Vì sao nhà cầm quyền phải để Tiến sĩ Nguyễn Quang A đi Bỉ?

Minh Quân

(VNTB) – Trong toàn bộ bức tranh u tối kinh tế ở Việt Nam đương đại, Hiệp Định EVFTA là lối thoát được Bộ Chính Trị đảng ở Việt Nam kỳ vọng nhất.

“Sáng nay 1 sĩ quan A67 gọi điện xin trao đổi 5 phút. Tôi từ chối gặp. Họ cứ đến nhà, người giúp việc mở cửa họ vào, bảo tôi có khách an ninh. Tôi từ chối tiếp. Vợ tôi nói cho họ về cách hành xử không thể chấp nhận được của họ. Rồi lên bảo tôi xuống tiếp họ vài phút. Họ thông báo họ sẽ không cản tôi đi Bỉ. Nhưng cứ dặn đi dặn lại xem lại hộ chiếu và chứng minh thư. (Rất nhiều lần). Tôi bảo hộ chiếu tôi đi cả trăm lần cho đến nay không có vấn đề gì. Nhưng ngày 18-9-2018 khi giữ tôi họ đã lấy hộ chiếu của tôi mang đi đâu đó và nếu có gì thì là do A67 gây ra. Cậu sĩ quan cứ nhắc lại cứ xem cẩn thận. Tôi dở ra và đây TRÒ MÈO của họ Đây. Tôi sinh 1946 nhưng an ninh đã dùng bút mực chữa thành 49. Tôi đi được Brussells hay không với cá nhân tôi không quan trọng, nhưng phải vạch mặt bọn tìm mọi cách phá hoại EVFTA” – Tiến sĩ Nguyễn Quang A thuật lại trong status ‘Trò bẩn của an ninh đây’ trên facebook của ông vào buổi sáng 8 tháng Mười – ngày mà ông dự kiến sẽ lên máy bay đi Bỉ vào buổi tối cùng ngày.

Ông Nguyễn Quang A tố hộ chiếu của ông bị công an cạo sửa

Chỉ đến giờ chót, Tiến sĩ Nguyễn Quang A mới được bước lên máy bay và chiếc máy bay ấy đã cất cánh đi Bỉ, sau khi Cục A67 của Bộ Công an đột ngột đưa cho ông một cuốn hộ chiếu mới tinh, được ký cùng ngày đó, thay cho hộ chiếu cũ của ông đã bị chính tay an ninh cạo sửa.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A là một trong những khách mời của Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu (thuộc Cộng đồng châu Âu) cho một cuộc điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam – sẽ được Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu tổ chức với sự có mặt của ba bên: EU, Bộ Công thương Việt Nam và một vài nhà hoạt động nhân quyền từ Việt Nam – dự kiến diễn ra vào ngày 10 tháng Mười năm 2018 tại Brussells (Bỉ), nơi hiện diện trụ sở chính của Liên minh châu Âu, để quyết định có ký chính thức EVFTA hay là không.

Vì sao Việt Nam ‘thả’ Tiến sĩ A?

Việc công an Việt Nam, và chắc hẳn được chỉ đạo bởi cấp Bộ Chính trị, không dám cấm khách mời của Liên minh châu Âu là bởi lý do đơn giản: số phận EVFTA đang trở nên quá mong manh sau ‘thành tích’ đàn áp nhân quyền quá nặng nề của nhà cầm quyền Việt Nam suốt từ giữa năm 2016 đến nay, cùng vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà đã khiến bùng lên cơn địa chấn từ Đức lan sang Slovakia và cả Pháp, Ba Lan, Nga… Nói cách khác, một phần lớn châu Âu đã được ‘mở mắt’ trước một chính thể Việt Nam luôn ra rả đầu môi chót lưỡi về quyền con người.

Sau việc nhà cầm quyền Việt Nam xử án tù giam quá bất công và nặng nề đối với các thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ – một tổ chức xã hội dân sự đã làm được nhiều hơn hẳn toàn bộ khối tổ chức hội đoàn nhà nước như Mặt trận Tổ quốc, Tổng liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên cộng sản… trong mục tiêu hỗ trợ ngư dân và giáo dân 4 tỉnh miền Trung đòi lại công lý và tiền đền bù sau thảm họa xả thải ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra vào hai năm 2016 và 2017, vào tháng Tư năm 2018 và tháng Tám năm 2018 trong các bản tuyên bố của EU đã không còn những từ ngữ “lo ngại” hay “quan ngại” như một cách biểu lộ phản ứng nhẹ nhàng hoặc vừa phải, mà là lời lẽ cứng rắn – thậm chí còn cứng rắn hơn cả mức độ cứng rắn trong bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam – mang số hiệu 2016/2755 (RSP) mà Nghị viện châu Âu tung ra vào tháng 6/2016: EU tố cáo chính quyền Việt Nam đã vi phạm trực tiếp đối với các nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam đã cam kết, trong đó có Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị với những cam kết rất cụ thể về quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận và tự do báo chí.

Với những tuyên bố trên đối với một chính thể ‘cái gì cũng ký, miễn được lợi và được tiếng’, có thể thấy EU đang dần hình thành một hồ sơ ‘cáo trạng’ đối với giới chóp bu Hà Nội để có thể đưa ra ‘truy tố’ trong không bao lâu nữa, đặc biệt trong bối cảnh vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa nhận được bất kỳ một lời xin lỗi hay cam kết ‘sẽ không tái phạm’ nào từ Hà Nội.

Khả năng Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu ký EVFTA vào tháng Mười hay tháng Mười Một năm 2018 vẫn chỉ là 50/50. Tuy một số chuyên gia Việt Nam và quốc tế luôn cho rằng EVFTA có lợi không chỉ với Việt Nam mà còn cả với các nước trong khối EU và do đó EU sẽ không siết mạnh về điều kiện nhân quyền trong hiệp định này, nhưng cho tới nay vẫn chưa có bất kỳ tín hiệu nào từ phía Cộng đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu về một lối mở dễ dàng như thế.

Sau khi TPP đổ vỡ lần đầu vào đầu năm 2017 do Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định này, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm – gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.

Giá trị xuất siêu hàng năm của hàng Việt Nam vào thị trường EU là gần tương đương với giá trị xuất siêu lên tới gần 30 tỷ USD mỗi năm của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Mỹ. Do vậy, giá trị của bản hiệp định EVFTA có cũng có giá ngang bằng với tương lai của Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ mà giới chóp bu Hà Nội đang hết sức thèm muốn.

Chính vào lúc này, quá nhiều khó khăn kinh tế đã tích tụ và chồng chất để trở thành nỗi bế tắc được định dạng ngay trên gương mặt thất thần của đảng Cộng Sản. Nếu không khẩn cấp tìm ra lối thoát kinh tế và tài chính, chẳng mấy năm nữa đảng sẽ sạch tiền, sẽ không còn tiền nuôi đội ngũ công chức viên chức “còn đảng còn mình” lên đến gần ba triệu người, cùng một lực lượng vũ trang và bán vũ trang hoặc chỉ biết đàn áp quyền làm người của dân chúng, hoặc chỉ lo làm “kinh tế quốc phòng” mà chẳng hề bảo vệ ngư dân Việt trong lúc tàu Trung Quốc hùng hổ tấn công, hành hung và bắn giết.

Trong toàn bộ bức tranh u tối kinh tế ở Việt Nam đương đại, Hiệp Định EVFTA là lối thoát được Bộ Chính Trị đảng ở Việt Nam kỳ vọng nhất.

M.Q.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Hiệp ước EVFTA. Bookmark the permalink.