Đôi lời về những gì đang diễn ra hiện nay

Ngụy Hữu Tâm

Hè năm nay nóng dữ. Và những sự kiện chính trị càng nóng hơn nữa.

Kỷ niệm ngày „Nhà báo Việt Nam“ 21.6.2018, viết ít dòng cùng bạn đọc suy ngẫm.

Cái nóng hầm hập cả trên thế giới lẫn trong nước. Thế giới thì trước tiên phải kể sự kiện lịch sử cuộc gặp gỡ Trump-Kim tại Singapore, mà nó bước đầu giải giáp được ngòi nổ hạt nhân Bắc Hàn, và biết đâu đó, không làm Việt Nam phải giật mình, cứ tự hào thống nhất đất nước mãi, thì nay dân tộc này biết cách, sau cả trên nửa thế kỷ, sẽ thống nhất mà không mất một giọt máu, và ngay người Đức cũng sẽ phải ngưỡng mộ vì nó sẽ không tốn kém như thế, người Nam Hàn dẫu sao cũng không giàu được như người Đức! Cá nhân tôi rất ấn tượng về anh chàng Ủn mình vốn hơi coi thường, nhưng nay vượt qua được cả anh Tàu to xác bên cạnh để làm chuyện bất ngờ. Ngày nay thì chẳng ai còn dám coi thường tuổi trẻ được nữa! 34 tuổi mà làm cả thế giới phải vui mừng và kinh ngạc! Còn những sự kiện nhỏ lẻ khác thì chao ôi, ê hề.
Nào Worldcup 2018 Mat-scơ-va với trận Đức thua Mehico 0-1 và Tây Ban Nha hòa Bồ Đào Nha 3-3 với những cú ghi bàn hết sức đẹp mắt, gây ấn tượng vô cùng mạnh mẽ của Ronaldo.
Rồi #MeToo, mà nó trở thành một phong trào hết sức rộng rãi của phái vốn được coi là „yếu“ nhưng nay cực kỳ mạnh mẽ. Thực ra chuyện „chị em“, khi so với nam giới, vốn phải chịu thiệt thòi nhiều điều, không chỉ chuyện lương bổng mà nói chung mọi chuyện trong đời sống. Thế nhưng khi nó lan cả đến chuyện „the phòng“ thì hè 2018 này mới xảy ra, và khi chị em kêu bị „quấy rối tình dục“ thì chắc chắn nhiều „ông lớn“ cũng không tránh khỏi. Nhớ trước đây trên chục năm, mới chỉ có Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng bị „dính quả“. Nhưng nay thì những vị nam tử giàu quyền lực và tiền bạc đã bắt đầu phải cảnh giác. Giở tờ Spiegel, thấy không chỉ các quan chức chính quyền cấp thành phố như Lübeck bang Schleswig-Holstein, và những ông trùm sự kiện ca nhạc và văn hóa nói chung, như ở Hãng truyền hình WDR, bị liên đới, mà nó còn gây chấn động đến cả một cơ quan cấp quốc tế hết sức nghiêm túc và uy tín như Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển mà cả giám đốc và người điều hành việc trao giải Nobel bị mất chức.
Còn có sự kiện khủng hoảng ngoại giao Đức-Việt mà nay lan ra cả nhiều nước khối EU do vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay giữa Berlin. Báo Đức, đài báo nhà nước và báo mạng lề phải lề trái đăng tải nhiều rồi, tôi chỉ xin tóm gọn. Về vụ này, dân gian nói rất hay: không có gì sướng hơn làm quan +S.  Thanh sắp được Đảng „khoan hồng“ thả cho về Đức. Mắc tội mà cuối cùng lại được đoàn tụ với vợ con, sống với lũ „tư bản giẫy chết“!
Trong nước thì nóng nhất là Hội nghị TW 7 mà chẳng ai hiểu nổi Đảng +S „nuôi dưỡng cán bộ“ kiểu gì? Rồi sau đó là kỳ họp „Cuốc hội“ mà những người tham gia nghị luận ở đó không do dân bầu ra, hầu hết đều do „Đảng cử“, cho nên họ chỉ có cách duy nhất là thi hành những gì cấp trên là cái gọi là „Bộ chính trị“ BCH TW Đảng gồm 15 cái đầu u tối nhất đất nước bởi lẽ trì trệ, bảo thủ nhất, vừa quyết định. Nên họ định „bấm nút“ hai việc động trời, hoàn toàn học đàn anh họ Tập, là „luật đặc khu“ và „luật an ninh mạng“ mà may quá, do tác động của dư luận quần chúng đông đảo và những cuộc biểu tình vang dội, ít nhất „luật đặc khu“ cũng đã bị hoãn vô thời hạn. Còn cái „luật an ninh mạng“ đã được thông qua. Nó rồi tác động tiêu cực đến thế nào cho đất nước thì chúng ta còn phải chờ xem.  
Về bản thân, đầu hè bận bịu với hai sự kiện do EU tổ chức là Liên hoan Kafka và Tháng Văn học châu Âu ở Việt Nam mà tôi đã giới thiệu tóm tắt ở hai bài trên tờ báo mạng này, nhằm để cho bạn đọc, dẫu không có thời gian tới dự, vẫn có được cái nhìn khái quát về chúng.

Sau hai sự kiện đó là, sau một năm rưỡi nổ lực ghê gớm, tôi đã cho ra được cuốn „Sigmund Freud: Về giấc mơ và diễn giải giấc mơ“. Do gợi ý của một nữ đồng nghiệp, Giám đốc một NXB ở Hà Nội rằng, cuốn „Sigmund Freud: Các bài viết về giấc mơ“ mà tôi dịch và cho xuất bản từ 13 năm nay, in có 700 bản mà lay lứt bán như các cuốn sách in thời gian qua, nhưng nay do thị trường sách có khởi sắc hơn do ảnh hưởng của sự tăng trưởng liên tục của nền kinh tế, nên tầng lớp trung lưu cũng đã phát triển ra, hơn nữa, bạn đọc cũng đã bắt đầu quan tâm tới tâm lý học nói chung và phân tâm học nói riêng, nên có thể tái bản.

Tôi còn làm được hơn thế, nay là một cuốn sách dẫu không đồ sộ, nhưng cũng trên 300 trang và hy vọng là đã giới thiệu để bạn đọc Việt Nam biết được tác phẩm nổi tiếng „Traumdeutung-Diễn giải giấc mơ“ của nhà bác học vĩ đại Freud, cuốn sách quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông. Mong rằng bạn đọc sẽ hài lòng với cuốn sách.

Nhưng tôi còn muốn giới thiệu với bạn đọc một sự kiện nữa. Lại là tờ Spiegel số 15 / 7.4. 2018, vừa cho đăng một bài rất hay nhân sự kiện 100 năm phát hành một cuốn sách mang tựa đề “Der Untergang des Abendlandes”, tôi tạm dịch là „Sự sụp đổ của phương Tây“ của Oswald Spengler.


OSWALD SPENGLER


Bìa cuốn sách

Cuốn sách 1200 trang này có một thế kỷ tuổi đời, nhưng lại hết sức hiện đại. Spengler, sinh năm 1880, con một nhân viên bưu điện, vốn hành nghề gia sư, qua tư tưởng của cuốn sách, được đánh giá là một trong những cha đẻ của tư duy phái hữu, độc tài. Năm 1950, triết gia-nhà xã hội học nổi tiếng Đức Theodor W. Adorno, viết: „Spengler vốn bị quên lãng, trả thù bằng cách dọa sẽ giữ vững quan điểm phái hữu của ông“. Spengler đã tiên đoán đúng: kế tiếp sau thể chế dân chủ lại là độc tài, trên thế giới hiện đang minh chứng rõ ràng. Nga có Putin, Trung Quốc họ Tập, Thổ Recep Tayyip Erdogan, Mỹ Donald Trump. Họ đều điều hành nhà nước bằng thể chế độc tài theo kiểu Xêxa. Thậm chí ngay cả đến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng sẽ được Spengler gọi là “Ein trivialer Sauhund-Đồ con lợn bẩn thỉu” bởi vì mang nhiều yếu tố đó.

Cuốn sách, một tác phẩm nhân học văn hóa với các chi tiết lịch sử thế giới trải dài từ Ai Cập, qua Hy Lạp, La Mã, Ấn Độ, Trung Hoa, Ả Rập, Pháp, Đức, nhưng ở đó cũng còn nêu những vấn đề toán học, ngôn ngữ, tài chính…

Hy vọng cuốn sách sẽ sớm được biên dịch và ấn hành, rồi được bạn đọc Việt Nam nồng nhiệt đón nhận.

N.H.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in an ninh mạng, đặc khu. Bookmark the permalink.