Một bước biến đổi hài hước từ “văn hóa bạo lực” đến… “văn hóa nhân văn” (1)

U.V. 

https://i1.wp.com/www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2018/08/Cong-An-1.jpg?resize=696%2C697&ssl=1

Bức hình thứ 1 – Nguồn từ báo Đồng Tháp Online

Một số tấm hình chụp cảnh ‘công an giúp dân’ ở Việt Nam đã bị cư dân mạng xã hội Facebook ‘lật tẩy’, bình luận và bàn tán sôi nổi trong suốt mấy tuần qua.

Trong những tấm hình này, có một tấm được báo chí ‘lề phải’ đăng tải. Nội dung tấm hình cho thấy hai cán bộ công an CSVN, một nam một nữ, với khuôn mặt sáng sủa hiền lành đang nâng đỡ một bà lão đầu bạc trắng, mặc áo nâu đi xe đạp bị ngã, những trái cam rơi rớt trên mặt đường.

Bức ảnh này tương phản với các bức hình công an đánh đập, tra tấn, đàn áp dân, cảnh sát giao thông ăn hối lộ… tràn lan và dày đặc trên mạng.

Bức hình đầu tiên được đăng tại báo Đồng Tháp Online ngày 25/5/2018. Theo bài báo thì đây là một trong những tấm ảnh đoạt giải A trong cuộc vận động sáng tác tác phẩm văn học, nghê thuật, báo chí với chủ đề “học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách, tư tưởng HCM” do tỉnh này phát động. Sau đó, tấm hình cũng có mặt trong một cuộc triển lãm và báo Đồng Tháp chú thích: “những hình ảnh chân thực trong việc học tập… của các cá nhân, tập thể được các nhiếp ảnh gia ghi lại thật sinh động”.

Trong khi cư dân mạng đang xôn xao bình luận thì lại xuất hiện một tấm hình khác với nội dung “y chang”, nghĩa là cũng một bà lão đầu bạc trắng, mặc áo nâu đang được hai người công an một nam, một nữ nâng đỡ bên cạnh chiếc xe đạp ngã, những trái cam rơi trên mặt đường…

https://i0.wp.com/www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2018/08/Cong-An-2.jpg?resize=696%2C523&ssl=1

Tấm hình thứ 2 – Nguồn từ báo Vĩnh Phúc Online

Tấm hình này thực ra xuất hiện sớm hơn, vào ngày 17/10/2017 trên báo Vĩnh Phúc Online với tựa đề là “Đổi mới tác phong, lề lối, phương pháp làm việc của cán bộ, chiến sĩ CAND”. Chú thích hình ghi: “Chiến sĩ Công an phường Liên Bảo (thành phố Vĩnh Yên) giúp đỡ người già bị ngã xe giữa đường. Ảnh: An Nhi”.

Khá kỳ lạ là nội dung hai tấm hình này lại rất giống với một tấm thứ ba đã được đăng trên báo An ninh Thủ đô từ ngày 07/9/2013 ở bài “Những hình ảnh đẹp của công an thủ đô”, theo đó thì tấm hình (hai công an, một nam một nữ đang nâng đỡ một phụ nữ ngã xe đạp, trong cơn mưa) này là tác phẩm mang tên “Vì dân”, của tác giả Nguyễn Xuân Chính đoạt giải Nhì trong cuộc triển lãm diễn ra cùng ngày tại Hà Nội.

https://i1.wp.com/www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2018/08/Cong-An-3.jpg?resize=696%2C376&ssl=1

Tấm hình thứ 3- Nguồn từ báo An ninh Thủ đô Online

Dưới đây là một số bình luận trên mạng xã hội facebook:

Facebook Phạm Hồng Phước

“Khi xem những tấm ảnh mà tôi gọi là “mình có 3 người và 1 chiếc xe đạp” có nội dung na ná nhau được viral trên mạng mấy bữa nay, tôi nghĩ những người tử tế và tâm trí trong lành sẽ lập tức chắc lưỡi than “sao con cháu lại để những bà cụ già lưng còng đạp xe đạp mưu sinh ngoài đường thế kia”. Người nước ngoài có thể nghĩ về những mảng tối của đời sống xã hội ở xứ ‘Đông Lào’.

Người ta sẽ tự hỏi vì sao lại diễn ra (không phải xảy ra) những cảnh hầu như y chang nhau chỉ khác nhân vật và địa điểm. Phải chăng do cùng một tay máy ảnh dàn dựng? Hay là có một đề tài đặt hàng cụ thể về ý tứ, nội dung mà nhiều người cùng tham gia?…

Tôi thấy tội nghiệp cho sư phụ Photoshop một lần nữa bị lôi ra quy trách nhiệm. Lần này oan ổng lắm cơ. Bất quá ổng chỉ tham gia ở khâu chỉnh sửa màu sắc, loại bỏ chi tiết rối thừa thôi. Thực tế, những tấm ảnh này là do đầu óc và bàn tay sắp đặt của tay máy ảnh. Trong mỹ thuật vốn có cái thể loại nghệ thuật sắp đặt (Installation arts) do các họa sĩ trẻ ở phương Tây bày ra hồi thập niên 1960, 1970 coi như một nỗ lực cách tân nghệ thuật khỏi sáo mòn. Còn trong nhiếp ảnh nghệ thuật, thủ pháp dàn dựng, bố trí đóng một vai trò quan trọng. Và dĩ nhiên, dàn dựng mà non tay, vụng về, thô thiển hay cưỡng đặt ắt cho ra những tấm ảnh phi nghệ thuật, phản tác dụng, làm chối mắt người xem.

Thật ra, chỉ là một người biết yêu cái đẹp, nhìn những tấm ảnh này, tôi không thấy cái gì để gọi là ảnh nghệ thuật cả. Mà nếu gọi là ảnh báo chí thì lại phạm lỗi tày đình vì ảnh báo chí không chấp nhận dàn dựng mà phải người thật, việc thật, trong tình huống thật. Ngay cho dù là ảnh tuyên truyền thì cũng cần có sức thuyết phục người xem để không bị dính phản đòn, thà đừng có thì tốt hơn. Tôi tin rằng ngay cả các bạn áo xanh đàng hoàng cũng phải ngượng vì trò diễn quá lố này của tay máy ảnh”.

Facebook Nancy Hanh Nguyen

“Đẹp vô cùng Tổ quốc tôi ơi! Phóng viên vô tình bò ra đường, để máy ảnh sát mặt đất, chụp được ảnh 1 cụ bà chân không tới pedan, tay không tới ghi đông, đang đạp xe, yên sau cài một bó hoa vàng, bất ngờ té trước sự có mặt tình cờ của 2 chiến sỹ công an dưới trời trong nắng dịu dàng (Xe đổ 1 đường, cam phải lăn 1 nẻo mới là độc đáo!). Tự hào quá Việt Nam ơi!

Facebook Luan Le

“Nếu mà xã hội được khuyếch tán đi lòng tốt thì đương nhiên đó là một điều quý giá cho con người và đất nước. Nhưng một khi người ta cần phải tạo nên điều đó nằm ngoài sự tình cờ thì thật sự nó không mang tới thông điệp gì, dù diễn cảnh ấy có thể là một hoạt cảnh mô phỏng cho điều tốt đẹp. Xã hội ngày nay được vận hành dựa trên những diễn cảnh, tức thông qua những hình ảnh và thông tin mà người ta đưa ra một cách có chủ đích để giao tiếp với nhau. Điều này được Guy Debord nói đến cách đây cũng hơn nửa thế kỷ trước. Người ta sẽ tạo ra lớp lớp những diễn cảnh để thao túng nó và làm mất dần đi cái thực chất của mọi sự.

Chúng ta có cần thiết phải dựng nên những hoạt cảnh về những điều tốt trước ống kính để biểu trưng đối với xã hội hay không? Và tại sao lúc nào cũng là cụ già, chiếc xe đạp và túi cam cùng hai người một nam một nữ mặc sắc phục xuất hiện đúng lúc? Như tôi cũng đã nói đến nhiều lần, đó là việc người ta chỉ cần làm tốt nhất chức phận của mình trước đã, như Khổng Tử gọi là sự chính danh, thì đó đã là những điều tốt đẹp đáng quý của xã hội. Và hẳn nhiên rằng, khi việc mình đã có thể làm tốt thì những việc tốt khác sẽ được nhìn nhận và đánh giá cao bởi sự trung thực có tính bản chất mà nó thuộc về. Chẳng lẽ điều tốt cứ mãi ở trong sự nghèo nàn về tình cảnh và đời sống vật chất thế này hay sao?”.

Facebook Hoàng Dũng

“Dối trá biết nói. Trên tấm hình có logo VAPA (hội nghệ sĩ nhiếp ảnh VN) và dòng chữ mờ chạy ngang: Liên hoan ảnh nghệ thuật ĐBSCL 2018. Nó đoạt giải A. Rõ ràng đây là ảnh-nghệ-thuật, được sắp đặt để chụp và đem dự thi (và có thể sau đó dùng để tuyên truyền) chứ không phải khoảnh khắc đời thường. Cụ già như kia thì hầu như không còn đủ khả năng điều khiển xe đạp. Trừ phi là đảng viên đảng cộng sản. Nếu đó là cú té của nữ cua-rơ thì những trái cam hữu cơ của nàng phải văng theo chiều đổ của xe (sang phải) chứ không thể lăn ngược chiều xe đổ. Sắp đặt thiếu tính toán dựa trên sự gian dối và hời hợt của người làm nghệ thuật. Nếu những bông hoa cúc được buộc lên ghế sau xe thì tại sao nó lại không được để vào giỏ xe? Hoa được buộc vào ghế sau xe thì tại sao những trái cam lại không có dấu hiệu được bỏ vào 1 cái bịch nào đó, chẳng lẽ để lỏng chỏng trong giỏ xe. Có hơi buồn cười không? Chàng công an không thể dựng xe theo cách như thế kia được, rất không thuận. Lẽ ra tay trái của chàng phải đặt phía bên này của ghế sau xe đạp. Cắt. Diễn lại”.

Facebook Phan Thong

Phản nghệ thuật, lại là nhiếp ảnh ghi lại những khoảnh khắc của các sự kiện, vấn đề… sự gian dối, xảo trá thấp hèn đáng lên án dù bất luận về chủ đề nào hoặc làm gì. Nghệ thuật không chấp nhận sự dối trá lừa người xem. Đừng xem thường mọi người. Lố bịch quá…!!!

FB Cánh Hoa Bay

“Sau hơn nửa thế kỷ tuyên truyền hình ảnh tốt đẹp của “bộ đội cụ Hồ”, “chú công an” trên mọi phương tiện truyền thông độc quyền, hình ảnh đọng lại trong tâm trí người dân hôm nay là gì? Dân vào đồn công an, ra bằng manh chiếu bó thây vì “tự tử” bằng đủ loại phương tiện vớ vẩn như dây giày, dao rọc giấy, va vào dùi cui… Dân ra đường lúc nào cũng nơm nớp bị thổi còi đòi ‘bánh mì’ – Một hình thức trấn lột trơ trẽn luôn làm dân oán ghét. Có việc gì đụng đến giấy tờ, phải đến đồn công an thì xem như đi đứt vài ngày lương công nhân. Có khi bị cướp điện thoại, tiền mặt ngay trong đồn công an, nếu trước đó xuống đường phản đối Trung Quốc xâm lấn lãnh hải Việt Nam hay phản đối Formosa đầu độc môi trường sống. Khi các quan “đói” đất, công an được xua ra để “thu hồi” đất đai nhà cửa dân đang sống trên đó, thường là bồi thường với giá rẻ mạt để sau đó bán lại cho tư nhân, doanh nghiệp với giá trên trời. Còn nhiều lắm, không sao kể xiết! Họ biết dân ghét CA lắm nên giờ mới có nhu cầu biểu diễn màn chăm sóc cho dân. Tuy nhiên, vì không có tâm nên màn biểu diễn thô thiển đã bị dân cư mạng bóc mẽ ngay từ phút đầu tiên”.

U.V.

(1) Đầu đề do BVN đặt.

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/cu-dan-mang-lat-tay-hinh-anh-cong-giup-dan-la-doi-tra/

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.