Tại sao Son và Tuấn lại được ‘cấp có thẩm quyền xem xét’?

Thiền Lâm

Vì sao Ủy ban Kiểm tra trung ương lại ‘đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật’ đối với Nguyễn Bắc Son – cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông và Trương Minh Tuấn – đương kim Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, trong khi ‘đồng chí Lê Nam Trà’ chỉ là cấp dưới của Son và Tuấn nhưng lại bị Ủy ban Kiểm tra trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức cao nhất là khai trừ đảng?

https://www.baocalitoday.com/wp-content/uploads/2018/07/image-1.png

Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7000 tỷ đồng, Nguyễn Bắc Son (bìa phải) và Trương Minh Tuấn (giữa) bị dư luận xem là ‘ăn đậm’. Ảnh: YouTube

Cái cách đề nghị trên rất dễ khiến dư luận xã hội cho là ông Trọng đang tìm cách cứu vớt hai quan chức bị xem là ‘ăn ngập mặt, ăn đến táng tận lương tâm’ này.

Theo mối quan hệ dắt dây giữa nguyên tắc đảng và pháp đình cộng sản, sau khi bị tước đảng tịch, Lê Nam Trà sẽ rất có thể rơi vào vòng tố tụng hình sự và phải dối mặt với vòng lao lý.

Vào trung tuần tháng 12/2017, một số tờ báo nhà nước đã bắt đầu ẩn dụ “Điểm trùng hợp trên đường công danh 2 ông Lê Nam Trà – Cao Duy Hải” theo cách “bổ nhiệm cùng ngày” và “chuyển công tác, đi chữa bệnh cùng năm”, chẳng hạn như “Ngày 21.4.2015, khi ông Lê Nam Trà được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐTV thì ông Cao Duy Hải được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Tổng công ty MobiFone thay ông Trà. Chỉ hơn 2 năm sau, sau khi ông Lê Nam Trà chuyển công tác khỏi MobiFone, tới lượt ông Cao Duy Hải xin phép nghỉ ốm để chữa bệnh”.

‘Mobifone mua AVG’ là một vụ kê khống giá mua lên tới gần 9000 tỷ đồng so với giá trị thực chỉ khoảng 1000 – 1500 tỷ đồng, được phối hợp ‘binh chủng hợp thành’ bởi hàng loạt quan chức của doanh nghiệp viễn thông Mobifone, AVG và các Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ.

Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7000 tỷ đồng, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông vào thời đó là Nguyễn Bắc Son bị dư luận xem là ‘ăn đậm’, với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10 – 15% trong số 7000 tỷ.

Một dẫn chứng phát lộ gần đây nhất về ‘tỷ lệ ăn chia’ là Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Công an – Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, được chính thức công bố đã ‘ăn’ 15% trong hợp đồng chia phần lợi nhuận của đường dây đánh bạc công nghệ cao.

Còn Trương Minh Tuấn – nhân vật ‘kiên định cách mạng’, ‘sát thủ báo chí’ và rất thường ‘đọc bài’ lẫn viết bài về ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’ rập khuôn theo tư tưởng của Nguyễn Phú Trọng, cũng bị nghi ngờ rất lớn về ‘âm mưu chia chác’ bởi ông này đã trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng ‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho Nguyễn Bắc Son, để ông Lê Nam Trà của Công ty Mobifone ký hợp đồng mua Công ty AVG. Dấu hỏi rất lớn là số tiền còn lại chạy đi đâu, và ai được “lại quả” từ số tiền đó?

Vào thời gian khoảng vài tuần trước ngày 23/4/2018 là thời điểm bàn giao hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ giữa Thanh tra Chính phủ và C46, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn đã ‘đạo diễn’ để AVG trả lại tiền cho Mobifone như một cách ‘khắc phục hậu quả’ – nhưng lại bị dư luận xem là một cách chạy án quá lộ liễu và trắng trợn.

Nhưng đến cuối tháng Tư năm 2018, cửa thoát của Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã bị hẹp lại đáng kể sau chỉ đạo ‘Bổ sung vụ AVG vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng.

Đầu tháng Sáu năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận vụ ‘MobiFone mua AVG’ có những vi phạm của Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin Truyền thông, trong đó nêu rõ vi phạm của các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn là ‘rất nghiêm trọng’.

Kết luận ‘rất nghiêm trọng’ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với hai quan chức cao cấp Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, cùng cái cách phát thông cáo báo chí của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy áp lực dư luận đối với Nguyễn Phú Trọng trong vụ ‘Mobifone mua AVG’ là đủ lớn, để ông Trọng không thể chỉ ‘chống tham nhũng thời kỳ trước’ hay ‘chống tham nhũng một bên’, mà còn phải ‘chống tham nhũng cả phe ta’.

Vào tháng Tám năm 2016, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn đã được Tổng bí thư Trọng chỉ định kiêm chức vụ Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương – được hiểu như một cách để thay mặt bên đảng nắm hoạt động chính quyền.

Khi đó, Trương Minh Tuấn bất ngờ ngoi lên khỏi mặt bằng giới ủy viên trung ương với quan điểm sắt son đến lạ lùng về ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’ và chống tham nhũng trong báo chí – lặp đi lặp lại phương châm cùng chủ đề của Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trung ương 4 vào tháng Mười năm 2016.

Vì thế hiểu theo một cách nào đó, ông Trương Minh Tuấn được xem là ‘phe ta’, tức người của phe Tổng bí thư Trọng, trái ngược với ‘phe củi Nguyễn Tấn Dũng’.

Trong chiến dịch được xem là ‘chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng, vụ ‘Mobifone mua AVG’ và cá nhân Trương Minh Tuấn được dư luận đặc biệt chú tâm. Nếu ông Trọng ‘cho qua’ vụ Trương Minh Tuấn, điều được ông Trọng tuyên xưng là ‘chống tham nhũng không có vùng cấm’ sẽ vô giá trị, còn tất cả những tụng danh dành cho ông Trọng như ‘Sỹ phu Bắc Hà’, ‘Minh quân’, ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và gần đây nhất là ‘Người đốt lò vĩ đại’ sẽ chỉ còn gió thoảng mây bay và chẳng còn ý niệm gì nữa.

T.L.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Đảng CSVN, quan chức, tham nhũng. Bookmark the permalink.