Việt Nam đang có xu hướng rời Trung?

Ánh Liên

Kể cũng hay đấy nhỉ. Cả một đời ông Tổng Lú, cứ mở miệng ra là 4 tốt và 16 chữ, có một lời nào ra khỏi những lời họ Tập mớm cho đâu. Đến nỗi 3 mảnh đất hiểm yếu của Tổ quốc mà cũng đành gật đầu để cho lũ đàn em như tên Chính Quảng Ninh – một kẻ dám đào than lên bán lỗ cho Tàu cộng để rồi sau đó lại mua than với giá cứa cổ của Tàu cộng về bán lại cho các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam – biến thành đặc khu để dâng cho phương Bắc mà không dám một lời hó hé. Thế mà nay lại cho phép quốc đảo Đài Loan treo cờ riêng của mình. Trọng không sợ tiếng gầm của con sói Tập sau lưng mình nó xé xác mình lúc nào không biết sao? Âu cũng đành phải giải thích theo hướng tích cực là ông ta đã được quân sư đón gió, hóng được cái tin Tổng thống Donald Trump đã phất ngọn cờ chiến tranh thương mại với Tàu và đang có triển vọng đẩy Tập vào thế khốn đốn không đường chống đỡ, báo “tin vui”, nên từ thư phòng, bỗng chốc lấy được chút oai phong, lần đầu lên tiếng truyền một cái lệnh mà truyền xong thì mồ hôi chảy ra như suối. Thôi thì dù thế nào đi nữa dám cưỡng lệnh đàn anh một lần cũng vẫn là điều “hảo hảo”, còn hơn lú lẫn cho đến lúc nước mất nhà tan mà vẫn cứ hý hửng: Mình có thế nào thì người ta mới tôn trọng mình chứ, để cho bàn dân thiên hạ khinh nhờn. Mừng ông.

Bauxite Việt Nam

Có khá nhiều lý do, động thái, và biểu hiện để nhận biết được Việt nam đang nghiêng về nước nào trong quá trình đối ngoại của mình. Trong hàng thập niên kể từ sau cuộc chiến tranh Việt – Pháp kết thúc, với sự gia tăng ý thức hệ, Việt nam gần như đi theo con đường mà ĐCS đã chọn, với sự bao phủ của Trung Quốc dựa trên ý thức hệ tương đồng.

Cho đến nay, Việt – Trung vẫn giữ mối quan hệ hòa hảo theo hướng đại cục. Và trong những yếu tố then chốt Việt – Trung là tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Bắc Kinh theo nguyên tắc ‘một Trung Quốc’. Có nghĩa những vùng như Hồng Công, Ma Cao, Đài Loan là lãnh thổ thuộc Trung Quốc, và quan hệ đối với các khu vực này chỉ dừng ở cấp lãnh thổ.

Lá cờ Đài Loan được treo ngang với lá cờ Việt nam và Hoa kỳ.

Tuy nhiên, cơn biến động Biển Đông vừa qua, Việt nam có lẽ đã có một sự thay đổi nhất định. Theo đó, một nhà máy sản xuất đồ nội thất Đài Loan ở Việt nam đã được phép cắm cờ Đài Loan bên ngoài nhà máy của mình.

Taiwan news đưa tin, kể từ năm 2014, một số cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Việt nam thường dẫn đến sự tấn công các nhà máy Trung Quốc. Đài Loan và công dân Đài Loan thường bị đánh đồng với Trung Quốc và trở thành mục tiêu của những người biểu tình. Và ‘để tránh hiểu lầm’, một công ty Đài Loan đã nhận được sự cho phép của chính phủ Việt Nam để cắm lá cờ quốc gia Đài Loan ở phía trước nhà máy.

Động thái này được báo Taiwan news ngày 28.07 nhận định rằng: không thể tưởng tượng được.

Công ty được phép làm điều này là Công Ty TNHH Công Nghiệp Gỗ Kaiser 1 (Kaiser 1 Furniture Industry), chiếm 5% kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất.

Kaiser có 7.000 nhân viên, nhà máy nằm cách TP. Hồ Chí Minh 60 km, thuộc tỉnh Bình Dương.

Tại lối vào khu công nghiệp, hai lá cờ Việt Nam bay, hai bên là cờ của Hoa Kỳ, điểm đến chính của sản phẩm nội thất và hai lá cờ Đài Loan.

Sau các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, Kaiser nhận được tiền bồi thường từ chính phủ Việt nam và sự tuyên truyền từ nhà nước đối với công dân sở tại về sự khác việt giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Sự cho phép lần này của Việt nam cho thấy, có sự thay đổi trong mối quan hệ hai nước, nhất là khi động thái lần này chạm vào nguyên tắc số 1 của Bắc Kinh.

Trước đó, giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan thường rơi vào căng thẳng kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền tại hòn đảo từ năm 2016. Bà Thái là người có tư tưởng phản đối chính sách ‘Một Trung Quốc’, trong khi Bắc Kinh luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và nhiều lần tuyên bố không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất hòn đảo.

Đối với các nước có quan hệ với Đài Loan theo hướng nhà nước, Trung Quốc thường áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế để chống lại chính sách được cho là xâm hại nghiêm trọng chủ quyền và tính thống nhất lãnh thổ. Mới đây, Palau, một quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, đã lên tiếng nhờ Mỹ và Nhật Bản hỗ trợ nền công nghiệp du lịch nước này sau khi Trung Quốc được cho là đã cấm du khách Bắc Kinh tới đây vì Palau có quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Việt nam thường luôn nhấn mạnh ‘tôn trọng nhưng không sợ Trung Quốc’, tuy nhiên, lần cho phép treo cờ này cũng đã cho thấy không còn sự tôn trọng đó. Có lẽ nó xuất phát từ việc Bắc Kinh đã không tôn trọng vấn đề chủ quyền Biển Đông, với xu hướng đẩy mạnh quân sự hóa các đảo nhân tạo trong thời gian gần đây.

Trong một thông tin có liên quan, cũng theo Taiwan News, Đài Loan và Việt Nam vừa ký Biên bản ghi nhớ về trao đổi thành phố thông minh (TP Hồ Chí Minh). Nhân sự kiện này, Chủ tịch Hiệp hội Máy tính TP HCM đã cho hay, Đài Loan đã đầu tư lâu dài vào Việt Nam và gần đây, một xu hướng cho thấy sự hợp tác giữa Đài Loan và Việt Nam không chỉ ở các lĩnh vực kinh tế và thương mại mà còn mở rộng sang phát triển và đầu tư công nghệ.

A.L.

VNTB gửi BVN.

This entry was posted in Xu hướng thoát Trung. Bookmark the permalink.