Lý Trần
Cái cảnh quan chức cao cấp Việt Nam ngày nay đi “kinh lý” ở đâu cũng cứ “ào ào như sôi” giống cảnh tượng mà tác giả tả lại trong bài viết dưới đây, đã trở nên quá phổ biến. Chẳng những Chủ tịch nước, gọi là nguyên thủ quốc gia đi đâu thì kèm theo nghi lễ tới đó, mà các vị quan khác cũng vậy. Nhiều người đã thấy có cái clip quay chuyến thăm một xã ở Hà Nam gần đây, đoàn xe dài dặc ào ào chạy vào con đường hàng xã khiến vài người dân đứng bên đường suýt không kịp tránh, có người thì tò mò đếm mỏi mồm, hoa mắt, cuối cùng lại chả biết cả thảy đoàn của Thủ tướng có 40, 41 hay 42 chiếc xe con? Sự việc mới xảy ra đó khiến người ta nhớ đến việc mấy năm trước, cũng ông Thủ tướng này cho đoàn xe veo véo ào ào chạy vào phố đi bộ ở Hội An và đã bị dư luận la ó đến nỗi ông đã phải lên tiếng xin lỗi. Xin lỗi rồi đâu vẫn đóng đó, về xã thăm dân vẫn chẳng có gì khác. Không chỉ ông Phúc, ông Bí thư thành HCM cũng vậy, tuy ông đi bộ, nhưng xung quanh ông cũng “ào ào như sôi” hàng đống lâu la, túm tụm vây quanh, nắm chặt tay nhau nghễu nghện rước ông đi… thăm dân! Còn như, kể cả có những lúc các ông bà cố làm ra vẻ gần dân, như ông thì đi vớt bèo làm sạch môi trường, bà thì đi trồng cây lấn biển, thì quanh các ông bà vẫn dày đặc an ninh giả dạng thường dân bu bám theo. Có bà khác, cũng kể là khá to, chính bà ấy tiết lộ rằng, đi đâu cũng có mấy vệ sĩ cấp bậc tới Đại tá theo hộ tòng…
Làm thế để làm gì nhỉ? Lấy oai chăng? Có thể, nhưng không chỉ thế. Cái chính là các vị đang có bụng nghi ngờ, nghi ngờ tất cả, nhìn đâu cũng chỉ thấy thù địch, mà “thế lực thì địch” sao nó đông vậy? Đến cả lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, gia đình chính sách, thương binh, Anh hùng lực lượng vũ trang… vốn được coi là “siêu dân”, thế mà dường như cũng đã bị “địch hóa” cả rồi?
Đã không tin dân đến thế thì làm sao đòi dân tin cho được? Chân lý đơn giản vậy thôi mà lâu nay cớ sao các vị không hiểu được nhỉ?
Nhưng thưa các vị, các vị thử nghĩ lại xem. Mấy năm qua, đã ai là người bị dân tấn công hoặc ngấm ngầm ám sát? Hay là, như dân gian đang nghi vấn với các tin đồn sát sạt, rất khó bác bỏ, rằng thì là ông H, ông Th, ông Q… đã dính âm mưu đầu độc, ám hại thật. Mà kẻ ám hại không phải “thế lực thù địch” hay người dân, nó lại là…Bạn Vàng cơ đấy!?
Vậy xin hỏi, đã đến với dân, việc gì cứ phải tiền hô hậu hét, “ào ào như sôi”?
Và xin nhắc lại: đã muốn DÂN TIN thì trước hết phải TIN DÂN chứ?
Bauxite Việt Nam
Theo chân mấy người quen về Hưng Yên chơi, tình cờ chứng kiến cảnh đoàn xe biển xanh phóng ào ào trên đường làng xã Giai Phạm như bão cuốn. Hỏi ra mới biết đó là đoàn xe của ông Chủ tịch nước ghé vào thắp hương tại khu tưởng niệm cố TBT Nguyễn Văn Linh và ông trung tướng Nguyễn Bình.
Đến tối, thấy VTV chiếu cảnh ông đang răn dạy mấy tay quan cấp dưới ở tỉnh Hưng Yên. Người đứng nói không biết là Bí thư hay CT tỉnh, nhưng không có tiếng. Chắc sợ nãnh đạo Hưng Yên lói thõi?
Ông Chủ tich nước dạy cấp dưới nhiều điều, chỉ tiếc là ông Chủ tịch quên không dạy cấp dưới của ông hành xử cho có văn hóa khi chạy xe trong làng. Bảo cho chúng biết “bảo hoàng hơn vua” là cách hành xử của lũ người sống kiếp tôi tớ.
Người dân kể rằng, lũ quan lại địa phương muốn nịnh quan trên nên thậm chí còn định ngăn cả đường làng khi ông Chủ tịch nước đến, nhưng cán bộ địa phương hiểu rằng mình còn phải sống với bà con làng xóm, sợ dân “chửi” nên thôi.
Chỉ đến thắp hương mà cả đoàn ào ào như cơn lốc trên đường làng, khiến người dân rút hết vào nhà vì sợ tai nạn, trẻ con nép sát vào tường rào, còn chó gà chạy táo tác. Chứng kiến hàng trăm chiếc xe đắt tiền biển xanh nối đuôi nhau, mấy ông cựu chiến binh phải thốt lên: “Thế mới hiểu tại sao đất nước ngày càng nghèo, còn dân càng đóng không biết bao nhiêu loại thuế, và hiểu thêm bọn quan lại địa phương chẳng coi quy định của chính phủ về sử dụng xe công ra gì”.
Làng xóm ắt phải có nhiều ngõ, nếu chẳng may từ ngõ xóm có người hay súc vật đi ra, rồi tai nạn xảy ra thì sao? Bỏ mặc nạn nhân vì đây là đoàn xe TƯ đi “công tác” chắc? Công việc của cán bộ Trung ương có việc gì thiếu từng phút từng giây đâu mà phải ào ào như sôi đến vậy? Hay muốn ra oai với bà con nông dân?
Một cụ già chống gậy vừa ló ra đầu ngõ thì giật mình rơi cả gậy. Cụ thốt lên: “Điên! Lại đua xe!” mà không biết đó là đoàn xe của lãnh đạo. Khi người khác cho biết thế, ông cụ bảo: “Cấp càng cao càng phải hiểu biết chứ. Bọn họ ngồi trong xe mà không biết dạy bảo cấp dưới hay sao? Cả năm cả tháng còn chẳng được tích sự gì, thiếu gì mấy phút mà vội thế! Lại cả xe công an hú còi dẫn đường. Phường giá áo túi cơm này ‘để là hòn c…, cất thành ông bụt’ chứ tài giỏi gì. Lại cả đoàn CSCĐ trông hung dữ nữa chứ. Ai thèm làm gì chúng nó mà vẽ chuyện!” Những người khác thì cười: “Bọn này phóng xe trên đường làng còn khiếp hơn bọn trẻ trâu khi có hơi men”.
Người dân ở Giai Phạm kể, mỗi lần có đoàn xe biển xanh vào khu Tưởng niệm như thế, dân làng dạt hết vào nhà, khác hẳn với những lần ông Nguyễn Văn Linh trước đây về quê. Không chỉ ông Linh, một số vị lãnh đạo CS cấp cao của chính phủ trước, cũng thầm lặng về thắp hương cho ông Linh rồi thả bộ trên đường làng, trò chuyện với người làng, chứ không ào ào như sôi của lũ quan mới.
Sinh hoạt hàng ngày của dân làng nơi đây có lần bị đình trệ cả buổi khi CA cấm đường làng để một đoàn nào đó (hình như chỉ cấp tỉnh) đến thắp hương. Người ốm buộc phải cõng ra tít ngoài làng vì xe gia đình hay taxi không được vào, cả buổi người làng ngồi đợi.
Hỡi phường giá áo túi cơm! Các người đừng quên con đường này trước hết là đường làng, hàng trăm năm nay người dân phải đi lại để kiếm ăn. Người làng nói: “Chính trị chính em thì tôi không biết, chỉ biết khi về thăm quê, ông bà Linh rất khiêm nhường, đôi khi đi bộ từ ngoài đầu làng. Người dân ra đường rất đông để đón ông. Nay người dân thấy lũ quan này về, người ta quay đít ra”.
“Chẳng lẽ đó không phải là cái đáng học cho lũ quan lại mới hay sao? Nếu đi bộ đoạn đường làng như ông Linh đã làm thì chỉ làm đẹp mặt thêm cho chúng mà chúng không hiểu. Quan lại thế hệ sau càng đồi bại hơn thế hệ trước”, người làng nhận xét.
Nếu cứ mỗi lần nhân dịp gì đó quan chức thừa xe thừa xăng lại về khu tưởng niệm này, lại cấm đường, cấm chợ, dân làng như thế thử hỏi một năm có hàng chục ngày “kỷ niệm” thì dân làng Giai Phạm sống ra sao đây?
Đừng làm cho dân thêm khinh, thêm ghét. Chính các người đang biến người dân lành thành “thế lực thù địch”.
L.T.
Nguồn: https://baotiengdan.com/2018/09/05/ao-ao-nhu-soi/