Không nói không đành, mà nói thì: Ôi, đàn gảy tai trâu! Cứ xem các bài tiểu luận rất sát sóng của ông Nguyễn Lương Hải Khôi viết từ Tokyo thì biết, toàn bộ tư duy chiến lược về đường sắt cao tốc Việt Nam hóa ra giới tinh hoa Nhật Bản đã bao sân cho từ A đến Z rồi, cần gì trí thức bản xứ đóng góp nữa cho thêm rắc rối.
Phan Hoàng
Ngày 4.6.2010 Chính phủ đã có báo cáo giải trình bổ sung về “dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP Hồ Chí Minh” gửi Quốc hội. Về cơ bản Chính phủ vẫn giữ nguyên chính kiến của mình và đưa ra những giải thích thêm cho những lựa chọn đề nghị Quốc hội thông qua vào ngày 16.6 tới.
Bài này chỉ muốn bàn về vài con số về tổng đầu tư mà báo cáo bổ sung nêu ra.
Tổng mức đầu tư vẫn như cũ là 55,88 tỉ USD, phân ra đầu tư cho kết cấu hạ tầng 30,88 tỉ (từ nguồn vốn ngân sách), cho phương tiện 9,587 tỉ (do doanh nghiệp huy động và vay với sự bảo lãnh của Nhà nước), dự phòng 7,285 tỉ. Các khoản chi khác được nêu trong báo cáo đầu tư, không lặp lại ở báo cáo bổ sung, là: chi phí bồi thường 1,791 tỉ USD; quản lý dự án 1,05 tỉ USD; tư vấn 3,83 tỉ USD; chi khác 1,415 tỉ USD. Lưu ý là con số chính xác đến 3 chữ số thập phân (triệu USD) chứng tỏ tính toán khá chi tiết, không có gì thay đổi so với báo cáo đầu tư trước đó.
Để lý giải tổng đầu tư chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ của GDP, báo cáo bổ sung có một giải thích rất lạ kỳ để cho ra các con số rất đẹp. Theo báo cáo, tổng nhu cầu vốn cho các dự án giao thông vận tải từ nay đến 2020 (trong 10 năm) là 89 tỉ USD.
Rồi báo cáo bổ sung đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng của Việt Nam (với mức tăng GDP 5,5%/năm, 6,5%/năm và 7,5%/năm) và tính tổng GDP của cả mười năm đó theo mỗi kịch bản (tương ứng sẽ là 1236,1 tỉ USD, 1308,8 tỉ USD và 1390,6 tỉ USD). Lấy 89 tỉ USD chia cho các con số tương ứng và rút ra kết luận:
a) Lượng vốn cần huy động cho toàn ngành giao thông vận tải giai đoạn từ nay đến năm 2020 chiếm 7,2% GDP (89 tỉ), nếu tính riêng đường sắt cao tốc chiếm 1,7% GDP (21 tỉ), theo kịch bản GDP tăng 5,5%.
b) Lượng vốn cần huy động cho toàn ngành giao thông vận tải giai đoạn từ nay đến năm 2020 chiếm 6,8% GDP; nếu tính riêng đường sắt cao tốc chiếm 1,6% GDP, theo kịch bản GDP tăng 6,5%.
c) Lượng vốn cần huy động cho toàn ngành giao thông vận tải giai đoạn từ nay đến năm 2020 chiếm 6,4% GDP; nếu tính riêng đường sắt cao tốc chiếm 1,5% GDP, theo kịch bản GDP tăng 7,5%.
STT | Kịch bản tăng trưởng (%GDP/năm) | GDP năm 2010 (tỉ USD) | Tổng GDP sau 10 năm (tỉ USD) | % đầu tư với tổng GDP 10 năm tới |
1 | 5.5 % | 92 tỉ | 1236.1 tỉ | 1.7% |
2 | 6.5 % | 92 tỉ | 1308.8 tỉ | 1.6% |
3 | 7.5 % | 92 tỉ | 1390.6 tỉ | 1.5% |
Chỉ lưu ý hai điểm ở đây.
Thứ nhất, báo cáo bổ sung nói từ 2012 đến 2025 mức đầu tư trung bình là 1,6 tỉ/năm (cho 13 năm là 20,8 tỉ khá sát với số 21 tính từ quy tắc tam suất nêu ở điểm a) kể trên), nhưng nếu tính cho giai đoạn từ nay đến 2020 thì mới chỉ đầu tư cỡ 13 tỉ USD và các con số phần trăm còn đẹp hơn nữa (0,9%, 0,97% và 1 % so với 1,5 %, 1,6% và 1,7%).
Thứ hai, những con số phần trăm 1,5 %, 1,6% và 1,7% GDP của báo cáo bổ sung xem ra rất ấn tượng, chẳng đáng là bao (đó là chưa kể cách tính có vẻ hợp lý và đẹp hơn)! Nhưng nếu tăng mẫu số bằng cách kéo dài thời gian tính, thí dụ đến 2050 chẳng hạn (khi không còn phải đầu tư tiếp nữa cho đường sắt cao tốc sau 2035), thì con số sẽ gần bằng 0% và như thế còn đẹp hơn rất nhiều. Không ai đi tính tỉ lệ như vậy cả.
Có lẽ mấy con số này là để so sánh với con số của Nhật Bản 50 năm trước mà GS Trần Văn Thọ đưa ra (Nhật làm dự án đường sắt cao tốc đầu tiên năm 1959 hoàn thành 1964 với kinh phí 380 tỉ yen, chỉ bằng 2,4% tổng sản phẩm quốc dân (GNP) năm 1960) thì thấy tỉ lệ của Việt Nam cũng rất thấp. Nhưng ai cũng biết sự so sánh thế là quá khập khiễng, thường phải lấy mẫu số là GDP của một năm nào đó chứ không phải lấy tổng GDP của các năm trong một giai đoạn dài.
Lấy hẳn con số của năm 2035 theo phương án trung bình, tăng trưởng GDP 6,5%/năm (thì 11 năm GDP sẽ tăng gấp đôi: GDP của năm 2021 gấp đôi của năm 2010 và của 2032 gấp bốn của năm 2010 và năm 2035 gấp 4,83 lần của năm 2010) và lấy GDP của năm nay là 92 tỉ USD, thì GDP khi đó là 444 tỉ USD. Tỉ lệ 55,88/444 là 12,6% GDP của năm 2035 (còn nếu tính với GDP của 2010 thì chiếm 60,7%).
STT | Năm | GDP các năm sau với tăng trưởng 6.5%/năm (tỷ USD) | % đầu tư so với GDP của nguyên GDP 1 năm |
1 | 2010 | 92 tỷ | 60.74% |
2 | 2021 | 184 tỷ | 30.37% |
3 | 2032 | 368 tỷ | 15.18% |
4 | 2035 | 443.44 tỷ | 12.60% |
Chắc chắn các đại biểu Quốc hội luôn hết sức thận trọng để có quyết định sáng suốt, một quyết định quan trọng không chỉ vì hôm nay, mà còn cả cho các thế hệ mai sau.
Trong phiên chất vấn của Quốc hội (QH) sáng 12-6-2010, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Tôi thì yên tâm. Rằng phải làm. Yên tâm rằng Đảng, QH, Chính phủ sẽ tính được bài để làm… Không thể không làm đường sắt cao tốc. Vừa phải làm đường bộ cao tốc, làm đường sắt nâng cấp, làm đường bộ mở rộng 1A, tiếp tục hoàn thiện, mở rộng đường Hồ Chí Minh, làm đường đê và đường giao thông ven biển, phải làm. Cân đối nguồn lực tính toán để làm”. – Ảnh: V.Dũng
NQA
Nguồn: Lao động cuối tuần, 13/06/2010