Minh Quân
Rất có thể đại hội 13 của đảng cầm quyền – dự định tổ chức tận năm 2021 – sẽ được đốt cháy giai đoạn ngay tại Hội nghị trung ương 8 vào tháng Chín này với cái ghế chủ tịch nước dành thêm cho Tổng bí thư Trọng, để hình ảnh ‘choàng hai vai’ sáng chói của ông sẽ lướt qua năm 2021 mang tính thủ tục và kéo đến tận năm 2024 hoặc 2026 – tùy vào mức độ thay đổi hiến pháp.
Chẵn chục ngày sau cái chết đầy nghi vấn của Trần Đại Quang, cái chết đã khiến lộ trống cái ghế chủ tịch nước như một cơ hội trời ban, một chiến dịch PR từ không quá che giấu đến lộ liễu đã được phát pháo.
“Thời điểm chín muồi để thực hiện Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước” và “Đã đến lúc thực hiện Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước” – một hiệu lệnh được giật tít trên các trang báo đảng như Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam khi Hội nghị trung ương 8 mới bước vào ngày làm việc thứ hai.
Vẫn là cựu thần Vũ Mão – cựu Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Tôi rất mừng nếu Tổng Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước bởi đây là phương án hợp lòng dân”, và không quên thòng “niềm tin của người dân đặt vào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng mạnh mẽ”.
Vũ Mão cũng chính là một trong những quan chức được báo đảng săn đón phỏng vấn về nhân sự ứng cử viên tổng bí thư trước đại hội 12 và cũng đã không quên đề cao vai trò của nhân vật mà khi đó còn chưa được giới nhân văn cận thần đặt cho những biệt danh ngút trời không văn tự ‘Sỹ phu Bắc Hà’, ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’, ‘Minh quân’, ‘Người đốt lò vĩ đại’…
Khi đó, Vũ Mão đã tỏ ra có duyên với Nguyễn Phú Trọng, bởi những lời có cánh mà viên cựu quan chức này dành để ca tụng ông Trọng rốt cuộc đã khiến con người từng phải rút mù xoa lau nước mắt – trước một Nguyễn Tấn Dũng cười khẩy ngạo nghễ tại Hội nghị trung ương 6 năm 2012 – đã vụt trở nên ‘Tôi bất ngờ…’ bởi 100% phiếu thuận cho ứng cử viên duy nhất – chính ông ta – làm tổng bí thư tại đại hội 12.
Ba năm sau, giờ đây chiến dịch PR lần thứ hai cho Nguyễn Phú Trọng đang lao vào giai đoạn thần tốc.
Bởi chỉ trước ngày cuối cùng của tháng Chín năm 2018, vẫn chẳng có một cuộc họp nào của Bộ Chính trị để bàn về các phương án hoặc ‘chỉ định một ủy viên bộ chính trị không phải tổng bí thư làm chủ tịch nước’, hoặc ‘hợp nhất hai chức danh chủ tịch nước và tổng bí thư’, cho dù kịch bản thứ nhất, và là kịch bản đầu tiên được dư luận chú ý, đã khá xáo động kể từ sau ngày Trần Đại Quang chết, với những cái tên được xướng lên như Nguyễn Thiện Nhân, Trần Quốc Vượng, Tòng Thị Phóng, Ngô Xuân Lịch…, thậm chí có thể bầu bổ sung nhân vật đang giữ chức quyền chủ tịch nước hiện thời là Đặng Thị Ngọc Thịnh vào Bộ Chính trị.
Nhưng đến chiều ngày 30 tháng Chín năm 2018, một tin tức ngoài lề cho biết Bộ Chính trị rốt cuộc đã họp bàn về các phương án nhân sự cho cái ghế chủ tịch nước, với Nguyễn Phú Trọng có thể là ứng cử viên duy nhất chứ chẳng hề là những cái tên ủy viên bộ chính trị khác đã được dư luận nội bộ bàn tán xôn xao vào những ngày gần đây.
Hẳn là Vũ Mão là một quan chức đại diện cho tiếng nói của ‘quần chúng nhân dân’ và nằm trong một kịch bản gióng tiếng trong khung cảnh không ít ủy viên trung ương tại Hội nghị trung ương 8 còn đang ‘tâm tư’ không biết có nên bầu cho ứng cửu viên duy nhất Nguyễn Phú Trọng hay là không.
Cũng ngày càng rõ Quyền chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chỉ là phương án ‘nghi binh’, và cả những phương án Nguyễn Thiện Nhân, Trần Quốc Vượng, Tòng Thị Phóng, Ngô Xuân Lịch… cũng chỉ là một thủ thuật ‘chân gỗ’ theo truyền thống thủ đoạn ‘làm nhân sự’ – điều được thực hiện tương tự như cái cách ‘đưa ra nhiều ứng cử viên cho chức tổng bí thư nhưng đến giờ chót chỉ chọn một người’ ngay trước đại hội 12 của đảng cầm quyền, và ứng cử viên ở vào thế ‘độc cô cầu bại’ đó, chẳng phải ai khác, chính là ‘chân thật’ Nguyễn Phú Trọng.
Chẳng bao lâu nữa, Nguyễn Phú Trọng sẽ chính thức trở thành bản sao của Tập Cận Bình – nhân vật chủ tịch nước kiêm tổng bí thư của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Và cũng chẳng bao lâu nữa, ‘đại hội 13’ sẽ kết thúc với một ông vua của nền chính trị hiện đại mà blogger Huy Đức trong bài ‘Nhất thể hóa’ trên facebook của mình trùng thời điểm ngày 30/9 khi Bộ Chính trị họp, đã định hướng: “Nhất thể hoá tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam” và “Đừng sợ tập trung quyền lực vào một người’.
M.Q.