Đại học hay học đại?

Sinh viên Trường Đại học dân lập Đông Đô. Ảnh: Kỳ Anh

Sinh viên Trường Đại học dân lập Đông Đô. Ảnh: Kỳ Anh

(LĐCT) – Thành tích xây dựng hệ thống các trường đại học cao đẳng ở nước ta là rất lớn. Nhưng về chất lượng đào tạo thì quả thật là có quá nhiều vấn đề cần bàn.

Thành tích xây dựng hệ thống các trường ĐHCĐ ở nước ta là rất lớn. Không dễ gì có tới 62/63 tỉnh thành đã có trường ĐHCĐ, đấy là một cố gắng đáng kể với con số 180 trường đại học, 232 trường cao đẳng và 28 trường thuộc các ngành quốc phòng an ninh và với tổng số sinh viên ĐHCĐ niên học 2008-2009 lên đến trên 1,7 triệu. Nhưng về chất lượng đào tạo thì quả thật là có quá nhiều vấn đề cần bàn.

Truyền thống hiếu học của nhân dân ta thật quý giá. Không phải có nhiều nước mà hầu hết học sinh đều muốn học tiếp đại học, cao đẳng (ĐHCĐ) và các phụ huynh cũng đều muốn như vậy. Nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng yêu cầu cần có số người tốt nghiệp ĐH không thấp hơn nhiều so với các nước khác.

Từ lâu, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có chỉ đạo rất xác đáng là yêu cầu “Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”.

Hiện nay đâu phải trường nào cũng ra trường! Có tới 15/87 các trường ngoài công lập chưa xây dựng được trường theo địa điểm đã đăng ký. Thậm chí có trường mở trong các hốc trống của sân vận động (!) Có trường thuê mướn rất nhiều cơ sở ở khá phân tán trong thành phố. Các trường tập trung quá nhiều ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Đây là nơi có trên 18 triệu dân nhưng sinh viên trên 1 vạn dân là 393, trong khi ở đồng bằng sông Cửu Long với dân số cũng tới trên 17 triệu dân thì chỉ có 75 sinh viên/1 vạn dân.

Cần tăng cả về số lượng lẫn chất lượng các trường dự bị đại học để nhanh chóng đào tạo cán bộ giỏi cho đồng bào ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Các hình thức đào tạo từ xa, đào tạo chuyên tu, tại chức có thể kéo dài thời gian hơn đào tạo chính quy và cần thi cử thật nghiêm túc để sớm xóa bỏ thành kiến “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”.

Cần có chính sách ưu đãi đặc biệt cho các giảng viên có trình độ sau đại học yên tâm công tác ở các tỉnh còn gặp nhiều khó khăn về đời sống vật chất và tinh thần. Các trường ĐHCĐ phải đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vậy mà nhẽ nào tỷ lệ ngành khoa học tự nhiên chỉ có 2%, tỷ lệ ngành nông lâm nghiệp chỉ có 8%, trong khi các ngành như khoa học xã hội nhân văn và pháp lý lại chiếm đến 38% (!).

Hiện nay đâu phải lớp nào cũng ra lớp. Ở nước ngoài ngay trường phổ thông nhiều nơi cũng có máy chiếu (projector) để học sinh được thừa hưởng các thành tựu của công nghệ thông tin. Vậy mà liệu có bao nhiêu phần trăm số lớp ở các trường ĐHCĐ ở nước ta có máy chiếu? Số máy tính cho sinh viên đâu có nhiều, vậy mà ngay số lượng giáo trình điện tử còn rất ít (1.830 giáo trình) và bao nhiêu sinh viên có thể sử dụng? Hơn nữa những giáo trình này đã có cơ quan nào thẩm định về chất lượng chưa? Hiện tượng thầy đọc trò chép đang còn rất phổ biến.

Thầy ra thầy là vấn đề bức xúc nhất hiện nay của hệ thống các trường ĐHCĐ. Hiện tượng “cơm chấm cơm” là không thể chấp nhận được. Trong khi giai đoạn 1987-2009 số sinh viên cả nước tăng 13 lần nhưng số giảng viên chỉ tăng có 3 lần mà thôi. Hiện nay trong số 61.190 giảng viên các trường ĐHCĐ chỉ có 10,16% là Tiến sĩ, 37,31% là Thạc sĩ. Có nghĩa là còn tới 52,53% giảng viên các trường ĐHCĐ chỉ là sinh viên đã tốt nghiệp đại học (!). Trong số 61.190 giảng viên chỉ có 2.286 Giáo sư và Phó giáo sư, chiếm tỉ lệ 3,74%, lại thường là các thầy cô cao tuổi, phần lớn đã về hưu, đã tách rời hoàn toàn với nghiên cứu và cập nhật các kiến thức mới. Đến hôm nay mà nhiều thầy vẫn lên lớp chay, nghĩa là không có giáo trình, thậm chí vẫn còn dùng các giáo trình cách đây vài chục năm của Liên Xô cũ (!).

Chúng ta là một nước nghèo vậy mà lại tách rời các trường ĐHCĐ với các viện, các trung tâm nghiên cứu khoa học. Đó là một chuyện khác hẳn so với các nước khác và gây nên hiện tượng lãng phí rất lớn, rất phi lý. Chúng ta nên biết hiện nay Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam có tới 25 Viện nghiên cứu quốc gia với 2.464 cán bộ khoa học, trong đó có tới 207 Giáo sư, Phó giáo sư, 673 Tiến sĩ và 538 Thạc sĩ. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam hiện có tới 31 viện nghiên cứu quốc gia với 1.500 cán bộ khoa học, trong đó có tới 600 cán bộ có trình độ trên đại học. Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam hiện có trên 10 viện nghiên cứu quốc gia với 1.770 cán bộ khoa học, trong đó có 25 Giáo sư, Phó giáo sư, 144 Tiến sĩ và 277 Thạc sĩ.

Ngoài ra trực thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam cũng còn có tới 500 đơn vị nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với số lượng rất đông các nhà nghiên cứu có trình độ trên đại học. Nhiều trường khi đăng ký thì có một danh sách rất dài các Giáo sư, Tiến sĩ nhưng khi khai giảng thì mới biết đó chỉ là danh sách ma mà Bộ GD&ĐT đã không hề thực hiện việc hậu kiểm.

Trò ra trò cũng là chuyện đang rất đáng bàn. Đầu vào quá thấp thì làm sao tiếp thu được kiến thức tương xứng với bậc học ĐHCĐ. Có trường ĐHCĐ lấy đầu vào cả những sinh viên chỉ có 13-14 điểm cho 3 môn thi, với sinh viên thuộc diện ưu tiên có khi chỉ cần có điểm thi 9-10 điểm cho cả 3 môn thi (!).

Không có nước nào mà vào đại học mới học ngoại ngữ lại từ đầu, do đó tốt nghiệp đại học, thậm chí tốt nghiệp sau đại học mà chưa thông thạo bất kỳ một ngoại ngữ nào. Việc bắt buộc chỉ lấy tiếng Anh làm tiêu chuẩn bắt buộc khi tuyển sinh Thạc sĩ, Tiến sĩ là chưa hợp lý với một số ngành, như Đông y [lịch sử, văn hóa, văn học cổ trung đại – BVN] chẳng hạn, và càng không hợp lý khi nước ta đang đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Liên minh các Nghị viện Pháp ngữ, vậy mà xóa bỏ tiếng Pháp thì thật là khó hiểu.

Nước Nga cũng vẫn đang là một cường quốc về khoa học và công nghệ lại đang cấp không ít học bổng sau đại học cho sinh viên ta, nhẽ nào cũng loại bỏ nốt cả tiếng Nga? Việc phân ban ở bậc phổ thông không thực sự phân hóa đã làm hạ thấp đầu vào của sinh viên các trường ĐHCĐ. Điều này chúng ta thua kém so với cả một nước như Nepal. Hai lớp 11 và 12, mỗi phân ban họ chỉ cho học có 4 môn cho nên có trình độ rất cao mà không cần học thêm gì cả.

Việc cho học sinh vay tiền để có điều kiện theo học ĐHCĐ là một chủ trương rất tốt, nhưng sau khi ra trường phải chạy một khoản tiền lớn mới xin được việc làm, kể cả việc làm trái chuyên môn, thì phụ huynh còn kiếm đâu ra tiền để trả nợ cho ngân hàng? Một anh bạn tôi có cháu sắp thi ĐHCĐ đã bảo với cháu rằng: “Chọn trường nào dễ vào thì thi, cứ học đại đi, ra trường có đủ tiền hay không để xin việc mới là chuyện quan trọng”. Nghe mà buồn quá!

Phê phán bao giờ cũng dễ nhưng để có trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò thì quả là đâu có dễ. Tôi xin hiến một kế như sau: Em nào muốn học đại học mà ta chưa có điều kiện mở trường đạt chuẩn hay mở ngành thích hợp với nhu cầu của đất nước thì cứ cho các em học ngoại ngữ. Với sự bùng nổ thông tin như hiện nay thì ai giỏi một ngoại ngữ nào đều có thể tự học để có được một nghề phục vụ tốt cho nhu cầu của xã hội. Hàng vạn Cử nhân ngoại ngữ đâu có thừa trong thời đại hội nhập quốc tế như hiện nay!

NLD
Nguồn: http://www.laodong.com.vn/Home/Dai-hoc-hay-hoc-dai/20106/187781.laodong

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.