Tiền lương và tiền xăng

Trần Thành

Ông Trần Thành so sánh như trong bài là nhầm mất rồi. Dám chắc Chính phủ Việt Nam không bao giờ có cách cân nhắc tương quan – nói khí không phải – “nhẹ dạ” như ông. Nếu so sánh mức thu nhập bình quân của người dân nước ta với mức thu nhập bình quân của người dân các nước như Singapore, Hồng Kông thì đời nào cái ông Bộ trưởng Tài chính dám tăng giá xăng, và cái Ủy ban Thường vụ Quốc hội dám bỏ phiếu thông qua vô tội vạ như vừa qua cơ chứ. Mà như thế thì ngân sách lấy gì để cho Chính phủ tồn tại? Nó chẳng đang cạn kiệt phải chạy ăn từng bữa đấy là gì. Thế là ông Trần Thành “vẽ đường cho hươu chạy” đến… tuyệt lộ, trong khi người ta thì lại đang cần sinh lộ. Ai mà chịu nghe ông.

Theo chúng tôi, các ngài cầm chịch nước ta phải so sánh thế này cơ: so sánh mức thu nhập của một quan chức hạng cao hay hạng trung nước mình với một quan chức tương đương nước khác. Hãy cứ lấy ông Trần Đại Quang, người có chức vị tột khung vừa nằm xuống thì biết. Đừng nói thứ gì khác, ta hãy chỉ thử tính mà xem, một khu lăng mộ của ông Chủ tịch mà người ta hiện đang lo tấp nập xây dựng ngày đêm ở Ninh Bình đấy, to lớn hơn một ngôi mộ của một ông Thủ tướng hay Tổng thống quá cố ở những nước như Singapore, Hồng Kông…, đến bao nhiêu lần nhỉ? Có đến một nghìn lần hay không? Có khi còn phải nhân thêm với số 10 nữa thì may ra mới chính xác. Vậy thì theo cách tính của các vị đang nắm cán cân quyền lực ở nước ta, giá xăng ở Việt Nam tăng như hiện nay vẫn còn bèo chán. Còn phải tăng nữa!

Tính vậy mới là cách tính cộng sản thưa ông Trần Thành.

 
Bauxite Việt Nam

Người viết bài này có thời gian 6 tháng sinh sống ở Singapore trong vai trò đại diện của một công ty xăng dầu. Xin chia sẻ đôi điều về chuyện giá xăng ở Việt Nam so giá xăng ở Singapore, mà Bộ Tài chính của Việt Nam hay mang ra so sánh mỗi khi muốn tăng giá xăng.

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung. Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều lý do, trong đó Bộ này “trấn an” rằng tăng thuế thì giá xăng Việt Nam vẫn thấp hơn gần 120 nước.

Hủ tíu gõ lề đường rẻ hơn hủ tiếu Nam Vang trong nhà hàng!

Viện dẫn bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices ngày 10-9-2018, Bộ Tài chính tự tin giá bán lẻ xăng của Việt Nam thấp hơn tới những 116 nước, đứng thứ vị trí 49 từ thấp đến cao trong tổng số 165 quốc gia. Bộ Tài chính còn nói rằng giá bán lẻ xăng Việt Nam thấp hơn Singapore là 18.219 đồng/lít, thấp hơn Hồng Kông đến những 30.383 đồng/lít.

Hồng Kông thì tôi không rõ, chứ mang so sánh giá với Singapore kiểu căn theo số liệu trên Global Petrol Prices, là chưa trúng, mà cần phải so sánh tiếp từ một tổ chức điều tra độc lập nào đó – như Global Finance Magazine chẳng hạn – về thu nhập bằng tiền lương của người sử dụng nhiên liệu xăng cho việc đi lại ở Việt Nam và Singapore.

Những người am hiểu về kinh doanh xăng dầu đều biết rằng, không thể đơn thuần so sánh con số giá bán lẻ để công bố xăng dầu Việt Nam đắt hay rẻ. Cần tính giá xăng so với thu nhập bình quân (affordability) thì mới biết được chính xác giá xăng đắt hay rẻ.

clip_image001

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cung cấp thông tin về giá bán xăng RON 95 của các nước trong khu vực

Tháng 3-2017, Global Finance Magazine đã dựa trên dữ liệu được cập nhật của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), để tính toán xếp hạng dựa trên chỉ số GDP bình quân đầu người theo phương pháp sức mua tương đương PPP (*).

Kết quả, trong vị trí top 30 quốc gia giàu có nhất thế giới, thì Nhật đội sổ đứng thứ 30 với mức thu nhập bình quân của người dân chỉ có 38.893 USD/ năm. Hồng Kông đứng thứ 12 với 58.094 USD. Singapore xếp thứ tư với 87.082 USD. Như vậy chuyện so giá xăng bán lẻ ở một quốc gia xuất khẩu dầu mỏ như Việt Nam với đảo quốc không có tài nguyên khoáng sản nào để xuất khẩu như Singapore, như Hồng Kông là chuyện giống như khen tô hủ tíu gõ lề đường giá rẻ hơn tô hủ tíu Nam Vang bán trong nhà hàng sang trọng (!?).

Đắt thứ ba thế giới!

Rất có thể Bộ Tài chính Việt Nam không quan tâm đến những dẫn chứng kiểu của Global Finance Magazine. Vậy thì thử tìm xem con số về tiền lương bình quân của người lao động Việt Nam, với người lao động Singapore ra sao? Thật ra đây cũng là một so sánh khiên cưỡng, vì năng suất lao động của Việt Nam được nhìn nhận là kém xa Singapore; chưa kể Singapore còn có bộ máy nhà nước được đánh giá là trong sạch hàng đầu trên thế giới.

Số liệu ghi nhận của The Global Competitiveness Report 2014 – 2015, với mức lương trung bình là 3.500 USD/tháng, tại Singapore, các Kỹ sư phần mềm có thể kiếm được 72.000 USD/năm; trong khi các Bác sĩ đa khoa thường nhận được khoảng 80.000 USD/năm, giáo viên tiểu học kiếm được khoảng 34.000 USD/năm, và nhân viên phục vụ bán thời gian sẽ nhận được khoảng 1.100 USD/tháng. Thuế thu nhập cá nhân từ 0% nếu kiếm được ít hơn 22.000 SGD mỗi năm, và đến 20% đối với thu nhập trên 320.000 SGD. [1 đô la Mỹ = 1,3641 đô la Singapore vào ngày 21-09-2018] Người không cư trú sẽ phải trả một mức cố định là 15% so với tất cả thu nhập có được ở Singapore.

Còn ở Việt Nam thì mức lương được tính theo vùng miền địa phương. Mức lương tối thiểu năm 2019 với vùng 1 sẽ là 4,18 triệu đồng, tăng 200.000 đồng so hiện nay; vùng 2 là 3,71 triệu đồng, tăng 180.000 đồng; vùng 3 là 3,25 triệu đồng, tăng 160.000 đồng và vùng 4 tăng thêm 160.000 đồng lên mức 2,92 triệu đồng. [1 đô la Mỹ = 23.290 đồng Việt Nam, ngày 23-9, Vietcombank]

clip_image003

Như vậy nếu so mức lương với nhân viên phục vụ bán thời gian tại Singapore, quy đổi sang tiền Việt Nam, sẽ tương đương gần 24 triệu đồng/ tháng.

Đầu năm ngoái, Bloomberg đã làm một so sánh với mức thu nhập bình quân hàng ngày của người dân (tính theo GDP/người/ngày), kết quả giá xăng Việt Nam thuộc hàng đắt nhất thế giới. Tạm tính, GDP của Việt Nam là 1.879 nghìn tỷ đồng, còn dân số là 92,7 triệu người. Như vậy, thu nhập bình quân mỗi ngày của người dân là khoảng 111.000 đồng, và giá một lít xăng vào quý 1-2017 tương ứng 14,9% mức thu nhập này.

Theo bảng xếp hạng của Bloomberg, với mức 14,9% đó, giá xăng Việt Nam đắt thứ 3 thế giới, chỉ thua Ấn Độ (21,19%) và Pakistan (14,98%). Các nước láng giềng của Việt Nam đều có chỉ số này ở mức thấp hơn nhiều, như Indonesia (5,91%), Thái Lan (5,77%), Trung Quốc (4,45%) và Singapore (0,91%).

Bloomberg khuyến cáo việc người dân Việt Nam đang phải chịu giá xăng dầu quá cao so với thu nhập bình quân. Điều này khiến cho chỉ số cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam giảm, đời sống người dân thấp hơn so với mặt bằng khu vực.

Tăng để kiếm tiền trả nợ?

Theo kịch bản về dư nợ công năm 2018 và 3 năm tới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại “Báo cáo về thu hút, quản lý và sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài 2018 – 2020, tầm nhìn 2025”, nhiều khả năng mức nợ công năm nay sẽ đạt 3,5 triệu tỉ đồng, tương ứng 63,92% GDP. Trong đó, nợ Chính phủ hơn 2,9 triệu tỉ đồng, nợ Chính phủ bảo lãnh 559.000 tỉ đồng và nợ chính quyền địa phương 73.000 tỉ đồng. Mức bội chi ngân sách năm 2018 là 3,71% GDP.

Có lẽ vì phải lo xoay trả nợ mà Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng không mấy quan tâm tới những con số cụ thể của những nơi chuyên trách về nhận định tài chính nổi tiếng thế giới như Global Finance Magazine, The Global Competitiveness Report, hay Bloomberg.

Dường chừng ông cũng không bận tâm để ý tới đồng liêu Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – từng phát biểu trên báo chí hồi đầu năm nay, là “2017, GDP/người của Việt Nam rất thấp, tương đương 2.385 USD. Trong khối ASEAN, con số này thua Lào, chỉ hơn Campuchia và Myanmar”.

Vì nếu có liếc mắt tham khảo qua, tin rằng ông Đinh Tiến Dũng không dám mạnh miệng cho so sánh “giá bán lẻ xăng tại một số nước có trữ lượng dầu lớn và khai thác dầu thương mại như Brazil là 25.339 đồng/lít, Canada là 26.583 đồng/lít, Trung Quốc là 25.656 đồng/lít, Ấn Độ là 26.949 đồng/lít – cao hơn giá bán lẻ xăng của Việt Nam”, mà ông đã trình bày để cố gắng thuyết phục Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung.

T.T.

(*) Sức mua tương đương (hay được viết tắt là PPP xuất phát từ purchasing power parity) là một kiểu tính tỷ giá hối đoái giữa đơn vị tiền tệ của hai nước. Các nhà kinh tế học tính xem cùng một lượng hàng của cùng một thứ hàng hóa khi bán ở hai nước khác nhau bằng đơn vị tiền tệ của hai nước đó thì số tiền phải bỏ ra ra sao, rồi từ đó so sánh lượng hai đơn vị tiền tệ.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Giá xăng phi mã. Bookmark the permalink.