Ăn thịt người dưới triều Mao

Thế giới đã từng biết đến những tội ác không thể kể xiết trong thời Mao Trạch Đông, từ các phong trào Chỉnh phong, Tam phản, Ngũ phản, Cải cách ruộng đất, Công xã nhân dân, Đại nhảy vọt, … đến Cách mạng văn hóa.

Hàng loạt công trình khảo cứu đã xuất hiện trên văn đàn thế giới, chỉ rõ những tội ác của một triều đại Trung Hoa, mà chính dân tộc Trung Hoa đã phải gánh chịu. Bài viết của Johnny Erling đăng trên “Die Welt”, một trong những tạp chí uy tín hàng đầu tại Cộng hòa Liên bang Đức, cho người đọc một bức tranh hệ thống về hàng loạt tội ác mà các nhà lãnh đạo Trung Hoa đã dội lên đầu đồng bào của họ.

Xem thế đủ thấy rằng, không chỉ đất nước chúng ta và các nước láng giềng của Trung Hoa là nạn nhân gánh chịu cái đại họa của Nhà nước Đại Hán, mà trước hết là đồng bào của họ cũng là một nạn nhân trực tiếp. Các cụ ta xưa có câu nói thật chí lý: “Anh em khinh trước, Làng nước khinh sau”. Họ đã đối xử tàn ác với anh em mình, thì mong gì họ tử tế với làng nước (!)

Những tội ác được tiết lộ trong bài viết này không chỉ là lời tố giác một triều đại độc tài tàn bạo trong lịch sử Trung Hoa, mà còn là lời cảnh báo cho mọi chế độ độc tài… “Cái kim trong bọc cũng có ngày lộ ra”.

Bài này được Phương Tôn dịch ra tiếng Việt, được sưu tầm và đăng toàn văn trên Bauxite kỳ này, có biên tập một vài lỗi chính tả và cố gắng chuyển các tên riêng được viết theo phát âm Bắc Kinh thành âm Hán Việt để người Việt Nam dễ đọc.

Bauxite Việt Nam

Một nửa thế kỷ sau triều đại Mao một quan chức nhà nước đã tự phá vỡ sự câm lặng giữ kín về mức độ tội ác mà đến nay vẫn được Bắc Kinh luôn phủ nhận trong thời gian đó. Khắp nơi trên đất nước Trung Hoa từng chìm đắm trong những vụ tàn sát tập thể và ăn thịt đồng loại. Nạn đói diễn ra, theo ước tính thận trọng, 25 triệu người là nạn nhân của triều đại Mao vào thời đó.

Một số quan chức không thể tin vào mắt mình. Vương Triệu gửi họ đi điều tra huyện Dân Hà nằm về phía đông của tỉnh Thanh Hải. Ông ta là người vừa được bổ nhiệm Tỉnh uỷ Thanh Hải vào năm 1961. Dân Hà từng là vựa lúa của Thanh Hải với chừng 140.000 nông dân, luôn luôn thu hoạch dồi dào lúa mì, khoai tây, lúa mạch cũng như trồng nhiều cây ăn trái.

Và giờ đây tại đó một phần tư số dân đã bị chết, chết đói, ba năm sau kể từ năm 1958, ngày Bắc Kinh phát động đại chiến dịch „Đại nhảy vọt“. Tồi tệ nhất là là khi Binh đoàn sản xuất Lý Gia Thiện đến xã Cổ Sơn. 601 trong số 1318 xã viên của hợp tác xã nông dân không thể sống sót trong vòng ba năm này. Người dân đã đến tận cùng giới hạn của thể chất và tâm thần, rất nhiều người trở nên điên loạn. Đã có 33 trường hợp ăn thịt người với 46 nạn nhân.

Tin chi tiết khủng khiếp

Các quan chức phải ghi nhận những chi tiết kinh khiếp: 38 người trong đó có tám trẻ em bị nấu chín rồi bị ăn. Những nông dân nào kháng cự lại bị an ninh quận thanh toán gọn.

Thời gian từ năm 1958 đến 1960 tại Dân Hà có 2680 nông dân bị bắt, 1915 người trong số đó biến mất trong các trại cưỡng bức lao động. Lời buộc tội: Hữu khuynh chống lại chính sách của Mao. Hoặc là bị buộc tội biển thủ ngũ cốc dành cho những trường hợp nguy khốn.

Ngân Thúc Sinh một quan chức an ninh, 23 tuổi vào thời đó, mười năm sau được thăng chức phó giám đốc ngành an ninh tỉnh An Huy, từng là đội viên đội điều tra. Những gì ông nghe thấy nhìn thấy đều được liệt vào hàng tối mật. Giờ đây, nửa thế kỷ sau kể từ khi Mao phát động chiến dịch xây dựng Công xã nhân dân dẫn đến thảm họa, ông chấm dứt việc giữ câm lặng về mức độ tội ác mà đến nay vẫn được nhà nước Bắc Kinh giấu nhẹm.

Ông Ngân từng làm việc tại Thanh Hải rồi đổi sang tỉnh An Huy, một tỉnh đông dân phía đông Trung Quốc. Tại đây bốn triệu người bị chết đói. Về sau Ngân phát hiện tại An Huy đã từng xảy ra 1289 vụ ăn thịt người. Bản báo cáo gây chấn động với hàng trăm con số chưa bao giờ được công bố nay được phổ biến trên số mới nhất của Tạp chí “Bắc Kinh Cải Cách”.

Khi lên tiếng, Ngân đã làm bộc lộ nhiều điều được xem là cấm kỵ. Từ năm 1959 đến 1960 theo ước tính thận trọng, gây cho 25 triệu người bị chết đói chứ không phải chết do thiên tai. Đây là những hậu quả từ khủng hoảng do sai lầm của Mao. Trách nhiệm này, Mao cũng như các lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung quốc chưa một lần bị xử lý.

Lật lại hồ sơ đến ngày hôm nay vẫn bị cấm

Nhóm phe đảng thân tín, trong đó có cựu chủ tịch nhà nước Lưu Thiếu Kỳ đã từng chấp hành lệnh của Mao không một lời phản đối. Nhưng rồi đến cuối cuộc Cách mạng Văn hóa bọn này lại trở thành nạn nhân của sự tàn độc của chủ nghĩa Mao. Lãnh đạo Bắc Kinh biết rất chính xác mức độ đau đớn của nông dân do họ gây ra. Có lẽ vì lý do đó cho nên trong khoảng thời gian từ 1958 đến 1960 mọi cuộc nổi dậy đều bị đàn áp và thậm chí họ còn đưa ra định mức số lượng người bị bắt giữ.

Các thủ phạm thực hiện một cuốn sách ghi thật tỉ mỉ về các hành động của họ. Ngân đã thú nhận công khai trong bảng báo cáo dài bảy trang dưới tựa đề „Bước Đại nhảy vọt trong công tác của Ngành An ninh“ : „Suốt cuộc đời tôi làm việc cho bộ máy an ninh. Tim tôi quặn thắt khi viết những dòng này. Nhưng mục đích của tôi là để rút ra những bài học từ những kinh nghiệm đã qua nhằm không lập lại những lỗi lầm lịch sử như vậy nữa“.

Đến ngày hôm nay Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn còn cấm việc mở lại hồ sơ quá khứ, bởi vì họ sợ khó thoát khỏi những bản án tiêu diệt họ. Một số ít người dũng cảm kể lại những câu chuyện của họ nhằm giảm nhẹ sự dày vò của lương tâm. Một trong những người này là Lý Thuỵ, cựu thư ký của Mao. Ông là một trong những người đầu tiên cách đây 15 năm đứng lên tố cáo rằng, ngay từ những ngày khởi đầu mục tiêu của Mao là thành lập một chế độ độc tài khủng bố.

Giờ đây Ngân đã làm rõ một cách chi tiết từng bước của chiến dịch „Đại nhảy vọt“ mà Mao đã thông báo với Phương Tây với một khẩu hiệu tự viết ngày 01.01.1958: Trong vòng 15 năm Trung Quốc sẽ bắt kịp đầu tiên Anh quốc và sau đó Hoa Kỳ. Trong bước nhảy vọt, phải cộng sản hóa đất nước nhằm chứng minh ưu thế của Trung Quốc so với Liên Xô.

Giới lãnh đạo Bắc Kinh cũng biết rõ ràng, không dễ gì nhồi vào đầu nông dân trong các công xã hoặc bắt ép họ quán triệt tư duy không tưởng của Mao mà họ không kháng cự lại. Vì vậy mà Mao đã sử dụng hình thức khủng bố để ngăn ngừa bạo loạn.

Ngân trích dẫn lệnh của Cao Phong, lãnh đạo Đảng bộ Thanh Hải gửi tới cơ quan an ninh vào ngày 9.4.1958 nhằm bắt giữ những người khả nghi một cách tùy tiện: „Tất cả những ai mà chúng ta cho rằng có khả năng nguy hiểm, không cần phải có chứng cớ chúng có phá hoại hay không, chúng ta phải bí mật bắt giữ hết” .

Cơ quan trung ương tại Bắc Kinh đưa con số định mức quy định cho các tỉnh. Vào năm 1957 tại An Huy có hơn 8000 người bị nghi ngờ là “thường phạm” bị bắt giữ. Đến năm 1958 khi bắt đầu vào chiến dịch của Mao, cơ quan trung ương đưa ra định mức phải bắt giữ 45.000. An Huy „bảo đảm kế hoạch“ bắt giữ 101.000 người. Từ 1958 đến 1960 tổng cộng có đến 173.000 người bị bắt giữ tại An Huy.

Trong vùng dân cư thưa thớt ở Thanh Hải, nơi chỉ có 2,44 triệu người sinh sống, trong vòng ba năm có đến 63.064 nông dân bị bắt giữ (bình quân cứ 40 người có 1 người bị bắt). Ngân viết, hầu hết phạm nhân là những „lương dân vô tội“. Tội của họ chẳng qua là khiếu nại tại các công xã, tại các bếp ăn di động, khi bị cưỡng bức làm việc tại các lò thép hay vì đói đi đánh cắp nông phẩm ngoài cánh đồng.

Dưới những điều kiện giam cầm kinh khủng 50.000 người qua đời từ 1958 đến 1960 tại An Huy, gần một phần ba số phạm nhân. Tại Thanh Hải cũng xảy ra tương tự. Khủng bố đạt cao điểm vào cuối năm 1958, ngay chính Mao cũng thừa nhận là quá đáng và đã ra lệnh thi hành vừa phải hơn. Nhưng vào năm 1960 khủng bố lại tiếp tục. Một đồng chí thân cận lên tiếng phê bình Mao về nạn đói vào năm này. Ông ta và cả nước cảm nhận được cơn giận dữ của nhà độc tài.

Bất công vô lý không tưởng

„Con số tăng giảm những vụ bắt giữ không liên hệ đến tình hình an ninh đương thời mà do lệnh truyền của lãnh đạo“ Ngân viết trong báo cáo. Bắt giữ người tùy ý không cần cơ sở căn bản. Những cai tù không biết rõ phạm nhân là ai, vì sao họ bị giam cầm.

Vào năm 1961 khi Vương Triệu nhậm chức lãnh đạo Đảng bộ Thanh Hải các viên thanh tra của ông trả tự do cho hơn 3000 phạm nhân. Ngân muốn bản báo cáo của ông được hiểu như lời khai của một nhân chứng lịch sử, qua đó các thế hệ về sau biết rằng mạng sống con người tại Trung Quốc từng được đối xử như „cỏ dại“.

Ông đi đến kết luận, „Bất công vô lý không tưởng“ trong „Đại nhảy vọt“ cũng như những chiến dịch chính trị khác mặc dù là do cán bộ cấp dưới thực hiện nhưng căn bản là do Bộ chính trị tạo nên. Không có đường lối sai lầm của Bắc Kinh thì không bao giờ có thể xảy ra những tội ác kể trên, tối thiểu cũng không xảy ra với mức độ như vậy.

Phương Tôn chuyển ngữ

Nguồn:

http://anle20.wordpress.com/2010/04/11/

This entry was posted in Trung Quốc. Bookmark the permalink.