Lập pháp Mỹ kêu gọi trừng phạt Trung Quốc

VOA

clip_image002

Thượng nghị sỹ Marco Rubio lên án Trung Quốc đàn áp ở Tân Cương

Các lãnh đạo Cộng hòa trong một ủy ban phụ trách các vấn đề về Trung Quốc tại Quốc hội Mỹ hôm 12/9 kêu gọi chính quyền của Tổng thống Donald Trump mở rộng các lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc do sự đàn áp của Bắc Kinh đối với người Hồi giáo thiểu số ở Khu tự trị Tân Cương.

Trong một lá thư hôm 12/9, Thượng nghị sỹ Marco Rubio, chủ tịch của Ủy ban Điều hành của Quốc hội Mỹ về Trung Quốc (CECC) và Dân biểu Chris Smith, đồng chủ tịch, đã yêu cầu Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross mở rộng danh sách các cơ quan của Trung Quốc bị cấm mua các thiết bị mà họ có thể dùng để giám sát người dân.

“Do tính chất hoạt động trên khắp quốc gia của bộ máy an ninh của Trung Quốc, chúng tôi tin rằng cần phải mặc định từ chối bán bất cứ thiết bị hay công nghệ nào có thể có góp phần quan trọng và trực tiếp vào hệ thống giám sát và bắt giữ của công an (ở khu tự trị của người Uyghur tại Tân Cương),” hai ông Rubio và Smith viết trong thư.

Hôm 11/9, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng ‘đàn áp ngày càng tồi tệ’ của Trung Quốc đối với người Hồi giáo thiểu số ở Tân Cương trong lúc chính quyền Trump đang xem xét các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao và các công ty Trung Quốc có liên hệ đến các cáo buộc về vi phạm nhân quyền.

Các cuộc thảo luận trong Chính phủ Mỹ về các biện pháp trừng phạt kinh tế khả dĩ để đáp trả lại thông tin về những vụ bắt giữ hàng loạt người Uyghur và những người Hồi giáo khác đang ngày càng nóng lên. Hành động này của Bắc Kinh đã khiến cộng đồng quốc tế lên án.

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/lập-pháp-mỹ-kêu-gọi-trừng-phạt-trung-quốc/4569231.html

Đọc thêm:

1. Trại cải tạo: Bắc Kinh chỉ «giáo dục» người Duy

Ngô Nhĩ

Thụy My

clip_image004

Lực lượng an ninh Trung Quốc được tăng cường tại Tân Cương, tháng 2/2017. VCG/VCG via Getty Images

Một quan chức cao cấp Trung Quốc hôm nay 13/09/2018 khẳng định, chính quyền Bắc Kinh không bức hại người Hồi Giáo ở Tân Cương, mà chỉ «giáo dục» họ để tránh lan truyền các ý tưởng cực đoan, trong lúc các nước châu Âu thất bại trong lãnh vực này.

Đáp trả cáo buộc của Liên Hiệp Quốc theo đó có ít nhất một triệu người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương bị giam giữ trong những nhà tù và trại cải tạo, ông Li Xiaojun, giám đốc thông tin của bộ phận phụ trách nhân quyền thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc khẳng định: «Đó không phải là đối xử tệ hại». Theo ông, «Trung Quốc chỉ thiết lập các trung tâm đào tạo chuyên nghiệp, các trung tâm giáo dục».

Quan chức này nhấn mạnh: «Tuy quý vị không coi đó là cách tốt nhất, nhưng đây có lẽ là câu trả lời cần thiết cho Hồi Giáo cực đoan, bởi vì phương Tây đã thất bại trong việc kiểm soát xu hướng này (…) Hãy nhìn sang nước Bỉ hay Paris, nhìn sang các nước châu Âu khác mà xem. Quý vị đã thất bại».

Cao Ủy Nhân Quyền, bà Michelle Bachelet hôm thứ Hai 10/9 đã kêu gọi Bắc Kinh cho phép Liên Hiệp Quốc gởi các quan sát viên đến Trung Quốc để kiểm tra những thông tin về các trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ, gây giận dữ cho chính quyền Trung Quốc.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/chau-a/20180913-trai-cai-tao-bac-kinh-chi-«-giao-duc-»-nguoi-duy-ngo-nhi

2. LHQ: Trung Quốc giữ hàng triệu người Duy

Ngô Nhĩ trong các trại bí mật

Xuân Thành

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ hôm thứ Sáu (10/8) cho biết họ đã nhận được nhiều báo cáo đáng tin cậy chỉ ra rằng khoảng 1 triệu người dân tộc Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc đang bị giữ trong những nơi giống như “trại giam khổng lồ được che đậy bí mật”.

clip_image006

Cảnh sát tuần tra bên ngoài đền thờ Id Kah, ở thành phố cổ Kashgar, Khu tự trị Tân Cương vào ngày 22/3/2017. (Ảnh qua Reuters)

Phát biểu trong ngày đầu tiên của cuộc họp thường xuyên hai ngày đánh giá về hồ sơ nhân quyền Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Kông và Macao, bà Gay McDougall – thành viên của Ủy ban về Xóa bỏ Phân biệt Chủng tộc đã dẫn các báo cáo ước tính rằng 2 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng thiểu số Hồi giáo khác ở khu tự trị Tân Cương, miền tây Trung Quốc đã bị ép vào “các trại chính trị để giáo dục tuyên truyền”.

Bà Gay McDougall cho hay: “Chúng tôi rất quan tâm đến nhiều báo cáo đáng tin cậy mà chúng tôi đã nhận được chỉ ra rằng nhân danh cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và duy trì ổn định xã hội, [nhà cầm quyền] Trung Quốc đã biến khu tự trị Tân Cương thành một cái gì đó giống như một trại giam giữ khổng lồ được che đậy bí mật, một kiểu ‘khu vực không có nhân quyền’”.

Trước nay, các nhà chức trách Trung Quốc luôn nói rằng Tân Cương phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ các phần tử Hồi giáo và những kẻ ly khai có âm mưu tấn công và khuấy động mâu thuẫn giữa hầu hết thiểu số người Duy Ngô Nhĩ – những người gọi khu vực này là nhà của họ với đa số người Hán.

Theo Reuters, trong cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lần này, Trung Quốc cũng cử phái đoàn tham dự với khoảng 50 quan chức. Tuy nhiên, đoàn Trung Quốc không đưa ra bình luận về những phát biểu của bà Gay McDougall.

Trong khi đó, phái bộ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc đã đăng lên Twitter nói rằng “những báo cáo về cuộc đàn áp đang tiếp diễn đối với người Duy Ngô Nhĩ và người Hồi giáo khác tại Trung Quốc cho thấy vấn đề rất nghiêm trọng” và phía Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc hãy chấm dứt những chính sách phản tác dụng của họ và hãy thả tự do cho tất cả những người dân đã bị bắt giữ tùy tiện”.

Theo Reuters, những cáo buộc về Trung Quốc vi phạm nhân quyền nêu trên đến từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có nhóm hoạt động “Những người bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc”. Nhóm này vào tháng trước đã có báo cáo cho biết 21% những vụ bắt giữ được ghi nhận tại Trung Quốc năm 2017 là xảy ra ở Tân Cương.

Trước đó, ông Yu Jianhua – Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva nói rằng chế độ Bắc Kinh đang làm việc hướng tới bình đẳng và đoàn kết tất cả các nhóm sắc tộc.

Tuy nhiên, bà McDougall cho rằng những thành viên của cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ và người Hồi giáo khác tại Trung Quốc đang bị đối xử như “kẻ thù của nhà nước” chỉ vì họ có nền tảng bản sắc tôn giáo của họ.

Bà McDougall thông tin thêm rằng có hơn 100 sinh viên người Duy Ngô Nhĩ trở về Trung Quốc sau khi học tập tại nước ngoài như Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bắt giam, và một số thậm chí đã bị chết trong các trại giam giữ.

Fatima-Binta Dah, một thành viên khác của Hội đồng Nhân quyền đề cập tới “việc bắt giữ hàng loạt và tùy tiện gần 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ” và đã đặt câu hỏi cho phái đoàn Trung Quốc rằng: “Mức độ tự do tôn giáo hiện có cho người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc là gì, bảo vệ pháp lý tồn tại cho họ để thực hành tôn giáo là gì?”

Ngoài ra, trong cuộc họp hôm thứ Sáu (10/8), các thành viên Hội đồng Nhân quyền cũng dấy lên các báo cáo về vấn đề người Tây Tạng tại Trung Quốc đang bị ngược đãi, trong đó có việc không sử dụng đầy đủ ngôn ngữ Tây Tạng trong trường học và các thủ tục tại tòa án.

Reuters cho biết cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền đánh giá hồ sơ nhân quyền Trung Quốc sẽ còn tiếp diễn vào ngày thứ Hai (13/8.

X.T.

Nguồn: https://trithucvn.net/the-gioi/lhq-trung-quoc-giu-hang-trieu-nguoi-duy-ngo-nhi-trong-cac-trai-bi-mat.html

3. Người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc: Như bầy

cừu chờ bị thịt

Đức Trí 

“Có hàng đoàn xe tăng trên đường, cứ 100 mét lại có một lô cốt cảnh sát, cảnh sát quét chứng minh thư của mọi người và cả nội dung trên điện thoại của họ”.

Năm ngoái, khi Almas Nizamidin trở về Urumqi, thủ phủ của Tân Cương để tìm lại vợ mình bị nhà cầm quyền Trung Quốc bắt giam mà không qua xét xử, anh đã không thể nhận ra thành phố nơi mình từng lớn lên.

clip_image008

Anh Almas Nizamidin, 27 tuổi, kêu gọi chính phủ Úc giúp giải cứu vợ và mẹ của mình đang bị giam cầm trong trại cải tạo tại Tân Cương, Trung Quốc (Ảnh: ABC News)

Almas rời Trung Quốc năm 2009 và trở thành công dân Úc từ năm 2014. Anh đã bay về Tân Cương trong năm 2017 ngay sau khi nghe tin vợ mình bị cảnh sát thường phục của chính quyền bắt giữ. Trong một bài phỏng vấn với ABC News, anh nói những gì mình chứng kiến tại quê hương đã làm anh bị sốc:

“Có hàng đoàn xe tăng trên đường, cứ 100 mét lại có một lô cốt cảnh sát, cảnh sát quét chứng minh thư của mọi người và cả nội dung trên điện thoại của họ”.

“Nó giống như một cuộc chiếm đóng”.

Almas nói rằng vào tháng 3 năm 2017, vợ anh bị bắt để “cải tạo”, nhưng sau đó lại bị tuyên án 7 năm – khi đó cô ấy đang mang bầu 2 tháng.

Anh nói rằng tội của cô, theo nhà cầm quyền là “cực đoan tôn giáo”, bởi vì cô từng học tập Hồi giáo ở Trung Đông.

Cặp đôi vợ chồng này là người Duy Ngô Nhĩ, một nhóm sắc tộc nói tiếng Turk (Trung Quốc gọi là Đột Quyết) tại vùng tự trị Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương. Hầu hết người Duy Ngô Nhĩ theo Đạo Hồi và Hồi giáo là một phần quan trọng trong văn hóa của dân tộc này.

Nhưng hiện tại Bắc Kinh đang thúc đẩy chiến dịch “học tập cải tạo” mà nhiều nhà phê bình chỉ trích là nhằm “thanh tẩy sắc tộc” đối với những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, vốn mang bản sắc khác biệt với người Hán và vẫn giữ được bản sắc của mình sau 3 thập kỷ.

Theo các báo cáo gần đây của ủy ban đối ngoại Mỹ, từ đầu năm ngoái, ít nhất hàng trăm nghìn người, thậm chí có thể hơn 1 triệu người dân tộc thiểu số – phần lớn là người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương – đã bị bắt giam trong những trại cải tạo khổng lồ do Bắc Kinh lập ra.

“Chiến dịch này là hoạt động bắt nhốt quy mô lớn đối với một dân tộc thiểu số trên thế giới ngày nay”, một hội đồng của Mỹ về Trung Quốc kết luận hồi tháng 4.

Nhiều người Duy Ngô Nhĩ đã tìm cách tới Úc để được phép tiếp tục tự do thực hành tín ngưỡng của mình. Hiện có một cộng đồng khoảng 3.000 người Duy Ngô Nhĩ, chủ yếu sống tại Adelaide, miền nam nước Úc. Trang ABC News của Úc đã phỏng vấn khoảng 20 người Duy Ngô Nhĩ, trong đó hầu hết đều có người nhà hoặc bạn bè bị bắt tại Trung Quốc. Nhiều người từ chối trả lời câu hỏi bởi lo sợ những lời của họ có thể khiến người nhà ở Trung Quốc phải trả giá.

“Hãy hỏi Almas, anh ấy đã mất hết tất cả, vì thế anh ta nói được”, một người Duy Ngô Nhĩ tại Melbourne nói với đài ABC.

Bắt nhốt hàng loạt, Chủ nghĩa Xã hội Trung Quốc tiến vào “thời kỳ mới”.

Nhà cầm quyền Bắc Kinh gần như luôn từ chối trả lời các câu hỏi liên quan tới vấn đề nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ. Gần đây Bộ Ngoại giao Trung Quốc có nói với phóng viên rằng Bắc Kinh “không biết có tình trạng này” đồng thời khẳng định họ bảo vệ quyền của người ngoại quốc, ám chỉ những người Duy Ngô Nhĩ đã có hộ chiếu Úc quay về quê hương để tìm cách giúp đỡ thân nhân.

Theo đài ABC của Úc, số lượng bị giam giữ trong “các trại cải tạo” xấp xỉ 10% dân số của toàn bộ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Trong các trại cải tạo, họ bị bắt phải thề từ bỏ tôn giáo của mình, hô vang khẩu hiệu của ĐCSTQ, xem các video tuyên truyền của ĐCSTQ và thề trung thành với Đảng trong tình trạng chen chúc từ các ô giam quá đông của các nhà tù được lập lên trên khắp Tân Cương.

clip_image010

Từ những năm 1990, Trung Quốc đã bắt đầu cuộc đàn áp đối với dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương sau khi dân tộc này lên tiếng đòi độc lập.

Trong vòng 3 thập kỷ qua, đã có vô số các báo cáo về đàn áp tự do tôn giáo và phân biệt đối xử đối với cộng đồng người Hồi giáo ở đây, tuy nhiên chiến lược “bắt nhốt cải tạo quy mô lớn” mới được tiến hành từ năm 2017, trùng hợp với tuyên bố của Bắc Kinh rằng Chủ nghĩa xã hội tại Trung Quốc đang tiến nhập vào “thời kỳ mới”, theo giảng viên môn lịch sử Trung Quốc hiện đại David Brophy tại Đại học Sydney.

“Sự hiện diện của một cộng đồng thiểu số lớn, bất mãn [với chính quyền] đơn giản là không phù hợp với tầm nhìn của Bắc Kinh về một quốc gia đoàn kết nhằm hiện thực hóa cái mà ông Tập Cận Bình gọi là “Giấc mộng Trung Hoa””, tiến sĩ Brophy nói.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền cho rằng nỗ lực của Bắc Kinh, lấy lý do dập tắt “ảnh hưởng từ bên ngoài” và “chủ nghĩa cực đoan tôn giáo”, sử dụng công nghệ giám sát hàng loạt hiện đã tiến triển thành một chiến dịch rộng lớn và có toàn quyền nhắm tới bất kỳ cá nhân người Duy Ngô Nhĩ nào bị tình nghi là không trung thành với Đảng – tức là bất cứ người Duy Ngô Nhĩ nào dám bày tỏ bản sắc tôn giáo và văn hóa của mình, dù ôn hòa hay không.

“Tại Tân Cương, là người Duy Ngô Nhĩ là phạm tội lớn, là người dân tộc thiểu số là có tội”, anh Nizamidin nói.

“Con người, giống như bầy cừu chờ bị làm thịt, đã mất hết hy vọng”.

Một số nội dung trong “các trại cải tạo” của Trung Quốc làm người ta nhớ lại thời kỳ Đại cách mạng văn hóa khiến hàng triệu người chết oan.

“Việc nhắm tới sắc tộc và tôn giáo của toàn bộ một cộng đồng dân tộc và áp dụng bắt nhốt cải tạo hàng loạt làm dội lại một thời kỳ quá khứ vô cùng đen tối”, giáo sư sử học James Millward từ đại học Georgetown, Úc, nói.

Đ.T.

Nguồn: https://trithucvn.net/the-gioi/nguoi-duy-ngo-nhi-o-trung-quoc-nhu-bay-cuu-cho-bi-thit.html

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.