Nguyễn Quang Duy
Chúng ta đều biết Trung Cộng là quốc gia cộng sản và đều nghe về kinh tế thị trường chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc.
Nền kinh tế thị trường có đuôi cộng sản Bắc Kinh này là nền kinh tế nhà nước can thiệp định hướng thị trường bằng cách bảo hộ mậu dịch.
Sang đến Việt Nam nó biến thành kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cả hai nước dùng cụm từ này vì khi gia nhập WTO họ đã cam kết từng bước trở thành kinh tế thị trường nhưng đến nay vẫn không chịu thực hiện.
Việc Tổng thống Trump đánh thuế trên hàng hóa Trung Cộng nhập cảng vào Mỹ vì thế là cuộc chiến phá bỏ thể chế nhà nước bảo hộ mậu dịch của Bắc Kinh và Hà Nội.
Chiến tranh leo thang, phía Mỹ thông báo vào tháng 9/2018 sẽ đánh 10% thuế lên 200 tỷ Mỹ kim khác. Như vậy chừng một nửa tổng số hàng Trung cộng nhập khẩu vào Mỹ sẽ bị đánh thuế và vượt quá khả năng Trung Cộng có thể đánh trả.
Phía Trung Cộng đã kiện với WTO, nhưng đến nay Mỹ chưa công nhận Trung Cộng theo kinh tế thị trường nên việc tranh chấp rất ít cơ hội được WTO giải quyết. Ông Trump lại từng tuyên bố WTO chẳng mang lợi gì cho nước Mỹ và dọa Mỹ sẽ rút khỏi tổ chức này.
Hiểu được thể chế nhà nước bảo hộ mậu dịch như thế nào sẽ giúp chúng ta thấy rõ hơn việc ông Trump đang làm là rất đúng và rất tốt cho người Việt Nam.
Giữ tỷ giá hối đoái
Trước đây Tổng thống Obama thường xuyên lên án Trung Cộng dùng đồng tiền để bảo hộ thương mãi nhưng ông không làm được gì nên cán cân mậu dịch giữa hai nước càng ngày càng mở rộng.
Tổng thống Trump biết thế nên đánh thuế và đòi hỏi phía Trung Cộng phải cân bằng thặng dư thương mãi.
Để giúp ổn định kinh tế vĩ mô, nhiều quốc gia trên thế giới kể cả Nhật, Đại Hàn, Đài Loan cũng giữ tỷ giá hối đoái. Nhưng các quốc gia này theo thể chế tự do nên đều giảm thiểu thiệt hại cho Mỹ, cho thế giới, cũng như cho chính các quốc gia này.
Vì là 2 quốc gia cộng sản, Trung Cộng và Việt Nam vẫn sử dụng các phương cách bảo hộ dưới đây gây nhiều ảnh hưởng xấu đến Mỹ và thế giới.
Công đoàn bị cấm hoạt động
Trung Cộng và Việt Nam lập ra các công đoàn quốc doanh. Đại diện công đoàn lãnh lương chủ, làm việc như công chức nhà nước. Không ai đấu tranh cho quyền lợi công nhân nên lương bổng công nhân còn rất thấp.
Đa số công nhân lại từ vùng quê lên đô thị kiếm việc, không có tay nghề chuyên môn nên ít dám đòi hỏi quyền lợi. Hầu hết công nhân xem công việc là tạm bợ, làm cho đến khi kiệt lực, chán nản hay mất việc họ lại quay về thôn quê.
Lương lao động thấp nên giá hàng xuất khẩu rẻ, giết chết công nghiệp Mỹ, làm người Mỹ thất nghiệp. Chính thành phần công nhân bị mất việc hay bị đe dọa mất việc đã ủng hộ và bầu ông Trump đắc cử Tổng Thống.
Khi đắc cử ông Trump cho biết: “Dưới chính quyền của tôi, việc đánh cắp sự thịnh vượng của Mỹ sẽ chấm dứt. Chúng ta rốt cuộc sẽ bảo vệ các ngành công nghiệp và tạo ra một sân chơi bình đẳng cho công nhân Mỹ” và ngày nay ông Trump thực hiện lời hứa.
Ông Trump đã bắt đầu sửa soạn tranh cử cho nhiệm kỳ tới và nếu ông thắng cử, cuộc chiến thương mãi sẽ chỉ kết thúc bằng việc Trung Cộng và Việt Nam phải thực hiện lời hứa khi họ gia nhập WTO chấp nhận công đoàn tự do và các hứa hẹn khác.
Hàng rào thuế quan
Nhiều mặt hàng Mỹ khi nhập cảng vào Trung Cộng vẫn phải chịu các sắc thuế đã có từ trước khi Trung cộng gia nhập WTO, cho đến nay sau hơn 15 năm vẫn chưa được hủy bỏ.
Đầu tư
Nhờ tham gia WTO các công ty Trung Cộng phần lớn được cho phép đầu tư tự do trên thị trường quốc tế trong khi Bắc Kinh lại hạn chế khả năng của các công ty nước ngoài đầu tư vào Trung cộng, nhất là trong các lãnh vực ngân hàng, ô tô, công nghiệp nặng và nông nghiệp.
Trung Cộng còn ép buộc các công ty nước ngoài muốn làm ăn phải chuyển giao kỹ thuật trước khi cấp phép cho khai thác thị trường tại đây.
Khi có được kỹ thuật mới trong tay Trung Cộng sử dụng tài sản trí tuệ này một cách trái phép gây thiệt hại nặng nề cho công nghệ các nước tiên tiến.
Khoáng sản, Tài Nguyên và Môi Trường
Bảo hộ thương mãi dẫn tới nạn khai thác và xuất khẩu khoáng sản và tài nguyên đến cạn kiệt. Môi trường được xem như của trời cho và nhiều vô tận nên bị hủy hoại khủng khiếp.
Chỉ vài năm trước nguồn xuất khẩu chính của Việt Nam là dầu thô. Nhưng sáu tháng đầu năm 2018 Việt Nam đã nhập cảng nhiều hơn xuất cảng vì các giếng dầu đang cạn dần, khó khai thác, chi phí cao. Đó là chưa kể đến xăng và dầu luôn phải nhập và càng ngày càng tăng.
Bauxite Tân Rai được bảo hộ mọi mặt, liên tục bù lỗ, 3 lần vỡ đê, tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ gây ô nhiễm trầm trọng môi trường nhưng vẫn tiếp tục hoạt động và xuất khẩu.
Formosa hủy hoại môi trường biển, Hà Nội đòi 500 triệu Mỹ kim tiền phạt trong khi thiệt hại phải vài thế hệ mới trả xong.
Mỹ đánh 25% thuế trên thép và 10% trên nhôm nhập khẩu, giúp tăng sản xuất thép và nhôm tại Mỹ, giảm nhu cầu nhập khẩu vào Mỹ. Bắt buộc Việt Nam phải giảm số lượng thép và nhôm sản xuất và do đó giảm bớt hủy hoại môi trường.
Nhôm Tân Rai, thép Formosa chỉ là một thí dụ dễ thấy trong hằng trăm ngàn các hãng xưởng đang ngày đêm hủy hoại môi trường sống tại Việt Nam.
Rõ ràng việc làm của ông Trump đang cứu dân Việt chết dần mòn trong ô nhiễm do tăng trưởng theo mô hình nhà nước bảo hộ thương mãi gây ra.
Doanh nghiệp Nhà nước
Cả Trung Cộng lẫn Việt Nam đều không thi hành lời hứa khi gia nhập WTO vẫn tiếp tục bao cấp các doanh nghiệp nhà nước ngay cả khi các doanh nghiệp này bị thua lỗ nặng nề.
Việc duy trì và bơm tiền bù lỗ cho các doanh nghiệp nhà nước là rào cản lớn nhất cho việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và ngoại quốc.
Thuế bán phá giá
Nhà nước Trung Cộng bảo hộ hàng hóa đến độ giá xuất khẩu thường thấp hơn cả giá thành sản phẩm nên thường bị kiện là bán phá giá. Mục đích là để chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, thu ngoại tệ, cả với mục tiêu quân sự và chính trị.
Theo số liệu thống kê của WTO, trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2014, các biện pháp chống bán phá giá đối với Trung Cộng là 638, chiếm 27% số lượng toàn cầu. Các biện pháp chống bán phá giá hữu hiệu hiện nay của Liên minh châu Âu (EU) có đến 3/4 là nhắm vào Trung cộng.
Trường hợp xuất cảng thép Trung Cộng bị nghi là có mưu đồ quân sự và chính trị. Khi công nghiệp Mỹ không thể cạnh tranh phải đóng cửa. Mỹ lệ thuộc vào thép Trung cộng. Nếu chiến tranh xảy ra Mỹ sẽ mất khả năng nhanh chóng đáp ứng nhu cầu thép để sản xuất vũ khí.
Khi không trực tiếp bán sang Mỹ, Trung cộng dùng Việt Nam làm sân sau để tuồn hàng ra tránh thuế và thực hiện mục tiêu chính trị.
Cuối tháng 5/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ ra tuyên bố sẽ thu thuế chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp 256,44% đối với thép cuộn cán nguội được sản xuất tại Việt Nam sử dụng chất nền có nguồn gốc Trung Cộng.
Đất
Tình trạng thu hồi đất của dân để giao cho các công ty Trung Cộng vào Việt Nam đầu tư đang ngày càng gia tăng.
Bắc Kinh giờ phải giữ vốn đầu tư trong nước thay vì mang sang Việt Nam đầu tư, rõ ràng ông Trump đang giúp dân oan đỡ mất đất vào tay Trung Cộng.
Ngay cả ba Đặc Khu Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn cũng có thể đã được hoãn lại vì giảm ưu tiên trong chiến lược toàn cầu “Một Vòng Đai, Một Con Đường” của Bắc Kinh.
Miễn giảm Thuế
Vào năm 2017, 4 công ty Samsung có tổng doanh thu là 61,5 tỷ Mỹ kim và lợi nhuận ròng đạt 5,8 tỷ Mỹ kim. Trong khi đó thuế cho nửa đầu năm 2017 chỉ 186 triệu Mỹ kim. Ước tính cả năm thuế chỉ hơn 6 % trên lợi nhuận ròng.
Sau 20 năm lỗ liên tiếp Coca-Cola Việt Nam bị thuế vụ Việt Nam tình nghi hoạt động chuyển giá nhằm trốn thuế nên mới bắt đầu đóng 20 triệu Mỹ kim tiền thuế vào năm 2014.
Thuế ở Mỹ cao hơn nhiều và hệ thống thuế ở Mỹ rất minh bạch khó mà gian lận được. Nên các công ty tìm đến các nơi dễ trốn thuế như Việt Nam và Trung Cộng.
Còn Việt Nam muốn thu hút đầu tư nên miễn giảm thuế cho các công ty ngoại quốc vào đầu tư gây thiệt hại cho các quốc gia khác nhất là Mỹ.
Một thị trường công bằng cho mọi doanh nghiệp đã không được thực hiện như lời hứa khi Việt Nam gia nhập WTO.
Nông nghiệp và doanh nghiệp nhỏ bị bỏ rơi
Mô hình do Bắc kinh dàn dựng phải dùng thuế hay nguồn tài nguyên của nông nghiệp và doanh nghiệp để bảo hộ cho công nghiệp xuất khẩu.
Bởi thế Việt Nam dù là một quốc gia nông nghiệp với 80% dân chúng sống ở nông thôn ngày nay nhiều mặt hàng nông nghiệp đã không thể cạnh tranh với hàng ngoại quốc. Ngay cả gạo ngon và sạch cũng hầu như nhập cảng từ Thái Lan và Campuchia.
Nhiều mặt hàng tiêu dùng trước đây được sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước thì nay lại phải nhập cảng từ các nước trong vùng.
Thể chế nhà nước bảo hộ mậu dịch đã làm thay đổi nền kinh tế và xã hội Việt Nam. Nông thôn ngày càng nghèo. Người nghèo ngày càng đông. Việt Nam ngày càng thua xa các quốc gia trong vùng.
Tổ chức dân sự
Chính phủ Nhật bảo hộ thương mãi gây bất lợi cho nông thôn, các tổ chức nông hội tại Nhật vận động Quốc hội Nhật trợ giúp cho ngành nông nghiệp, bởi thế sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị được thu hẹp, xã hội Nhật được ổn định.
Các quốc gia tự do công đoàn được tự do hoạt động trở thành tiếng nói chính thức của công nhân. Công đoàn vừa vận động chính phủ đề ra các chính sách có lợi cho công nhân vừa thương lượng với chủ nhân để bảo vệ và gia tăng quyền lợi của công nhân.
Đã có khá nhiều tổ chức dân sự hoạt động tại Việt Nam nhưng vì chưa có luật về tổ chức dân sự nên chưa thể phát triển được. Hai thí dụ bên trên cho thấy hoạt động dân sự rất cần thiết trong việc phát triển quốc gia.
Kết
Trong cuộc chiến thương mãi ai cho rằng ông Trump bảo hộ thương mại Mỹ đều giả thử Trung Cộng là nền kinh tế theo thị trường tự do. Nhưng điều này không đúng Trung Cộng là một nước cộng sản theo thể chế nhà nước bảo hộ mậu dịch.
Bài viết chỉ đưa ra vài trường hợp bảo trợ dễ thấy. Thật ra Trung Cộng còn hàng ngàn phương cách khác để bảo trợ mậu dịch khác, như trợ giúp gián điệp công nghệ cao, tài trợ vốn đầu tư, đầu tư không cần lời, trợ giá, đầu tư vì mục đích quân sự hay chính trị…
Bởi thế việc ông Trump trừng phạt Trung Cộng là đang đánh thẳng vào thể chế nhà nước bảo hộ mậu dịch đánh thẳng vào thể chế cộng sản.
Mô hình phát triển Việt Nam rập khuôn mô hình Trung Cộng nên rõ ràng việc phá vỡ thể chế này sẽ mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam.
Chưa rõ cuộc chiến sẽ kết thúc thế nào nhưng con đường duy nhất để Việt Nam phát triển là phải thay đổi cả thể chế kinh tế và lẫn chính trị.
Melbourne, Úc Đại Lợi
18/7/2018
N.Q.D.
Tác giả gửi BVN