Khi lãnh đạo vô liêm sỉ

Ánh Liên

Vợ của một Chủ tịch phường Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) có nhà cao 4 tầng nhưng vẫn được vay vốn thoát nghèo. Một Bộ trường Bộ giáo dục, người từng phát biểu “Cán bộ địa phương (điều giáo viên đi tiếp khách) cũng là vì vui vẻ thôi”, có số tín nhiệm thấp nhất (137 phiếu) trong số 48 chức danh nhưng vẫn không chịu từ nhiệm.

Từ thấp đến cao, từ tổ chức đảng cho đến chính quyền nhà nước của Việt Nam hiện nay không thiếu gì ngoài hai chữ liêm sỉ. Sở dĩ như vậy là vì, bản thân những con người này sinh ra từ dối trá, và được dung dưỡng bởi dối trá, vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại liên tục đến mức một ngày, phẩm giá con người được bán đi với giá rẻ mạt, kể cả sự liêm sỉ.

Vô liêm sỉ không phải là cách nói đối với một cá nhân, mà đôi khi nó nhân lên thành thể chế.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, người đứng đầu chính phủ xã hội chủ nghĩa của một nước cộng sản độc tài, trong một phát biểu bên ngoài lãnh thổ đã tuyên bố: “Việt Nam là một quốc gia dân chủ, chúng tôi lên án mọi chế độ độc tài.”

https://1.bp.blogspot.com/-__ebYZn0wxk/W9nXJo01GJI/AAAAAAAACcw/wQdOJ10WIYc09ycKTQgVAeJpFG_eG1yDQCLcBGAs/s640/119.jpg

Ảnh minh họa.

Thực ra, ông Phúc cũng chỉ là nói theo ý đồ của nhóm lãnh đạo trong nước mà thôi, ở nơi đó, mọi quan điểm và chỉ thị đều phải rập khuôn, nơi trắng thành đen và ngược lại.

Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản VN kiêm Chủ tịch nước Việt Nam từng bày tỏ trước cử tri rằng, “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp”. Nhưng chính ông giờ đây kiêm nhiệm cả 2 chức vụ đứng đầu đảng lẫn nhà nước, vậy ai kiểm soát, làm thế nào kiểm soát? Thậm chí, Đảng do ông đứng đầu cũng ra Quy định cấm bàn về xã hội dân sự, tam quyền phân lập vì lo sợ chế độ tự diễn biến, tự chuyển hóa. Bên cạnh đó, Đảng của ông tiếp tục ban hành Luật an ninh mạng, Luật bảo vệ bí mật nhà nước với mục tiêu tối cao là ‘bảo vệ chế độ’, mà nói thẳng ra là bảo vệ Đảng CSVN trường tồn lãnh đạo, độc tài chân lý và quyền lực.

Nếu ai phản ứng lại quan điểm của ông hay những người lãnh đạo trong nhóm Bộ Chính trị, lập tức bị chụp mũ ‘suy thoái đạo đức, tự diễn biến, chuyển hóa’ để rồi với đảng viên thì bị ‘đề nghị kỷ luật’ như với trường hợp GS Chu Hảo; với thường dân thì bị chụp mũ ‘bôi nhọ lãnh đạo’ và cửa nhà tù được mở ra.

Mới đây, một nhóm an ninh đến làm việc với ông Đại tá công an về hưu Nguyễn Đăng Quang với lời đe dọa “đi đâu, gặp những ai và bàn những chuyện gì, bọn em biết hết và biết rất cụ thể”, đồng thời đề nghị vợ ông Đại tá về hưu phải khuyên bảo chồng không nên làm bốn điều, trong đó có tham gia biểu tình; lên tiếng, trao đổi những vấn đề tế nhị; không viết bài bình luận, phản biện những vấn đề nhạy cảm; không trả lời phỏng vấn đài báo nước ngoài. Những ‘đề nghị’ nêu trên của anh trung tá an ninh nếu đặt trong một bài học về nhân quyền và lập pháp tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội, thì có lẽ anh đã phải nhận hàng tá sự phản đối kịch liệt lẫn chửi bới, bởi quan điểm ‘an ninh chế độ’ mà có anh dùng quyền uy để trao đổi nó không chỉ phi nhân quyền, mà phi cả về mặt pháp luật. Nó không khác gì việc các anh ngồi xổm trên pháp luật hay lót bản Hiến pháp CHXHCN Việt Nam 2013 dưới mông.

Thế nhưng mọi sự trơ trẽn, không biết xấu hổ vẫn cứ diễn ra, vợ ông Chủ tịch phường vẫn nhận sổ hộ nghèo đến anh trung tá an ninh ngồi xổm pháp luật hay một ông lãnh đạo cấp cao của ĐCSVN vẫn cứ lên tiếng về một ‘Việt Nam dân chủ’. Đó là sự tai hại, là hệ quả từ thói tư duy áp đặt bằng bạo lực đã duy trì hơn 70 năm qua, cái thói quen ưa quyền lực này khiến cho phẩm giá con người mất đi, nhận thức lý tính về tình hình thực tiễn và mối quan hệ giữa con người với lập pháp quốc gia trở nên mơ hồ và lỏng lẻo. Nhưng không sao, ‘ĐCSVN muôn năm và vô địch’, nơi nguồn ngân sách vẫn cấp đều cho các đảng viên ‘trung thành và im lặng’ sẽ tiếp tục thực thi cái gọi là giữ bằng được quyền lực và sự độc tôn lãnh đạo của ĐCSVN, bất chấp những quy luật tự nhiên, bất chấp nó đúng hay sai về đường đi, thậm chí nếu đường đi đó có dẫn đến sự diệt vong của chính chính đảng này.

Liêm sỉ có giá trị rất hay, nó là sợi dây vô hình để đảm bảo con người ứng xử tốt hơn, hợp tình và hợp lý, và khi không còn liêm sỉ, thì con người phá cách, nỗi loạn và u mê, họ hành xử không còn đúng giá trị con người của hiện đại và văn minh, hoặc thậm chí không còn tính người bên trong. Thế nên mới có chuyện, dàn lãnh đạo thành phố HCM nhắn tin từ thiện giả bị nhà báo Trương Châu Hữu Danh vạch trần, hay những kẻ chiếm đất định cư của bà con Thủ Thiêm để bán 144,6 hecta ‘bán lại’ cho 51 công ty (văn phòng, khu vui chơi giải trí,…), sau đó đền bù cho người dân ở mức giá rẻ mạt  so với vị trí mà các hộ dân Thủ Thiêm đang ở. Ai không đi, liền bị cưỡng chế, cắt nguồn nước – điện sinh hoạt, ai tìm cách bám trụ thì tìm mọi thủ đoạn để buộc họ rời đi, theo thông tin từ Facebooker Nguyễn Thùy Dương (một người đang theo đuổi công lý cho dân oan Thủ Thiêm) cho hay trong một livestreams ngày 31.10. Điều đáng nói, sự vụ dây dưa đến mức có lúc tưởng chìm xuồng, ông Tất Thành Cang, ông Lê Thanh Hải, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm vẫn ‘trơ mặt’ với công lý và nỗi đau thương của người dân xứ đất này.

Do đó, khi ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố “Việt Nam là quốc gia dân chủ”, hay “Cương lĩnh quan trọng hơn hiến pháp” thì nó cũng chẳng khác lắm với tuyên bố của một ông Phó thủ tướng về việc, “Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai, thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Và Thủ Thiêm hay nhiều sự oan khuất khác trên cả nước cũng sẽ được giải quyết như vậy dưới mái che của Cương lĩnh đảng. Và báo chí đảng vẫn ngợi ca: Vận nước đang lên với vai trò lãnh đạo của đảng.

Một sự vô liêm sỉ đến rợn người.

A.L.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Bộ mặt thật quan chức cộng sản. Bookmark the permalink.