Phương Thảo
Hết nhà hát lại đến quảng trường – Quyết tâm! – Quyết tâm!
Quyết định xây dựng nhà hát vũ kịch ở Thủ Thiêm vấp phải sự phản đối mãnh liệt trên khắp cả nước. Những người ủng hộ dự án đã phải hứng chịu nhiều gạch đá khắp nơi. Người ta có lẽ sẽ không phản đối nếu xây nhà hát vũ kịch ở nơi khác Thủ Thiêm nơi có mấy ngàn hộ dân sống lay lắt màn trời chiếu đất trong 20 năm qua.
Người ta phản đối việc bán đất vàng ở trung tâm thành phố xây một dự án phù phiếm ở một thời điểm chưa cần thiết và trình độ thưởng ngoạn âm nhạc của đại đa số đông người Việt chưa đạt đến điểm để có thể thưởng thức loại nhạc hàn lâm.
Chuyện chưa được ngã ngũ thì Uỷ ban Nhân dân TP.HCM lại tiếp tục làm cho công chúng sốc lần thứ hai liên tiếp với đề xuất “Xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh”, trong đó có Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhà sàn, ao cá với kinh phí lên tới 2000 tỷ.
Có vẻ thành phố này đang rất dư tiền và tìm mọi cách để xài cho hết một cách vô tội vạ, theo như cách hiểu của nhiều quan chức thì tiền ngân sách phải xài cho hết vì xài không hết năm sau sẽ bị rút bớt đi.
Lần này các vị lãnh đạo đã khôn hơn khi dùng cái tên Hồ Chí Minh. UBND TP. HCM lại mong muốn sự đồng thuận bằng cái tên đã được sử dụng tràn lan ở một đất nước đã lậm căn bệnh sùng bái lãnh tụ quá nặng.Với cái tên đó, đố ai dám lên tiếng phản đối, để không ai dám phản đối.
“Không ai” ở đây chỉ ám chỉ đến các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương có thẩm quyền ra quyết định còn người dân thì đã được lãnh đạo thành phố thương tình nhét vô miệng cái câu “tình cảm của Đảng bộ và nhân dân Thành phố và nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ kính yêu” để cho khỏi dám hó hé rồi.
Cùng phản đối trên diện rộng
Nơi hứng chịu gạch đá đầu tiên là UBND TP.HCM đứng đầu là bà Quyết Tâm và các vị đã bỏ phiếu thuận một cách thần tốc để thông qua dự án 1500 tỷ đầy tai tiếng. Đồng thời các hạng mục công trình văn hoá các thể loại từ nhà hát, đến viện bảo tàng được xây từ lâu với tiền tỷ từ vốn ngân sách nhưng không được sử dụng hết công suất hoặc thậm chí bỏ hoang phế đã được báo chí và cộng đồng Facebook Việt Nam đưa ra làm minh chứng cho việc quan chức nhân danh văn hoá đã phá tang hoang tiền thuế của người dân như thế nào.
Những lời miệt thị cá nhân được sử dụng để công kích ca sỹ Mỹ Linh từ tư cách cho đến cuộc sống riêng tư được viết từ những facebooker và blogger có lượng người theo dõi cao và được chia sẻ chóng mặt. Chồng của Mỹ Linh lên tiếng bênh vợ một cách không khôn ngoan cũng đã bị vạ lây.
Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội – Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ảnh: VNN
Trong cơn phẫn uất, cộng đồng mạng đã khai quật vụ gia đình Mỹ Linh sử dụng đất rừng phòng hộ để xây biệt phủ trái phép từ và đã bị cho chìm xuồng từ năm 2015. Chưa hết những nhãn hàng do cô ca sỹ này làm đại diện còn có thể đối diện với sự tẩy chay trên toàn quốc vì một phút sẩy tay giật status.
Dân cư mạng cũng đã khai quật ra vụ mua bán nhạc cụ trị giá hàng chục triệu đô la từ nhiều năm trước và mang về để chơi khơi khơi từ đó tới giờ.
Cơn say tấn công những người ủng hộ nhà hát vũ kịch chưa dứt thì lại tiếp tục cộng hưởng thêm trận lôi đình về quảng trường mang tên người. Lần này không ai dám lên tiếng ủng hộ dự án ngoài quan chức TP.HCM. Và nỗi giận vẫn có cùng một nguyên nhân, xây một quảng trường vô bổ 2000 tỷ trên khu đất đầy oán thán của người Thủ Thiêm.
Uất hận này chồng lên uất hận khác của người Thủ Thiêm nói riêng và những người có lòng trắc ẩn với đồng bào có lẽ không có thể nào diễn tả được đối với quyết tâm xoá sạch Thủ Thiêm cho bằng được của những người đã từng hứa sẽ giúp đỡ dân oan Thủ Thiêm đòi được lại công lý. Chưa kể đến khả năng cho thực hiện các dự án siêu khủng vốn là siêu cơ hội làm giàu cho quan chức tham nhũng và che đậy những sai trái của nhau trong quy hoạch Thủ Thiêm.
Dương Đông kích Tây
Nhiều người Việt Nam chẳng may trong cơn giận dữ ấy đã mất đi sự cảnh giác. Vì mải tấn công Mỹ Linh và quan chức Sài thành mà người ta đã bỏ qua mất tầm quan trọng của sự kiện Hà Nội chính thức cho lưu hành đồng nhân dân tệ ở bảy tỉnh biên giới từ ngày 13/10/2018.
Với quyết định này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giúp cho giấc mộng bành trướng bằng đồng nhân dân tệ nhằm thay thế đồng đô la Mỹ của Trung quốc tiến thêm được một bước về phía nam.
Việc cho lưu hành hai loại tiền tệ song song nguy hại thế nào các chuyện gia đã nói đến quá nhiều trong quá khứ. Người dân thường buôn bán cũng đủ khôn ngoan để biết nên sử dụng đồng tiền mạnh hay đồng tiền yếu trong giao dịch. Và như vậy theo thời gian, việc đồng tiền yếu bị chết yểu là chuyện đương nhiên.
Tiền đồng Việt Nam chẳng phải là yếu hơn nhiều so với đồng nhân dân tệ hay sao? Tới lúc đó thì ai sẽ phải lệ thuộc vào ai? Ai có thể đảm bảo việc lưu hành đồng nhân dân tệ chỉ có diễn ra ở bảy tỉnh biên giới phía Bắc mà không theo thương lái Trung Quốc vào hết tất cả các ngóc ngách của nông thôn Việt Nam, hay các khu phố Tàu mới mọc lên sau này để phục vụ riêng cho cộng đồng công nhân Trung Quốc cùng với làn sóng du khách người Trung Quốc từ Bắc tới Nam?
Hà Nội đã rất khôn khéo khi cho Facebook đăng tải tràn ngập tin tức về nhà hát kịch và công trường ở Thủ Thiêm trong thời gian này với những lời miệt thị, chửi rủa cá nhân có phần cay độc mà không hề bị kiểm duyệt hay báo cáo – report. Dư luận đã bị lèo lái sang một hướng khác để con đường chính thức hoá đồng nhân dân tệ được khơi thông một cách êm xuôi.
UBND TP.HCM đã thu hết hoả lực về phía Thủ Thiêm để Hà Nội đã nhẹ nhàng đặt trái banh chủ quyền tiền tệ vào tay Trung Quốc. Trong khi đó còn rất nhiều người Việt vẫn còn đang nhìn mải sang phía Thủ Thiêm mà không hề cảnh giác nguy cơ mất chủ quyền tiền tệ đang lừng lững sau lưng.
P.T.
VNTB gửi BVN.