Ở Việt Nam có bao nhiêu người không yêu nước?

Thảo Vy (VNTB)

Con số này có thể được tính chính xác khi cộng tất cả danh sách các phạm nhân đang thi hành án trong 66 nhà tù trải khắp từ Bắc chí Nam. Tiêu chí cáo buộc ‘không yêu nước’ được căn cứ vào phần kết ở một nội dung văn bản được chính quyền TP.HCM cho phát tận nhà từng người dân, với dòng chữ in màu đỏ sậm như khẩu hiệu “NGƯỜI YÊU NƯỚC LÀ NGƯỜI KHÔNG VI PHẠM PHÁP LUẬT”.

Thế nào là vi phạm pháp luật?

Theo nội dung của “Đề án triển khai thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện” được ban hành kèm theo Quyết định số 1461/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, thì từ năm 2008 đến giữa năm 2016, “có 82.398 người được đặc xá, trong đó phần lớn đã ổn định cuộc sống, không vi phạm pháp luật và tái phạm tội”.

Như vậy, theo cách hiểu của Bộ Công an vào năm 2016, thì ở tù mới là vi phạm pháp luật, dĩ nhiên đây là vi phạm pháp luật hình sự, chứ không hù dọa kiểu chung chung “người yêu nước là người không vi phạm pháp luật” như chính quyền TP.HCM đang ra sức tuyên truyền.

Theo cách diễn đạt chuyên ngành, thì “vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật và có lỗi, do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ”; và được chia làm 5 loại vi phạm: Vi phạm pháp luật hình sự hay còn gọi là tội phạm; Vi phạm hành chính; Vi phạm dân sự; Vi phạm kỷ luật; Vi phạm Hiến pháp.

https://3.bp.blogspot.com/-Yiv7vd_EYmU/Wy44jgNs1lI/AAAAAAAAEt0/H-a8SRXCfMwkEgj5jWM1N8f8q_YbdHM0QCLcBGAs/s640/4538AF01-FEFF-4779-B7F0-BC2ECF135E10_cx0_cy1_cw0_w1023_r1_s.jpg

Ảnh minh họa.

Nôm na, vi phạm pháp luật bao gồm: Hành vi trái pháp luật (1); Có lỗi (2); Do chủ thể có đủ năng lực thực hiện (3); Xâm phạm quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ: có quy định chế tài, xử phạt, ngăn cấm…(4). Như vậy, các hành vi trái pháp luật nếu không thỏa mãn (1), (2), (3), (4) thì không phải là hành vi vi phạm pháp luật.

Ví dụ, người dân thực hiện quyền biểu tình là hành vi được Hiến pháp bảo vệ tại Điều 25, nên người dân không vi phạm pháp luật. Khi đi biểu tình, người dân có thái độ ôn hòa, không có các hành động đập phá, gây cản trở các sinh hoạt thường nhật khác thì cũng không vi phạm pháp luật. Nếu kẹt xe có diễn ra vì người dân đi bộ xuống lòng đường, thì hành vi này được gọi là vi phạm hành chánh.

Còn nếu nhân viên công lực xúm vào đánh, bắt người dân đang thực hiện quyền biểu tình ôn hòa, thì các nhân viên ấy đã vi phạm pháp luật hình sự. Đó mới đúng là “người không yêu nước” như cách hiểu của lãnh đạo TP.HCM ở văn bản đã phát tận nhà người dân.

Có phải mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý?

Câu trả lời là không, mặc dù hàng chữ trên bảng điện tử đặt ở nhiều giao lộ tại Sài Gòn chạy câu hù dọa như sau: “Mọi người dân đều được quyền bày tỏ chính kiến của mình nhưng không vi phạm pháp luật”,”Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý”.

Sinh viên năm thứ nhất trường luật từng phải làm qua dạng bài tập kiểu đúng, sai như sau: Bất kỳ người nào có hành vi trái pháp luật thì đều phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý. Hãy cho biết quan điểm này đúng hay sai, vì sao?

Trả lời: Sai. Vì trách nhiệm pháp lý là sự bắt buộc chủ thể vi phạm pháp luật phải gánh những hậu quả pháp lý bất lợi, thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa nhà nước với chủ thể vi phạm pháp luật, được pháp luật xác lập và điều chỉnh, trong đó chủ thể vi phạm pháp luật phải bị áp dụng những biện pháp cưỡng chế được pháp luật quy định.

Nhưng không truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể có hành vi trái pháp luật trong các trường hợp sau: Chủ thể không có năng lực trách nhiệm pháp lý (không có khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của minh); Do sự kiện bất ngờ chủ thể không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả do hành vi của mình gây ra; Do hành vi phòng vệ chính đáng; Được thực hiện với tình thế cấp thiết; Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính, người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Như vậy, không phải bất kỳ người nào có hành vi trái pháp luật thì đều phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý.

Yêu nước là gì?

Biểu tình để phản đối Trung Quốc xâm lược. Biểu tình để phản đối một chính sách ban hành đe dọa tước đoạt quyền tự do ngôn luận. Biểu tình để phản đối một dự luật đe dọa chủ quyền quốc gia… Những người tham gia biểu tình vì các mục đích ấy, được nhìn nhận là đang thể hiện lòng yêu nước, và họ muốn kêu gọi cộng đồng cùng góp tiếng nói xây dựng quốc gia Việt Nam cường thịnh.

Lịch sử dạy người ta rõ nguồn gốc của nước, nên khi đọc đến sử ký nước nhà, người ta thấy lòng yêu nước mạnh mẽ hơn, là vì người ta nhận rõ hơn cái tinh thần đoàn kết dân một nước; những nỗi đau khổ chung, đó là một cái gia tài kỷ niệm có năng lực làm cho người ta cảm thấy rõ sự liên lạc mật thiết của mình với người cùng nước. Và ý tưởng ái quốc đã mạnh mẽ rành rọt khi trong một nước có những câu ca dao như: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước thì thương nhau cùng.

Xin tạm kết bài viết này bằng lập luận đúng theo khuôn mẫu tuyên giáo, là chính quyền cần chuyên cần hơn nữa trong học tập Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cựu Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe (1912-2011) trong bài viết “Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh”, đăng trên tờ Tia Sáng 04-05-2007, nói rằng “Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh gắn liền lý tưởng độc lập dân tộc với khát vọng dân chủ, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Người thường nói: Nước lấy dân làm gốc, dân là chủ, “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì” [ Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4,trang 419 ].

Vì vậy, yêu nước là phải phấn đấu làm sao cho nước độc lập, thống nhất, dân chủ, giầu mạnh, ai cũng có cơm ăn, áo mặc ai cũng được học hành,… Người nói một cách thống thiết: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.

Không có dòng sông nào chảy mãi nếu con người không biết khơi nguồn. Lòng yêu nước của nhân dân cũng có thể bị nguội lạnh đi nếu không được chăm lo nuôi dưỡng, để cho cả “một bày sâu” ra sức đục khoét, làm cho nó trơ rễ, bật gốc, héo mòn đi. Có lẽ chính quyền TP.HCM cần xem lại cách hiểu và ứng xử về ‘lòng yêu nước’ kiểu dùi cui và nắm đấm bạo lực như hôm Chủ nhật 17-06.

T.V.

VNTB gửi BVN.

This entry was posted in an ninh mạng, Biểu Tình, công an đánh dân, luật pháp. Bookmark the permalink.