Nhiều quy định mới, tiến bộ của Luật hình sự rất chậm được thực hiện

Ngô Ngọc Trai

Lâu nay, trên các trang FB, nhất là trong các dòng comment, một số nhà phản biện thường có ý coi tất cả các loại văn bản Luật được Nhà nước Việt Nam công bố và cho lưu hành (kể cả Hiến pháp lẫn các Bộ luật Hình sự, Dân sự liên quan trực tiếp đến dời sống), đều là những thứ chẳng có giá trị gì, đều là loại “luật rừng”. Vì vậy nếu xảy ra vụ việc gì va chạm giữa phía công quyền và người dân thì theo họ, chỉ có 2 cách giải quyết: một là thôi thì cố mà chịu nhịn, vì mình “thấp cổ bé họng”, đi kêu đi kiện chỉ thiệt công mất tiền, chẳng được việc gì; hai là, chẳng phải nói hơn thua, cứ “lành làm gáo, vỡ làm môi”, xong béng! Chẳng lẽ sự đời lại đơn giản đến thế sao? E rằng hai cách làm như vậy vẫn là cực đoan.

Đành rằng, đã khá lâu rồi, trong nước ta có tình trạng đáng buồn, kiểu như “Công lý chỉ là một diễn viên hài”, hoặc như nhận xét của bà Luật sư Ngô Bá Thành: nước ta có cả một rừng luật, nhưng khi xét xử thì lại theo luật rừng…

Nhưng, thử hỏi, trong chúng ta, đã có mấy người bỏ thời gian xem kĩ trong các văn bản, từ Hiến pháp đến các bộ Luật Dân sự, Hình sự… chưa

Ví dụ: rất nhiều người đã không hài lòng với Hiến pháp 2013, vì cho rằng bản Hiến pháp đó chính là cương lĩnh của Đảng (CSVN) được hợp thức hóa, vị trí của nó là “đứng sau” cương lĩnh đảng (như lời ông Tổng bí thư Đảng khẳng định). Thế nhưng, dù rất không muốn, Đảng cũng bắt buộc chấp nhận đưa vào đó điều 25 (Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp. lập hội, biểu tình). Hoặc ngay chính trong điều 4, (quy định Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội) là một điều chắc chắn đã gây bức xúc trong đa số người dân trong thời điểm hiện nay. Nhưng xem kĩ thì vẫn thấy, ở khoản 2, cũng còn lại một sự ràng buộc mà Hiến pháp buộc phải bớt lại cho công dân một chút quyền, đó là quyền Giám sát Đảng. Điều đó có đáng cho chúng ta nắm lấy để vận dụng không?

Theo chúng tôi, trong khi xây dựng Hiến pháp, Pháp luật, cho dù Nhà cầm quyền Việt Nam rất muốn đưa ra các văn bản cần thiết phù hợp mục đích “trị dân” là chính, nhưng bên cạnh đó, không thể không có những điều khoản mị dân, mị dư luận quốc tế, vì vậy dù khắt khe đến mấy cũng vẫn còn rất nhiều điều khoản để công dân có thể vận dụng nhằm bảo vệ mình, nếu chúng ta kiên trì, tỉnh táo, khôn khéo, quyết liệt.

Nguyên tắc cơ bản trong xây dựng pháp luật của một nhà nước pháp quyền: “Công dân có quyền làm những gì luật pháp không cấm. Cơ quan công quyền chỉ được làm những gì luật pháp cho phép”. Đây cũng là một vũ khí đấu tranh chứ?

Đúng như LS Ngô Ngọc Trai phát hiện, luật Hình sự đã có nhiều quy định mới, tiến bộ. Vì vậy, phải chăng trong giai đoạn hiện nay, phải đấu tranh với sự chậm thực hiện, chứ không phải là sổ toẹt bộ luật?

Gần đây, có một nhóm nhà phản biện đã đứng ra hướng dẫn vận dụng các quyền công dân được quy định trong chính Hiến pháp, Pháp luật hiện hành, các bạn  ấy đã bước đầu thành công, đã công khai nói rõ trước hàng vạn công dân Việt Nam những việc làm vi hiến, trái luật của nhiều vị lãnh đạo cấp cao từ Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan công quyền, đồng thời hướng dẫn cách vận dụng các quy định trong đó để bảo vệ quyền lợi công dân chính đáng. Giống như dùng “gậy ông đập lưng ông” vậy. Thật đáng được hoan nghênh và hưởng ứng.

Bauxite Việt Nam

Đã hơn nửa năm kể từ ngày một loạt các văn bản pháp luật hình sự mới có hiệu lực. Đó là các luật gồm Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật thi hành tạm giữ tạm giam và Luật tổ chức điều tra hình sự có hiệu lực từ 01/1/2018.

Thực tế thì thấy nhiều quy định pháp luật mới tiến bộ vốn được kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường tư pháp hiện đại văn minh, giúp nền tư pháp nâng cao khả năng thực thi công lý, nhưng thực tế lại rất chậm trễ được thực hiện.

Ghi âm ghi hình

Bộ luật tố tụng hình sự mới có quy định về việc tiến hành ghi âm ghi hình khi hỏi cung bị can. Đây là quy định tiến bộ có mục đích kiểm soát hoạt động điều tra lấy cung nhằm ngăn chặn các hành vi bức cung nhục hình.

Đồng thời với việc ban hành luật, ngày 27/11/2015 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 110/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật tố tụng hình sự, trong đó Quốc hội giao cho Chính phủ đầu tư kinh phí để bảo đảm việc thực hiện quy định về ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can.

Quốc hội cũng giao cho Bộ trưởng Bộ Công an quyết định cụ thể nơi có điều kiện để thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh hoạt động hỏi cung bị can kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Chậm nhất đến ngày 01 tháng 01 năm 2019 thì thực hiện thống nhất việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.

Lộ trình là thế nhưng tới nay khoảng thời gian chuẩn bị đã gần 3 năm, tính đến thời hạn cuối cùng cho việc thống nhất thực hiện trên phạm vi toàn quốc chỉ còn khoảng 5 tháng nữa.

Vậy nhưng mới đây tôi có dịp vào làm việc tại hai Trại tạm giam số 1 và số 2 của Công an thành phố Hà Nội thì đều không thấy việc lắp đặt các thiết bị ghi âm ghi hình.

Hai tuần trước tôi cũng có dịp vào làm việc tại Trại tạm giam Cầu Cao của Công an tỉnh Thanh Hóa thì cũng không thấy các thiết bị ghi âm ghi hình trong phòng hỏi cung.

Không biết các nơi khác thế nào, tinh thần tôn trọng thực thi pháp luật ra sao, liệu quy định tiến bộ của Bộ luật tố tụng hình sự có bị vô hiệu trên thực tế?

Môi trường giam giữ

Một quy định mới có tính chất nhân đạo của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam là quy định về chỗ nằm tối thiểu của người bị giam giữ. Theo đó luật mới quy định riêng về chỗ nằm tối thiểu của mỗi người bị giam giữ là 02 mét vuông (m2), được bố trí sàn nằm và có chiếu.

Quy định này thay thế cho tiêu chuẩn trước đây theo văn bản số 13/VBHN-BCA năm 2014 của Bộ Công an ban hành quy chế về tạm giam, tạm giữ. Theo quy định cũ người bị giam giữ được đảm bảo diện tích phòng giam tối thiểu mỗi người là 02 mét vuông nhưng trong đó bao gồm cả chỗ nằm và không gian sinh hoạt.

Vậy nhưng mới đây một bị can tạm giam đang chờ xét xử tại Trại tạm giam Cầu Cao thuộc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, phòng giam chỉ khoảng 10 mét vuông mà giam tới 7, 8 người. Tính ra mỗi người chỉ khoảng hơn một mét vuông cho thấy là quy định mới về đảm bảo chỗ nằm cho người bị giam giữ vẫn chưa được thực hiện.

Trại tạm giam Cầu Cao bị phản ánh là nơi có môi trường giam giữ rất khắc nghiệt. Người bị giam giữ cho biết, trong điều kiện mùa hè tháng sáu nóng bức nhưng nước sinh hoạt thiếu, vài ba ngày mới được tắm một lần, điện thì không có, buồng giam không có quạt.

Những người bị giam giữ phải treo một cái chiếu lên trần nhà, rồi móc dây để hai người cầm hai đầu co kéo đưa đi đưa lại tạo không khí thoáng mát cho buồng giam.

Người bị giam còn cho luật sư biết buồng giam được thiết kế có hai bệ xi măng hai bên và lối đi ở giữa được gọi là ‘Mà’.

Những người trong buồng giam thường phải dùng nước rửa sạch chỗ ‘Mà’ để cho ‘Trưởng buồng’ nằm vì nơi đó mát hơn nằm trên bệ xi măng. ‘Trưởng buồng’ ở đây là người cũng bị giam nhưng được giao quyền quản lý buồng.

Những thông tin đó cho thấy quy định về việc bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người bị giam giữ vẫn bị thực hiện một cách yếu kém.

Ngoài ra theo Luật thi hành tạm giữ tạm giam thì người bị giam giữ có quyền được gặp thân nhân mỗi tháng một lần, được nhận sách báo, được khiếu nại tố cáo những hành vi trái pháp luật.

Nhưng thực tế những quyền này cũng bị vi phạm phổ biến đối với những người bị giam giữ mà tôi biết.

Bộ luật hình sự

Một điểm mới trong Bộ luật hình sự là quy định mới được bổ sung trong điều luật về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Theo đó điều luật này đã bổ sung thêm một khoản xử phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội với mức án chỉ từ 1 đến 5 năm tù, trong khi các đồng phạm khác trong tội này có thể chịu mức án phạt từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Quy định mới đã thay thế cho quy định cũ đánh đồng trộn lẫn không phân biệt hành vi phạm tội và hành vi chuẩn bị, tất cả đều chịu mức án hình phạt nặng như nhau.

Năm 2009 một nhà hoạt động dân chủ là ông Trần Huỳnh Duy Thức cùng ba người khác đã bị bắt xử lý về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Trong khi những người khác chỉ chịu mức án 3 năm rưỡi, 5 năm, 7 năm thì người ta thành kiến sao đó tuyên ông Thức 16 năm tù.

Suốt từ đó gia đình ông Thức đã liên tục đấu tranh đòi trả tự do cho ông Thức, hàng chục cơ quan ngoại giao quốc tế, các tổ chức nhân quyền, cùng các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đã thường xuyên lên tiếng hối thúc về bản án bất công của ông Thức.

Đến nay quy định mới của Bộ luật hình sự về tội hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân tạo hy vọng giúp cho ông Thức được trả tự do.

Vì rằng trong tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, yếu tố cơ bản của tội này là người nào thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Trong khi ông Thức không tham gia tổ chức nào và ông cũng không thành lập tổ chức nào ngoài một nhóm có tên gọi là Nhóm nghiên cứu Chấn.

Cơ quan an ninh điều tra xoáy vào nhóm này để quy cho ông Thức thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền. Trong khi nhóm này chỉ gồm ông Thức và 4 nhân viên công ty trong đó có 3 người phụ nữ mà vì tính chất ít nghiêm trọng nên đã không bị xử lý hình sự.

Nhóm đó thực chất không phải là một tổ chức vì nó không có tên gọi của một tổ chức, số thành viên ít ỏi, không có nội quy điều lệ tổ chức, không có cơ cấu nhân sự phân cấp trên dưới của tổ chức.

Cái mà khả dĩ nhất có thể quy cho nó thì đó chỉ là tiền thân của một tổ chức chính trị trong tương lai mà thôi.

Như thế xét theo luật mới hành vi của ông Thức sai phạm nếu có chỉ là hành vi chuẩn bị, và hình phạt dành cho ông Thức sẽ nhẹ hơn rất nhiều.

Tới nay ông Thức đã thụ án được hơn 9 năm, gia đình đã gửi đơn đi khắp các cơ quan đề nghị xem xét trả tự do cho ông Thức nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Điều này cho thấy có sự yếu kém trong việc tôn trọng thực thi các quy định pháp luật.

Nguồn: FB Ngô Ngọc Trai

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.