BBC Tiếng Việt
Công nhân Trung Quốc may cờ Mỹ tại một nhà máy gia công ở tỉnh An Huy, TQ. AFP/GETTY IMAGES
Cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung đã bước vào giai đoạn hai – cuộc chiến tiền tệ. Điều này có tác động ra sao đến thị trường và kinh tế Việt Nam?
BBC News Tiếng Việt phỏng vấn Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí từ Florida, Hoa Kỳ, từng là chuyên gia tài chính cao cấp của IMF trong gần 30 năm.
BBC: Câu hỏi đầu tiên là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã phá giá 8% để đối phó với thuế Mỹ trên hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ, vậy xu hướng này liệu có còn tiếp tục thưa ông?
TS. Phạm Đỗ Chí: Đồng tiền Trung Quốc (China yuan, hay CNY hoặc RMB) chỉ cần phá giá thêm 2% tới thành 10% trong vài tuần tới, như nhiều người tiên đoán, là Trung Quốc đụng đến giới hạn “tâm lý chính trị” của Mỹ như Trump hay chỉ trích trước đây là Trung Quốc thao túng tỷ giá để làm lợi cho xuất khẩu. Nhưng chính phủ Trump còn đang sửa soạn áp thuế nhập khẩu lên toàn bộ hàng Trung Quốc và trong giai đoạn ba của chiến tranh thương mại Mỹ -TQ, họ sẽ gây rối loạn toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc.
Hệ quả là lạm phát, các nhà máy đóng cửa tránh thuế Mỹ, tư bản rút khỏi Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á và sau đó sang ngay Mỹ và Âu châu… Dân chúng và tư bản quốc tế sẽ mất tín nhiệm với đồng NDT rút tiền ra khỏi Trung Quốc, chứng khoán và dự trữ ngoại hối sụp đổ.
Nhiều người tiên đoán đồng nhân dân tệ có khả năng phá giá thêm 2% nữa, lên tới 10%, theo TS. Phạm Đỗ Chí. AFP/GETTY IMAGES
BBC: Nếu tình hình sắp tới diễn ra đen tối cho Trung Quốc như vậy, cụ thể Trung Quốc sẽ gặp vấn đề nội bộ gì?
TS. Phạm Đỗ Chí: Tại Trung Quốc, thất nghiệp sẽ gia tăng và với lợi thế của các nền công nghiệp mới thời 4.0, lợi thế nhân công rẻ sẽ sụt giảm trầm trọng so với áp thuế của Mỹ.
Nếu không xử lý tốt, xã hội Trung Quốc có nguy cơ sụp đổ cùng với các bất mãn chính trị do tham nhũng và chế độ toàn trị (như kinh nghiệm Liên Xô trước đây).
Rất có thể chúng ta sẽ chứng kiến lại cảnh “bất chiến tự nhiên thành” của các chế độ cộng sản còn lại dẫn dắt bởi Trung Quốc hoặc bám theo mô hình Trung Quốc.
Họ có thể sẽ sụp đổ theo sau khủng hoảng kinh tế. Ngay tại Trung Quốc, tâm lý hiện nay là rút vốn, đem tiền ra nước ngoài. Các vụ tiền Trung Quốc tràn ngập mua nhà ở ngoại quốc, gồm cả ở Việt Nam trong 5 năm qua là triệu chứng mở đầu khá rõ.
BBC: Theo ông, nếu xảy ra khủng hoảng thì tác động đến Việt Nam sẽ ra sao?
TS. Phạm Đỗ Chí: Việc Trung Quốc tuồn hàng sang VN để xuất khẩu sang Mỹ hiện quá rõ và đang được Mỹ chú ý đối phó đặc biệt. Các tác dụng trên của chiến tranh Mỹ-Trung với TQ sẽ cũng xảy ra cho VN, tuy ở tầm mức giới hạn hơn. Hiện người dân VN đã tăng dự trữ USD. Cùng lúc, có dấu hiệu tư bản ngoại quốc bắt đầu rời VN do mất tín nhiệm với việc tiền mất giá.
Thị trường chứng khoán sẽ còn mất giá tiếp với lạm phát lên cao trên mức 5% và dân chúng chuyển tiền ra ngoài. Đồng vốn kể cả ở TQ hay VN sẽ tìm đến các ‘bến đỗ an toàn’ (safe haven) ở Bắc Mỹ, Singapore, châu Âu.
Dạo Tết Nguyên đán vừa qua giữa tháng 2/2018, tôi đã có bài trên BBC Tiếng Việt cảnh báo sớm nguy cơ sụp đổ từ mức 1100 của VN Index có thể lên tiếp một chút (đã đụng mức 1209 vào hôm 9/4/18) nhưng rồi sẽ xuống mạnh nhanh chóng.
Các đỉnh cao trước đó, do đầu cơ và sự tiếp sức do khối ngân hàng bơm thanh khoản từ giữa năm 2017 vì lý do chính trị, không thể bền vững (unsustainable). Hiện đã xuống dưới mức 900 và còn có thể xuống tiếp mức 700-750 vào cuối năm. Tỷ giá đã vượt mức 23,400 VND/1 USD và có thể mất giá 5% nếu tiền TQ bị mất giá 10% như được tiên đoán rộng rãi.
Việc TQ tìm thị trường cho hàng giá rẻ bán ồ ạt sang VN sẽ gây thêm vấn đề cho kinh tế VN, theo TS. Phạm Đỗ Chí. EDWARD BERTHELOT/GETTY IMAGES
BBC: Nhưng để đối phó với Mỹ, phải chăng Trung Quốc muốn biến Việt Nam thành một nơi gia công hay chỉ giúp mang nhãn Trung Quốc (Chinese products made in VN) để xuất khẩu đi tiếp? Điều này nếu xảy ra sẽ có tác động ra sao đến kinh tế Việt Nam?
TS. Phạm Đỗ Chí: Việc này nếu xảy ra sẽ tăng sức ép, thậm chí bóp chết doanh nghiệp trong nước, đưa kinh tế Việt Nam ngày càng khó khăn. Việc Trung Quốc tìm thị trường cho hàng giá rẻ bán ồ ạt sang Việt Nam, sẽ chỉ gây thêm vấn đề cho kinh tế Việt Nam.
BBC: Câu hỏi cuối cùng, cú bắt tay Donald Trump và Vladimir Putin là dấu hiệu gì thưa ông?
TS. Phạm Đỗ Chí: Trump không chỉ bắt tay với Putin mà còn mời Putin sang Hoa Kỳ. Điều này sẽ còn đợi thời gian tới diễn biến sẽ ra sao nhưng trước mắt, đây là dấu hiệu cho thấy có vẻ Mỹ đang có chiến lược Hòa Nga chống Trung Quốc, với tác động kinh tế và địa chính trị sâu rộng cho thế giới.
Như việc Nixon-Kissinger đã theo chiến lược hoà Trung chống Nga những năm đầu 1970, hy sinh chiến tuyến Nam Việt Nam tự do, giúp Con rồng Trung hoa ngóc đầu lên dữ dội và đang gây kinh hoàng cho toàn cầu với sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự như ở vùng Biển Đông.
Khó mà không thể nghi ngờ các tính toán chiến lược mới của Trump, đằng sau vẻ nhu nhược trước Putin đang bị nhiều nhân vật chính trị quốc tế hay tại Mỹ kết án chỉ trích mạnh mẽ! Hãy đón xem hồi tới!
Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/business-44956710
Tham khảo thêm
Đệ nhất gian tham gặp phải tay mồm loa mép giải
Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguồn: https://www.youtube.com/29ce906a-b1ec-4c38-9285-0e9137ae8d71