuối cùng nhất định sẽ sụp đổ”.

Lí tưởng được Plenge trình bày một cách rõ ràng như thế vốn được rất nhiều nhà khoa học và kĩ sư Đức cũng như hiện nay đang được các đồng nghiệp của họ ở Anh và Mĩ ủng hộ, họ chính là những người kêu gọi tổ chức toàn bộ đời sống xã hội theo kế hoạch tập trung. Đóng vai trò chủ đạo là nhà hoá học nổi tiếng tên là Wilhelm Ostwald, ông này đã phát biểu một câu nổi tiếng. Có người nói rằng ông ta đã phát biểu công khai: “Nước Đức muốn tổ chức châu Âu, cho đến nay ở đó vẫn chẳng có tổ chức gì cả. Tôi xin giải thích cho các bạn cái bí mật lớn nhất của Đức: Chúng tôi, hay có thể nói, dân tộc Đức đã phát hiện ra ý nghĩa quan trọng của tổ chức. Trong khi các dân tộc khác còn đang lặn hụp dưới chính thể cá nhân chủ nghĩa thì chúng tôi sống dưới chế độ có tổ chức rồi”.

Chương 13-  NHỮNG NGƯỜI TOÀN TRỊ GIỮA CHÚNG TA

Tác giả điểm một số tên các giáo sư, nhà lý luận có tiếng tăm ở Anh ( vào khoảng 1915-1944) đã từng viết sách, báo ủng hộ chế độ toàn trị và KHH kinh tế. Các tên này khá xa lạ với độc giả VN hiện tại ( như là : Harold Nicolson, Lỏd Mỏley, Hẻny Sidgwick, Lỏd Action A.V Dicey, Gladstone v.v..). Đặc biệt Hayek phân tích  các tác phẩm của E.H Carr (Twenty Years’s Crisis – Cuộc khủng hoảng kéo dài hai mươi năm và Conditions of Peace – Điều kiện của hòa bình).

Và cuối cùng, trừ một vài ngoại lệ, việc các học giả và các nhà khoa học sẵn sàng phục vụ cho những người cầm quyền mới là một trong những cảnh tượng gây thất vọng nhất và đáng xấu hổ nhất trong toàn bộ lịch sử ngóc đầu dậy của chủ nghĩa xã hội quốc gia. Như mọi người đều biết, chính các nhà khoa học và các kĩ sư to mồm nhất đòi dẫn dắt hành trình tiến tới một thế giới tốt đẹp hơn lại là những người sẵn sàng quỵ lụy chế độ độc tài mới hơn bất kì giai cấp nào khác.

Vai trò của giới trí thức trong việc chuyển hóa xã hội thành xã hội toàn trị đã được Julien Benda dự báo từ trước, tác phẩm Trahison des clercs (Sự phản bội của các học giả) của ông có một ý nghĩa hoàn toàn mới khi ta đọc nó hôm nay, mười lăm năm sau ngày xuất bản. Đặc biệt có một đoạn trong tác phẩm rất đáng suy nghĩ và ghi nhớ khi xem xét một vài cuộc du ngoạn của các nhà khoa học Anh vào địa hạt chính trị. Đấy là đoạn Benda nói về “Sự mê tín, tôi nhắc lại, có từ thế kỉ XIX, cho rằng khoa học có thẩm quyền về mọi lĩnh vực, kể cả lĩnh vực đạo đức. Còn phải tìm hiểu xem liệu những người tuyên truyền cho học thuyết này có thực sự tin như thế hay họ chỉ muốn khoác cho niềm đam mê của họ cái vỏ khoa học mà họ biết chắc là chẳng có gì ngoài niềm đam mê. Cần phải ghi nhận là cái giáo điều cho rằng lịch sử tuân theo các quy luật khoa học thường hay được những người ủng hộ các chính quyền độc đoán rao giảng.

Cuốn sách mỏng của C. H. Waddington với tựa đề đặc trưng The Scientific Attitude (Thái độ khoa học), là một thí dụ tốt cho loại sách mà tuần báo Nature, một tuần báo có ảnh hưởng ở Anh, tài trợ. Cuốn sách này liên kết yêu cầu cho các nhà khoa học tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực chính trị với những lời kêu gọi cháy bỏng cho việc “kế hoạch hóa” toàn diện. Mặc dù không trắng trợn khinh miệt tự do như ông Crowther, tiến sĩ Waddington cũng chẳng làm người ta ít lo ngại hơn. Nhưng ông khác với những người cầm bút viết về cùng đề tài là ông nhận thức rõ và nhấn mạnh rằng những xu hướng mà ông mô tả và ủng hộ nhất định sẽ dẫn đến hệ thống toàn trị. Song điều đó, theo ông, còn tốt hơn là cái mà ông gọi là “nền văn minh chuồng khỉ tàn bạo hiện nay”.

Muốn khảo sát một cách đầy đủ các xu xướng toàn trị khác nhau ở Anh cần phải chú ý đến những nỗ lực khác nhau nhằm tạo ra một kiểu chủ nghĩa xã hội cho các tầng lớp trung lưu, dù không nghi ngờ gì rằng các tác giả của chúng không nhận thức được, một xu hướng giống một cách đáng lo ngại với những gì đã diễn ra ở Đức thời trước khi Hitler nắm được chính quyền[11]. Còn nếu chúng ta quan tâm đến các phong trào chính trị thì chúng ta phải xem xét các tổ chức mới như phong trào Forward-March (Tiến lên) hay phong trào Common-Wealth (Thịnh vượng Chung) của Sir Richard Acland, tác giả cuốn Unser Kampi (Cuộc đấu tranh, của chúng ta), hay các hoạt động của “ủy hội 1941” của ông J. B. Priestley, có thời liên kết với phong trào bên trên. Nhưng mặc dù sẽ là sai lầm nếu coi thường các hiện tượng có tính triệu chứng nói trên, chúng vẫn không thể được coi là các lực lượng chính trị quan trọng. Ngoài những ảnh hưởng mang tính trí tuệ mà chúng tôi đã dẫn ra bằng hai thí dụ bên trên, động lực chủ yếu đưa đến chủ nghĩa toàn trị xuất phát từ hai nhóm quyền lực lớn: tư bản được tổ chức và lao động được tổ chức. Có lẽ mối đe dọa lớn nhất chính là chính sách của hai nhóm quyền lực lớn nhất này lại đang hướng về cùng một phía.

Hai nhóm này cùng ủng hộ việc tổ chức độc quyền nền công nghiệp nên thường phối hợp hành động với nhau; đây là xu hướng cực kì nguy hiểm. Không có lí do để tin rằng phong trào này là tất yếu, nhưng nếu chúng ta tiếp tục đi theo con đường mà chúng ta đã đặt chân lên thì nó nhất định sẽ dẫn chúng ta tới chế độ toàn trị.

Những người đã làm quen với lịch sử các nước lớn trên lục địa châu Âu hẳn phải lấy làm cực kì thất vọng khi nghiên cứu Cương lĩnh mới của Đảng Lao động Anh được thông qua gần đây với cam kết xây dựng “xã hội kế hoạch hóa”, được lấy từ hệ tư tưởng Đức.

Một phần tư thế kỉ trước còn có thể thông cảm với niềm tin ngây thơ rằng “xã hội được kế hoạch hóa có thể là xã hội tự do hơn xã hội cạnh tranh mà nó chuẩn bị thay thế”. …. Trong quá khứ các lực lượng truyền thống của cánh Hữu chống lại tiến bộ, đấy là hiện tượng đã xảy ra trong mọi thời đại và chẳng làm chúng ta lo lắng. Nhưng nếu vị trí của phe đối lập, cả trong các cuộc thảo luận công khai lẫn tại quốc hội sẽ trở thành sự độc quyền kéo dài của một đảng phản động thứ hai thì quả thật sẽ chẳng còn một chút hi vọng nào.

Chương 14- ĐIỀU KIỆN VẬT CHẤT VÀ MỤC ĐÍCH LÝ TƯỞNG

Thế hệ chúng ta thường hãnh diện là họ ít quan tâm đến các vấn đề kinh tế hơn các thế hệ cha ông. “Sự cáo chung của con người kinh tế” hứa hẹn trở thành huyền thoại quan trọng nhất của thời đại chúng ta. Trước khi chấp nhận lời khẳng định này hay coi sự thay đổi như thế là có ý nghĩa ta phải kiểm tra một chút xem nó đúng đến mức nào. Khi xem xét những lời kêu gọi về việc tái thiết xã hội đang vang lên mạnh mẽ khắp nơi, chúng ta đều thấy rằng tất cả đều có tính chất kinh tế: chúng ta đã thấy rằng việc “giải thích lại theo thuật ngữ kinh tế” các lí tưởng chính trị của quá khứ như tự do, bình đẳng, và an ninh là một trong những đòi hỏi cơ bản của chính những người vừa tuyên bố về sự cáo chung của con người kinh tế.

Một số người khẳng định rằng chúng ta đã học được cách làm chủ các lực lượng tự nhiên nhưng chưa biết cách phối hợp các hoạt động xã hội. Hoàn toàn đúng, nếu chỉ nói như thế. Nhưng sẽ là sai khi người ta so sánh tiếp và khẳng định rằng chúng ta cũng phải học để có thể làm chủ các lực lượng xã hội giống như chúng ta đã học được cách làm chủ các lực lượng tự nhiên vậy. Đây không chỉ là con đường dẫn tới chế độ toàn trị mà còn là con đường dẫn tới sự hủy diệt nền văn minh của chúng ta và chắc chắn sẽ chặn đứng sự tiến bộ trong tương lai. Những người kêu gọi như thế chỉ chứng tỏ rằng họ không hiểu một điều là muốn giữ những thành tựu mà chúng ta đạt được cho đến nay thì chúng ta phải tìm cách phối hợp những cố gắng của cá nhân bằng những lực lượng vô nhân xưng.

Trong quá khứ, chính sự phục tùng các lực lượng vô nhân xưng của thị trường đã tạo điều kiện cho sự phát triển của nền văn minh, không có sự phục tùng như thế thì nền văn minh không thể phát triển được

Những người cho rằng các xu hướng chính trị hiện nay đang gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với triển vọng kinh tế của chúng ta và thông qua hiệu ứng kinh tế đe dọa cả những giá trị cao hơn nhiều, lại tiếp tục tự lừa phỉnh mình rằng chúng ta đang hi sinh quyền lợi vật chất nhân danh những mục đích lí tưởng. Tuy thế, liệu năm mươi năm tiếp xúc với chủ nghĩa tập thể có nâng cao được tiêu chuẩn đạo đức của chúng ta hay sự thay đổi sẽ đi theo chiều ngược lại? Mặc dù chúng ta thường tỏ ra tự hào là nhạy cảm hơn với các bất công xã hội, nhưng hành động của mỗi người chúng ta thì lại chưa chứng tỏ được điều đó, về khía cạnh tiêu cực, thế hệ chúng ta có lẽ tỏ ra phẫn nộ hơn các thế hệ cha anh trước những bất bình đẳng của trật tự xã hội hiện hành. Nhưng ảnh hưởng của nó lên các tiêu chuẩn tích cực trong lĩnh vực đạo đức, trong các hành vi cá nhân và thái độ của chúng ta trong việc giữ vững các nguyên tắc đạo đức khi phải đối mặt với các thủ đoạn và đòi hỏi của bộ máy xã hội thì lại là vấn đề hoàn toàn khác.

Không phải là những cải tiến các định chế mà chúng ta thực hiện gần đây, chúng có vai trò nhất định, nhưng vai trò đó thật là nhỏ bé so với sự khác biệt căn bản giữa hai cách sống trái ngược nhau, mà chính là niềm tin không hề lay chuyển của chúng ta vào những truyền thống đã làm cho nước Anh và nước Mĩ trở thành quốc gia của những con người tự do, ngay thẳng, khoan dung và độc lập mới là điều đáng quan tâm.

Chương 15- TRIỂN VỌNG CỦA TRẬT TỰ THẾ GIỚI

Quan hệ quốc tế, nơi các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do thế kỉ XIX bị từ bỏ trước tiên cũng là lĩnh vực mà thế giới đã phải trả giá đắt nhất cho sự từ bỏ như thế. Nhưng chúng ta mới chỉ học được một phần nhỏ cái bài học mà kinh nghiệm chắc chắn đã dạy cho chúng ta. Có thể, hơn bất cứ lĩnh vực nào khác, ở đây các quan niệm của chúng ta về những điều chúng ta mong mỏi và những việc chúng ta có thể làm vẫn còn là những quan niệm có thể tạo ra kết quả ngược hẳn với những điều mà chúng hứa hẹn.

Những người đã phần nào nhận ra những mối nguy hiểm này thường đưa ra kết luận rằng KHH  kinh tế phải được tiến hành “trên bình diện quốc tế”, tức là bởi một chính quyền siêu quốc gia nào đó. Mặc dù việc này có thể ngăn chặn được một vài mối nguy do việc lập kế hoạch trên bình diện quốc gia tạo nên, nhưng có vẻ như những người ủng hộ các cương lĩnh đầy tham vọng như thế chưa nhận thức được rằng các đề nghị của họ sẽ tạo ra những khó khăn và nguy cơ còn lớn hơn nhiều.

Chỉ có những người hoàn toàn không nhận thức được các vấn đề mà KHH sẽ tạo ra mới nghĩ rằng có thể quản lí và lập kế hoạch cho nền kinh tế của một khu vực rộng lớn với nhiều dân tộc khác nhau. KHH trên bình diện quốc tế chắc chắn, còn hơn cả trên bình diện quốc gia, sẽ là một nền chuyên chế không che đậy, một sự áp đặt của một nhóm nhỏ lên toàn bộ xã hội các chuẩn mực và việc làm mà những người làm kế hoạch nghĩ là phù hợp cho tất cả mọi người. Đây chính là kiểu ” sản xuất lớn” mà người Đức đã nhắm tới,

Sau những lí lẽ đã trình bày trong các chương trước, có lẽ chẳng cần phải nhấn mạnh rằng chúng ta sẽ không thể vượt qua được các khó khăn nếu “chỉ” trao cho các nhà chức trách quốc tế quyền giải quyết các vấn đề kinh tế. Cái niềm tin rằng đấy chỉ là giải pháp thực tiễn xuất phát từ quan niệm sai lầm rằng KHH kinh tế chỉ là nhiệm vụ kĩ thuật, có thể được các chuyên gia giải quyết một cách hoàn toàn khách quan, còn những vấn đề thực sự quan trọng sẽ được dành cho các chính trị gia. Nhưng một tổ chức kinh tế quốc tế không bị kiểm soát bởi một tổ chức chính trị cao hơn, ngay cả nếu có bị giới hạn nghiêm ngặt trong một lĩnh vực nhất định, vẫn có thể trở thành một cơ quan quyền lực độc đoán và vô trách nhiệm nhất mà ta có thể tưởng tượng được. Việc kiểm soát độc quyền một loại hàng hóa hay dịch vụ (thí dụ như ngành hàng không) trên thực tế chính là quyền lực không hạn chế. Chúng ta cũng ít có khả năng kiểm soát được quyền lực vì hầu như tất cả mọi việc đều có thể coi là “yêu cầu kĩ thuật” mà người bên ngoài không thể nào hiểu nổi hay coi là vấn đề nhân đạo, viện cớ là cần trợ giúp một nhóm người bị thiệt thòi nào đó (có thể là đúng như thế).

Nếu được sử dụng một cách khôn khéo, các nguyên tắc liên bang có thể cung cấp giải pháp tốt nhất cho những vấn đề khó khăn nhất của thế giới hiện đại. Nhưng áp dụng nó là nhiệm vụ cực kì khó và chúng ta sẽ không thể thành công nếu bắt nó phải làm những việc vượt quá khả năng của nó.

Dĩ nhiên là việc thành lập một liên bang khu vực như vậy chưa loại bỏ khả năng xảy ra chiến tranh giữa các khối khác nhau và muốn giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh đến mức thấp nhất thì phải thành lập một hiệp hội rộng lớn hơn và lỏng lẻo hơn. Tôi cho rằng nhu cầu về một tổ chức như thế không phải là trở ngại cho việc hình thành liên hiệp gắn bó hơn giữa các nước gần gũi với nhau về văn hóa, quan điểm và tiêu chuẩn sống. Trong khi tìm cách ngăn chặn mọi cuộc chiến tranh trong tương lai, chúng ta không được ngộ nhận rằng có thể tạo ra ngay lập tức một tổ chức quốc tế đủ sức ngăn chặn mọi cuộc chiến tranh trong bất kì khu vực nào trên thế giới. Chúng ta không chỉ sẽ thất bại mà còn bỏ lỡ cơ hội giải quyết những vấn đề khiêm tốn hơn. Cũng như mọi cuộc đấu tranh chống lại cái ác khác, những biện pháp nhằm ngăn chặn chiến tranh trong tương lai có thể còn có hại hơn là chính chiến tranh nữa. Giảm thiểu nguy cơ xung đột có thể dẫn đến chiến tranh, đấy là tất cả những gì chúng ta có thể kì vọng.

Chương 16- KẾT LUẬN

Mục đích của cuốn sách này không phải là vạch ra một chương trình chi tiết cho trật tự xã hội trong tương lai. Và trong khi xem xét các vấn đề quốc tế, chúng ta đã đi hơi quá nhiệm vụ phê phán những vấn đề cơ bản vì trong lĩnh vực này chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ phải đối mặt với nhu cầu tạo ra một cơ cấu tổ chức để cho sự phát triển tương lai có thể diễn ra trong một thời gian dài. Tất cả phụ thuộc vào việc chúng ta sẽ sử dụng cơ hội đó như thế nào. Nhưng dù chúng ta có làm gì thì đấy cũng chỉ là sự khởi đầu của một quá trình khó khăn và lâu dài, trong đó tất cả chúng ta đều hi vọng có thể dần dần tạo ra một thế giới khác biệt hoàn toàn với cái thế giới mà chúng ta đã sống suốt hai mươi lăm năm qua.

Ta hoàn toàn có quyền nghi ngờ rằng trong giai đoạn này liệu việc xây dựng một kế hoạch chi tiết về cơ cấu nội tại của xã hội có mang lại nhiều lợi ích hay không; và cũng khó tin rằng có một người nào đủ sức đưa ra được kế hoạch như thế. Điều quan trọng là chúng ta phải thỏa thuận được một số nguyên tắc nhất định và giải thoát khỏi một số sai lầm đã hướng dẫn hành động của chúng ta trong thời gian qua. Dù có khó chịu đến đâu, chúng ta cũng phải công nhận rằng ngay trước chiến tranh, một lần nữa chúng ta đã ở vào giai đoạn đòi hỏi phải dọn dẹp những trở ngại do sự ngu dốt của con người tạo ra trên đường đi của chúng ta và phải giải phóng năng lượng sáng tạo của từng cá nhân thay vì tiếp tục cải tiến bộ máy “lãnh đạo” và “quản lí”, nghĩa là tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển chứ không phải là “lập kế hoạch cho sự phát triển”. Nhưng việc đầu tiên là phải giải phóng chúng ta khỏi việc tuyên truyền lừa mị rằng những việc chúng ta đã làm trong thời gian vừa qua đều là những việc khôn ngoan hoặc là không thể tránh khỏi, Chúng ta sẽ chẳng thể trở thành khôn ngoan hơn nếu không nhận thức được rằng chúng ta đã làm nhiều việc cực kì ngu xuẩn.

Nếu chúng ta đặt ra cho mình nhiệm vụ xây dựng thế giới mới thì chúng ta phải có gan khởi sự từ đầu, ngay cả khi điều đó có nghĩa là “ Lùi lại để nhảy tốt hơn”  Những người tin vào các xu hướng tất yếu, những người rao giảng về “Trật tự Mới” nghĩa là sự phóng chiếu những xu hướng từng tồn tại suốt bốn mươi năm qua, những người chẳng nghĩ được điều gì hay ho hơn là bắt chước Hitler, là những người không có dũng khí như thế. Những người kêu gọi áp đặt “Trật tự Mới” to mồm nhất chính là những kẻ bị ảnh hưởng nặng nề nhất của những thế lực đã gây nên cuộc chiến tranh vừa qua cũng như những tai họa mà nó đã gây ra cho chúng ta. Thế hệ thanh niên hoàn toàn có lí khi họ nghi ngờ niềm tin của thế hệ cha anh.

Nhưng họ sẽ lầm nếu tin rằng đấy vẫn là lí tưởng tự do của thế kỉ XIX, những lí tưởng mà thế hệ trẻ sau này hoàn toàn không biết. Mặc dù chúng ta không muốn cũng như không có khả năng quay lại thế kỉ XIX, chúng ta có điều kiện thực hiện các lí tưởng cao cả của nó. Chúng ta không có quyền có thái độ trịch thượng với thế hệ cha ông mình, không được quên rằng chính chúng ta, những người sống trong thế kỉ XX, chứ không phải là họ, đã làm cho mọi thứ rối tung lên. Nếu họ chưa biết cách tạo ra thế giới mà họ mong muốn thì với kinh nghiệm thu thập được, chúng ta đã được chuẩn bị tốt hơn cho nhiệm vụ này. Nếu chúng ta đã thất bại trong lần thử nghiệm đầu tiên trong việc tạo ra thế giới của những người tự do, chúng ta phải thử một lần nữa. Nguyên tắc thì vẫn thế, hôm nay cũng như trong thế kỉ XIX, chính sách tiến bộ duy nhất vẫn là: tự do cho mỗi cá nhân.

VÀI LỜI GIẢI THÍCH

Thời kỳ ở Pháp khi đọc được những tập tóm tắt các tác phẩm lớn, tôi rất thích thú. Nghĩ rằng đây là một cách có thể giúp nhiều người bình thường tiếp cận với tri thức nhân loại, khi họ không có đủ thời gian hoặc thiếu kiên nhẫn để đọc những bộ sách dày. Việc đọc những bộ sách như thế thường chỉ cần thiết đối với người nghiên cứu.

Khi làm tóm tắt tôi đã đọc kỹ từng chương, chọn ra những câu, những đoạn mà tôi cho là đã nêu được ý chính của chương đó, rồi chép lại nguyên văn. Chỉ thỉnh thoảng tôi mới viết vài câu với tính chất dẫn truyện. Việc  làm này khó tránh nhược điểm là sự chủ quan của người làm tóm tắt. Có thể vì một lý do không tự giác nào đó mà đã bỏ qua một số ý quan trọng, làm cho nội dung cơ bản, tư tưởng chủ đạo của tác giả chưa thể hiện được đầy đủ.

Phạm Nguyên Trường đã dịch The Road to Serfdom thành Đường về nô lệ. Tiếng Anh, từ Serfdom có nghĩa chính là chế độ nông nô hoặc tình trạng nông nô, được Việt hóa thành Nô lệ là khá chính xác, lột tả được bản chất.

ĐCSVN kết tội: “Đường về nô lệ” của F.A. Hayek “đã thổi phồng các mặt hạn chế của chủ nghĩa xã hội, đánh đồng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô với chủ nghĩa phát xít”. Kết tội như vậy, lấy cớ để thi hành kỷ luật Chu Hảo và răn đe những ai dám đọc quyển sách ấy. Tôi đoán rằng các cán bộ cao cấp của Đảng có ít người đã đọc toàn bộ sách, phần lớn chỉ là “nghe hơi nồi chõ” rồi phán bừa.

Tôi mạnh dạn làm việc tóm tắt này, hy vọng nhận được những lời phản biện của quý vị gần xa để rút kinh nghiệm. (Liên lạc : ndcong37@gmail.com;   Số ĐT 0389 578 620)

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Đường về nô lệ. Bookmark the permalink.