Vấn đề đặc khu hay chìa khoá mối quan hệ song phương Việt – Trung?!

Ánh Liên

Tin mới nhất, trong một thông tin muộn vào ngày 24.08, Văn phòng Quốc hội cho hay tại kỳ họp thứ 6 diễn ra tháng 10 tới, Quốc hội dự kiến chưa xem xét dự án Luật Đặc khu để tiếp tục xin ý kiến cử tri, nhân dân, các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học.

clip_image002

Vấn đề đặc khu hay chìa khoá mối quan hệ song phương Việt – Trung?! Ảnh: Hoàng Hà.

Những nỗ lực không mệt mỏi cho việc rà soát kỹ lưỡng dự thảo luật này về mặt kinh tế lẫn quốc phòng vẫn tiếp tục được đặt ra, đối với giới chuyên gia, trí thức và truyền thông.

Thực tế, điều này là cần thiết, khi vấn đề về chủ quyền an ninh quốc gia là đáng lo ngại, dựa trên cơ sở tương tác có thể xảy ra giữa đặc khu và sáng kiến ‘Một vành đai – Một con đường’.

Mối quan hệ song phương

Vào tháng 05.2017, tại Diễn đàn Hợp tác quốc tế về ‘Vành đai và Con đường’ được tổ chức tại Bắc Kinh. Bà Dương Tú Bình, Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN-Trung Quốc (ACC) đã chia sẻ với báo giới về mục tiêu cùng lợi ích mà sáng kiến này mang lại cho cả Việt Nam, khối ASEAN và Trung Quốc. Trong đó, riêng Việt Nam, bà nhấn mạnh, sự liên kết giữa hai chiến lược là ‘Vành đai và Con đường’ cùng kế hoạch ‘Hai hành lang, Một vành đai’ sẽ có lợi cho phát triển kinh tế – xã hội ở cả hai nước và sẽ tạo cơ hội mới cho việc tăng cường quan hệ song phương.

Trong thực tế, quan hệ hai nước Việt – Trung Quốc vẫn xoay quanh, và trọng tâm hoá ‘tăng cường quan hệ song phương’. Trong các ngày từ 19.08 – 23.08, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc, trong đó ông được đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp. Tại buổi gặp, Chủ tịch Trung Quốc khẳng định, quan hệ hai nước đang đối mặt với những cơ hội và thách thức mới, khi các tình huống quốc tế và khu vực trải qua những thay đổi sâu sắc và phức tạp. Dù vậy, đến nay cả hai quốc gia đã cải thiện được mối quan hệ, và lưu ý rằng, ‘động lực tốt [trong mối quan hệ hai nước] đã được tăng cường kể từ năm ngoái.

Đáp lại, ông Trần Quốc Vượng cho biết: phát triển mối quan hệ thân thiện với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại của mình.

Năm 2018 cũng là năm đánh dấu kỷ niệm 10 năm thành lập quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Việt Nam. Ông Tập đã kêu gọi ‘điều chỉnh chiến lược phát triển của họ và tăng cường hợp tác thiết thực’.

Và một trong những động thái ‘tăng cường hợp tác thiết thực’ nhất có lẽ là hình thành những dự án hợp tác hoặc bổ trợ cho sáng kiến ‘Một vành đai, một con đường’. Đặc khu kinh tế với hàng tá dự án cơ sở hạ tầng được kết nối với hệ thống hạ tầng ‘hành lang’ trước đó có thể nằm trong diện này.

Sáng kiến không phải lúc nào cũng tốt

Vấn đề là, bản thân sáng kiến ‘Một vành đai, Một con đường’ trị giá hàng ngàn tỷ USD – vốn được nhấn mạnh yếu tố ‘tương lai’ không phải lúc nào cũng thực sự tốt đẹp.

Mới đây, Washington Post cho đăng tải bài viết nêu rõ tính chất ‘không tốt’ của sáng kiến này. Cụ thể, Malaysia trong tuyên bố hôm thứ ba rằng, họ đã hoãn hai dự án cơ sở hạ tầng lớn do các công ty Trung Quốc xây dựng vì chi phí cao.

Malaysia là một trong những quốc gia cho thấy tính chất rạch ròi của mình đối với sáng kiến đầy tính mơ hồ này. Nhưng tại sao mơ hồ mà lại có hai dự án cơ sở hạ tầng lớn?

Nhiều người cho biết, dự án thế kỷ này giống như Kế hoạch Marshall, gói kích thích của Washington cho châu Âu sau Thế chiến II. Tức đổi hạ tầng lấy ảnh hưởng.

Tuy nhiên, mục tiêu thực sự của Trung Quốc không dừng tại đó, mục tiêu của nước này là thiết lập mạng lưới kết nối tốt hơn với các đối tác thương mại của mình. Trong thực tế, và đưa nước ngoài vay các khoản vay lớn từ Trung Quốc để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng rộng lớn, tất nhiên – thầu dự án là bởi các công ty Trung Quốc.

Tất cả điều đó rõ ràng là vì lợi ích của Trung Quốc. Trong ngắn hạn, Bắc Kinh có thể sử dụng một số năng lực công nghiệp dư thừa ở nước ngoài nếu nền kinh tế của nước này chậm lại. Về lâu dài, nó có thể giúp quốc tế hóa các công ty Trung Quốc và cung cấp cho Bắc Kinh một vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại toàn cầu.

Một báo cáo Lầu Năm Góc được đưa ra vào giữa tháng Tám cho biết, Bắc Kinh đang cố gắng ‘phát triển mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với các nước khác, định hướng lợi ích của họ để phù hợp với Trung Quốc, và ngăn chặn sự đối đầu hoặc chỉ trích về cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các vấn đề nhạy cảm’. Điều này có vẻ giống như quan điểm của hai nhà lãnh đạo Việt – Trung trong tuần vừa qua.

Trở lại với sáng kiến, Trung Quốc tập trung vào sân bay lớn nhất, cảng nước sâu,… Tại Sri Lanka, hai dạng công trình này được hình thành, riêng cảng nước sâu, hiện đang nằm trong tay một công ty nhà nước Trung Quốc với hợp đồng thuê 99, dù thế – dự án này vẫn đang phát triển ì ạch. Bản thân Djibouti, Kyrgyzstan, Lào, Maldives, Mông Cổ, Montenegro, Pakistan và Tajikistan cũng sẽ phải đấu tranh để trả nợ Trung Quốc – liên quan đến thụ hưởng sáng kiến này.

Nhưng xa hơn, một điều đáng chú ý mà báo Washington Post vừa đăng tải vào ngày 22.08 là, Trung Quốc đang tiến hành một chiến thuật ‘ngoại giao’ dựa trên nợ, và có kế hoạch để quân đội Trung Quốc sử dụng tất cả các vành đai và đường này một ngày trong tương lai.

Đặc khu có tính thụ hưởng sáng kiến?

Trong một bài viết được đăng trên Tạp chí Cộng sản vào tháng 08.2017 với tiêu đề ‘Vành đai, con đường: Hướng tới giấc mộng Trung Hoa’ cũng đề cập đến chi tiết thụ hưởng của Việt Nam. Cụ thể, ngay từ khi đưa ra sáng kiến ‘Trung Quốc đã quy hoạch các địa phương nằm trong phạm vi chiến lược này. Theo đó, Tân Cương sẽ là trung tâm kết nối giữa Trung Quốc với các nước khu vực Trung Á, Nam Á và Tây Á. Hắc Long Giang là cửa ngõ kết nối Trung Quốc với Mông Cổ và vùng Viễn Đông của Nga. Tây Tạng sẽ kết nối với Nê-pan. Quảng Tây và Vân Nam là cửa ngõ kết nối với ASEAN. Trong đó, Vân Nam có vị trí giáp với Việt Nam, Lào và Mi-an-ma nên sẽ là điểm kết nối giữa Trung Quốc với các nước Tiểu vùng sông Mê Công’.

Những nguy cơ về sáng kiến con đường – vành đai, về cho thuê 99 năm, về vay nợ Trung Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng, hay thậm chí thụ hưởng một phần các dự án kinh tế đối ngoại Trung Quốc cũng cần được đánh giá lại. Trong đó, có cả vấn đề liên quan đến Luật đặc khu. Bởi nếu đặc khu kinh tế thụ hưởng giá trị từ sáng kiến ‘Một vành đai – Một con đường’ thì bản thân nó đã và đang trở thành mắc xích lớn trong tăng cường quan hệ giữa hai nhà nước Việt – Trung.

A.L.

VNTB gửi BVN.

This entry was posted in Âm mưu Tàu Cộng, Luật Đặc khu. Bookmark the permalink.