Thầy cô ứng xử ra sao khi học trò của mình là “phần tử chống đối” chính quyền?

Dân Luận tổng hợp

Câu chuyện thứ nhất đến từ sinh viên Trương Thị Hà, người đã bị bắt giữ trong đợt biểu tình phản đối Dự Luật Đặc khu và An ninh mạng ngày 17/6/2018.

Thầy ơi, chỉ có thầy mới cứu được em

From: Sinh viên năm 2 Trương Thị Hà, mã sinh viên 1767010064, khóa 2017- 2020, Lớp trưởng lớp 17/2, Khoa Ngôn ngữ Anh, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh.

To: Tiến sỹ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Trưởng phòng Đào tạo; và Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông của trường (đi cùng thầy Hạ chứng kiến sự việc).

Thầy Hạ kính mến,

Khi viết những dòng này, nước mắt em không ngừng tuôn rơi khi nghĩ về thầy. Em khóc chỉ vì em thấy cô đơn và bị bỏ rơi tại Trại tập trung Tao Đàn ngày 17/06/2018 với những con người đáng sợ mang danh “công an nhân dân”. Em không giận thầy cả, vì nếu có giận, những kẻ đã xúc phạm danh dự và xuống tay đánh em mới là kẻ đáng giận thầy ơi.

Em là lớp trưởng lớp 17/2 Khoa Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh. Em luôn mang lại niềm vui và động lực học cho các bạn trong lớp. Em luôn cố gắng kết nối các bạn trong lớp, các thầy cô và Giáo vụ. Tháng này, lớp em thi cuối kỳ, em đang chuẩn bị viết thư cảm ơn các thầy cô bộ môn đây ạ. Lớp 17/2 có thể tự hào rằng, lớp em là một trong những lớp học chăm chỉ nhất, đoàn kết nhất và có thành tích học tập cao nhất khóa học. Thầy có thể hỏi thầy Triết, thầy Triều, cô Hạnh và cô Nguyên trực tiếp dạy lớp em ạ. Em nói như vậy, chỉ muốn thầy biết rằng, em là sinh viên ngoan và đáng tự hào của thầy, em là một lớp trưởng có trách nhiệm với lớp. Chứ không phải như những người “công an nhân dân” kia nói em là: “con điếm”, “con đĩ”, “con phản động”, “bị đuổi học”.….

Tao Đàn, ngày 17/06/2018.

Thầy ơi, chỉ thầy mới có thể cứu được em lúc này thôi ạ…

Công an 1: Tôi sẽ gọi thầy Phó Hiệu trưởng của em đến đây.

Thầy ơi, khi nhìn thấy thầy, em đã khóc vì sung sướng. Vì em biết rằng, thầy sẽ làm gì đó để giúp em ra khỏi nơi đáng sợ này ạ. Nhưng…

Công an 1 (đe nẹt): Sinh viên của thầy đây. Là một kẻ phản động, thầy nhìn những gì nó làm này, kêu gọi biểu tình, hướng dẫn người dân đối phó với công an…

Công an 2 (liên tục sỉ nhục): Loại này làm đĩ, làm điếm, chứ lớp trưởng gì. Tao khinh!

Công an 3 (vỗ về): Em “hợp tác” đi là được về ngay mà. Bọn anh có làm gì đâu mà em mời luật sư.

Hà (nhìn vào thầy khóc): Thầy ơi, chỉ có thầy mới cứu được em lúc này thôi ạ. Thầy hãy báo cho Luật sư Trần Vũ Hải và Luật sư Lê Công Định giúp em là em đang bị bắt ở đây ạ. Số điện thoại của 2 luật sư đây ạ.

Thầy: Im lặng…

Hà (khóc to hơn): Em là người hành nghề luật, em có quyền được mời luật sư… Thầy có thể hỏi các thầy cô Đại học Luật Hà Nội của em. Họ sẽ nhắc đến em là một đứa sinh viên ngoan. Ngày xưa, các thầy cô Đại học Luật yêu quý và bảo vệ em như thế nào mà ngày nay, thầy lại đối xử với em như vậy. Nếu các thầy cô Đại học Luật ở đây, các thầy cô sẽ cứu em. Em biết thầy không có nghĩa vụ phải thông báo luật sư giúp em. Nhưng em là sinh viên của thầy, em đang cầu xin thầy. Thầy ơi, thầy hãy nhìn vào mắt em. Em có giống một đứa sinh viên hư không ạ? Thầy đừng im lặng như vậy mà. Thầy chỉ cần thông báo cho các luật sư của em thôi, chỉ cần vậy thôi, thầy ơi. Em sẽ biết ơn thầy suốt đời ạ.

Công an 1: Có phải điều tra tội phạm đâu mà mời luật sư, luật sư không có quyền đến đây cả! Vô ích thôi.

Thầy: Thầy không biết về luật.

Hà (khóc và bất lực): Thầy ơi, chỉ có thầy mới cứu được em thôi. Sinh viên của thầy nghi bị người của Báo Tuổi trẻ hiếp dâm, thầy cô Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã lên tiếng và luật sư của em đã bảo vệ quyền lợi của em sinh viên ấy. Em cũng là sinh viên của thầy, em xin thầy hãy đối xử công bằng với em như em sinh viên kia. Hãy thông báo cho các luật sư của em là em đang ở đây ạ.

Công an 4: Mệt con này quá. Giờ ký nhận được chưa?

Hà: Im lặng và nhìn thầy.

Công an 4 (Vả vào mặt Hà): Bốp. Mày không “hợp tác” à. Mày nhắc đến 3 từ “mời luật sư” nữa, tao vả cho vỡ mồm.

Thầy: Im lặng…

Thầy ơi, công an tát em, em không đau cả, em đau vì thầy không bênh em, em đau vì thầy không ôm em, em đau vì thầy không che chở em. Em đau vì thầy lặng im trước hành vi chà đạp nhân phẩn và xâm phạm thân thể trắng trợn của công an Quận 1. Có lẽ, thầy sẽ không bao giờ quên gương mặt đáng thương của em tại Trại tập trung Tao Đàn ngày hôm đó đâu.

Tại sao thầy ký vào Biên bản do công an soạn sẵn? Tại sao thầy nói với em là thấy không biết luật, nhưng thầy lại tin những gì công an nói, chứ không tin đứa sinh viên ngoan của thầy? Tại sao thầy lại quay lưng bỏ lại em một mình ở đấy ạ?

Xin thầy hãy trả lời giúp em những câu hỏi này hoặc đơn giản là tâm sự thật lòng với em vào email: htruong692669@protonmail.com ạ.

Em tin rằng, lúc đó có Công an nên thầy không thể làm những điều thầy muốn. Giống như các thầy cô Đại học Luật ngày xưa, các thầy cô đã âm thầm che chở và bảo vệ em. Công an đánh em, sỉ nhục em, em không đau vì đó là nhiệm vụ của họ. Nhưng các thầy cô của em không bảo vệ và che chở cho em, em sẽ đau khổ lắm thầy ơi.

Thầy ơi, chỉ có thầy mới cứu vớt được tâm hồn yếu đuối của em lúc này được thôi ạ. Hãy nói cho em suy nghĩ thật lòng của thầy. Thầy có thương em không? Chỉ cần vậy thôi là em thấy yên lòng rồi thầy ơi. Em cám ơn thầy và luôn tự hào là sinh viên Khoa Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn ạ.

Hà Nội, 21h20′ ngày 29/06/2018.

Nguồn: FB Trương Thị Hà

* * *

Câu chuyện thứ hai tới từ Luật sư Lê Công Định, người chịu án 5 năm tù giam và 3 năm quản chế vì “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”:

Thầy tôi

Câu chuyện em Trương Thị Hà khóc kể về thầy Phạm Tấn Hạ, Tiến sĩ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, đã không những khước từ giúp đỡ sinh viên mình khi em đang bị công an bắt giữ và đánh đập, mà còn đứng về phía họ buộc em hợp tác với an ninh khai nhận tội, khiến tôi nhớ đến Thầy tôi.

Thầy tôi là Tiến sĩ Luật khoa Võ Phúc Tùng, Giáo sư Luật thuộc Đại học Luật khoa Sài Gòn và Học viện Quốc gia Hành chánh trước 1975. Sau năm 1975, Thầy bị đưa đi “học tập cải tạo” vài tháng rồi trở về dạy Pháp văn thương mại cho Đại học Kinh tế TPHCM. Gần 10 năm sau đó, do bất đồng với lối can thiệp vào giáo trình giảng dạy của giảng viên từ phía Ban giám hiệu mới, Thầy tôi bỏ nghề dạy học ra đường làm nghề sửa đồng hồ mưu sinh.

Khi Luật sư Triệu Quốc Mạnh mở lại Khoa luật tại Đại học Tổng hợp TPHCM, chủ yếu sử dụng lại các giáo trình luật và mời các giáo sư của miền Nam trước 1975 giảng dạy, tôi được dịp thọ giáo Tiến sĩ Võ Phúc Tùng, không những về luật học mà còn về Pháp văn. Tôi học với Thầy cả hai môn từ 1991 đến 1998 lúc tôi sang Pháp du học.

Sau khi du học Pháp và Mỹ trở về, tuy không còn học trực tiếp với Thầy như trước kia, tôi vẫn thường lui tới thăm và thọ giáo kiến thức uyên thâm của Thầy tại nhà riêng. Mối quan hệ gắn bó giữa Thầy và tôi, cơ quan an ninh biết rõ.

Vì vậy, hơn 2 năm sau khi tôi bị bắt, trước áp lực quốc tế yêu cầu trả tự do cho tôi, cơ quan an ninh đã liên tục vào trại giam gặp và gây sức ép buộc tôi viết đơn xin khoan hồng và xin phục vụ nhà nước để được “tha tù” trước hạn. Tuy nhiên, tôi đã khước từ và tỏ thái độ bất hợp tác viết đơn theo ý muốn của cơ quan an ninh.

Sau khi dụ dỗ và đe dọa tôi không đạt kết quả trong nhiều tháng, cơ quan an ninh đã cử người đến gặp và nhờ Thầy Võ Phúc Tùng vào trại giam thuyết phục tôi viết đơn, nhưng Thầy đều từ chối nhận lời và nhận quà của họ.

Sau này ra tù tôi đã đến thăm và nghe Thầy kể lại sự việc như sau: Hai lần vào khoảng đầu và giữa năm 2012 có hai nhân viên an ninh đến nhà tìm Thầy, mang theo quà cáp, trình bày rằng ở trong tù tôi tỏ thái độ chống đối và bất hợp tác nên họ đành phải nhờ Thầy giúp. Họ bảo rằng nhà nước đang muốn thả tôi sớm, nhưng tôi không chịu “xin tha tù” theo ý họ muốn.

Thầy tôi đáp lại, đại ý rằng: “Rất tiếc tôi không thể chấp nhận lời yêu cầu của các ông. Tôi và anh Định ngoài nghĩa thầy trò, còn có tình cha con. Tôi đã không làm gì giúp anh ấy trong tù, thì càng không thể làm điều gì để anh ấy trách tôi về sau. Nếu khuyên anh ấy làm điều sai trái, liệu sau này anh ấy còn xem tôi là thầy, là cha nữa hay không? Đối với tôi, tư cách làm thầy nói chung, và làm thầy của một người học trò như vậy nói riêng, là điều thiêng liêng, mà không mối đe dọa nào có thể khiến tôi chấp nhận đánh mất”.

Nghe Thầy kể lại với thái độ dứt khoát, tôi mường tượng phần nào những buổi nói chuyện giữa Thầy tôi và các nhân viên an ninh. Tôi chảy nước mắt cảm động trước bài học về sự thiêng liêng của nghĩa thầy trò mà thầy đã bảo vệ và, qua đó, một lần nữa dạy tôi sống làm người và sống như một con người thế nào.

Có thể nói, những người thầy thọ giáo nền giáo dục của miền Nam trước 1975 là như vậy đấy, chẳng bạo quyền và lợi lộc nào khuất phục được tư cách cao cả và trong sáng của các vị. Tôi thật may mắn vừa là học trò, vừa là con trai của Thầy Võ Phúc Tùng. Thật tiếc cho em Trương Thị Hà không may mắn như tôi!

Nguồn: FB Lê Công Định

* * *

Câu chuyện thứ ba là những lời khuyên và kinh nghiệm từ một “chuyên gia”, anh Lý Quang Sơn:

– “Mày có thích tao gọi Thầy Hiệu trưởng của mày lên đây đưa mày về không”.

– “Thầy giáo lấy tư cách gì mà đòi lên đây đưa tôi về”. Đó là câu trả lời của tôi khi AN dọa sẽ gọi thầy giáo tôi lên để chứng kiến việc đi tôi bị bắt vì đi biểu tình. “Thầy giáo không có tư cách gì mà đòi đại diện cho tôi ngoài xã hội cả, khi tôi học trong trường, tôi chịu sự quản lý của nhà trường và chịu phạt nếu vi phạm nội quy trường, còn khi tôi bước chân ra khỏi trường thì không chịu sự quản lý của trường nữa và chỉ chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Thời đại gì rồi mà còn lôi thầy giáo với nhà trường ra dọa sinh viên, trẻ con nữa đéo đâu :v. Giờ đâu còn là thời của cái kiểu “một lời thầy nói, cha nói đều là đúng”, quên mịa nó đi. Có lần đang tuần hành cùng đoàn người hôm tưởng niệm Gạc Ma. Tè tè đâu ra ông thầy chủ nhiệm đi cạnh mình, kéo kéo áo rồi thì thầm “thôi về đi em, đừng đi nữa”. Mình ghé tai thầy nói nhỏ:

– “Không giúp được gì thì nên ngồi yên, thầy ạ”. Rồi đi tiếp, bơ ông thầy luôn =))).

Mấy bạn là sinh viên đều trên 18 tuổi, tự chịu trách nhiệm được rồi, đừng trông chờ vào Thầy giáo hay Cha mẹ, họ có đi tù thay cho mình được đâu :D.

Có lần mình bị tóm, CA gọi bố mình từ Nam Định lên, cho ngồi cạnh mình lúc thẩm vấn mình (đây là 1 dạng của Biện pháp nghiệp vụ). Hỏi mình chán chê các kiểu mình đều không nhận, không ký. Cú quá, anh CA quay sang nói với bố mình:

– “Đấy bác xem, thằng con bác nó nói dối trắng trợn chưa này, hình ảnh nó rành rành đây mà nó còn kêu không phải nó, nó chửi trên fb như thế này đây, dám làm mà không dám nhận”.

– “Không phải em không dám nhận, mà là các anh phải chứng minh được em làm chứ, nhiệm vụ của các anh là phải chứng minh em sai mà, sao lại cứ bắt em nhận thế, hic hic”. Mình giải thích, mặt tỉnh bơ “Bố ơi, con có làm gì sai đâu, huhu”.

– “Thôi mày im mẹ mày mồm vào đi, nói nữa tao lại điên tiết lên giờ” Bố mình quát, sau đó đứng dậy bỏ ra ngoài luôn.

Được đà đó, mình cũng im mồm luôn, chả nói gì với CA nữa, thế là hết hỏi cung =)) Hôm sau mình được thả, thấy bố vẫn đợi ở cổng đồn, rồi chở mình về phòng, không nói với nhau lời nào đến chiều thì bố về quê.

Chắc ông bố mình lúc đó hiểu rằng “không được gì thì tốt nhất nên im lặng :v”. Như thế tốt cho mình hơn mấy thầy giáo cứ ngồi lải nhải “Có cái gì thì thành khẩn khai báo với các anh ấy đi em”. Dẹp, dẹp đi!

Tóm lại, mấy ông thầy giáo KHÔNG CÓ TƯ CÁCH đại diện cho chúng ta ngoài xã hội. Mọi việc ta làm chỉ chịu trách nhiệm trước Pháp luật, chứ không phải trước CA hay thầy giáo. OK :))

______________

Những việc trên mình kể là xảy ra trước 2016 thôi, từ tháng 4/2016 trở đi thì khác, các bạn sinh viên lưu ý nha, hiện nay chính quyền đã ban hành thông tư 10/2016/TT-BGDĐT về “BAN HÀNH QUY CHẾ CÔNG TÁC SINH VIÊN ĐỐI VỚI CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC HỆ CHÍNH QUY”.

LƯU Ý: Thông tư này quy định rất rõ về những điều sinh viên không được làm. Ví dụ: khoản 4, điều 6 của thông tư này quy định sinh viên không được “tổ chức hoặc tham gia tụ tập đông người, biểu tình, khiếu kiện trái pháp luật; tham gia tệ nạn xã hội, gây rối an ninh, trật tự an toàn trong cơ sở giáo dục đại học hoặc NGOÀI XÃ HỘI”.

Và khoản 9, điều 6: “Đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân TRÊN MẠNG INTERNET”.

Căn cứ vào thông tư này, sinh viên không chỉ là một công dân chịu sự điều chỉnh của hiến pháp, pháp luật mà còn phải chịu sự quản lý của nhà trường thậm chí ở ngoài nhà trường và trên Internet.

Sinh viên hoạt động ngoài nhà trường và trên Internet là với tư cách công dân, không phải với tư cách sinh viên. Hoạt động này chỉ nên được điều chỉnh bởi Hiến pháp, pháp luật. Nhà trường không nên có quyền kiểm soát hoạt động này.

Quy định này sẽ tăng áp lực cho nhà trường, vì ngoài hoạt động đào tạo, họ phải tăng cường quản lý và việc quản lý sinh viên ngoài nhà trường và trên Internet, vốn là việc không dễ.

Gần 3 triệu sinh viên sẽ chịu nhiều áp lực “một cổ hai tròng”, bị phân biệt đối xử vì nếu là sinh viên thì lại bị quản lý chặt hơn một công dân bình thường.

Nguồn: FB Lý Quang Sơn

Nguồn: https://www.danluan.org/tin-tuc/20180630/thay-co-ung-xu-ra-sao-khi-hoc-tro-cua-minh-la-phan-tu-chong-doi-chinh-quyen

This entry was posted in an ninh mạng, công an đánh dân, công an tra tấn, đàn áp, Đảng CSVN, Trí thức. Bookmark the permalink.