Phạm Chí Dũng
Ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Khác với thái độ kênh kiệu cường quyền trước đây, dường như trong nội bộ giới chóp bu và công an trị Việt Nam từ cuối tháng Bảy năm 2018 đến nay đã diễn biến một cuộc đấu tranh tư tưởng 50/50: Thả hay không thả Trần Huỳnh Duy Thức?
Vì sao công an thúc ép ‘nhận tội’?
Trần Huỳnh Duy Thức được nhiều người biết như một nhà đấu tranh dân chủ kiên cường, đã ở tù cộng sản được 9 năm trong cái án tù giam khủng khiếp 16 năm mà chế độ không hề chấp nhận đa nguyên đa đảng đã dành cho anh với lý cớ ‘lật đổ chính quyền’.
“Có đặc xá anh cũng không chấp nhận bởi vì đơn giản anh không có tội. Anh không bao giờ chấp nhận đặc xá, không bao giờ. Không chờ đợi hay xin xỏ gì hết. Ở hết án, rục xương cũng được, nhưng dứt khoát không cần đặc xá” – Trần Huỳnh Duy Thức nói với vợ anh và người em là Trần Huỳnh Duy Tân trong lần gia đình thăm gặp anh gần đây nhất ở nhà tù Nghệ An, được nhà hoạt động nhân quyền Lê Công Định thông tin cho cộng đồng mạng.
Một lần nữa trong nhiều lần, gia đình Trần Huỳnh Duy Thức chứng kiến anh rất mệt và yếu do đã tuyệt thực 5 ngày, kể từ 14/8/2018. Lý do tuyệt thực là phía an ninh đang muốn gây áp lực buộc anh Thức nhận tội để được đặc xá.
Chỉ còn ít hôm nữa là đến ngày 2/9 – Quốc khánh Việt Nam…
Vì sao công an lại cố ép Trần Huỳnh Duy Thức ‘nhận tội’ để được đặc xá, khi vào đầu tháng Tám năm 2018 Tổng cục 8 (Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) của Bộ Công an đã có văn bản trả lời luật sư Ngô Ngọc Trai – người thường xuyên lên tiếng đề nghị chính quyền đặc xá và trả tự do cho Thức: “Hiện nay Nhà nước ta chưa có chủ trương đặc xá năm 2018 nên không có căn cứ để xem xét, đề nghị đặc xá cho phạm nhân Trần Huỳnh Duy Thức”?
Và vì sao công an vẫn cố ép Trần Huỳnh Duy Thức ‘nhận tội’ khi họ thừa biết Thức ngoan cường đến thế nào khi từ nhiều năm qua đã không những không chịu nhận tội mà còn từ chối mọi đề nghị của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu để đi tị nạn chính trị ở nước ngoài?
Kinh nghiệm bị ‘tống xuất’
Theo kinh nghiệm của những tù nhân lương tâm đã bị chính quyền Việt Nam tống xuất ra nước ngoài như blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải (năm 2014), blogger Tạ Phong Tần (năm 2015) và gần đây nhất vào tháng Sáu năm 2018 là luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, nhà cầm quyền Việt Nam rất thường mang những nhà hoạt động nhân quyền đang phải thụ án tù giam lâu năm ra để mặc cả và đổi chác với Mỹ và cả Đức sau này lấy những lợi ích về thương mại và viện trợ (Hiệp định Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA)). Cứ vài ba tháng, những quan chức an ninh của Bộ Công an lại vào trại giam ‘thăm’ tù chính trị và gợi ý để họ chấp nhận nhận tội và được đi nước ngoài dưới dạng ‘chữa bệnh’.
Thậm chí một chính quyền được xem là ‘chính danh’ ở Việt Nam rốt cuộc đã chẳng cần quan tâm đến việc đối tượng tù nhân dùng để mặc cả thương mại không chịu nhận tội và cũng chẳng chịu đi tị nạn chính trị ở nước ngoài, mà thi hành luôn chế độ cưỡng bức họ phải đi.
Vậy là vào một đêm tối trời tháng Mười năm 2014, tù nhân lương tâm Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bất thần bị công an dựng dậy ở nhà tù Nghệ An, với hành trang chỉ là đôi dép tổ ong mòn vẹt nổi tiếng của các trại tù Việt Nam, bị áp giải tới sân bay quốc tế Nội Bài và bị tống xuất thẳng sang Hoa Kỳ.
Và một đêm 7 tháng Sáu năm 2018, tù nhân lương tâm được cộng đồng quốc tế và các tổ chức nhân quyền đặc biệt quan tâm là luật sư Nguyễn Văn Đài, cùng nữ cộng sự của ông là Lê Thị Thu Hà, cũng đã bị nhà cầm quyền và công an Việt Nam tống xuất ra nước ngoài, nhưng không phải đi Mỹ mà là đi Đức.
Tuy nhiên vào tháng Sáu trên đã không có tin tức gì về Trần Huỳnh Duy Thức được đặc xá, dù luật sư Ngô Ngọc Trai đã lập hồ sơ đề nghị đặc xác cho Trần Huỳnh Duy Thức gửi hầu hết cơ quan chính quyền từ sau Tết Nguyên đán năm 2018.
Mãi đến gần đây, sau một số lần gửi thư đề nghị và yêu cầu được hồi âm, luật sư Trai mới nhận được văn bản trả lời của Viện kiểm sát tối cao, Văn phòng Chính phủ và gần đây nhất là Bộ Công an – tất cả đều ‘nhà nước ta chưa có chủ trương đặc xá…’.
Tuy trả lời theo cách trên, nhưng một nghi ngờ không thể bỏ qua là thái độ nằng nặc của an ninh Việt Nam ép Trần Huỳnh Duy Thức phải nhận tội, như thể phía công an đang phải tiến hành một động tác cấp bách, chịu sức ép về thời gian và nhắm tới một mục đích ẩn giấu nào đó.
Mục đích đó, nếu có, là cái gì?
Lại ‘đổi nhân quyền lấy thương mại’
Nếu liên tưởng với trường hợp bị tống xuất gần đây nhất là Nguyễn Văn Đài, chẳng khó để nhận ra là một lần nữa từ sau hai năm 2013 và 2014 dùng chiến thuật ‘đổi tù nhân chính trị lấy TPP’, vào năm 2018 này giới chóp bu Việt Nam lại mang cái kho đầy ắp người bất đồng chính kiến bị tống giam ra đổi chác EVFTA.
Trong khoảng thời gian này, lợi ích và cũng là hy vọng tiền bạc duy nhất của chính thể Việt Nam là EVFTA, ngoài ra không có gì khác.
Vào đầu tháng Sáu năm 2018, chính tờ Nhật báo Frankfurt Phổ thông (Frankfurter Allgemeine Zeitung – FAZ) của Đức đã tiết lộ cái chiến thuật trên của chính thể độc đảng Việt Nam: Trịnh Xuân Thanh – người bị mật vụ Việt Nam bắt cóc tại Berlin vào tháng Bảy năm 2017 – sẽ được trả tự do “trong thời gian tới đây”. Dựa trên nhiều nguồn tin, tờ nhật báo này nói rằng chính phủ Hà Hội đã cam kết với nước Đức sẽ cho phép Trịnh Xuân Thanh xuất cảnh sang nước Cộng Hòa Liên bang Đức sau khi vụ xét xử một người giúp đỡ bắt cóc ở Berlin đi đến kết thúc. Cũng theo thông tin của nhật báo này, một phần của sự nhượng bộ từ phía Việt Nam cũng là việc trả tự do cho luật sư Nguyễn Văn Đài. Với những vụ trả tự do như thế, Hà Nội hy vọng sẽ cải thiện được quan hệ kinh tế với nước Đức và EU, báo FAZ tường thuật. Đại diện EU cũng nói với Hà Nội rằng việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam vào đầu năm 2019 sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận của Đức trong Hội đồng châu Âu. Thuộc vào trong số những nhượng bộ về ngoại giao của Việt Nam cũng là việc cải thiện những điều kiện giam giữ cho các tù nhân chính trị khác…
Đến gần cuối tháng Bảy năm 2018, tình cảnh xảy đến với những kẻ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh còn khốn khó hơn nhiều: phiên tòa của Tòa Thượng thẩm Berlin xử Nguyễn Hải Long – một nghi can tham gia vào đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh – đã dẫn đến kết quả Nguyễn Hải Long ‘khai sạch’ để được hưởng mức án khoan hồng chỉ có 3 năm 10 tháng tù giam thay vì gấp đôi nếu không chịu nhận tội làm gián điệp và bắc cóc.
Sang đầu tháng Tám năm 2018, cơn địa chấn mang tên ‘Trịnh Xuân Thanh’ đã chính thức lan sang Slovakia và cả một phần châu Âu theo cách Bộ trưởng Công an Việt Nam là Tô Lâm bị nghi ngờ trầm trọng về việc ông ta đã làm ‘bình phong’ để mượn một chiếc máy bay của chính phủ Slovakia nhằm ‘vận chuyển’ Trịnh Xuân Thanh từ sân bay Bratislava đến thủ đô Moscow của Cộng hòa liên bang Nga.
Cơn địa chấn trên đang khiến tương lai EVFTA bong bóng hơn bao giờ hết.
Kịch bản nào với Trần Huỳnh Duy Thức?
Cũng vào thời gian sôi sục trên, một nhóm nhà ngoại giao của Đức và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã vào nhà tù thăm Trần Huỳnh Duy Thức. Một lần nữa Trần Huỳnh Duy Thức khẳng khái trả lời ‘không tị nạn chính trị’.
Còn sắp tới đây, liệu kịch bản nào sẽ xảy ra với Trần Huỳnh Duy Thức?
Trong nhiều ‘đặc thù xã hội chủ nghĩa’ ở Việt Nam, hành động công an gấp rút thúc ép tù chính trị phải ‘nhận tội’ khá thường là một tín hiệu báo trước sự thay đổi số phận của người tù.
Thông thường, sự thúc ép nhận tội từ phía cơ quan công an và tư pháp chỉ xảy ra trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, chứ không phải khi bị cáo đã trở thành tù nhân.
Năm 2018, này, Trần Huỳnh Duy Thức đã thụ án đến 9 năm – quá lâu để công an ép ‘nhận tội’, nếu không phải nhằm mục đích cầu may một lời thú tội để nếu có miễn cưỡng phải đặc xá cho Trần Huỳnh Duy Thức thì ‘nhà nước ta’ cũng không đến nỗi quá bỉ mặt.
Không chịu ‘nhận tội’, số phận của Trần Huỳnh Duy Thức sẽ không được ‘đặc xá’ và vẫn phải tiếp tục thụ án nốt 7 năm còn lại?
Hay Trần Huỳnh Duy Thức sẽ bị lặp lại kịch bản đã xảy ra với Điếu Cày Nguyễn Văn Hải – cưỡng bức đưa lên máy bay để tống xuất ra nước ngoài vào một đêm tối trời nào đó?
Chỉ còn ít hôm nữa là đến ngày 2/9. Hy vọng cho kịch bản Trần Huỳnh Duy Thức nhận ‘đặc xá’ theo điều kiện ‘yêu cầu đối ngoại của nhà nước Việt Nam’ trong Luật Đặc xá, được trả tự do và được ở lại Việt Nam mà không bị tống xuất ra nước ngoài và để những người dân Việt được ôm chầm lấy anh, có lẽ thật mỏng manh.
Nhưng vẫn là hy vọng…
P.C.D.
Tác giả gửi BVN