Vũ Quốc Ngữ dịch
Chính quyền huyện Di Linh phải hành động ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho nhà hoạt động nhân quyền Đỗ Thị Minh Hạnh, sau khi côn đồ ném gạch đá tấn công nhà riêng của gia đình cô ba lần trong hai tuần qua, Ân xá Quốc tế (Amnesty International) nói.
Đỗ Thị Minh Hạnh, một thành viên của phong trào Lao động Việt ủng hộ quyền lao động ở Việt Nam, lần đầu tiên bị tấn công vào tối ngày 24 tháng 6. Khoảng một chục người đàn ông bắt đầu ném đá vào nhà của gia đình cô. Cuộc tấn công lại được tiến hành lần nữa vào ngày 27 tháng 6, và côn đồ còn ném thiết bị gây nổ. Cuộc tấn công bằng gạch đá bạo lực nhất xảy ra vào đêm 30 tháng 6. Các cuộc tấn công gây ra thiệt hại lớn cho gia đình cô, phá vỡ kính và mái ngói và làm hỏng đồ nội thất.
Mặc dù Minh Hạnh có gọi điện đến một số cảnh sát ở địa phương nhưng không ai nghe máy để hỗ trợ cô và người cha 76 tuổi của cô.
Phòng ngủ bị ném gạch tại nhà của cô Đỗ Thị Minh Hạnh
“Thật khủng khiếp khi cảnh sát đang thoái thác trách nhiệm của mình và cho phép những cuộc tấn công này xảy ra mà không thực hiện bất kỳ hành động nào. Các nhà bảo vệ nhân quyền như Đỗ Thị Minh Hạnh phải được thực hiện công việc ôn hòa của họ mà không bị quấy rối hay đối mặt với bạo lực”, Minar Pimple, Giám đốc cấp cao của Các Hoạt động Toàn cầu của Ân xá Quốc tế phát biểu.
“Những sự cố đáng lo ngại này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của Đỗ Thị Minh Hạnh và đã khiến cô và gia đình lo sợ cho cuộc sống của họ. Chính quyền huyện Di Linh phải thực hiện các bước khẩn cấp để bảo vệ cô trước khi tình hình xấu đi.
“Các cuộc tấn công ngày càng trở nên bạo lực, có khả năng được thúc đẩy bởi hoạt động nhân quyền của Đỗ Thị Minh Hạnh. Chính quyền không thể sử dụng điều này như một lý do để nhắm mắt làm ngơ. Cơ quan công an địa phương phải đảm bảo rằng các biện pháp được đưa ra ngay lập tức để bảo vệ Đỗ Thị Minh Hạnh và chính quyền Việt Nam phải tiến hành một cuộc điều tra để đưa những người chịu trách nhiệm trước công lý”.
Thông tin bổ sung
Thời gian gần đây Đỗ Thị Minh Hạnh quay về nhà tại thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, để chăm sóc người cha già của mình. Cả hai cha con cô ở nhà trong suốt cả ba vụ tấn công. Cô gọi điện cho một số sỹ quan công an sau vụ tấn công vào ngày 24 tháng 6 và một lần nữa vào ngày 2 tháng 7, nhưng vẫn không có công an nào ghé thăm hoặc gọi điện để nói về vụ việc.
Ngày 27 tháng 6, blogger Đinh Văn Hải đến thăm nhà của Đỗ Thị Minh Hạnh. Trên đường về nhà, anh ta bị chặn lại và đánh đập bởi những tên côn đồ địa phương, dẫn đến một bàn tay bị giập và xương bả vai bị gãy.
Năm 2006, Đỗ Thị Minh Hạnh đã đồng sáng lập tổ chức Liên minh Công Nông, một tổ chức độc lập để đòi thù lao cao hơn và điều kiện lao động tốt hơn.
Vào tháng 10 năm 2010, cô bị kết án 7 năm tù giam vì cáo buộc “phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân” theo Điều 89 của Bộ luật Hình sự 1999. Cô được trả tự do vào tháng 6 năm 2014, sau khi trải qua bốn năm bốn tháng tù giam.
V.Q.N.
Bản gốc: Amnesty International
VNTB gửi BVN