Thư ngỏ Quỹ Luân lý và Kinh tế gửi dòng họ gia đình Wang – chủ sở hữu Tập đoàn Formosa về vấn đề ô nhiễm biển tại Việt Nam gây ra bởi nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh

Ethecon

Quỹ Luân lý và Kinh tế

Thư ngỏ gửi Gia đình Wang – Chủ sở hữu, Ông Lee Chih Tsuen – Chủ tịch và các vị quản lý có thẩm quyền khác của tập đoàn nhựa Formosa,

3.7.2018

Kính gửi các Ông/bà,

Chúng tôi xin quay trở lại vấn đề ô nhiễm biển tại Việt Nam gây ra bởi nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh mà các ngài phải chịu trách nhiệm,

Ngoài bức thư như đã trao đổi năm 2016, chúng tôi có tham khảo thêm một cách cẩn thận hiến chương đính kèm về “Quyền con người và các hiểm họa công nghiệp” được chấp nhận và thực hiện bởi Tòa án nhân dân quốc tế năm 1994.

Cách đây hơn một năm, nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh đã gây ra hiểm họa môi trường ở mức độ nghiêm trọng. Các ngài đã tỏ ý lấy làm hối tiếc và sẵn sàng chi trả một khoản bồi thường 500 triệu dollar cho các gia đình bị thiệt hại cũng như khắc phục môi trường biển ô nhiễm của địa phương.

Chúng tôi đề nghị các ngài cung cấp cho chúng tôi các thông tin chính thức về diễn biến của vấn đề này, với các nội dung sau đây:

1. Những thiệt hại gì đã được phát hiện/xác định?

2. Làm sao có thể đảm bảo rằng tất cả các thiệt hại đã được xác định?

3. Các thiệt hại đã được xác định cụ thể ở những địa điểm nào?

4. Ai là người xác định các thiết hại?

5. Các tài liệu liên quan đến thiệt hại được lưu trữ ở đâu? Các tài liệu liên quan đến thiệt hại đã được trình lên các cấp nào? Những ai có quyền truy cập các tài liệu này?

6. Các tài liệu liên quan đến thiệt hại có được công khai hay không?

7. Các thiệt hại có được tiến hành nghiên cứu dài hạn không?

8. Khi nào việc đền bù/bồi thường của nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh cũng như tập đoàn nhựa Formosa đối với các thiệt hại được tiến hành?

9. Thực tế các lãnh đạo nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh cũng như tập đoàn nhựa Formosa đã tiến hành đền bù bao nhiêu tiền?

10. Ai là người xác định chi phí đền bù?

11. Dựa vào những căn cứ/tiêu chí cụ thể nào để xác định chi phí/mức độ đền bù thiệt hại?

12. Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh và tập đoàn nhựa Formosa đền bù cho những thiệt hại gì?

13. Đối tượng nào đã được nhận chi phí đền bù từ nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh và tập đoàn nhựa Formosa?

14. Các cá nhân cụ thể nào đã được nhận đền bù thiệt hại từ nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh và tập đoàn nhựa Formosa?

15. Nhóm đối tượng nào được lên kế hoạch nhận đền bù thiệt hại từ nhà máy thép Formosa và tập đoàn nhựa Formosa?

16. Sự đền bù thiệt hại được thanh toán/chi trả theo nguyên tắc nào và ai thực hiện việc thanh toán/chi trả?

17. Khi nào thì toàn bộ số tiền bồi thường của nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh và tập đoàn nhựa Formosa được thanh toán xong?

18. Khi nào và các thiệt hại nào được khắc phục/sửa chữa?

Theo những thông tin chúng tôi nhận được, sự đền bù thiệt hại không tương xứng với các tổn thất thực sự mà bên bị hại phải chịu, đặc biệt đối với các hư hại hiện hữu. Theo hiểu biết của chúng tôi, các hứa hẹn về việc hỗ trợ tạo công ăn việc làm mới cho ngư dân cũng chưa được thực hiện.

Các điều tra nghiên cứu về sự ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của người dân quanh vùng thiệt hại cũng được cho là chưa được thực hiện. Chúng tôi mong các ngài lưu ý đến mục “Sức khỏe, An toàn và các quyền liên quan đến môi trường của người lao động và cộng đồng” trong Hiến chương “Quyền con người và các hiểm họa công nghiệp” mà chúng tôi có đính kèm theo bức thư này.

Thậm chí cho đến nay không có bất kỳ việc lập hồ sơ hay tài liệu đánh giá nào liên quan đến ô nhiễm môi trường biển, chứ đừng nói gì đến việc thực hiện phục hồi môi trường biển.

Từ tháng 7 năm 2017, công suất sản xuất thép của nhà máy lại tiếp tục được mở rộng. Theo thông tin chúng tôi nhận được, việc đánh bắt cá xung quanh khu vực sản xuất thép vẫn không thực hiện được. Không có bất kể kết quả nghiên cứu nào của các bên điều tra độc lập về thực trạng chất lượng nước biển, không khí và môi trường đất trong khu vực cũng như trong phạm vi sản xuất của nhà máy thép.

Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu các ngài trong khả năng tối đa của mình, làm rõ và từ đó hạn chế các thiệt hại và các hậu quả mang lại cho người dân Việt Nam.

Năm 2009, Ethecon – Tổ chức luân lý và kinh tế đã trao giải Hành tinh đen cho tập đoàn nhựa Formosa, một giải nổi tiếng thế giới mang tính lên án các hành vi tội ác chống lại loài người và xâm hại thiên nhiên. Tuy nhiên từ đó đến nay tập đoàn của các ngài vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường khắp thế giới, đặc biệt là môi trường nước. Dưới sức ép của các cuộc biểu tình của dân chúng khắp nơi, chẳng hạn ở Mỹ, tập đoàn các ngài phải đối diện với các biện pháp xử lý pháp lý của tòa án Mỹ.

Đối với việc gây ô nhiễm và hủy hoại môi trường không khí, môi trường đất và môi trường nước ở Việt Nam, những người đại diện và đứng đầu tập đoàn các ngài phải chịu hoàn toàn trách nhiệm pháp lý. Cho tới nay không một ai đại diện cho tập đoàn Formosa bị chịu trách nhiệm trước thảm họa này cũng như không một ai bị kiện tụng cho tội ác đã gây ra. Chúng tôi yêu cầu các ngài đề nghị truy tố trách nhiệm pháp lý hoặc thậm chí trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân thuộc ban quản lý có liên quan.

Liên quan đến chủ sở hữu tập đoàn nhựa Formosa, do phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về thảm họa môi trường biển tại Việt nam gây ra bởi nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh, cần phải:

– Cho khắc phục, sửa chữa toàn diện và bồi thường tất cả các thiệt hại mà nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh gây ra.

– Cho thực hiện các điều tra, đánh giá độc lập tất cả các thiệt hại do nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh gây ra.

– Cho giám sát theo dõi ngắn và dài hạn các thiệt hại gây ra bởi các hoạt động sản xuất của nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh.

– Thông tin liên tục và đầy đủ tất cả các vấn đề liên quan đến:

+ Thảm họa môi trường do Formosa gây ra tại Việt Nam

+ Các thiệt hại lâu dài cũng như hậu quả để lại của thảm họa

+ Khắc phục, sửa chữa các thiệt hại và thực hiện đền bù

+ Phục hồi môi trường nguyên vẹn (như trước khi xảy ra thảm họa)

– Chịu truy tố và trừng phạt pháp lý bởi trách nhiệm gây ra thảm họa môi trường và thiệt hại sức khỏe của người dân.

– Thi hành các yêu cầu về bảo vệ con người và môi trường đối với các hoạt động sản xuất của Formosa.

– Chấp nhận sự phản đối và các cuộc biểu tình cũng như khiếu nại của người dân liên quan đến thảm họa môi trường do Formosa gây nên, và các yêu cầu bồi thường thiệt hại, sửa chữa và khắc phục hậu quả.

Với lời chào trân trọng,

Angela Beutler

Thay mặt ban lãnh đạo Ethecon – Quỹ Luân lý và Kinh tế

https://drive.google.com/open?id=0B4plWJUuxKmQeDl1dnFqWHZtSDhKbGNvOUdDdGN5enNPRjMw

This entry was posted in Formosa. Bookmark the permalink.