THƯ NGỎ GỬI QUYỀN CHỦ TỊCH NƯỚC

Nguyễn Đình Cống

Với tư cách một người bạn cùng khóa hồi phổ thông, sau này chúng ta lại có cơ hội gần gũi nên khá thân nhau, tôi muốn góp một vài ý thật ngắn với bạn Nguyễn Đình Cống về bức thư ngỏ này.

Bạn hãy thử đặt mình vào địa vị bà Quyền Chủ tịch nước mà xem, chính bạn có thể thực hiện được những điều mình nêu ra với bà ấy, như “Đến thăm các nhà tù, gặp gỡ các tù nhân lương tâm, tiếp nhận những lời bào chữa vô tội và tố cáo sự hà khắc của nhà tù”, hoặc “Thăm hỏi một số vùng có nhiều dân oan, bị cướp đoạt ruộng đất, đã khiếu kiện lâu dài”… hay không? Từng là đảng viên CS bạn hẳn hiểu rõ cái tổ chức đảng là thế nào rồi, nó không chỉ trói tay chân mà còn thít chặt lấy đầu óc bà ấy, làm gì cho phép bà ấy hiểu được sự tốt đẹp đáng làm trong những lời khuyên chí lý của bạn. Bạn hãy đọc bài viết của ông Bùi Quang Vơm trên trang BVN trong cùng số này thì sẽ mường tượng ra ngay tình cảnh “cá nằm trên thớt” của ông Phạm Bình Minh, một người có thể xem là hiểu biết nhất trong 19 ông bà Ủy viên BCT hiện nay. Huống chi bà Quyền Chủ tịch nước lại còn chưa được là Ủy viên BCT, chắc chắn đứng trước mặt ông Tổng Trọng chỉ có biết cúi đầu, chưa nói nếu hó hé ra điều gì đấy còn chịu một lệnh xa hơn từ tận thiên triều “ban sang” để được nhận ba món bảo bối mà vua chúa thời xưa vẫn ban xuống cho những triều thần mang tội “khi quân” gọi là “tam ban triều điển” đó bạn.

Cân nhắc “những việc đáng làm” trong thư bạn mà soi lại lịch sử thì may ra ở thế kỷ XIX chỉ có một danh sĩ dám không sợ “phép nước” – mà phép nước ở đây là tử hình – để vẫn quyết tâm thực hiện, đó là ông Cao Bá Quát, và làm xong thì lập tức phải nhận lấy cái án “giảo giam hậu” (treo cổ nhưng hãy giam lại để thi hành sau). Một phụ nữ như bà Quyền Chủ tịch nước trước nay chưa ai biết chút gì về bản lĩnh, hỏi có được cái gan cóc tía của thi sĩ lừng lẫy họ Cao hay không?

Tôi tin bạn cũng như tôi, chúng ta đều thuộc nòi tình, ít khi dám nặng lời với những người khác giới. Vì thế đây chỉ là một bức thư ngỏ nói để mà chơi. Chứ đẩy người phụ nữ ấy đến tình cảnh ông Nguyễn Bá Thanh hay ông Trần Đại Quang thì… bà ấy chẳng dại gì mà rước lấy đã đành, mà về phía mình thì cũng sẽ ân hận cả một đời đấy bạn.

Nguyễn Huệ Chi

Đoán rằng chức Quyền Chủ tịch nước của bà Đặng Thị Ngọc Thịnh chỉ trong khoảng thời gian ngắn vì Quốc hội sắp họp để bầu Chủ tịch. Tuy quyền không nhiều, thời gian ngắn, nhưng biết cách làm, biết việc cần làm thì Quyền Chủ tịch vẫn có thể làm được một số điều tốt, để lại ấn tượng đẹp. Liệu Bà đã có suy nghĩ hoặc được quân sư tư vấn về việc cần làm chưa. Tôi không dám “ mách nước” cho Bà. Chỉ là nhân chuyện vui mà viết vài dòng. Vào chiều ngày 26/9 anh bạn hỏi tôi câu sau: “Này Cống, nếu ông được làm Quyền Chủ tịch nước trong vài tuần thì sẽ làm những việc gì“. Tôi chưa trả lời ngay, cần suy nghĩ. Sáng ngày 27/9, sau “Nhất dạ sinh bá kế” tôi mới trả lời. Nghe xong bạn khen “tạm được” và khuyến khích tôi trao đổi với bà Thịnh. Tôi không có địa chỉ của Bà nên viết thư ngỏ này, may ra có ai quen biết Bà đọc được, báo cho Bà biết. Tôi đã trả lời anh bạn như sau:

Ở cương vị Quyền Chủ tịch nước trong thời gian ngắn, việc đầu tiên tôi rất muốn làm và có thể làm được ngay là GIẢI OAN cho dân chúng với các việc cụ thể sau:

1- Xét lại các án có nhiều khiếu nại, đặc biệt là các án tử hình. Nếu có dấu hiệu oan sai thì tạm tha, cho về nhà, buộc tòa án phải xét xử lại. Trong các tòa án phải nêu phương châm: “Nếu xét xử sai cho bị cáo, ngươi sẽ bị xét xử trở lại bởi người khác”.

2- Đến thăm các nhà tù, gặp gỡ các tù nhân lương tâm, tiếp nhận những lời bào chữa vô tội và tố cáo sự hà khắc của nhà tù. Nhân dip đặc biệt quốc tang, ra lệnh thả một số tù nhân lương tâm bị xử oan.

3- Thăm hỏi một số vùng có nhiều dân oan, bị cướp đoạt ruộng đất, đã khiếu kiện lâu dài.

4- Ra lệnh hủy bỏ hoặc hoãn thi hành những nghị quyết hoặc điều luật bị nhiều người phản đối vì cho rằng có hại cho dân cho nước.

5- Những tử sĩ của VNCH đều là con dân đất Việt, là đồng bào cùng nòi giống, đều yêu nước Việt, chẳng qua vì ý thức hệ nhất thời mà chém giết lẫn nhau, hãy quan tâm đến nghĩa trang, mồ mả của họ, xem đó là một trong những điều cần làm để hòa giải dân tộc.

6- Tập trung trí tuệ và tình cảm cho việc hàn gắn những vết thương về tinh thần, về tâm linh của dân tộc. Làm việc này không phải bằng sự ngạo mạn CS mà phải bằng sự bao dung và lòng ăn năn của người có đạo.

Cờ đã đến tay, dù trong thời gian ngắn. Không phất lên được sẽ làm phí hoài cơ hội, sau đó sẽ ân hận suốt đời. Nhưng phất như thế nào để đừng theo vết xe đổ, đừng để lại tiếng xấu, đừng để lại bia miệng thế gian. Điều quan trọng là luôn tâm niệm làm được việc gì có ích cho dân, cho nước, đừng nghe lời xui dại của những kẻ bất lương trong các tổ chức của ĐCS để chỉ lo trung thành với đảng và Mác Lê.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Thư ngỏ. Bookmark the permalink.