Quốc gia cần nhìn lại

(Cafe đắng đầu tuần)

Quốc Ấn Mai

Theo báo cáo của trang carbontracker, các rủi ro kinh tế và tài chính của điện than ở Indonesia, Việt Nam và Philippines là có thật. Với việc siết chặt tín chỉ carbon (CDM)* toàn cầu trong thời gian tới thì nhiều ngành sản xuất tạo ra nhiều CO2 của Việt Nam có thể bị áp thuế xuất khẩu ở mức độ rất cao. Chính phủ cần nghiêm túc nhìn lại vấn đề này vì nó ảnh hưởng lớn không chỉ đến kinh tế quốc gia.

Báo cáo của cacbontracker cho thấy Việt Nam giống Indonesia và Philippines ở chỗ xây dựng các nhà máy năng lượng tái tạo mới rẻ hơn nhiều so với việc xây các nhà máy nhiệt điện than mới vào đầu năm 2020 và rẻ hơn so với việc điều hành duy trì các nhà máy nhiệt điện cũ trong khoảng 2027-2029.

“Theo kịch bản này, các chủ sở hữu điện than ở Việt Nam, Indonesia và Philippines cùng có nguy cơ mất tới 60 tỷ đô, khi điện than dần bị loại bỏ để đáp ứng các mục tiêu về nhiệt độ toàn cầu trong Thỏa thuận Paris. Các nhà máy than tại các quốc gia này sẽ “được nghỉ hưu” khi mới chỉ 15 tuổi, sớm hơn nhiều so với giả định vòng đời 40 năm tuổi của các nhà máy than” (Trích báo cáo).

Nghĩa là dòng tiền cho năng lượng sẽ “xoay trục”. Năng lượng tái tạo sẽ thay thế năng lượng truyền thống (nhiệt điện). Đây là một tin vui với quốc gia và là tin buồn đối với những người bán công nghệ lò hơi hay “xí phần” tro xỉ đi san lấp. Vậy Chính phủ sẽ vui hay buồn? Tôi không rõ, nhưng có một điều chắc chắn là Quy hoạch điện 7 của quốc gia (giai đoạn chưa chỉnh sửa) sẽ phải được điều chỉnh lớn và cần được nhìn nhận lại. Nói thẳng là tầm nhìn của Quy hoạch điện 7 cũ quá kém, không thấy được xu hướng của năng lượng tái tạo, ưu tiên cho nhiệt điện.

Trong số các bộ ngành liên quan đến bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch điện 7 quốc gia, Bộ Công Thương sẽ lại đóng vai trò chủ đạo. Chỉ khác là các nhiệt điện có lẽ sẽ được hạn chế hơn nữa (đã giảm 3 nhiệt điện, từ 57 nhiệt điện đến 2030, nay chỉ còn 54). Điều đáng mừng là điện mặt trời đang tăng nhanh, ví dụ Ninh Thuận bổ sung 15 dự án điện mặt trời chỉ trong 9 tháng. Đáng ghi nhận, nhưng Bộ Công Thương cần giảm nhiệt điện thêm nhiều nữa vì dù là chỗ đã hay sắp triển khai thì nhiệt điện đều đang tăng “nhiệt xã hội”.

Theo thông tin của tôi, sắp tới bản đồ chi tiết về năng lượng mặt trời sẽ được công bố. Đây là một dự án cực hay do World Bank tài trợ. Vì nó tính đến gần như từng mái nhà, sân thượng của các tòa nhà, công xưởng sử dụng điện nhiều. Dĩ nhiên tính cả những tỉnh thành có khả năng phát triển năng lượng mặt trời vào rồi.

Các thông tin trên tuy vui nhưng vẫn là… vui tạm. Vì đất nước khó mà phát triển bền vững với cách “chỉnh sửa” quy hoạch mãi như vậy. Mà thôi, vui đã, nói về việc siết tín chỉ cacbon thôi cũng sẽ là rất kinh hoàng rồi đối với các ngành sản xuất “ăn” vào môi trường rồi. Chính phủ “bắt buộc” phải ưu tiên cho các ngành sản xuất không ô nhiễm, thân thiện môi trường.

Đặt trong bối cảnh Chính phủ thực sự muốn hội nhập (WTO, TPP-11 hay sắp tới là EVFTA) thì câu chuyện dòng tiền WorldBank, ADB hay Nhật (3 chủ nợ ODA lớn nhất) sẽ phải được suy tính lại. Xét đến cùng, không có hiệp định hay khoản vay ODA, khoản tài trợ nào mà không có điều kiện đi kèm.

(Dù sao 3 chủ nợ lớn và dòng tiền năng lượng sạch vẫn đỡ hơn là “dòng tiền lạ” và công nghệ lạc hậu, ô nhiễm đã và đang hoành hành đấy ạ!)

Vui nhưng vẫn lo. Cá nhân tôi thì vẫn chỉ nhắc lại một cảnh báo cũ: Ô nhiễm quốc gia đã vượt ngưỡng và chống ô nhiễm bây giờ đúng nghĩa là “hốt lại bát nước đổ đi của những kẻ gây ô nhiễm”. Nhưng phải làm thôi, vì từ 2000 đến 2020, tỉ lệ tăng trưởng ung thư hơn 400% trong khi dân số không thể tăng tương ứng như vậy.

Quốc gia này, bao gồm tất cả các công dân của đất nước, không nghiêm túc nhìn lại vấn đề ô nhiễm; thì cuộc đếm xác trong tương lai sẽ vô cùng khốc liệt.

P/s: Đừng chỉ tin các báo cáo, hãy quan tâm xem những người xung quanh bạn hay chính bản thân có “tăng trưởng bệnh tật”, “tăng trưởng chết vì bệnh tật” hay không? Và hãy nhớ, ô nhiễm không thấy được bằng mắt thường mới đáng sợ nhất!

* Link về báo cáo cacbontracker:

https://www.carbontracker.org/reports/economic-and-financial-risks-of-coal-power-in-indonesia-vietnam-and-the-philippines/?fbclid=IwAR3G3l1vDsXz05JGWtpSiVKcTXQPd1jZD1xgQw-ecFqhvDAy7S4oF0AZxG0

* Link về nghiên cứu CDM ở VN:

http://www.academia.edu/23368398/TH%E1%BB%8A_TR%C6%AF%E1%BB%9CNG_CARBON_V%C3%80_TRI%E1%BB%82N_V%E1%BB%8CNG_T%E1%BA%A0I_VI%E1%BB%86T_NAM?fbclid=IwAR0TcAKDZ7zJk8h1jehLDTCTJFyyVkF4XVV4N8eTRyL2Bbwam9Ng3xtiNlk

M.Q.A.

Nguồn: https://www.facebook.com/quocan.mai/posts/10212228574182057

This entry was posted in Môi Trường, nhiệt điện ô nhiễm. Bookmark the permalink.