Hậu quả tức thì

Lê Văn Luân

Thị trường chứng khoán lao dốc và bốc hơi đến gần 6 tỷ đô la chỉ trong vòng chưa đến một ngày ngắn ngủi bằng những phiên bán tháo với khối lượng lớn, trong đó đặc biệt là khối ngoại (nhà đầu tư nước ngoài). Đó là tình trạng xảy ra ngay sau khi Quốc hội bấm nút thông qua Luật An ninh mạng 2018. Và đó chính là dấu hiệu cho thấy dự luật này sẽ ảnh hưởng tiêu cực và gây tổn hại như thế nào cho đời sống kinh tế của toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

 

Doanh nghiệp lo lắng đến dữ liệu, thông tin của doanh nghiệp có bị hạn chế và xâm nhập trái phép hay không; họ có phải cung cấp bất kỳ thông tin, dữ liệu nào cho phía công an hay không; họ có bị ngăn cấm, hạn chế hay không được cung cấp dịch vụ mạng cho ai đó hay không; họ tính toán xem sẽ phải tốn thêm bao nhiêu chi phí để lắp đặt các thiết bị nhằm phục vụ cho các điều kiện của Luật An ninh mạng đòi hỏi họ phải đáp ứng hay không nếu muốn kinh doanh; họ xem rằng mình có thể được phản biện lại chính sách, luật pháp của nhà nước, đảng mà không bị trở thành tội phạm hoặc bị gây khó khăn hay không; họ sẽ phải cân nhắc về việc có bị kiểm tra đột xuất hoặc có văn bản yêu cầu của công an khi lực lượng này “xử lý hành vi phạm pháp luật” hay không?; họ sẽ phải xem xét mình có phải phản bội khách hàng trong nhiều trường hợp hay không; các quốc gia khác sẽ phải xem xét rằng họ có phải tốn hàng tỷ đô để xây dựng cơ sở lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam như luật an ninh nội địa nước này yêu cầu hay không; họ lo lắng rằng thị phần và khách hàng của họ sẽ ngày cảng giảm xuống và thu hẹp vì những rào cản và những sự xử lý từ phía công quyền đối với khách hàng của họ và đối với chính bản thân họ.

Thật là nguy hiểm với một dự luật mà một vị đại biểu là Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh có trách nhiệm chính để thuyết trình và thẩm tra dự luật trước Quốc hội, dù không biết một chút gì về lĩnh vực này và về dự luật này, lại vẫn nhận được sự đồng tình của 423 đại biểu trong sự hết sức bình thường của nó. Chính phủ soạn thảo dự luật này cũng không đánh giá hết được tác động xấu của nó đem lại, nhưng vẫn trình và đề nghị thông qua. Một nhà hoạch định chính sách phải có kế hoạch chi tiết, phải trực tiếp thảo luận và được đóng góp ý kiến của các chuyên gia về ngành và về luật pháp. Phải khảo sát và tính toán tính thực tiễn và khả năng thực thi của nó, nếu ban hành ra mà hậu quả nó gây ra lớn hơn lợi ích nó đem lại thì phải huỷ bỏ chứ không cần một đạo luật như thế hiện diện. Đằng này họ ban hành mà không cần tính toán đến cả yếu tố chuyên môn lẫn tính thực tiễn của nó. Trong khi nó không có mục đích gì khác là kiểm soát thông tin và dữ liệu người dùng để đảm bảo “không có tiếng nói được cho là xấu nào” từ xã hội dân sự đối với nhà nước, đảng, lãnh đạo và chính sách mà họ sẽ vạch ra trong quá trình điều quản.

Quốc hội cần phải xem xét lại dự thảo này một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp hơn. Phải mở các hội thảo công khai để tiếp thu các ý kiến chuyên môn và chuyên ngành và về lập pháp. Để sửa đổi hoặc thay thế nhiều phần nội dung không thích hợp của nó.

Thông qua việc này, các doanh nghiệp nên mở mắt ra về việc bình chân như vại và thờ ơ trước các biến động của hiện tình đất nước và xã hội, coi những sự kiện thuộc về luật pháp và chính sách không có ảnh hưởng gì tới mình. Nếu nghĩ như thế thì không thể làm ăn, phát triển lớn mạnh và bền vững được, hoặc có phình to ra thì chắc hẳn là nhờ vào sự trục lợi dựa trên những bất ổn và tiêu cực của các hành vi quản lý và xây dựng chính sách này mang đến. Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các hội nghề nghiệp liên quan cần phải lên tiếng đối với dự thảo luật này, khi vẫn còn cơ hội để thay đổi nó.

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Ảnh: “Dịch chuyển đám mây điện toán bằng cách dùng dây thừng lai dắt về nước”.

L.V.L.

Nguồn: FB Luân Lê

This entry was posted in an ninh mạng. Bookmark the permalink.