Tôi tin vào tự do thể hiện, nhưng…

Phạm Nguyên Trường dịch

Tự do thể hiện liên quan với việc bảo vệ tốt hơn quyền con ngườ/i, GDP cao hơn, ít bạo lực hơn và ít tham nhũng hơn.

Từ năm 1980 đến năm 2003 là giai đoạn mà chế độ dân chủ, các thiết chế đầy sức mạnh và sự công nhận các quyền con người phát triển với tốc độ chưa từng có. Các nhà cầm quyền độc tài và độc đoán trên khắp thế giới nới lỏng mức độ kìm kẹp đối với báo chí và quyền công dân để người dân có thể “biết, lên tiếng và tự do tranh luận theo lương tâm của mình”, như nhà thơ người Anh, John Milton, viết vào năm 1644.

Tuy nhiên, từ năm 2003 trở đi, tự do thể hiện đã gặp phải những rào cản khá lớn. Theo Freedom House, chỉ có 13% người dân trên thế giới được hưởng quyền tự do báo chí. Tự do báo chí trên toàn thế giới bắt đầu suy giảm từ năm 2004 và đang lan nhanh như cháy rừng, số nước có báo chí tự do đã giảm 10%. Đồng thời, các chế độ dân chủ lâu đời đang kêu gọi áp dụng những biện pháp cứng rắn nhằm đối phó với tình trạng nan giải trong việc cân bằng giữa quyền tự do dân sự và an ninh quốc gia. Tình trạng còn tồi tệ thêm, đấy là khi thái độ cảnh giác trước tin tức giả và những đòi hỏi mới về việc bảo vệ các nhóm thiểu số trước những phát ngôn thù hận đang giành được sự ủng hộ của nhiều người.

https://4.bp.blogspot.com/-gAduFuZDlns/W1YBHlQJAkI/AAAAAAAAFU8/9YlZAh2mLBEUsBn3JuISdIshFt06W0pNgCLcBGAs/s640/Minhhoa.JPG

Ảnh minh họa

Trên bình diện toàn cầu, có khá nhiều người ủng hộ tự do ngôn luận. Mọi người thường coi việc chỉ trích các chính phủ và chính trị gia là quyền căn bản; nhưng, đụng chạm tới các nhóm thiểu số thì người ta không còn ủng hộ tự do ngôn luận nữa. Ví dụ, cuộc khảo sát do Quỹ Varkey tiến hành cho thấy chỉ có 49% số người thuộc “Thế hệ Z” (thế hệ được sinh ra trong giai đoạn từ giữa những năm 1990 đến giữa những năm 2000 – ND) tin rằng mọi người nên có quyền nói những chuyện khó chịu với các nhóm thiểu số, trong khi chỉ có 46% người châu Âu nghĩ rằng mọi người có thể đưa ra những tuyên bố có tính gây hấn đối với các nhóm thiểu số.

Phát ngôn thù hận kích động bạo lực?

Do đó, khi nói về tự do thể hiện, dường như thái độ thịnh hành vẫn là: “Tôi tin vào tự do ngôn luận, nhưng…”. Tuy nhiên, thái độ ủng hộ tự do ngôn luận thiếu nhiệt tình này là rất nguy hiểm, trong một số trường hợp, thái độ như thế tạo điều kiện cho các chính phủ hạn chế tự do ngôn luận. Lý do là đa số người tin rằng ngôn từ mang tính thù hận kích động bạo lực và xung đột. Do đó, các chính phủ, các công ty và tổ chức phải kiểm duyệt những phát ngôn có tính xúc phạm. Tuy nhiên, không có lý do để tin rằng kiểm duyệt sẽ cải thiện bất cứ chuyện gì.

Kiểm tra một cách kĩ lưỡng cho thấy tư tưởng cho rằng phát ngôn thù hận kích động bạo lực là không chính xác.

Ngược lại, kiểm tra một cách kĩ lưỡng cho thấy tư tưởng cho rằng phát ngôn thù hận kích động bạo lực là không chính xác. Trước hết, phát ngôn thù hận sẽ khuyến khích những người khác có hành vi bạo lực đơn giản chỉ vì họ phải nghe những ngôn từ có tính thù địch có phải là rất đáng ngờ hay không? Mỗi cá nhân đều là những người duy lý và tự chủ, và ý tưởng cho rằng ngôn từ có tính xúc phạm sẽ làm cho người ta có hành động bất hợp pháp là sai. Mặt khác, có khả năng là ngôn từ thù hận sẽ kích động cảm xúc ở những người vốn đã sẵn sàng làm những hành động tội lỗi.

Bằng chứng từ Rwanda cho thấy không có nhiều lý do để tin rằng chỉ vì những phát ngôn thù hận mà người dân đã bị kích động đến mức có những hành động bạo lực. Công trình nghiên cứu không phát hiện được ảnh hưởng đáng kể của Đài phát thanh của chính quyền Rwanda trong việc truyền bá những thông điệp hận thù về người Tutsis bị bức hại. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy kết quả tương tự. Tác giả phát hiện ra rằng nhiều người trong số các thủ phạm bị kết tội diệt chủng không nghe Đài phát thanh Rwanda.

Kiểm duyệt: Con đường dẫn tới nhiều thù hận hơn?

Nhưng, nếu chúng ta chấp nhận rằng cần phải có những biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn khác nhau nhằm bảo tồn sự đa dạng và chế độ dân chủ thịnh vượng thì hậu quả sẽ ra sao?

Một số nước đã tìm cách hạn chế tự do ngôn luận nhằm bảo vệ các nhóm thiểu số. Nói chung, kết quả từ châu Âu là những lời lên án tùy tiện và ngược đãi vô căn cứ nhắm vào những người chỉ trích đạo Hồi. Hơn nữa, bằng cách bịt miệng những quan điểm cấp tiến và bất đồng, các nước châu Âu đã và đang nuôi dưỡng thái độ bất mãn của những người bị bịt miệng. Bị truy tố theo pháp luật những quan điểm “sai trái”, những kẻ cực đoan sẽ coi mình là nhóm người thiểu số bị giới ăn trên ngồi trốc đàn áp. Đấy cũng là kết quả của một công trình nghiên cứu về chủ nghĩa khủng bố của cánh hữu, tác giả công trình nghiên cứu này rút ra kết luận rằng đàn áp có thể đã thúc đẩy bạo lực của những người cực đoan bên cánh hữu.

Bằng cách bịt miệng những quan điểm cấp tiến và bất đồng, các nước châu Âu đã và đang nuôi dưỡng thái độ bất mãn của những người bị bịt miệng.

Trên quy mô nhỏ hơn, các mạng xã hội trực tuyến khác nhau đã tiến hành kiểm duyệt nhằm bảo vệ những nhóm thiểu trước những phát ngôn có tính xúc phạm. Nhưng, kết quả dường như không đáng kể, nếu không nói là phản tác dụng. Ví dụ, Reddit đã cấm hai người sử dụng vì ngôn từ mang tính xúc phạm và nội dung đầy thù hận. Khi quyết định cấm r/fatpeoplehate và r/CoonTown vào năm 2015, Reddit đã thực hiện được mục tiêu của mình. Nhưng, biện pháp cấm đoán này đã dẫn tới kết quả như thế nào? Một công trình nghiên cứu, năm 2017, cho thấy trong khi Reddit hạn chế nội dung gây tranh cãi, người ta chỉ cần chuyển sang đến các website khác là đã có thể xuất bản những nội dung đầy thù hận. Tương tự như kết quả từ một công trình nghiên cứu của UNESCO, nói rằng cấm đoán “những hành động chọc tức” chỉ làm cho chúng xuất hiện trên những website khác mà thôi.

Tại sao tự do thể hiện lại quan trọng?

Những nhận xét bên cho thấy rằng ngăn chặn những phát biểu có tính thù hận – không phụ thuộc vào biện pháp – thường không thành công hoặc thậm chí là phản tác dụng. Trên cơ sở đó, chúng ta phải nhớ lý do vì sao tự do ngôn luận lại quan trọng đến như thế và vì sao chúng ta phải tôn trọng quyền tự do này.

Vì, như nhiều học giả đã chứng minh, tự do thể hiện liên quan với việc bảo vệ tốt hơn quyền con người, GDP cao hơn, ít bạo lực hơn và ít tham nhũng hơn. Cuối cùng, đàn áp tự do ngôn luận đã và đang là công cụ ưa thích nhất của các chính phủ và các nhà độc tài trên khắp thế giới nhằm buộc người nghèo phải tuân phục quyền hành của họ.

Filip Steffensen là nhân viên tiếp thị tự do, người Đan Mạch, ủng hộ các nguyên tắc của xã hội tự do. Anh tốt nghiệp đại học tháng 6 năm 2017, và đang làm trong lĩnh vực bất động sản. Anh liên kết với nhiều tổ chức thúc đẩy chủ nghĩa tự do cổ điển và là đại diện của Liên minh Thanh niên Tự do.

F.S.

Nguồn: Fee

VNTB gửi BVN.

This entry was posted in Tự do báo chí. Bookmark the permalink.