Báo chí Việt Nam và Der Spiegel*

Oanh Nguyen Thi

Càng về sau này, khi tuổi nghề càng dày dạn, nhớ lại những phản ứng đối với “tai nạn nghề nghiệp” đầu tiên, tôi mới thấy sao hồi đó mình thật ngây thơ và non nớt! Đầu óc thẳng băng của cô phóng viên trẻ 27 tuổi đã không thể hiểu được rằng dù cô có trực tiếp nghe, hay thậm chí có ghi âm lại, nhưng người ta vẫn có thể xem như không có! Cô lại càng không thể hiểu được vì sao tờ báo của cô phải xin lỗi ông Bộ trưởng, trong khi đáng lý ông ấy mới là người phải nhận lỗi? Và bài học đầu tiên cô cần học về làm nghề ở đây là đừng tưởng cứ thấy gì viết đó mà nghĩ rằng mình đúng!

O.N.T.

Đọc tin về lý do Tuổi Trẻ Online (TTO) – tờ báo có lượng bạn đọc lớn nhất nước – bị phạt và đình bản 3 tháng, tôi lại nhớ đến một “tai nạn nghề nghiệp” của mình thời còn đi làm báo cách đây 25 năm trước.

Năm 1992, sau hai năm đầu chính thức làm báo tại tờ Pháp luật TP.HCM, tôi chuyển về báo Lao Động Chủ Nhật (LĐCN), tiếp tục làm phóng viên Ban Kinh tế. LĐCN khi ấy chưa phải là tờ báo lớn như Tuổi Trẻ hay Thanh Niên, nhưng là tờ báo mới nổi lên như một hiện tượng về đổi mới báo chí được chú ý nhất. Không chỉ là tờ báo đầu tiên thực hiện in bốn màu trên khổ rộng với hình thức thật bắt mắt và nhiều trang mục hấp dẫn, độc đáo, LĐCN còn quy tụ được nhiều cây bút gạo cội trong làng báo VN thuộc tất cả các lĩnh vực. Đó cũng là tờ báo đi tiên phong trên mặt trận chống tiêu cực với nhiều bài viết “đình đám” như thổi một làn gió lạ vào không khí đổi mới mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã phát động qua việc khởi xướng chủ đề “Những việc cần làm ngay” thời đó. Cô phóng viên trẻ đầy nhiệt huyết với nghề báo đã rất hãnh diện khi được nhận vào LĐCN để có cơ hội làm việc cùng các nhà báo đàn anh mà trước giờ vốn chỉ nghe tên, và nhất là được làm việc trong môi trường báo chí cởi mở và dũng cảm (như cô tin) của tờ báo này.

Và tôi đã nếm trải “tai nạn” đầu tiên sau đó không lâu. Vào khoảng giữa quý 4 năm 1993, khi tham dự một cuộc họp tổng kết của Bộ Tài chính (lúc ấy do ông Hồ Tế làm Bộ trưởng), tôi (vốn chăm chỉ và nghiêm túc như mọi phóng viên trẻ mới vào nghề) đã kiên trì ở lại đến những giờ phút cuối cùng và “chộp” được một ý quan trọng trong phát biểu tổng kết của Bộ trưởng Hồ Tế rằng: Sang đầu năm sau sẽ thực hiện điều chỉnh tăng lương cho lực lượng lao động thuộc khối hành chính sự nghiệp và cán bộ hưu trí. Đinh ninh rằng Bộ trưởng đã phát biểu công khai và có ghi âm đầy đủ, trở về cơ quan, tôi hăm hở viết ngay tin này. Tòa soạn còn rút cái tít nổi bật trên trang nhất về việc sẽ điều chỉnh tăng lương với bức ảnh tôi chụp Bộ trưởng Bộ Tài chính đang phát biểu trong hội nghị. Báo vừa phát hành xong, đột nhiên Tổng Biên tập bị gọi lên khiển trách nặng nề vì đã “đưa tin không đúng sự thật, bởi Chính phủ chưa hề có kế hoạch điều chỉnh lương!”. Tôi được mời lên gặp Ban Biên tập để làm việc. Cung cấp đầy đủ bản gốc băng ghi âm và sổ sách ghi chép cho mọi người xem… Vài ngày sau, trên báo xuất hiện một khung đính chính trên đầu trang 2 với nội dung: Toà soạn xin lỗi bạn đọc, xin lỗi Bộ trưởng Bộ Tài chính vì đã đưa thông tin không chính xác. Chúng tôi sẽ kỷ luật phóng viên và nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc này.

Đọc mẩu đính chính trên báo, tôi choáng váng không tin ở mắt mình. Chạy lên gặp sếp trực tiếp là Trưởng ban Kinh tế để hỏi, anh thở dài bảo: “Chỉ đăng vậy thôi vì bắt buộc phải đăng chứ mọi người đều hiểu em không bịa đặt nên sẽ không có chuyện kỷ luật đâu! Nhưng em phải thông cảm vì ngay chính Ban Biên tập cũng bị áp lực rất căng thẳng…”. Tôi không nghe anh nói gì thêm bởi lúc đó tai đã ù đi, nước mắt chảy giàn giụa vì phẫn nộ và trong đầu chỉ có một ý nghĩ là phải viết ngay đơn xin thôi việc.

Lá đơn xin thôi việc của tôi ngày đó đã không được giải quyết. Và tôi cũng đã dần nguôi ngoai sau khi nhận được nhiều sự động viên, chia sẻ và cảm thông từ các đồng nghiệp thân thiết cũng như từ Ban Biên tập. Tuy nhiên, càng về sau này, khi tuổi nghề càng dày dạn, nhớ lại những phản ứng đối với “tai nạn nghề nghiệp” đầu tiên, tôi mới thấy sao hồi đó mình thật ngây thơ và non nớt! Đầu óc thẳng băng của cô phóng viên trẻ 27 tuổi đã không thể hiểu được rằng dù cô có trực tiếp nghe, hay thậm chí có ghi âm lại, nhưng người ta vẫn có thể xem như không có! Cô lại càng không thể hiểu được vì sao tờ báo của cô phải xin lỗi ông Bộ trưởng, trong khi đáng lý ông ấy mới là người phải nhận lỗi? Và bài học đầu tiên cô cần học về làm nghề ở đây là đừng tưởng cứ thấy gì viết đó mà nghĩ rằng mình đúng!

Nhiều năm sau, khi có dịp được tham gia làm một vài tờ báo khác với cương vị là người chịu trách nhiệm trong Ban Biên tập, tôi càng hiểu thêm áp lực mà những người lãnh đạo báo chí chân chính ở VN phải gánh chịu. Đó không phải áp lực nghề nghiệp mà là một cái vòng kim cô vô hình có thể chụp lên tờ báo của họ bất cứ lúc nào, với những quy kết không cần bằng chứng và cũng chẳng cho phép biện minh. Phản ánh sự thật và đấu tranh vì sự thật luôn là mục tiêu của báo chí tiến bộ, nhưng cũng chính vì sự thật mà những người làm báo ở VN không bao giờ có thể tiếp cận được với khái niệm “tự do báo chí”. Tôi nhớ đã có lần từng nghe một vị nguyên là phó tổng biên tập một tờ báo lớn nói một cách cay đắng: “Phải viết làm sao để bạn đọc có thể đọc và hiểu được giữa hai dòng chữ thì chúng ta mới có thể tồn tại được!”.

Quyết định đình bản TTO là một cú đánh không chỉ vào một mục tiêu cụ thể là tờ báo TT mà còn là vào quyền hiến định của nhân dân đã được ghi trong Điều 25 Hiến pháp CHXHCN Việt Nam. Thực ra, đây không phải lần đầu tiên một tờ báo bị đình bản theo cách rất vô lối như vậy. Tờ báo Thế giới tiếp thị cũng từng bị xử phạt đóng cửa 3 tháng vì đăng tải bài viết có nội dung “nhạy cảm” về cá, nước và… người! Việc quản lý và chế tài các sai phạm của báo chí ở VN quả thật là “không giống ai”, vì nó không cần tuân thủ theo trình tự của pháp luật. Nó chỉ cần được thực hiện theo chỉ đạo, căn cứ vào ý chí chủ quan của ai, hoặc một nhóm người nào đó. Những vi phạm với lý do “đụng vào vùng cấm” hoặc “nhạy cảm” là không giới hạn và luôn như lưỡi gươm treo lơ lửng trên đầu báo chí để có thể giáng xuống bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, so với thế hệ chúng tôi trước đây, các bạn trẻ làm báo ngày nay còn có thể chọn viết lách trên mạng xã hội để giải toả bớt những ngột ngạt khi không thể nói sự thật trên tờ báo của mình (dù rằng chọn lựa này cũng sẽ bị thu hẹp với Luật ANM sắp thực thi).

Giới báo chí quốc tế và nhiều nhà báo trong nước chắc hẳn ai cũng biết về vụ bê bối chính trị năm 1962 ở Tây Đức liên quan đến tờ báo Tấm Gương (Der Spiegel) – một trong những tờ báo có số phát hành lớn nhất ở Đức và châu Âu. Vụ bê bối (thường được gọi là Spiegel Affair) xuất phát từ một bài viết trên tờ báo này vào năm 1961, cáo buộc Bộ Quốc phòng Đức đã nhận hối lộ để ủng hộ một công ty thực hiện hợp đồng xây dựng các căn cứ quân sự. Dù rằng các cuộc điều tra sau đó không tìm được bằng chứng nào để kết tội Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhưng đến năm 1962, cuộc đối đầu giữa tờ báo và Bộ Quốc phòng leo thang khi Der Spiegel đăng tải thêm một bài viết căn cứ trên một số tài liệu đánh giá của NATO để chỉ ra hiệu suất quốc phòng yếu kém của Đức và rằng “quân đội Đức chỉ có khả năng bảo vệ đất nước một phần”. Lần này, Franz Josef Strauss – Bộ trưởng Quốc phòng – quyết ra tay mạnh mẽ hơn. Tờ báo bị kết tội phản quốc. Chủ biên Rudolf Augstein cùng hai cộng sự bị bắt. Tác giả bài báo (Conrad Ahlers) cũng bị bắt khi đang đi nghỉ ở Tây Ban Nha. Ngay trong đêm 26/10/1962, các văn phòng của Der Spiegel ở Hamburg cũng như nhà cửa của nhiều nhà báo đã bị lực lượng cảnh sát lục soát và thu giữ hàng nghìn tài liệu. Tuy nhiên, tin tức về vụ bắt giữ các nhà báo và đóng cửa Der Spiegel đã gây ra một làn sóng bạo động và phản đối mạnh mẽ ở khắp nơi trên nước Đức. Dư luận xem đây là một cuộc tấn công thô bạo vào quyền tự do báo chí và là “phép thử đối với nền dân chủ của nước Đức sau Thế chiến thứ Hai”.

Kết thúc vụ bê bối, Augstein bị giam hơn 100 ngày và Tòa án đã không thể kết án ông cũng như Ahlers và nhiều nhà báo khác cùng bị bắt giữ về tội phản quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Strauss cuối cùng đã thừa nhận cuộc bắt giữ nhà báo Ahlers tại Tây Ban Nha là bất hợp pháp và do chính ông ta chủ mưu. Chính phủ liên minh của Thủ tướng Konrad Adenauer sụp đổ sau khi Strauss từ chức. Vào năm 1980, Strauss cũng ra ứng cử Thủ tướng Đức nhưng ông đã thất bại và người ta cho rằng ông sẽ không bao giờ có thể trở thành Thủ tướng bởi “vết đen” Spiegel!

Kể lại chuyện báo chí ở xứ người như thế để thấy thương hơn và thông cảm hơn cho những người làm báo chính trực mà cô đơn của chúng ta.

N.T.O.

Nguồn: https://www.facebook.com/oanh.nguyenthi.96/posts/1801932509842232

*Tên bài do BVN đặt

This entry was posted in báo chí, Báo chí lề phải, Báo Tuổi trẻ, Đình bản báo Tuổi trẻ. Bookmark the permalink.