Vũ Quốc Ngữ dịch
Google, Facebook và nhiều công ty trong nước cho rằng những hạn chế sẽ gây hại đến môi trường đầu tư.
Quốc hội Việt Nam, cơ quan lập pháp của đất nước, đã thông qua Luật An ninh mạng gây tranh cãi vào thứ Ba, gây ra những quan ngại từ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về tự do ngôn luận.
Trong số 466 đại biểu quốc hội, 423 đã bỏ phiếu cho dự luật, 15 người chống lại, 28 phiếu trắng. Với kết quả chấp thuận 86,86%, luật sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2019.
Luật mới sẽ cho phép Bộ Công an kiểm soát tất cả các hoạt động trên mạng tại Việt Nam, và nhiều nhà phê bình cho rằng luật sẽ hạn chế quyền tự do ngôn luận và tạo rào cản cho các nhà cung cấp dịch vụ liên quan đến Internet.
Các doanh nghiệp nước ngoài như Google và Facebook sẽ bị yêu cầu mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam, cũng như lưu trữ dữ liệu về người dùng Việt Nam trong nước trong một khoảng thời gian.
Luật mới cho phép Chính phủ kiểm soát tốt hơn các nhóm kỹ thuật số nước ngoài cũng như người dùng địa phương đăng thông tin tuyên truyền chống Chính phủ hoặc thông tin kích động bạo lực và làm xáo trộn an ninh công cộng hoặc nội dung phỉ báng.
Công dân ở Thành phố Hồ Chí Minh phản đối hai dự luật An ninh mạng và Đặc khu vào ngày 10/6.
Các nhà phê bình cho rằng điều này trái ngược với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cũng như Thỏa thuận Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo luật mới, các doanh nghiệp liên quan sẽ phải đặt máy chủ của họ tại Việt Nam. Tuy nhiên, CPTPP, mà Việt Nam đã đăng ký vào tháng 3, không cho phép các bên ký kết tự đưa ra quyết định liệu một công ty có thể tiến hành kinh doanh dựa trên nơi đặt cơ sở hạ tầng CNTT của họ.
“Chúng tôi đã đề nghị Việt Nam cân nhắc cẩn thận trong việc thông qua luật, và Việt Nam phải tuân theo các điều kiện mà hai bên đã đồng ý theo thoả thuận TPP 12”, ông John Rockhold, Giám đốc điều hành của chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, nói với tạp chí Nikkei Asian Review.
Jeff Paine, Giám đốc điều hành của Liên minh Internet châu Á, một hiệp hội ngành công nghiệp tìm cách thúc đẩy sự hiểu biết về chính sách Internet ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương với các thành viên như Facebook, Google, LinkedIn, Apple, Twitter, LINE và Rakuten, nói với Nikkei rằng ông đã thất vọng về việc Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu thông qua Luật An ninh mạng. Ông cho biết các quy định về nội địa hoá dữ liệu, kiểm soát nội dung ảnh hưởng đến tự do ngôn luận, và các yêu cầu về việc mở văn phòng địa phương “chắc chắn sẽ cản trở tham vọng của cách mạng công nghiệp thứ tư của quốc gia trong việc đạt tăng trưởng về GDP và việc làm”.
“Những quy định này sẽ dẫn đến những hạn chế nghiêm trọng đối với nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam, làm giảm bớt môi trường đầu tư nước ngoài và làm tổn thương cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương và [các doanh nghiệp nhỏ và vừa] phát triển trong và ngoài Việt Nam”.
Ông cũng cho biết hiệp hội hy vọng sẽ tiếp tục tích cực tham gia với chính phủ, hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách để làm việc hướng tới việc tạo ra một tương lai kỹ thuật số cho đất nước.
Nhiều công ty trong nước cũng lo lắng về luật mới. Một lá thư chung của 13 công ty công nghệ thông tin – bao gồm các doanh nghiệp trong nước như FPT, VNG và Mobifone, cũng như các tập đoàn nước ngoài có lợi ích tại Việt Nam bao gồm Panasonic, Toshiba và Lazada – đã được gửi đến Quốc hội hôm thứ Hai kêu gọi hoãn việc bỏ phiếu cho dự luật.
Một nhóm các học giả tham gia nghiên cứu kết nối Internet của Việt Nam vào những năm 1990, do Đặng Hữu đứng đầu, cũng đề nghị các nhà lập pháp dành nhiều thời gian hơn cho dự thảo, bao gồm sửa đổi và xóa bỏ các điều khoản sẽ cản trở việc sử dụng tự do Internet để nghiên cứu, giao tiếp và kinh doanh, đe dọa sự riêng tư của người dùng và khiến các doanh nghiệp có nguy cơ vi phạm pháp luật.
Một số đã chỉ ra rằng hiện Việt Nam đã có hai luật hiện hành về an ninh mạng – Luật An ninh thông tin mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2016 và Luật An ninh Quốc gia được thực hiện vào năm 2005.
Tuy nhiên, Hà Nội đã khăng khăng áp dụng dự luật mới, tuyên bố đây là một công cụ cần thiết để “bảo vệ quốc gia chống lại các cuộc tấn công trên mạng” và thực hiện “một thể chế hoàn chỉnh và kịp thời các chính sách của Đảng” về an ninh mạng. Luật an ninh không gian là điều bắt buộc trong tình hình hiện tại, Trung tướng Hoàng Phước Thuận, giám đốc Cục An ninh mạng thuộc Bộ Công an cho biết. Về các thỏa thuận mà Việt Nam đã ký kết, chẳng hạn như CPTPP, ông cho biết luật sẽ áp dụng cho “ngoại lệ phục vụ an ninh, trật tự công cộng, văn hóa và cộng đồng”.
Trước cuộc bỏ phiếu, đã có nhiều cuộc biểu tình rộng rãi tại Việt Nam vào ngày Chủ nhật, và các nhà hoạt động nhận thấy luật mới như một bản sao Luật An ninh mạng của Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 6 năm ngoái,và biến các công ty công nghệ hoạt động ở quốc gia đó thành các tổ chức giám sát quốc gia.
An ninh ở các thành phố bao gồm Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã được thắt chặt vào thứ Ba sau khi luật đã được phê duyệt. Các nhà chức trách cũng gửi tin nhắn điện thoại di động cho công chúng, cảnh báo công dân không tổ chức các cuộc tụ tập, vi phạm luật giao thông, gây rối loạn ở nơi công cộng, hoặc bị kích động để vi phạm pháp luật. “Hãy bình tĩnh và tỉnh táo”, thông điệp nói.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cho biết mục tiêu của luật mới nhằm bảo vệ sự độc quyền của đảng và hạn chế quyền tự do Internet, và cùng với tổ chức Ân xá Quốc tế tại London, yêu cầu Hà Nội thu hồi luật. Brad Adams, Giám đốc châu Á của HRW cho biết: “Không phải ngẫu nhiên mà nó được soạn thảo bởi Bộ Công an, cơ quan nổi tiếng vi phạm nhân quyền”.
Trong thư gửi cho Apple, Google, Facebook, Microsoft và Samsung, Clare Algar, Giám đốc Các hoạt động toàn cầu tại Ân xá Quốc tế, kêu gọi các công ty thực hiện các biện pháp bảo vệ chống lại các vi phạm nhân quyền tiềm ẩn do luật của Việt Nam đưa ra. Hiệp hội truyền thông kỹ thuật số Việt Nam, một tổ chức tham gia nghiên cứu và đào tạo, kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số, ước tính vào tháng 5 rằng Luật An ninh mạng có thể làm giảm 1,7% GDP của Việt Nam và giảm 3,1% đầu tư nước ngoài khi luật có hiệu lực.
Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Kinh doanh, cho rằng, luật này sẽ làm tổn hại nền kinh tế Việt Nam và tạo ra những bất lợi cho các doanh nghiệp khi cạnh tranh với các đồng nghiệp trong khu vực Đông Nam Á.
Hai thị trường chứng khoán của Việt Nam giảm điểm hôm thứ Ba, với chỉ số VN-Index giảm 1,76% và HNX-Index giảm 1,66%.
Nguồn bản gốc: Nikkei Asian Review
VNTB gửi BVN