Bài 1: ĐẰNG SAU VIỆC BỘ PHIM “LỢI HẠI THAY, NƯỚC TA” BỊ
ĐỘT NGỘT CẤM CHIẾU
Thu Thủy
Gần đây ở Trung Quốc nổi lên mấy sự kiện đáng chú ý: Giáo sư Hồ An Cương bị phê phán bởi thuyết “Trung Quốc đã vượt Mỹ”, bộ phim “Lợi hại thay, nước ta” (Amazing China) bị ngừng phát hành sau mấy tháng gây nên cơn sốt trên cả truyền thông chính thống lẫn trên các trang mạng và báo chí được chỉ đạo không nhắc đến kế hoạch “Made in China 2025” nữa. Vì sao vậy? Đằng sau các sự kiện trên là gì? Có phải chúng là nguyên nhân trực tiếp khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump nổi giận gây Chiến tranh thương mại với Mỹ như ý kiến của một số nhà phân tích thời cuộc trong và ngoài Trung Quốc?
“Lợi hại thay, nước ta”
“Lợi hại thay, nước ta” (tên tiếng Anh: Amazing China” là bộ phim tài liệu nhựa được cắt gọt, biên tập dựa trên 6 tập phim truyền hình “Trung Quốc huy hoàng”. Bộ phim do Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và Công ty cổ phần Điện ảnh Trung Quốc phối hợp sản xuất, phát hành, được công chiếu rộng rãi trên tất cả các rạp chiếu phim toàn Trung Quốc kể từ ngày 2/3/2018 và đưa lên các trang mạng phim thương mại.
Nội dung phim ghi lại những thành tựu mà Trung Quốc giành được từ Đại hội 18 (tháng 11/2012) đến nay. Bộ phim tràn ngập những hình ảnh về những “kỳ tích vượt bậc gây nức lòng người” của Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật như: Máy bay tàng hình J-20, Tàu sân bay Liêu Ninh, Cầu lớn vượt biển nối Hongkong – Chu Hải – Ma Cao, Máy bay chở khách C919, Kính viễn vọng đường kính 500 m, Tàu lặn Thần Long -1, Tàu cuốc Lam Kình – 2, Phi thuyền không gian Thần Châu 11, Vệ tinh thực nghiệm khoa học Lượng tử, Xe điện Phục Hưng…
Hình ảnh biên đội tàu sân bay Liêu Ninh trong phim
Xuyên suốt bộ phim là những lời ca ngợi với ngữ điệu cao ngất, được hình dung là “tác phẩm truyền đi sức mạnh Trung Quốc”, gây nên cơn sốt không những ở trong nước mà cả trong người Hoa hải ngoại. Các rạp được yêu cầu chiếu bộ phim này ngày 2 ca sáng, chiều để phục vụ khán giả; các cơ quan đơn vị tổ chức cho cán bộ nhân viên đi xem tập thể, không khí trong rạp trong các buổi chiếu được mô tả “bừng bừng khí thế yêu nước và lòng tự hào dân tộc”. Theo trang tin Ifeng thì tiền bán vé ở các rạp đạt tới 478 triệu NDT, lập kỷ lục lịch sử về số tiền vé thu được cho một bộ phim điện ảnh Trung Quốc.
Khán giả phất cờ, hò hét, hô khẩu hiệu khi xem phim trong rạp
Mang biểu ngữ đi xem phim tập thể
Tuy nhiên, ngày 19/4 bộ phim đột nhiên bị thông báo rút khỏi hệ thống rạp, bị gỡ khỏi các trang phim trực tuyến theo chỉ thị của Ban Tuyên truyền trung ương.
Việc bộ phim “Lợi hại thay, nước ta” đột ngột bị cấm lập tức gây nên sự chú ý và bàn luận sôi nổi. Trên mạng xã hội xuất hiện 2 luồng ý kiến: luồng thứ nhất cho rằng, bộ phim bị ngừng chiếu do một số nội dung nhạy cảm liên quan đến việc Mỹ chỉ trích Trung Quốc lấy cắp kỹ thuật của phương Tây, thậm chí có thể khiến các cơ quan tình báo Âu Mỹ cảnh giác; luồng thứ 2 cho rằng có lẽ các nhà sản xuất mượn cớ lệnh cấm của Ban Tuyên truyền trung ương để kiếm tiền.
Ông Lỗ Nan ở Đại học Nhân dân nói, mục đích lúc đầu của bộ phim này là cổ súy chủ nghĩa dân tộc, nhưng sau khi xảy ra tranh chấp mậu dịch Trung – Mỹ, đặc biệt là “Sự kiện ZTE”, Trung Quốc bị coi là lấy cắp kỹ thuật của phương Tây, các chuyên gia chuyên ngành đều lên tiếng cho rằng, cái gọi là “thành tựu trong lĩnh vực cao” của Trung Quốc không thật sự “lợi hại” như tuyên truyền trong phim. Ông nói, trong phim có nhiều chỗ mô tả đã “tham khảo, vận dụng” kỹ thuật của người khác như thế nào, nhanh chóng biến thành của mình ra sao, chả khác nào bản tự khai cung; cho nên bộ phim nhanh chóng bị gỡ xuống.
Đang lúc, người Mỹ đang “mài dao” chặt chém ngành chế tạo của Trung Quốc, ZTE bị cấm giao dịch 7 năm với các hãng cung ứng Mỹ, đối mặt nguy cơ phá sản; thì “Lợi hại thay, nước ta” lại ra sức tung hô khoa học kỹ thuật của Trung Quốc thật không phù hợp và bộc lộ sự cách biệt lớn với Mỹ về kỹ thuật cao. Việc Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố cấm các công ty Mỹ trong vòng 7 năm không được bán linh kiện, cấu kiện cho Công ty kỹ thuật cao ZTE đã khiến việc phát triển công nghệ 5G, sản xuất điện thoại thông minh và cả các công ty Huawei, Alibaba hoảng sợ.
Lại có ý kiến phân tích, trong phim “Lợi hại thay, nước ta” có rất nhiều tình tiết nói về kỹ thuật, có thể bị coi là lấy cắp, dùng trộm và cưỡng bức chuyển giao kỹ thuật của Âu Mỹ, nếu họ nắm lấy làm chứng cứ thì sẽ có thêm nhiều công ty đứng trước nguy cơ diệt vong giống như ZTE.
Lại có người chỉ trích, đường sắt cao tốc được gọi là “niềm tự hào dân tộc”, nhưng toàn bộ cấu kiện quan trọng nhất không phải do Trung Quốc sản xuất, mã nguồn phần mềm khống chế cũng là của Đức và Nhật; rêu rao Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành trò cười trên mạng.
Việc công ty ZTE bị Mỹ trừng phạt giống như một liều thuốc tỉnh ngủ mạnh khiến những người cực kỳ phấn khích bởi phim “Lợi hại thay, nước ta” đột nhiên ý thức được rằng, thì ra phía sau ảo tưởng Trung Quốc trỗi dậy còn có sự thực và nguy cơ thực tế hơn. Nhiều người sử dụng internet sau khi xem phim này xong đã giễu cợt: “chính quyền vội vã gỡ bộ phim xuống để đổi tên thành “Bị hại rồi, nước ta”, hoặc “Lợi hại thay, nước Mỹ” rồi sẽ cho chiếu trở lại”.
Nhân dân Nhật báo điện tử trong một động thái khác thường, trong tháng 7 đã đăng liên tiếp 3 bài phê phán “thói thổi phồng, tự đại”, chỉ trích trào lưu thổi phồng tự đại, lạc quan mù quáng, đề cao bản thân, hạ thấp người khác, vun vén tư tưởng dân túy khiến quốc dân tê liệt tinh thần, những tiếng nói dư luận kiểu đó “trăm điều hại, không một điều tốt”.
Đáng chú ý hơn là ý kiến của Giáo sư xã hội học Đại học Thanh Hoa Tôn Lập Bình viết trên Weibo được lan truyền rộng rãi. Ông viết: “Sự kiện ZTE một lần nữa cho thấy, tinh thần yêu nước kiểu Nghĩa Hòa Đoàn không ổn chút nào trước hiện thực tàn khốc! Các kỹ thuật cốt lõi, mũi nhọn, tinh túy hầu như đều nằm toàn bộ trong tay người Mỹ. Các trường đại học danh tiếng (Ivy League) và các cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Mỹ đã hội tụ được các nhân tài giỏi nhất toàn cầu, cam chịu lặng lẽ nghiên cứu cơ sở suốt mấy chục năm; Trung Quốc chỉ trong thời gian ngắn về căn bản đừng mong đuổi kịp họ”.
Giáo sư Tôn Lập Bình chua chát: “Suốt ngày tung hô “Made in China 2025”, suốt ngày “Lợi hại thay, nước ta”, rồi “Đại quốc trọng khí” (Vật quý, quan trọng của nước lớn) chiếu hết tập này đến tập khác, khác nào gõ thanh la đánh trống lôi người khác tỉnh dậy để kiềm chế chúng ta. Lần này thì tốt rồi, lệnh cấm ZTE 7 năm, vừa đúng đến 2025! Cần phải nhớ rằng “quốc gia trọng khí” không thể đem ra cho người khác thấy, ngày ngày gào thét “Lợi hại thay… lợi hại thay” vừa gây họa cho quốc gia vừa mang đến tai ương cho nhân dân”.
Đồng quan điểm với Giáo sư Tôn Lập Bình là ông Lưu Á Đông, Tổng biên tập tờ “Nhật báo Khoa học kỹ thuật”. Ông cho rằng “Lợi hại thay, nước ta” là phim “ngộ quốc hại dân” (đất nước hiểu lầm, nhân dân bị hại) và than phiền: Trung Quốc hiện nay thiếu tinh thần khoa học.
Theo truyền thông Trung Quốc, trong 2 ngày 25 và 31/7, ông Tưởng Kiến Quốc, Phó ban Tuyên truyền trung ương đột ngột bị bãi chức Chủ nhiệm Văn phòng tin tức Quốc Vụ viện và ông Trang Vinh Văn được thăng từ chức phó lên Chủ nhiệm Văn phòng thông tin và internet Trung Quốc (Võng Tín Biện). Ngoài ra, ngày 30/7, Tân Hoa xã đưa tin Lỗ Vỹ, nguyên Phó Ban tuyên truyền trung ương, Chủ nhiệm “Võng Tín Biện” – người được gọi là “Sa hoàng mạng” bị Tòa án Ninh Ba đưa ra xét xử. Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương đã dùng những từ ngữ nặng nề đối với Lỗ Vỹ – người bị coi là người khởi xướng trào lưu sùng bái cá nhân, như: “Cực kỳ không trung thành với trung ương”, “ngoài thuận trong nghịch, lừa gạt trung ương”, “là kẻ hai mặt điển hình”…
Tờ Đa Chiều coi lần điều chỉnh nhân sự này là “phái thực tế” loại bỏ “phái thổi phồng”; sự điều chỉnh nhân sự ngành tuyên truyền có lẽ là sự uốn nắn biện pháp tuyên truyền nhằm loại bỏ sự hiểu lầm về Trung Quốc của bên ngoài, tạo dựng nên hình ảnh đúng về Trung Quốc. Cũng có ý kiến phân tích nói, sự điều chỉnh về tuyên truyền lần này là phản ánh Trung Quốc đã bị đòn đau trong Chiến tranh thương mại.
T.T.
Bài 2: GS HỒ AN CƯƠNG VÀ THUYẾT “TRUNG QUỐC ĐÃ VƯỢT
MỸ” BỊ PHÊ PHÁN TƠI BỜI
Thu Thủy
Việc GS Hồ An Cương, Viện trưởng Viện nghiên cứu tình hình đất nước, Đại học Thanh Hoa công bố các báo cáo cho rằng Trung Quốc đã trở thành nước đứng đầu thế giới về nhiều lĩnh vực đã gây tranh cãi sâu rộng, thậm chí Hồ An Cương còn bị coi là thủ phạm gây nên cuộc Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ.
Giáo sư Hồ An Cương: Trung Quốc đã đuổi kịp và vượt qua nước Mỹ
Gần đây, 27 học giả, nhà nghiên cứu, sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Thanh Hoa đã đứng tên trong một lá đơn yêu cầu Đại học Thanh Hoa cách chức Viện trưởng Viện nghiên cứu tình hình đất nước (Quốc tình nghiên cứu viện) và tước bỏ học hàm của Giáo sư Hồ An Cương. Sau đó bức thư đã được hơn 1 ngàn cựu sinh viên của trường đại học danh tiếng hàng đầu Trung Quốc này hưởng ứng ký tên trong một chiến dịch công khai phê phán năng lực học thuật, trình độ tư tưởng và đạo đức của Hồ An Cương.
Bức thư viết, họ lấy làm xấu hổ vì trường Đại học Thanh Hoa có một giáo sư như thế và chỉ rõ: “Mấy năm gần đây, Tiên sinh Hồ An Cương, Viện trưởng Viện nghiên cứu tình hình đất nước đã lấy tiền thuế của dân mà nghiên cứu đi ngược những kiến thức thông thường, nặn ra cái gọi là báo cáo học thuật “Sức mạnh quốc gia tổng hợp của Trung Quốc đã vượt nước Mỹ”, có thể nói đã “trên khiến quốc gia nhầm lẫn khi ra quyết sách, dưới mê hoặc dân chúng, các nước ở xa cảnh giác, láng giềng gần lo ngại, thật là hại nước hại dân”. Họ cho rằng, Hồ An Cương đã không chỉ làm ô danh nhà trường Đại học Thanh Hoa mà còn làm hại đất nước và nhân dân, độc hại lâu dài.
Được biết, trong bản báo cáo được Hồ An Cương công bố năm 2016, ông cho rằng Trung Quốc đã trở thành nước chế tạo lớn nhất thế giới, nước xuất nhập khẩu nhiều nhất và thực thể kinh tế lớn nhất thế giới. Tháng 4/2017, tại một lần đăng đàn, ông lại công bố một bản báo cáo với kết luận: “Trung Quốc đã bước vào thời kỳ đuổi kịp và vượt qua toàn diện nước Mỹ; trong đó về thực lực kinh tế đã vượt Mỹ năm 2013, khoa học kỹ thuật đã vượt Mỹ năm 2015, sức mạnh quốc gia tổng hợp đã hoàn thành vượt Mỹ từ năm 2012. Đến năm 2016, ba thực lực trên so với Mỹ đã gấp 1,15 lần về kinh tế, gấp 1,31 lần về khoa học kỹ thuật và 1,36 lần về sức mạnh quốc gia tổng hợp, đứng thứ nhất thế giới!”.
Ngoài hai bản báo cáo chính “đuổi kịp và vượt qua Mỹ” trên, Hồ An Cương còn có các nghiên cứu khác với những số liệu không phù hợp nghiêm trọng với số liệu của chính phủ; ví dụ: Trung Quốc đã lần lượt trở thành quốc gia chế tạo lớn nhất năm 2010, quốc gia xuất nhập khẩu lớn nhất năm 2013 và thực thể kinh tế lớn nhất năm 2014. Ông cho rằng, trong so sánh sức mạnh quân sự Trung- Mỹ, mô thức so sánh là: “Tài nguyên quân sự = nhân viên quân sự (số quân) + ngân sách quân sự”, ám chỉ đã Trung Quốc mạnh hơn Mỹ.
Trong bài báo “Sự hưng suy của các nước lớn và cơ hội cho Trung Quốc – đánh giá về sức mạnh quốc gia tổng hợp” đăng trên “Kinh tế đạo san”, Hồ An Cương cho rằng, các quốc gia phát triển đã “vì phát triển mà lão hóa”, đang đi tới suy thoái, là cơ hội lịch sử hiếm có về “thiên thời, địa lợi, quốc hòa” đối với Trung Quốc.
Vậy Hồ An Cương là ai và có vai trò thế nào?
Theo tư liệu chính thức, ông sinh năm 1953, quê Chiết Giang nhưng sinh ở Liêu Ninh. Sau khi lấy bằng Cử nhân tại Học viện Luyện kim Hà Bắc, Thạc sỹ ở Học viện Gang thép Bắc Kinh, Tiến sỹ tại Viện Tự động hóa, Viện Khoa học Trung Quốc; từ 1991 đến 1992, ông sang Đại học Yale, Mỹ tiến hành nghiên cứu sau Tiến sỹ; năm 1993 tới nghiên cứu tại Khoa Kinh tế, Đại học Murray State University; năm 1997 đến nghiên cứu tại Học viện kỹ thuật Massachusetts; năm 1998 sang nghiên cứu tại khoa Kinh tế, Đại học Trung văn Hongkong; năm 2000 tới Nhật giữ chức Giáo sư thỉnh giảng trường Đại học Keio; năm 2001 tới Mỹ làm Giáo sư thỉnh giảng Học viện Chính trị Kennedy, Đại học Havard; đầu năm 2003 sang Pháp nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu khoa học xã hội Pháp. Hồ An Cương cũng là đại biểu Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 tháng 11/2012.
Từ 1985, Hồ An Cương đã tham gia Tổ nghiên cứu phân tích tình hình đất nước thuộc Viện Khoa học Trung Quốc do Chu Lập Tam lãnh đạo và dần trở thành một trong số những nhà nghiên cứu quyền uy nhất về lĩnh vực tình hình trong nước.
Theo trang tin Đa Chiều, Viện nghiên cứu tình hình đất nước đặt tại Đại học Thanh Hoa do Hồ An Cương lãnh đạo là một “think tank” (cơ quan nghiên cứu) tư vấn quyết sách quốc gia hàng đầu của Trung Quốc, ấn phẩm “Quốc tình báo cáo” do trung tâm biên tập xuất bản chuyên cung cấp cho lãnh đạo cấp tỉnh, bộ trở lên tham khảo đến nay đã ra được hơn 500 kỳ.
Theo trang web của Viện nghiên cứu tình hình đất nước, “Quốc tình báo cáo” đã hơn trăm lần được lãnh đạo Đảng và nhà nước bút phê, có ảnh hưởng liên tục đến các quyết sách trọng đại của quốc gia. Hồ An Cương có danh tiếng và sức ảnh hưởng nhất định ở cả trong, ngoài Trung Quốc; tên tuổi ông thường xuyên xuất hiện trên các cơ quan truyền thông như “The New York Times” và các báo cáo của các “thin tank” Mỹ.
Nhiều người cho rằng báo cáo “Trung Quốc đã đuổi kịp và vượt Mỹ” do Hồ An Cương đưa ra tháng 4/2017 đã đi ngược sự thật nghiêm trọng, cổ súy tinh thần kiêu ngạo của dân chúng Trung Quốc, dẫn dắt sai ảnh hưởng tới việc tầng lớp cấp cao đề ra quyết sách (“ngộ đạo cao tầng quyết sách chế định”) và gây nên sự cảnh giác, thù địch của Mỹ. Thậm chí có người cho rằng, Hồ An Cương chính là thủ phạm hàng đầu gây nên Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ.
Những tranh cãi xung quanh luận điểm của Hồ An Cương
Giáo sư Vương Thiên Định ở Học viện Báo chí và truyền thông, Đại học Hải Dương Trung Quốc viết bài đăng trên tờ “Tân Kinh báo” cho rằng: “Quan điểm “Sức mạnh quốc gia tổng hợp của Trung Quốc đã vượt nước Mỹ” không những trái ngược với số liệu quyền uy của chính phủ Trung Quốc, mà còn trái ngược với cảm nhận và hiểu biết của những người bình thường sống ở Trung Quốc. Ông đánh giá nghiên cứu học thuật của Hồ An Cương “cố ý lấy lòng mọi người, đu theo tâm trạng xã hội trong thời kỳ nhất định, không chỉ bại hoại phong cách khoa học mà còn hình thành một kiểu mẫu tồi; đó là điều chúng ta không muốn thấy”.
Ông Long Vĩnh Đồ, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Trung Quốc, Tổng thư ký Diễn đàn kinh tế Bác Ngao, hồi tháng 2/2018 cũng đã viết bài “Phê phán sự dẫn dắt sai lệch của Hồ An Cương về Trung Quốc đã vượt Mỹ ba thực lực”. Ông viết: “Mới đây, một báo cáo thành quả nghiên cứu của Viện trưởng nghiên cứu tình hình đất nước Hồ An Cương ở Đại học Thanh Hoa nói, hiện 6 thực lực phát triển của Trung Quốc (kinh tế, khoa học kỹ thuật, sức mạnh tổng hợp, quốc phòng, ảnh hưởng quốc tế và văn hóa mềm) đều đã bước vào thời kỳ đuổi kịp và vượt Mỹ toàn diện; trong đó 3 thực lực đầu đã vượt Mỹ.
Quan điểm đó là sai lầm; trong nước dẫn dắt sai lầm, ở nước ngoài càng có tác dụng dẫn dắt sai lớn hơn”. Ông nói, từ trước đến nay, Trung Quốc chưa bao giờ coi thực lực kinh tế vượt Mỹ là tiền đề để xử lý quan hệ với Mỹ. Trung Quốc dù về thực lực phát triển, tố chất con người hay sức mạnh tổng hợp quốc gia đều còn có khoảng cách rất xa so với Mỹ; chúng ta cần có cảm giác bức bách và nguy cơ để không ngừng nỗ lực đuổi kịp trình độ tiên tiến của thế giới, chứ không phải là lâng lâng tự sướng”. Ông kết luận, Hồ An Cương đã “dẫn dắt sai lầm tầng lớp ra quyết sách và xã hội Trung Quốc”.
Nhà kinh tế Phàn Cương, Phó hội trưởng Hội nghiên cứu cải cách thể chế kinh tế Trung Quốc thì cho rằng, quan điểm của Hồ An Cương khiến người ta kinh sợ; muốn thực sự thu hẹp khoảng cách với các quốc gia phát triển phải mãi giữ cái đầu lạnh và đẩy mạnh tiến độ cải cách.
Ngày 21/6, ông Lưu Á Đông, Tổng biên tập “Nhật báo khoa học kỹ thuật” cũng gây chú ý khi nhắc đến thuyết “Trung Quốc đã vượt nước Mỹ” của Hồ An Cương khi thuyết giảng. Ông nói: “Khoa học kỹ thuật của Trung Quốc còn có khoảng cách rất xa so với Mỹ và các nước phương Tây phát triển. Đó vốn là điều bình thường, không thành vấn đề; thế nhưng một số người trong nước khi thì nói về “Tứ đại phát minh mới”, khi thì “đuổi kịp và vượt toàn diện”, “thực lực kinh tế, khoa học kỹ thuật và sức mạnh quốc gia tổng hợp của Trung Quốc đều đã vượt nước Mỹ, trở thành nước đứng đầu thế giới”…
Nếu chỉ để cổ vũ sĩ khí thì đành một nhẽ, nhưng điều rắc rối là người đưa ra những luận điệu đó đã làm chao đảo lãnh đạo, dao động công chúng và cả bản thân, đó mới là vấn đề”. Ông cho rằng: “Không thể phủ nhận, những lời lẽ đó đã chứng minh cho luận thuyết về mối đe dọa của Trung Quốc trên quốc tế. Những từ ngữ, luận thuyết thổi phồng khoa trương về Trung Quốc đó, dù với động cơ nào thì cũng trăm điều hại không một chút lợi, kết quả là gây họa nước hại dân”.
Nhân dân Nhật báo ngày 2/7 cũng vào cuộc với bài “Bàn về trào lưu thổi phồng tự đại”, chỉ trích “cách nói 3 thực lực của Trung Quốc đã đuổi kịp và vượt Mỹ”. Báo này phê phán một số bài viết tung hô “Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới về một số lĩnh vực, ai cũng khâm phục”, Trung Quốc hiện đã là nền kinh tế số 1 thế giới”, hoặc “Mỹ đã sợ chúng ta”, “Nhật bản kinh sợ, châu Âu hối hận”. “Những bài báo này đã kích động tinh thần cực đoan, dễ dẫn tới công chúng tự cao tự đại, xã hội sa vào thông tin vỡ vụn, vô hình trung cổ súy tư tưởng dân túy”.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến bảo vệ và ủng hộ Hồ An Cương. Một số người nói, họ “không tán thành quan điểm của Hồ An Cương, nhưng cực lực phản đối hành vi thông qua liên danh viết thư bức bách nhà trường sa thải Hồ An Cương, đó là sự chà đạp tự do học thuật và tự do ngôn luận”.
Ông Mai Tân Dục, nghiên cứu viên của Bộ Thương mại đã viết bài trên Weibo cá nhân ủng hộ Hồ An Cương, nói phương pháp nghiên cứu của ông có thể có vấn đề, nhưng đó là tự do học thuật, không nên vì thế mà sa thải ông; cho rằng: “Sự vây đánh giáo sư Hồ cực kỳ không bình thường, đã vượt quá ranh giới tối thiểu. Ông ấy phân tích thế nào là việc của cá nhân, còn có tiếp thu hay không là việc của anh. Anh không thể vì không chấp nhận nội dung nghiên cứu học thuật mà đập vỡ bát cơm của ông ấy”.
Tờ “Thời báo Hoàn cầu” – ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo tuy cũng tham gia phê phán Hồ An Cương, nhưng ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập của nó lại biện hộ cho Hồ An Cương trên Weibo cá nhân: “Nếu vì ông ấy tuyên truyền nhận thức về tình hình đất nước mà bị bãi chức, thì đó là sai lầm chính trị xã hội còn đáng sợ hơn sai lầm học thuật của ông ấy” và cho rằng, “chỉ cần không công kích chế độ chính trị căn bản của Trung Quốc thì những quan điểm bị dư luận chủ lưu coi là sai lầm cũng có quyền tồn tại trong xã hội này”.
Ông Hoàng Nhân Vĩ, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Thượng Hải thì thẳng thắn: “Năm 2015, khi Hồ An Cương bắt đầu phát biểu diễn thuyết về “Trung Quốc đã đuổi kịp và vượt Mỹ toàn diện” thì được coi là trao đổi học thuật bình thường; nhưng sau khi Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ nổ ra, quan điểm đó bị đẩy ra đầu sóng, ông trở thành cái bia sống cho một số người, thậm chí muốn dồn ông đến chỗ chết mới hài lòng”.
Trước búa rìu dư luận, ông Hồ An Cương khi trả lời phỏng vấn của mạng Tin tức Trung Quốc (Chinanews.com) đã bày tỏ không bình luận về những đánh giá đối với bản thân ông. Ông nói, những kết luận của ông được rút ra từ các luận chứng nghiên cứu học thuật nghiêm cẩn, “không thể dựa vào cảm giác phán đoán mà tự nói lời của cá nhân”. Ông đề nghị những người phê phán hãy đọc các bài viết rồi đối thoại học thuật.
Trang tin Đa Chiều ngày 2/8 cho biết, Hồ An Cương đã nói với các nhà báo: “Tôi đã tới Mỹ, tôi hiểu rõ nước Mỹ, tôi nhận biết Mỹ, tôi nghiên cứu Mỹ. Các ông cho rằng tôi chỉ là một chuyên gia về tình hình trong nước Trung Quốc sao? Những bài viết về sức mạnh tổng hợp đất nước Trung Quốc, kể cả bài đăng trên mạng, đó không chỉ là cần có sự nghiên cứu khoa học, mà còn cần phải có dũng khí”.
T.T.