RFA 2018-10-13
Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton tại một họp báo ở Nhà Trắng, Washington DC hôm 3/10/2018. AFP
Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton mới đây lên tiếng cảnh báo Trung Quốc đã lợi dụng trật tự thế giới quá lâu trong khi Hoa Kỳ đã thất bại trong việc đối phó với Trung Quốc. Ông đồng thời cũng nói đến khả năng Mỹ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không. Ông John Bolton không nói cụ thể Mỹ sẽ hợp tác khai thác với nước nào trong số các quốc gia đòi chủ quyền ở Biển Đông bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan.
Ông John Bolton nói điều này trong cuộc phỏng vấn của chương trình Hugh Hewitt nổi tiếng của Mỹ hôm 11/10 vừa qua.
Ông John Bolton nói ông cho rằng sẽ có thêm những khai thác tài nguyên thiên nhiên ở vùng Biển Đông dù có hợp tác với Trung Quốc hay không. “Họ cần phải biết rằng họ không thể đạt được sự đã rồi tại khu vực này. Đây không phải là một tỉnh của Trung Quốc và sẽ không bao giờ là một tỉnh của Trung Quốc”, Cố vấn An ninh John Bolton nói.
Phát biểu của giới chức cao cấp chính phủ Mỹ được đưa ra sau khi có tin cho biết Hoa Kỳ có kế hoạch có những phô diễn sức mạnh ở Biển Đông vào tháng 11 tới, trùng hợp với chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Philippines.
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ có kế hoạch thực hiện một loạt các hoạt động ở Biển Đông trong thời gian một tuần để cảnh cáo Trung Quốc và cho thấy sự quyết tâm của Mỹ trong việc đối phó với những hoạt động quân sự hoá của Trung Quốc tại vùng nước tranh chấp.
Cố vấn An ninh John Bolton cũng nói đến chương trình tự do hàng hải mà Mỹ đã tiến hành ở Biển Đông trong những năm qua để thách thức các đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc ở khu vực này. Ông nói Hoa Kỳ và các nước đồng minh sẽ còn tiếp tục cho tàu đi qua khu vực này nhiều hơn trong thời gian tới.
Xem thêm:
Cập nhật tiến độ dự án mỏ Cá Voi
Xanh
– 12/10/2018
Trong công văn [của ExxonMobil] có đoạn viết: “Tuy nhiên, gần đây chúng tôi nhận được phản hồi trái chiều về việc áp dụng điều khoản này với các quan ngại về từ “hoãn”. Chúng tôi muốn làm rõ rằng đây không phải là hoãn các hoạt động của hợp đồng PSC mà chỉ là dừng một khoảng thời gian của thời hạn hợp đồng PSC cho đến khi đã ký kết các thỏa thuận, hợp đồng trong khi các đối tác vẫn tiến hành các hoạt động theo thỏa thuận hợp đồng PSC.” Đây là cơ sở tái khẳng định, Cá Voi Xanh (CVX) sẽ tiếp tục và không gián đoạn như các đồn đoán từ giới truyền thông.
Cuối tháng 9/2018, ExxonMobil vừa phát hành công văn (số Ref: D180927-1) gửi Bộ Công Thương (MOIT) đề nghị chấp thuận áp dụng điều khoản trong hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC), về việc hoãn thời hạn thực hiện hợp đồng dự án Cá Voi Xanh. Công văn cũng cập nhật sơ bộ tình hình và tiến độ các hạng mục đến hiện tại của dự án. Theo đó, ExxonMobil cho biết nhà điều hành này đã cho triển khai giai đoạn Hồ sơ thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) của dự án như đã cam kết.
Cùng với giai đoạn FEED, ExxonMobil cũng đang triển khai các hạng mục liên quan:
1/ Khảo sát địa chất & địa vật lý trên bờ và ngoài khơi.
2/ Đánh giá tác động môi trường (ESHIA & EIA).
3/ Làm việc với các ban, ngành, địa phương về giải tỏa và thuê mặt bằng dự án.
4/ Phối hợp với các đối tác trong chuỗi dự án để điều chỉnh về kế hoạch, tiến độ và mốc đầu tư.
5/ Kế hoạch thu xếp vốn.
6/ Xúc tiến bảo lãnh Chính phủ (GGU) và hợp đồng bán khí (GSAs) với 3 nhà đầu tư nhà máy điện.
Cụ thể, công văn diễn giải ExxonMobil đã và đang thảo luận với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và MOIT về việc áp dụng điều khoản 6.2.9 trong PSC để hoãn thời hạn thực hiện dự án, từ 30/11/2017 đến 29/11/2019 (2 năm). Điều khoản này cho phép thời gian để thu xếp xong bảo lãnh Chính phủ (GGU) và hợp đồng bán khí (GSAs) (như mục 6); và khoảng thời gian này sẽ không tính gộp vào thời hạn hợp đồng PSC, đã ký từ năm 2009.
Trong công văn có đoạn viết: “Tuy nhiên, gần đây chúng tôi nhận được phản hồi trái chiều về việc áp dụng điều khoản này với các quan ngại về từ “hoãn”. Chúng tôi muốn làm rõ rằng đây không phải là hoãn các hoạt động của hợp đồng PSC mà chỉ là dừng một khoảng thời gian của thời hạn hợp đồng PSC cho đến khi đã ký kết các thỏa thuận, hợp đồng trong khi các đối tác vẫn tiến hành các hoạt động theo thỏa thuận hợp đồng PSC.” Đây là cơ sở tái khẳng định, Cá Voi Xanh (CVX) sẽ tiếp tục và không gián đoạn như các đồn đoán từ giới truyền thông.
ExxonMobil đề nghị Chính phủ cho áp dụng điều khoản 6.2.9 và đó sẽ là một phần nội dung trong Kế hoạch phát triển mỏ (FDP) phê duyệt sau này, nhằm đảm bảo đủ thời gian cung cấp khí khi đầu tư vào Tổ hợp dự án, dựa trên thời hạn hợp đồng còn lại sau khi cho áp dụng điều khoản trên.
Theo thông tin mới nhất từ các bên liên quan, ExxonMobil đang đánh giá gói thầu thiết kế tổng thể – FEED (1). Theo đó, cuối tháng 12/ 2018 thì danh tính nhà thầu FEED sẽ được xác định và ký kết hợp đồng.
Dự án CVX nằm ngoài khơi trong lô 118, thuộc bể Sông Hồng, cách Quảng Nam khoảng 90 km, nằm ở mớm nước sâu hơn 250 mét.
Theo thiết kế, khí và condensate từ CVX sẽ được vận chuyển qua 2 đường ống ngầm song song về nhà máy xử lý khí trên đất liền, ở Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Từ đây, khí sẽ được cung ứng cho hai nhà máy điện ở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam và hai nhà máy tại Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Tổng công suất các nhà máy điện là 3.000 MW, nằm trong quy hoạch khí – điện miền Trung đã được Chính phủ phê duyệt.
CVX là dự án đã được Bộ Công Thương đề xuất và Chính phủ phê duyệt, là một trong những dự án trọng điểm quốc gia (đầu năm 2017). Từ năm 2013, ExxonMobil đã cùng PVN xác định phương án và kế hoạch phát triển mỏ tối ưu. Dự kiến sẽ là 1 giàn xử lý trung tâm (CPP) (2), đấu nối hệ thống thu gom khí với 2 đường ống ngầm song song đưa khí và condensate về bờ. Theo đó, quy trình và công nghệ tách khí và tạp chất sẽ được xử lý trên bờ thay vì trên giàn CPP.
ExxonMobil sở hữu 64% cổ phần trong PSC (3) (trước đây là 85%), phần còn lại trong PSC là Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP), mức 15%; PVN với 21%. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 sẽ khoảng 10 tỷ USD, cả ngoài khơi và trên bờ.
Trữ lượng mỏ CVX rất tốt, khoảng 150 tỷ mét khối khí cho vòng đời khai thác từ 20 đến 25 năm và là mỏ khí lớn nhất được phát hiện tại Việt Nam, đến hiện tại.
Ước tính, mỏ CVX có tiềm năng khai thác gần 375 triệu bộ khối khí (cubic feet) và 3.000 thùng condensate/ ngày. Doanh thu từ khí dự kiến khoảng 30 tỷ USD; doanh thu từ điện khoảng 30 tỷ USD. Tổng doanh thu trong vòng đời dự án của toàn Tổ hợp khoảng 60 tỷ USD; trong đó đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 24 tỷ USD.
Vào đầu năm 2017, PVN, PVEP và ExxonMobil đã ký 2 thỏa thuận khung (HOAs) (4), gồm thỏa thuận phát triển dự án (khung) và thỏa thuận giá bán khí (khung). Các thỏa thuận này cũng đang được các bên thúc đẩy để đi vào hợp đồng chi tiết.
Sau khi hoàn thành thiết kế FEED (5), ExxonMobil sẽ cho đấu thầu quốc tế và trong nước các gói EPCIC (6) và gia công (dự kiến quý 2/2020). PVN và ExxonMobil cho biết, mục tiêu cuối cùng là đưa được dòng khí đầu tiên về bờ vào cuối năm 2023.
Chú thích:
(1) FEED (Front End Engineering Design): Thiết kế tổng thể.
(2) CPP (Central Processing platform): Giàn xử lý trung tâm.
(3) PSC (Production Sharing Contract): Hợp đồng phân chia sản phẩm.
(4) HOAs (Project Framework Heads Of Agreement): Thỏa thuận khung.
(5) Phạm vi công việc trên bờ: Gồm phần đường ống ngầm đất, trạm phân phối khí (có thể có thêm 1 nhà máy xử lý khí) sẽ tách rời thành 1 gói thiết kế FEED và đấu thầu riêng.
(6) EPCIC: (Engineering, Procurement, Construction, Installation and Commissioning) Tổng thầu thiết kế, mua sắm, gia công chế tạo, lắp đặt và chảy thử vận hành.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Nguồn: http://nangluongvietnam.vn/news/vn/dau-khi-viet-nam/cap-nhat-tien-do-du-an-mo-ca-voi-xanh.html