Đấu tranh ở Việt Nam: ‘muốn tử tế thì phải qua giai đoạn lưu manh’?

Ánh Liên

Một chia sẻ của Luật sư Hà Huy Sơn và trầm tư của ông.

‘Trong thực tế ko ít các trường hợp chính những người đấu tranh lại hành động một cách ‘tùy tiện’ và tôn thờ những giá trị ‘lưu manh’. Họ có những lý giải như: ‘Chống lại cái xấu cũng cần phải có thủ đoạn’. Ngắn gọn là ‘Muốn tử tế thì phải qua giai đoạn lưu manh’. Vậy lập luận này có đúng ko?’.

LS Hà Huy Sơn là một luật sư nhân quyền, bởi ông bầu chữa cho rất nhiều tù nhân chính trị trong thời gian gần đây. Bản thân ông cũng là một người nói thẳng, nói thật trong nhiều vấn đề thuộc không gian đấu tranh dân chủ ở Việt Nam. Do đó, hãy thử đặt quan điểm trên vào trong cuộc đấu tranh tại Việt Nam để có thể nhận diện một số vấn đề.

Trước hết, đấu tranh vẫn diễn ra, với những tầng lớp phức tạp, những luận điểm trắng – đen khác nhau là điều dễ hiểu, một phần chính vì sự tập hợp của giới đấu tranh hiện nay thuộc nhiều tầng lớp (nông dân, công nhân, tư thương, nhà giáo, cựu chiến binh, cựu quan chức,…), với trình độ khác nhau trong xã hội.

‘Cần thủ đoạn’, luận điểm này có vẻ xuất hiện khi mà sự trấn áp từ phía chính quyền ngày càng lớn đối với phong trào dân sự trong nước. Một ‘trại giam dã chiến Tao Đàn’ là điều chưa từng có trước đó, nó làm biến mất quy trình ‘tống lên xe bus, câu lưu tại đồn công an X’ trước đó. Việc tiến hành các hành động nhục mạ, tra tấn cũng diễn ra, và với tác động của mạng xã hội, những hành vi này nhanh chóng được phản ánh.

‘Phẫn nộ’ là tâm trạng của không ít người khi đọc về các trường hợp bị phía cơ quan nhà nước lạm dụng quyền, hoặc nhỏ hơn là các viên an ninh – cảnh sát. Phẫn nộ một phần cũng phản ánh cảm giác nhỏ bé, ít nhiều cô đơn trước tình trạng gia tăng bạo lực, thậm chí có lúc ‘ôn hoà’ được xem là cụm từ ‘thù địch’ với chính những người đang muốn đấu tranh, thay đổi dân chủ – nhân quyền Việt Nam.

‘Giới hạn nào’ là câu hỏi được đặt ra cho việc, bao lâu sẽ tiến hành các hoạt động ‘trả đũa’ trở lại những hành vi bạo lực đó. Không phải đến bây giờ, sự phẫn nộ và hơi hướng trả đũa mới xuất hiện, mà từ khi nhân quyền được mạnh dạn theo chân người xuống đường, khi lớp người đấu tranh đối diện trực tiếp với lớp nhân viên bảo vệ chế độ, thì cũng là lúc xung đột, xô xát xảy ra, gắn liền với máu và nước mắt của những người đã và đang thúc đẩy nhân quyền hay thực hành hành vi nhân quyền. Sự phẫn nộ cứ lặp đi lặp lại, sẽ dẫn đến hiện tượng ngán ngẩm hình thức ‘bất bạo động’ của một số người, và họ tìm cách thúc đẩy nhanh hơn ‘trận chiến’ này. Và khi trấn áp diễn ra mạnh bạo, thì nhu cầu được ‘giải phóng’ lại càng nhanh. Số rất ít trong đó lựa chọn ủng hộ phương pháp cực đoan, trong giai đoạn ‘lưu manh hoá’. Hãy gọn hơn, là ‘dùng máu để dừng đổ máu’.

‘Trả thù’ là cách đăng tải thông tin gồm tên tuổi, cấp bậc, cơ quan làm việc, thậm chí là số điện thoại,… đối với những đối tượng được cho là ‘hèn với giặc, ác với dân’. Người ta không hình dung ra được phương pháp trả thù đó là gì, nhưng nó đã gây ra xung đột ngầm rất lớn giữa nhóm người thuộc nhà nước (ở đây là công an) với những người muốn sự thay đổi lớn về mặt thể chế xã hội.

‘Che giấu’, dù mới có xu hướng nảy mầm, và còn lẻ tẻ, nhưng việc thực hiện đăng tải ‘phong thần’ các nhân viên công an như thế cũng tạo ra nguy cơ, lớn nhất là bạo lực. Tác động của việc tiến hành lên danh sách ‘bảng phong thần’ nhằm truy lùng về ‘cảnh sát, an ninh’ có hành vi bạo lực là hết sức to lớn, nhất là khi nó được đăng tải trên mạng xã hội Facebook. Có vẻ, các viên an ninh – cảnh sát lờ mờ nhận ra điều đó, và việc sử dụng khẩu trang y tế trong các đợt ghi hình và ‘trấn áp’ người hoạt động, một phần giúp họ tự bảo vệ mình.

‘Bạo lực’, phát sinh là điều tất yếu, nếu như hai bên (công an và giới công an) không ‘điều hoà’ được với nhau. Sẽ rất khó để đảm bảo cái gì sẽ xảy ra, trong khi máu hiếu chiến tiếp tục sôi sục, sự căm phẫn tiếp tục diễn ra trong bối cảnh những hành vi bạo lực tiếp tục được phô bày. Che giấu bằng khẩu trang y tế chỉ là giải pháp mang tính tạm thời.

Mặc dù hệ quả xảy ra cũng mồi lửa bạo lực dồn nén là vô cùng lớn, nhưng vấn đề của các viên an ninh – cảnh sát là họ dựa vào bộ máy khổng lồ mà quên các hậu quả khi thông tin và thân nhân bị lộ ra ngoài – đồng nghĩa họ phải gánh chịu những hậu quả rất lớn khi mà tính ‘bạo lực’ lên ngôi và nhắm về phía họ. Họ có vẻ chưa từng nghĩ về điều đó, nhưng họ cảm nhận nên ‘tự bảo vệ’ một chút bằng khẩu trang y tế. Thực tế, những video clip kích động bằng bom xăng trên Facebook có lượt tương tác khá lớn, trong đó nhóm đối tượng công an luôn được xem là mục tiêu. Ngoài ra, bài học về đám đông thực thi ‘công lý cách mạng’ đối với các lực lượng an ninh, thẩm phán từng trấn áp người biểu tình tại Ukraine nên được xem là bài học trong đánh giá tác động và hệ quả của việc sử dụng bạo lực về sau này.

‘Lựa chọn và thực hiện’, là 1 quá trình dài, nhưng nó sẽ là tiến trình đã được khởi động chứ không còn là một xu hướng tạm thời nữa. Và lúc này, lại xuất hiện một thách thức mới cho cả 2 phía (nhà đấu tranh ôn hoà và lực lượng công an). Với công an, họ phải đảm bảo tuyệt đối bí mật danh tính để tránh những hệ quả liên quan đến các yếu tố sức khoẻ, tính mạng của bản thân và gia đình. Còn với người đấu tranh ôn hoà, họ phải đảm bảo quá trình đấu tranh phải là ‘ôn hoà’, nghĩa là không bạo lực, không thủ đoạn lưu manh. Họ cần xây dựng một hình ảnh truyền thông đẹp.

‘Mâu thuẫn nhưng hợp lý’, đứng trước bạo lực, cả phía công an lẫn người đấu tranh ôn hoà cần phải có một quá trình xử lý và chặn đứng làn sóng này. Nghe có vẻ mâu thuẫn, ít nhất là về vị trí đứng – tuy nhiên, nếu không cùng nhau lên tiếng và ngăn chặn, thì cả sẽ là đối tượng chịu nhiều tổn thất khi mầm mống bạo lực nêu trên phát triển thành một ‘cách mạng săn lùng’.

https://1.bp.blogspot.com/-OJFO8bU0MjQ/W37OV1NvOWI/AAAAAAAAAuY/7lu4vljy7KAE39bGlRuy8Osnd_okJmhRQCLcBGAs/s640/photo1531383150562-1531383150565182296909.jpg

Bom xăng xuất hiện ở Bình Thuận trong những năm gần đây, là mầm mống bạo lực

Không phải bây giờ những cảnh báo hay xử lý cảnh báo về tình trạng ‘lưu manh, bạo lực’ mới diễn ra. Cách đây không lâu, nhiều nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam đã kêu gọi sự dừng lại các hành vi đăng tải hình ảnh, thông tin của các viên công an lên mạng, vợ con của họ nhằm ‘truy lùng’. Đơn giản đó là hành vi phản nhân quyền.

‘Hợp lý’, vì sự lên tiếng đó là cần thiết, là giá trị nhân quyền phủ lên tất cả. Công an cũng cần nhân quyền, và nếu lựa chọn nhân quyền loại trừ, thì lúc đó nhân quyền trở thành một chủ thể hẹp hòi. Không gian nhân quyền Việt Nam sẽ bị móp méo, và phát triển không còn bền vững.

Từ trong xã hội ‘lưu manh’, nếu buộc phải ‘lưu manh hoá’ để đấu tranh thì khi đó, nền tảng xã hội mới không còn tính chất ‘bộ mặt con người’. Và vì vậy, bản chất của quan điểm ‘tử tế thì qua giai đoạn lưu manh’ nó chỉ cho thấy tính chất manh mún, thoả mãn tính bạo lực, xảo trá,… núp bóng dưới danh nghĩa đấu tranh.

Do đó, đấu tranh chống lại sự tiêu cực, bạo lực lẫn lưu manh trong xu hướng và cách thức tiến hành đấu tranh là nhiệm vụ sống còn của giới đấu tranh dân chủ – nhân quyền chân chính. Ít nhất, nó đảm bảo yếu tố then chốt và cần có của không gian nhân quyền Việt Nam – sự ôn hoà.

A.L.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Bạo lực, đàn áp người hoạt động nhân quyền. Bookmark the permalink.