Chết trong lòng dân

Phạm Đình Trọng

Nguyễn Huệ Chi trả lời Mạc Văn Trang về nỗi băn khoăn trước thái độ không thiện cảm của dân chúng đối với cái chết của ông Chủ tịch nước

Tôi rất biết điều anh muốn nói mà không nói ra là chuyện “nghĩa tử nghĩa tận”, tôi cũng vậy đấy.   

Nhưng ngẫm nghĩ kỹ thì có lẽ ta phải đặt câu hỏi thế này anh Mac Văn Trang: Thử tính đếm xem chính quyền hôm nay đưa lại cho người dân được những gì? Cứ tính đếm thật sòng phẳng không để chính trị xen vào, cũng đừng vin vào quá khứ, có phải câu trả lời là zéro tròn trĩnh hay không? Thế thì người dân nào mà thương được các vị không để lại chút công tích gì khi họ ra đi, không kể là họ còn làm khốn khổ dân, mỗi anh lên là lại phá, lại cướp một ít (một nhiều) để kiếm chác, kể cả việc khi bị dân phản ứng thì đưa dân vào đồn cho dân “tự treo cổ” hoặc “ngã ngất ra chết bất thình lình”.

Năm 2009, sau hơn 6 tháng hoạt động trang Bauxite Việt Nam, tôi bị bắt đi thẩm vấn 22 ngày ròng rã. Làm việc với đám công an điều tra của Bộ, tôi vẫn còn le lói một niềm tin, rằng đám ấy còn có những người tốt. Và sau khi đối thoại với ông Thứ trưởng CA Nguyễn Văn Hưởng một buổi, tuy ai giữ quan điểm nấy nhưng tôi vẫn ngờ ngợ, tự đặt dấu hỏi: phải chăng cái Chính phủ NTD đã vạch được một sách lược nào đấy bảo đảm cho đất nước giàu mạnh, và độc lập với TQ mà mình chưa nhận được ra?

Nhưng rồi cứ mỗi năm tiếp theo thì câu trả lời đắng chát một lộ rõ hơn. Và liên tiếp đến 4 năm sau đó, đáp số tàn khốc đã phơi bày lồ lộ một cách hầu như toàn diện trước tất cả mọi người, chẳng có gì che giấu được nữa.

Vậy thì giờ đây, nhỏ lệ với Bá Kiến (vạn lần Bá Kiến) chẳng hóa ra mình còn thua đến cả chàng Chí Phèo của Nam Cao?

Nguyễn Huệ Chi

Đọc tin ông lớn Trần Đại Quang, Chủ tịch nước chết vì căn bệnh hiểm sáng 21.9.2018, tôi cứ nghĩ đến những cái chết tức tưởi, đau đớn của hàng trăm người dân trên đường phố, trong trụ sở công an, trong trại tạm giam bởi những cú ra đòn tàn độc của công an thời ông Trần Đại Quang làm Bộ trưởng Bộ Công an.

Vài dẫn chứng về những người dân bị công an đánh chết thời ông Trần Đại Quang đang đứng đầu Bộ Công an, đang đứng đầu trách nhiệm về những họa phúc do công an mang lại cho dân cho nước: Ông Nguyễn Mậu Thuận, 56 tuổi, bị đánh chết trong trụ sở công an xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội. Anh Ngô Thanh Kiều, 30 tuổi, bị công an đánh chết trong nhà tạm giam ở thành phố Tuy Hòa, Phú Yên. Em Tu Ngọc Thạch, 14 tuổi, bị công an xã Vạn Long, Vạn Ninh, Khánh Hòa đánh chết ngay trên đường cái quan số 1.

Hàng trăm người dân bị công an đánh chết vô cùng man rợ mà ông Bộ trưởng Công an vẫn dửng dưng rũ bỏ trách nhiệm, vẫn ham hố công danh, miệt mài leo lên tới chức Chủ tịch nước, tột đỉnh quyền lực. Hành xử đó là sự thách thức lương tâm con người của kẻ không còn liêm sỉ, không còn tính người. Đó là cái ác.

Trước cái chết của một con người, ai cũng ngậm ngùi, xót thương. Bảy dân thường bị chết vì sốc ma túy trong đêm hội nhạc ở công viên nước Hồ Tây, Hà Nội đêm 16.9.2018 cũng làm tôi lặng đi trong bùi ngùi xúc động. Nhưng tôi không chút xúc động khi hay tin về cái chết của ông lớn Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên là Bộ trưởng Công an, người đã trốn tránh trách nhiệm trước cái chết của hàng trăm người dân lương thiện bị công an, quân của ông Quang tước đoạt mạng sống. Dù người yếu lòng cũng không ai dành sự xót thương cho cái ác mà chỉ có sự căm giận. Dù cái ác vẫn còn nhưng bớt đi một cái ác, cuộc sống cũng nhẹ nhõm, an lành hơn.

Kế nhiệm ông Trần Đại Quang đứng đầu Bộ Công an là ông Tô Lâm. Số người dân bị công an đánh chết thời ông Bộ trưởng Tô Lâm còn dồn dập và man rợ hơn vì không có ai phải chịu trách nhiệm về cái ác của công cụ bạo lực nhà nước hoành hành mặc sức tước đoạt mạng sống của người dân.

Sự vô cảm của người dân, có người còn thở phào nhẹ nhõm trước cái chết khi còn khá trẻ của ông lớn nguyên Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang là sự nhìn nhận của lòng dân, là sự phán xét của cuộc đời, là sự cảnh tỉnh cho những người đang và sẽ kế nhiệm quyền lực và trách nhiệm của ông lớn Trần Đại Quang ở Bộ Công an.

Lòng dân là ngôi đền thiêng với những người có công với dân với nước nhưng cũng là pháp trường của cái ác, của những kẻ hại dân, phản nước. Chết trong lòng dân là cái chết đau đớn, nhục nhã nhất của một kiếp người.

P.Đ.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Trần Đại Quang. Bookmark the permalink.