Việt Nam : Chủ tịch Quốc Hội đề nghị xem lại thông tư cho dùng đồng yuan ở biên giới

Trọng Thành

clip_image002

Ảnh minh họa. Tờ bạc mệnh giá 100 nhân dân tệ. REUTERS/Jason Lee

Một thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép sử dụng đồng nhân dân tệ tại các chợ biên giới giáp với Trung Quốc, dự kiến có hiệu lực vào đầu tháng 10/2018, bị một bộ phận chuyên gia trong và ngoài nước phản đối mạnh. Hôm qua, 13/09/2018, chủ tịch Quốc Hội Việt Nam đề nghị xem xét lại thông tư, bị tố cáo là “vi hiến” này.

Theo truyền thông trong nước, trong một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam, chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng chỉ đạo xử lý các vấn đề trong dư luận liên quan đến “Thông tư số 19/2018/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc”.

Bà Ngân cũng đặt câu hỏi: Liệu việc sử dụng hai đồng tiền trên một đất nước, cho dù là tại khu vực thương mại ở biên giới, có vi hiến, vi phạm pháp luật?

Trả lời RFI tiếng Việt, nhà kinh tế học Nguyễn Quang A – đồng tác giả một bản tuyên bố phản đối Thông tư số 19 – cho biết nhận định của ông về vấn đề này:

Nguyễn Quang A: “Tôi nghĩ là bà chủ tịch Quốc hội cũng nghe dư luận ồn ào, và đặt vấn đề phải xem xét lại. Tôi nghĩ là bà ấy cũng không đọc kỹ, và cũng không hiểu lắm về vấn đề này. Quan niệm của tôi rất rõ ràng: Ở tại nước Việt Nam, chỉ được dùng đồng tiền Việt Nam, kể cả ở vùng biên giới Việt – Trung cũng vậy, ở các xã biên giới cũng vậy. Không thể có chuyện cho sử dụng đồng nhân dân tệ tiền mặt, và thậm chí cả tiền chuyển khoản ở nội địa Việt Nam.

Trong các thanh toán gọi là xuất nhập khẩu, từ trước đến nay, Việt Nam vẫn có thể thanh toán bằng rất nhiều đồng ngoại tệ khác nhau. Nhưng không phải thanh toán «xuất nhập khẩu» mà dùng đồng tiền nước ngoài, thì đó là cái mà chúng tôi phản đối.

Với tư cách là các công dân, chúng tôi chỉ có thể cất lên tiếng nói của mình, cảnh báo về những nguy cơ như vậy. Và chúng tôi cũng có thể khuyên Nhà nước một cách khác, để giải quyết những cái nhức nhối đã xảy ra nhiều năm nay, ở các vùng biên giới.

Đó là phải cấm nghiêm ngặt việc sử dụng tiền mặt nhân dân tệ, việc sử dụng tiền chuyển khoản nhân dân tệ, để thanh toán tại Việt Nam, và chỉ dùng ngoại tệ để thanh toán “xuất nhập khẩu”. Nhưng để thuận tiện cho bà con dân cư ở vùng biên giới, các ngân hàng phải tổ chức một mạng lưới đổi tiền thật dễ dàng cho bà con, kể cả với bà con người Việt Nam, cũng như bà con người Trung Quốc muốn mua hàng hóa ở biên giới. Đó là một giải pháp. Nhưng không có chuyện thanh toán bất luận là chuyển khoản, hay là tiền mặt bằng nhân dân tệ tại Việt Nam, để thanh toán các khoản chi phí, mua hàng phát sinh tại Việt Nam”.

(Ông Nguyễn Quang A cho biết thêm: hoạt động xuất nhập khẩu nói trên là các hoạt động xuất nhập khẩu «chính thống» của các công ty có tư cách pháp nhân, có trụ sở ở Việt Nam, không cứ là tại vùng biên giới. Chẳng hạn, doanh nhân có thể thỏa thuận với khách hàng Trung Quốc, lấy tiền nhân dân tệ, để bán lại cho Ngân hàng Việt Nam, đổi lấy tiền đồng Việt Nam).

Một số người cho rằng thông tư 19 là chặt chẽ, có thể giúp Việt Nam quản lý được tình trạng sử dụng nhân dân tệ tại vùng biên giới, ông nghĩ sao?

Nguyễn Quang A: “Nhiều người cũng lên tiếng là các quy định của thông tư 19 rất là rõ ràng, rất là chặt chẽ. Người ta nói là ở chợ biên giới, thì được thanh toán bằng chuyển khoản (đối với tiền nhân dân tệ), thanh toán bằng tiền mặt Việt Nam…, tức là không thể thanh toán được bằng đồng tiền mặt nhân dân tệ. Và người ta cứ tưởng như thế là chặt chẽ lắm. Chính cái điều tưởng là chặt chẽ ấy đã tiềm ẩn nguy cơ hợp thức hóa việc thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.

Thực sự đó là việc hợp thức hóa một cái chuyện đã rồi. Bởi việc người ta dùng đồng tiền mặt nhân dân tệ ở các chợ Móng Cái và Lạng Sơn đã xảy ra từ lâu rồi. Bây giờ với quy định như thế, thì dường như có vẻ rằng đó là việc cấm dùng tiền mặt, và bắt tất cả thương gia và người dân dùng qua tài khoản ngân hàng. Nhưng tôi nghĩ rằng chính quy định có vẻ là chặt chẽ này, nhưng lại vô cùng khó khăn để thực hiện. Đấy mới là cái mà chúng tôi lo lắng”.

T.T.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180914-viet-nam-quoc-hoi-thong-tu-dong-yuan-bien

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.