Phạm Chí Dũng
Báo Hà Nội mới hôm 13/7/2018 có bài đăng trang nhất và trang 2 về việc Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cán bộ vi phạm là 2 ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn. Hai ông này đều là Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông, đều là Uỷ viên Trung ương Đảng CSVN, chỉ là trong hai nhiệm kỳ khác nhau.
Luận về tội trạng của Bạn cán sự Đảng Bộ TTTT, thì chính BCT đó cũng cho là họ đã “vi phạm khuyết điểm rất nghiêm trọng, đã làm thất thoát lớn tài sản của nhà nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động và quá trình cổ phần hoá Tổng Công ty Mobifone, đến uy tín của tổ chức Đảng và Bộ Thông tin và Truyền thông, gây bức xúc trong xã hội; đã để một số đồng chí lãnh đạo Bộ vi phạm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng trong thực hiện nguyên tắc làm việc và chức trách nhiệm vụ được giao”…
Vậy mà cái Ban cán sự tồi tệ ấy chỉ bị BCT giáng một kỉ luật… như phủi bụi là “HÌNH THỨC CẢNH CÁO”. Và đồng chí Bộ trưởng, Ủy viên TƯ của đảng đương chức cũng đã được BCT “giáng cho” cái hình thức kỷ luật nặng nề là… CẢNH CÁO!
Riêng đồng chí Bắc Son thì BCT lại còn ngập ngừng chưa dám quyết, lại còn phải “đề nghị BCH Trung ương xem xét thì hành kỷ luật nghiêm minh đối với đồng chí Nguyễn Bắc Son theo thẩm quyền”.
Chao ôi! Kì cục thay cho mấy chữ NGHIÊM TRỌNG và NGHIÊM MINH của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Đúng là Bốn lần quang vinh!!!
Phải chăng ông Trọng lú đang chơi trò… ĐẬP RUỒI thay cho ĐẢ HỔ, có lẽ vì hổ ấy là hổ chuồng của… đảng ông?
Nguyễn Nguyên Bình
Vụ Mobifone mua cổ phần AVG tưởng như chìm xuồng, nay được hâm nóng trở lại.
Cái cách ‘cảnh cáo Trương Minh Tuấn’ – mà vai trò ‘tổng đạo diễn’ hiển nhiên thuộc về Tổng bí thư Trọng – có khiến người ta dễ hình dung hơn về một chủ ý, hay sâu xa hơn nữa là một thâm ý của ông Trọng trong sách lược phân biệt đối xử giữa ‘củi nhà’ và ‘củi rừng’ cùng tương lai chiến dịch ‘chống tham nhũng’ của “Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo”?
‘Ăn thì cá nhân, hậu quả thì tập thể’
Sau một thời gian dài tưởng như bị chìm xuồng, vào tháng Bảy năm 2018, vụ ‘MobiFone mua AVG’ cùng trách nhiệm của hai ‘con chuột’ Nguyễn Bắc Son – cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông và Trương Minh Tuấn – Bộ trưởng Thông tin và truyền thông đã được hâm nóng lại trước sức ép của dư luận xã hội và có cả sức ép từ ngay trong nội bộ đảng.
Ngày 13/7/2018, Bộ Chính trị của Nguyễn Phú Trọng đã ‘kiến tạo’ một hình thức kỷ luật mới đối với Nguyễn Bắc Son – cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông: ‘kỷ luật nghiêm minh’. Còn Trương Minh Tuấn – Bộ trưởng Thông tin và truyền thông đương nhiệm bị cho thôi giữ chức, mà thực chất là bị cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin truyền thông nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Trước đó vài ngày, Ban bí thư đảng cầm quyền ở Việt Nam đã chỉ “thi hành kỷ luật Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin truyền thông nhiệm kỳ 2011 – 2016 bằng hình thức cảnh cáo”.
“Kỷ luật Ban cán sự Đảng” vào tháng Bảy năm 2018 là một khái niệm lập lờ không kém thua việc Uỷ ban Kiểm tra trung ương ‘đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật’ trước đó một tháng đối với Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn vào thời ‘ăn đậm ăn dày’ vụ MobiFone mua AVG.
Tính chất lập lờ của hình thức kỷ luật trên đối với vụ ‘MobiFone mua AVG’ là không khác gì một đúc rút chính trị đương đại ở Việt Nam: ‘Khi ăn thì cá nhân, còn hậu quả đổ cho tập thể’.
Cái cách kỷ luật trên có vẻ giống như một kiểu ‘đánh bùn sang ao’ để cứu vớt Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn khỏi phải theo chân cựu ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng vào ‘lò’.
Kết quả kỷ luật trên cũng xác nghiệm mối lo ngại của dư luận ngay trước đó về việc Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã ‘chạy án’ và thoát tội là có cơ sở.
‘Chạy án’ thắng lợi?
Những đồn đoán ngay sau khi Uỷ ban Kiểm tra trung ương “đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật” đối với Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn vào tháng Sáu năm 2018 là rất có thể sẽ xảy ra kịch bản Son sẽ bị ‘cách tất cả các chức vụ thời trước’, còn Tuấn sẽ bị cảnh cáo đảng nhưng vẫn được cho ngồi tiếp cái ghế Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, tức vẫn ‘nắm đầu’ hơn 800 tờ báo nhà nước để vẫn tiếp tục kiên định “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa” và “làm trong sạch đội ngũ báo chí”.
Trương Minh Tuấn là nhân vật được một số dư luận xem là ‘sát thủ báo chí’, nắm giữ quyền sinh quyền sát đối với gần hết khối báo chí nhà nước, cũng là người đặc biệt tỏ ra ‘cực đỏ’ và ‘kiên định chủ nghĩa xã hội’ từ năm 2016 khi chính thức nhậm chức Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông.
Trương Minh Tuấn cũng được xem là ‘phe ta’, tức người của phe Tổng bí thư Trọng, trái ngược với ‘phe củi Nguyễn Tấn Dũng’.
Không chỉ cần thiết cho Nguyễn Phú Trọng trong chủ trương kiên định “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”, Trương Minh Tuấn còn có thể trở thành nhân vật khó có thể thay thế vào lúc này khi Luật An ninh mạng đã được một Quốc hội ‘nghị gật’ cắm đầu bấm nút thông qua và một Tổng bí thư muốn ‘vận dụng’ luật này để ‘bảo vệ chế độ’ và áp chế mọi tiếng nói khác biệt chính kiến. Trương Minh Tuấn chính là công cụ đắc lực để một đảng toàn trị và độc đoán được bảo vệ và kéo dài hơi thở phập phù ngày nào hay ngày nấy.
Nhưng Trương Minh Tuấn cũng bị nghi ngờ rất lớn về ‘âm mưu chia chác’ bởi nhân vật này đã trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng ‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho Nguyễn Bắc Son, để Lê Nam Trà của Công ty Mobifone ký hợp đồng mua Công ty AVG.
Vào thời gian khoảng vài tuần trước ngày 23/4/2018 là thời điểm bàn giao hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ giữa Thanh tra Chính phủ và C46, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn đã ‘đạo diễn’ để AVG trả lại tiền cho Mobifone như một cách “khắc phục hậu quả” – nhưng lại bị dư luận xem là một cách chạy án quá lộ liễu và trắng trợn.
Khi đó, đã phát ra nhiều đồn đoán rằng viên bộ trưởng đậm chất cộng sản này đã tự nguyện hoàn trả một căn hộ triệu đô – vốn được Phạm Nhật Vũ là em trai của Phạm Nhật Vượng Tập đoàn Vingroup tặng – như một cách “khắc phục hậu quả”.
Vì sao “bổ sung vụ AVG vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng”?
Đến lúc này, người ta có thể hiểu ra một thâm ý của ông Trọng khi phát ra chỉ đạo “Bổ sung vụ AVG vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng” vào cuối tháng Tư năm 2018.
Nguyễn Phú Trọng lại chính là Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng. Theo nguyên tắc bất thành văn trong đảng cầm quyền, những vụ án tham nhũng đã bị trực tiếp Tổng bí thư xem xét chỉ đạo thì đương nhiên bị xếp vào loại trọng án.
Tuy nhiên, nguyên tắc trên cũng có thể bị đảo lộn theo cách nếu vụ AVG không được xếp vào diện “theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng”, cơ quan điều tra của Bộ Công an không cần phải “xin ý kiến Bộ Chính trị và Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng”, tức không cần phải xin ý kiến của Tổng bí thư Trọng trong việc quyết định có khởi tố hay không vụ AVG, và nếu có thì sẽ khởi tố và bắt giam những quan chức nào, còn những quan chức nào sẽ được cho ‘chìm xuồng’. Trong trường hợp Bộ Công an muốn thi hành lệnh bắt đối với Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn để công cuộc ‘chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng được xem là ‘công bằng’ mà không phải chỉ ‘chống tham nhũng một bên’ hay ‘chống tham nhũng thời kỳ trước’, ông Trọng sẽ khó lòng can thiệp vào việc cứu vớt ‘chuột nhà’ nếu không yêu cầu Bộ Công an phải xin ý kiến Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trước khi hành sự.
Tức quy trình khởi tố và bắt bớ vụ AVG còn phải chờ ‘quyết định của Bộ Chính trị’ trong cuộc họp ngày 10/7/2018.
Thâm ý trên của Nguyễn Phú Trọng cũng có thể là nguồn cơn chính yếu của việc vì sao vào đầu tháng Sáu năm 2018, Ủy ban Kiểm tra trung ương lại ‘đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật’ đối với Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, trong khi ‘đồng chí Lê Nam Trà’ chỉ là cấp dưới của Son và Tuấn nhưng lại bị Ủy ban Kiểm tra trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức cao nhất là khai trừ đảng.
Hoàn toàn không nêu về hình thức kỷ luật đảng đối với hai ông Son và Tuấn, cũng không giải thích về ‘cấp có thẩm quyền’ là ai, đề nghị trên của Ủy ban Kiểm tra trung ương giống như một sự đánh đố hỏa mù và cũng là thách thức dư luận.
Chi tiết đáng mổ xẻ là vào những ngày này, cùng lúc với việc Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn có thể thở phào vì không bị ‘cẩu đầu trảm’, cựu Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty MobiFone Lê Nam Trà và cựu Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ Thông tin truyền thông Phạm Đình Trọng lại bị khởi tố và bắt giam, dẫn đến một sự bất công ghê gớm bởi hai nhân vật này chỉ là kẻ thừa hành, trong khi Nguyễn Bắc Son mới là kẻ chủ mưu, cùng một kẻ chủ mưu khác và thừa hành đắc lực là Trương Minh Tuấn thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, cho dù cả Son và Tuấn đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận vi phạm là “rất nghiêm trọng”.
Mất ghế Bộ trưởng, thoát án tù và sẽ trả thù?
Trong chiến dịch được xem là “chống tham nhũng” của Nguyễn Phú Trọng, vụ “Mobifone mua AVG” và cá nhân Trương Minh Tuấn được dư luận đặc biệt chú tâm. Giờ đây khi tất cả mọi người chứng kiến ông Trọng xử vụ Trương Minh Tuấn quá nhẹ nhàng theo cách “đập chuột sợ vỡ bình”, điều được ông Trọng tuyên xưng là “chống tham nhũng không có vùng cấm” sẽ hoàn toàn vô giá trị trong con mắt thế thái nhân tình, còn tất cả những tụng danh dành cho ông Trọng như “Sỹ phu Bắc Hà”, “Minh quân”, “Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo” và gần đây nhất là “Người đốt lò vĩ đại” sẽ chỉ còn gió thoảng mây bay và chẳng còn nghĩa lý gì nữa.
Thực ra, không bao lâu sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra như một cách điểm mặt chỉ tên Trương Minh Tuấn, nhân vật này bỗng dưng ‘tái xuất’ trên cương vị Bộ trưởng Thông tin và truyền thông để điều hành một số cuộc họp. Khi đó, không thể nghĩ khác là nếu so sánh với trường hợp Đinh La Thăng sau khi mất chức Ủy viên Bộ chính trị đã ‘chìm’ hẳn vào hậu trường chính trị tại “cái lồng nhốt quyền lực” là Ban Kinh tế trung ương đảng, số phận của Trương Minh Tuấn có lẽ đã được Tổng bí thư ưu ái hơn nhiều. Chỉ là khi đó Nguyễn Phú Trọng chưa công khai một quyết định ‘tha bổng’ nào mà có thể khiến dư luận xã hội phản ứng mạnh mẽ.
Nhưng với cái cách Bộ Chính trị và Ban bí thư chỉ áp dụng mức kỷ luật cảnh cáo đối với Trương Minh Tuấn, dường như Nguyễn Phú Trọng đã từ những ẩn khuất trong thái độ che chắn cho thủ hạ thân tín tiến ra công khai bằng hành động công nhiên bảo vệ ‘chuột nhà’, trong khi vẫn không ngừng gia tăng chiến dịch ‘đốt lò’ để giết ‘chuột đồng’.
Tức Trương Minh Tuấn dù có thể sẽ mất ghế Bộ trưởng nhưng lại thoát án tù.
Còn trong thời gian vẫn ngồi ghế Bộ trưởng Thông tin và truyền thông, không có gì bảo đảm là Trương Minh Tuấn sẽ không ngoái cổ nhìn lại những kẻ đã dám mạo phạm mình.
Không biết vô tình hay hữu ý, ngay tại thời điểm Bộ Chính trị họp và kết luận chỉ cảnh cáo Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin truyền thông nhiệm kỳ 2011 – 2016, đã có tin ngoài lề về việc báo Tuổi trẻ đang bị xem xét kỷ luật, thậm chí có thể bị đình bản trong vài ba tháng.
Tuổi trẻ lại là tờ báo nhà nước đầu tiên dám quay ngược mũi giáo công kích ‘sát thủ báo chí’ Trương Minh Tuấn ngay sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra vụ AVG với trách nhiệm liên quan trực tiếp đến Bộ trưởng Thông tin-truyền thông Trương Minh Tuấn.
Liệu vào những ngày tới đây, Trương Minh Tuấn có xuống tay trả thù những tờ báo đã dám vạch trần chân tướng và hạ nhục ông ta trên mặt công luận?
Nếu vụ ‘hồi tố’ trên xảy ra, người ta sẽ hình dung rõ hơn hẳn về việc là ‘củi nhà’ có ý nghĩa lợi hại như thế nào so với ‘củi rừng’, để từ đó nhìn lại chiến dịch ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng đã chỉ chủ yếu tấn công vào ‘thời kỳ trước’, tức giai đoạn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, còn tương lai ‘chống tham nhũng’ của ông Trọng là quá thiên vị, mờ mịt và bế tắc.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN