RFA
Người Việt Nam thực tập Pháp Luân Công vào buổi sáng tại Hà Nội. Ảnh minh họa chụp trước đây.
Vừa qua, Cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trị Việt Nam, vừa đưa ra một văn bản chỉ đạo các phòng ban về việc theo dõi, kiểm soát, hạn chế hoạt của Pháp Luân Công. “Những văn bản gây nên sự sách nhiễu”
Văn bản của Cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc Phòng Việt Nam đề ngày 23 tháng 8 năm 2018, do Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn ký tên đóng dấu.
Cụ thể văn bản được chụp lại nêu ra rằng Pháp Luân Công thời gian gần đây đã có những hoạt động mang màu sắc chính trị, phá hoại an ninh… văn bản cho rằng Pháp Luân Công mang màu sắc chính trị đối lập dưới dạng rèn luyện sức khỏe, tu sửa tâm linh. Cục Tuyên huấn còn cho rằng Pháp Luân Công lợi dụng yếu tố tâm linh nhằm lôi kéo quần chúng, đảng viên, quân đội cùng tham gia.
Qua những yếu tố vừa nêu, Cục Tuyên huấn chỉ đạo các cơ quan chính trị các cấp định hướng cán bộ công chức cùng người thân không tham gia Pháp Luân Công và các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp khác (tổ chức tôn giáo không do nhà nước kiểm soát).
Cục Tuyên huấn cũng cho rằng cần có biện pháp ngăn chặn quần chúng theo Pháp Luân Công và các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp khác trở thành cực đoan, chống đối chính quyền? Ngoài ra phải xử lý nghiêm những người cầm đầu.
Văn bản cũng yêu cầu báo chi do nhà nước kiểm soát phải tuyên truyền sự nguy hại của Pháp Luân Công và các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp khác.
Đặc biệt Cục Tuyên huấn còn chỉ đạo “Lực lượng 47” phải phản bác kịp thời thông tin trên internet và mạng xã hội cho rằng Pháp Luân Công là rèn luyện sức khỏe và tu sửa tâm linh!?
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Anh Lương Nhất Thế, học viên Pháp Luân Công tại Vũng Tàu đưa ra nhận định về văn bản chỉ đạo của Cục Tuyên huấn:
“Những văn bản như vậy là văn bản mật, nó không được công khai ra ngoài, chỉ là trong những buổi họp chi bộ. Em thấy những cái đó chỉ là thông tin cục bộ, vì những chỉ đạo liên quan pháp luật hay Hiến pháp thì phải công khai toàn dân mới được công nhận. Những văn bản như vậy theo tôi như luật rừng”.
Một học viên Pháp Luân Công khác tại Sài Gòn, Bác sĩ Minh Đức, cũng đưa ra nhận định:
“Ở Việt Nam thì chưa có một văn bản chính thức nào gởi đến cho học viên Pháp Luân Công chúng tôi. Cái văn bản của Cục Tuyên huấn vừa qua chỉ là một trong các văn bản thôi, còn rất nhiều văn bản khác, có cái của tuyên huấn, có cái của văn hóa thông tin, có cái của Văn phòng Trung ương Đảng… nhưng đều chỉ đạo hạn chế Pháp Luân Công. Những văn bản đó đã gây nên sự sách nhiễu đối với học viên Pháp Luân Công trên toàn quốc những năm qua”.
Cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trị Việt Nam, vừa đưa ra một văn bản chỉ đạo các phòng ban về việc theo dõi, kiểm soát, hạn chế hoạt của Pháp Luân Công. Hình do học viên Pháp Luân Công cung cấp
Một nữ tín đồ Pháp Luân Công không muốn nêu tên cũng cho rằng không có một văn bản chính thức nào mà cấm Pháp Luân Công cả. Chỉ có các văn bản mật này nhưng lại không công khai cho người dân. Cô nói tiếp:
“Quyền công dân của mình là hoàn toàn mình hợp pháp tập Pháp Luân Công, không sai trái gì so với pháp luật Việt Nam và quốc tế. Trong khi các văn bản của Cục Tuyên huấn lại hạn chế sự phát triển của Pháp Luân Công tại Việt Nam cũng như trên thế giới”.
Đài Á Châu Tự Do liên lạc với Cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trị Việt Nam để xác minh văn bản chỉ đạo về việc theo dõi, kiểm soát, hạn chế hoạt động của Pháp Luân Công, tuy nhiên mọi cố gắng liên lạc đều không thành công.
Nhiều bài viết trên các trang báo do Chính phủ Việt Nam quản lý cũng cho rằng thực chất của hoạt động Pháp Luân Công lại mang một màu sắc trái ngược với mục đích ban đầu…
Bị sách nhiễu, đánh đập, bắt giữ
Theo ghi nhận của Đài Á Châu Tự Do, bộ môn Pháp Luân Công là một môn tập luyện khí công được phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, có xuất xứ từ Trung Quốc, được sáng lập vào năm 1992.
Tại Việt Nam, chỉ một ít người tập luyện Pháp Luân Công hồi năm 2000 và số lượng người tham gia tăng hơn 1.500 học viên vào năm 2011, và tính đến năm 2016 có rất nhiều người tu luyện, rất nhiều điểm tập luyện Pháp Luân Công xuất hiện ở các công viên ở Việt Nam.
Tuy nhiên nhiều học viên Pháp Luân Công tại Việt Nam trong thời gian qua gặp nhiều trở ngại từ phía chính quyền, người thân của các học viên được chính quyền thông báo những thông tin sai lệch về Pháp Luân Công. Ngoài ra, chính quyền cũng gây áp lực đối với trường học, nơi học viên Pháp Luân Công theo học…
Các học viên Pháp Luân Công ở Việt Nam còn bị sách nhiễu và bị công an địa phương đánh đập, bắt giữ.
Bác sĩ Minh Đức cho biết về các trường hợp học viên Pháp Luân Công bị đàn áp thời gian gần đây:
“Năm 2017 vừa qua, có hai vụ đàn áp, thứ nhất vào ngày 2/7/2017 là hơn 40 người học viên ở Nha Trang ra công viên tập, thì họ bắt 14 người về đồn, trong đó có 1 người có thai. Rồi họ đánh đập những người bị bắt, có người ngất đi phải vào bệnh viện. Và thứ hai là vụ ở Thái Nguyên, học viên Pháp Luân Công bị bắt chỉ vì đánh trống”.
Theo Anh Lương Nhất Thế, anh và các bạn đồng tu hoạt động hoàn toàn công khai đường đường chính chính. Tuy nhiên tình trạng bức hại các học viên Pháp Luân Công thời gian gần đây là có thật:
“Cũng có trường hợp bị lấy xe máy, bị đánh đập ở các tỉnh thành, nhưng không thể thống kê con số cụ thể vì có người họ lên tiếng, nhưng cũng có người họ âm thầm chịu đựng. Ví dụ như điểm luyện công ở đồng diều Quận 8, họ mặc thường phục đến đánh đập tụi em như dân thường, làm bọn em không thể chụp hình bị công an đánh. Hoặc có những chỗ trước khi bọn em bị đánh buổi tối thì họ cúp điện, làm tụi em không quay phim được. Ai quay phim sẽ dễ dàng bị phát hiện và gặp nguy hiểm”.
Trong một lần trả lời Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết rằng, tại Việt Nam không có một văn bản nào cấm Pháp Luân Công hoạt động, chỉ có một văn bản của Ban Tôn giáo của Chính phủ nói rằng Pháp Luân Công không phải là một tôn giáo mà chỉ là cách thức tu tập để có lợi cho sức khỏe. Nhưng theo ông điều đáng nói là ngay trong chính văn bản đó lại bảo rằng không khuyến khích người dân theo môn này, dù rằng trước đó nói rằng nó có lợi cho sức khỏe.