Chúng tôi tạm đặt cho bài viết của Phuong Mai Nguyen cái tít như trên, vì thật sự nó là một tiếng chuông cảnh báo mọi người, nhất là các đại biểu Quốc hội đang tíu tít trong các phiên họp liên tục tại thủ đô – dưới sự điều hành của một bà Chủ tịch trông rất đỏm dáng mà mỗi lời hách dịch bà phát ra, khốn thay, lại đều là một “vận vào khó nghe” – rằng (đây là ý gửi gắm của Phương Mai) chớ có bùi tai bởi đủ thứ phát ngôn ngọt nhạt từ nhiều khuôn mặt dị hợm trên sân khấu từ bấy đến nay mà dễ dãi bấm nút, để cho cả dân tộc phải chui đầu vào cái thòng lọng nó thít lấy họng mình khiến không còn có cách nào há miệng phản ứng trước hành tung nguy hiểm của một lũ độc tài hèn hạ “ăn không chừa thứ gì” và “làm bất kể điều gì miễn cái túi căng phồng”, một lũ không chỉ biết cấu kết với cả bầy diều ó đang tranh nhau xẻ thịt đất nước, mà còn sẵn sàng tạo mọi điều kiện nhằm lót ổ cho loài ác điểu ghê tởm ở phương Bắc (chứ không phải là con phương hoàng như ai đó ví von) bay xuống đẻ những quả trứng ác độc vào những nơi hiểm yếu nhất của quốc gia, để rồi khi bầy ác điểu con lớn lên thì… tất cả giang sơn nước Việt chỉ còn là miếng mồi ngon cho chúng.
Bài viết của Phương Mai Nguyen được trang FB Truong Huy San chia sẻ với mấy lời gần như thành tâm mong mỏi: “Những ai chưa thực sự hiểu tác động của Dự luật An ninh mạng lắm (kể cả các đại biểu QH) thì nên đọc kỹ bài này”. Tiếc thay, bất chấp tất cả cảnh báo của anh và của những ai tâm huyết, kiên trì lên tiếng gần suốt một tháng nay, Quốc hội VN cuối cùng đã… thản nhiên bấm nút thông qua cái dự luật vô cùng nguy hại ấy.
Còn biết nói sao nữa khi chính Huy Đức cũng bị đám dư luận viên gán cho cái tội mạo danh bức thư của tướng Nguyễn Khánh Toàn tung lên mạng để cổ xúy cho một việc làm xấu. Bản thân anh cũng thất vọng đến nỗi phải viết mấy lời gọi là xin lỗi Quốc hội mà tưởng chừng là một tiếng thở dài chua chát khi được nghe một kẻ đóng vai trò chủ chốt về quốc phòng và an ninh của cái cơ quan đại diện cao nhất cho dân nói ra những lời ngọng nghịu chứng tỏ ông ta chẳng hiểu biết chút gì về thế giới mạng và lợi ích thật sự của internet là ở đâu cả: “Xin lỗi Quốc hội. Tôi đã viết khá nhiều bài để góp ý cho quý vị nhưng sau khi nghe clip này tôi xin gửi tới QH lời xin lỗi hết sức chân thành. Tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh – cơ quan thẩm tra Luật An ninh mạng – mà hiểu vấn đề như thế này thì làm sao những ý kiến của dân còn có thể tác động tới quý vị” (Nguồn tại đây).
Dù sao, BVN cũng xin đăng lại bài viết để chúng ta cùng đọc và nghiền ngẫm, ít nhất là tính trước những tai họa sẽ ập lên đầu người dân Việt Nam trong những ngày tới. Nhưng đúng như Phuong Mai Nguyen nói, một dân tộc có sức sống mãnh liệt và tinh thần bất khuất như dân tộc chúng ta, lẽ nào chịu để mất quyền tự do của mình, dù đấy chỉ mới là một chút gì đó rất nhỏ nhoi, một sự cởi mở bị động do thúc đẩy của công nghệ thế giới khi du nhập vào quốc nội, giới hạn trong phạm vi biểu đạt ngôn từ. Không, dân tộc này không bao giờ chịu để mất đi cái quyền chính đáng mà mình đã giành được, bởi một đạo luật hắc ám bê nguyên xi từ Thiên triều về nhằm đe dọa dân chúng.
Bauxite Việt Nam
Mất tự do là mất hết. Facebook Google rồi có thể cũng phải bỏ ta ra đi.
Vietnam is considering a cyber-security law that forces companies to provide the police all private data from customers if requested. The law also gives police wide discretion to determine when expression must be censored as “illegal”. It “protects the communist party’s monopoly on power as much as to protect network security” – said Brad Adams, Asia director at Human Rights Watch.
—
Khoảng gần hai tuần nay, ngày nào email của tôi cũng có thư của các công ty và nhà dịch vụ thông báo rằng họ đã điều chỉnh các chế độ bảo mật cá nhân cho khách hàng (tôi). Hàng triệu người ở châu Âu nhận những email như vậy sau ngảy 25 tháng 5 khi châu Âu thông qua luật mới, chuyển giao quyền lực nhiều hơn về tay người tiêu dùng, hạn chế việc dữ liệu cá nhân bị thu thập không có sự đồng ý của người dân.
Tại Việt Nam, ngày 12-6 tới, Quốc hội đang sắp bỏ phiếu thông qua một dự luật gần như ngược lại. Thay vì bắt các công ty phải đảm bảo quyền bí mật thông tin cho khách hàng, luật này bắt các công ty phải TIẾT LỘ thông tin cuả khách hàng. Luật cũng trao cho CÔNG AN quyền thu thập dữ liệu cá nhân của người dân KHÔNG CẦN LÝ DO.
Trước tiên phải khen Nhà nước VN đã kịp thời hoãn luật đặc khu trước làn sóng phản đối của dân. Giờ chúng ta chờ xem liệu chính quyền có chịu đổi thay khi Luật An ninh minh mạng gây tranh cãi.
Luật An ninh mạng đang gây ra sự quan ngại lớn, có thể bạn không thấy nó bức xúc như Luật Đặc khu, nhưng thật ra, nó nguy hiểm hơn Luật Đặc khu. Luật Đặc khu nếu không có sự minh bạch thì coi như MẤT NƯỚC, Luật An ninh mạng nếu không có sự sửa đổi thì coi như MẤT TỰ DO.
Sau đây là vài tóm tắt;
Điều 15, 1b. Cấm thông tin gây chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước.
—> Điều này có nghĩa là tất cả lời phản đối kiểu thường thấy trên mạng như cộng sản miền Bắc hay cộng hoà miền Nam thế nọ thế kia, phản đối Trung Quốc bá quyền hay bất kỳ một sự phản đối nào đều có thể bị quy chụp là chia rẽ dân tộc và kết thành tội. Các bạn dư luận viên nên cẩn trọng không lại rước hoạ vào thân khi mạt sát chính quyền miền Nam ngày xưa.
Điều 15, 1c. Cấm các thông tin xúc phạm quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.
—> Điều luật này chung chung vì nó không bao quát được các vấn đề như thế nào là xúc phạm? Và chuẩn mực nào để xác định ai là vĩ nhân, danh nhân hay anh hùng dân tộc? Nếu bạn không đồng ý với lời bài Tiến quân ca (Đường vinh quang xây xác quân thù) thì như thế có phải là xúc phạm không? Anh hùng của cộng đồng này là kẻ thù của cộng đồng khác, lãnh tụ của dân tộc này là kẻ sát nhân với dân tộc khác. Giả sử nếu bạn phê phán một lãnh tụ nhiều tranh cãi như Lê Duẩn thì có gọi là xúc phạm không? Tóm lại, điều luật này có hạn chế quyền tự do hiểu biết, quyền xét lại, quyền nhìn nhận lịch sử một cách khách quan hơn của giới khoa học và người dân?
Điều 15, 2b. Cấm loan tải thông tin tuyên truyền, kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở sự hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội nhằm chống chính quyền nhân dân hoặc gây mất ổn định về an ninh trật tự.
—> Điều này có nghĩa là công an có quyền đặt lại tên cho những phong trào như bảo vệ cây xanh, bảo vệ biển, bảo vệ sinh thái, chống xả thải, phản đối Trung Quốc, phản đối BOT, phản đối lấy đất của dân + vô số các cuộc biểu tình và kêu gọi phản đối ôn hoà khác là hành vi phạm pháp. Điều luật này bản chất là ngăn chặn quyền giám sát chính quyền, quyền biểu tình, quyền phản đối của người dân. Nếu điều luật này được thông qua, facebook chắc sẽ chỉ còn ảnh selfie và chó mèo.
Điều 16, dự thảo luật cấm cố ý nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái phép.
—> Luật chung chung như vậy, không định nghĩa thế nào là trái phép đồng nghĩa với việc nghiêm cấm quyền giám sát của ngưòi dân với chính quyền. Nếu bạn ghi âm công an đánh dân hay ăn tiền hối lộ có thể cũng bị quy là phạm pháp.
Điều 17, 1d. Cấm kinh doanh đa cấp, giao dịch tài sản, huy động vốn, trò chơi cho nhận, quy đổi, đầu tư ủy thác trái phép trên không gian mạng.
—> Các bạn bán hàng online lưu ý nhé.
Điều 26, dự thảo luật yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách khi có yêu cầu bằng văn bản; Xóa bỏ thông tin, ngăn chặn việc chia sẻ thông tin chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng; Ngừng cung cấp dịch vụ khi có yêu cầu…
—> Như vậy có nghĩa luật này yêu cầu các công ty viễn thông và dịch vụ PHẢN BỘI lại lời hứa với khách hàng, trở thành một công cụ cho công an, tiết lộ toàn bộ dữ liệu khách hàng cho công an mà không cần khách hàng đồng ý, phản bội lại khế ước bảo mật giữa công ty và khách hàng. Hãy tưởng tượng Google hay Facebook buộc phải cung cấp toàn bộ lịch sử dùng web của bạn, thư từ, các trang tìm kiếm, các cuộc đối thoại, các món hàng bạn mua, những người bạn từng trao đổi v.v. mà KHÔNG CẦN LÝ DO. Những công ty lớn có uy tín đứng trước lựa chọn này sẽ rời thị trường VN, tổn hại đến nền kinh tế và cuộc cách mạng 4.0 mà chúng ta đang mong mỏi.
—> Việc tổ chức, doanh nghiệp phải cung cấp thông tin khách hàng cho công an là xâm phạm vào quyền riêng tư của cá nhân, bí mật an toàn thư tín, vốn được bảo vệ bởi Hiến pháp (Điều 21). Các chuyên gia luật cho rằng không phải công an mà chỉ có lệnh từ TOÀ ÁN mới có thể đưa ra yêu cầu này.
—> Sâu xa hơn, điều 26 còn có nghĩa là công an sẽ nắm toàn quyền giám sát công dân, kiểm soát thư tín, các cuộc trao đổi, các trang truy cập v.v.
Ngoài đời, công an chỉ có quyền tiếp cận thông tin cá nhân khi cá nhân đó có nghi vấn tội phạm.
Tuy nhiên, Luật An ninh mạng không hề đề cập đến điều kiện này, cho phép công an thò bàn tay bạch tuộc vào không gian riêng tư của BẤT KỲ AI, mà KHÔNG CẦN CHỨNG MINH người đó có nghi vấn.
Như vậy, bất kỳ ai cũng có tiềm năng bị kết tội, không tội này thì tội khác. Tìm ra tội ở cái xứ mà nhân quyền đứng bét thế giới này cực dễ. Không phải tội cũng có thể quy thành tội. Ví dụ, kêu ca về đảng và chính phủ sẽ không được hiểu là quyền giám sát chính phủ mà được hiểu là tội bôi xấu chính phủ.
—> Một khi đã bị kết tội, dù vu vơ, bất kỳ ai cũng sẽ bị cắt dịch vụ internet, điện thoại, tài khoản email. Điều luật này hạn chế tự do, gây khó khăn cho người dân, trao vào tay công an quyền giám sát, nhũng nhiễu, thanh tra, thẩm vấn bất kỳ ai mà họ muốn.
Chỉ duyệt qua một số điều như vậy đã có thể thấy ngay rằng dự thảo luật an ninh mạng không phải hoàn toàn để bảo đảm cho mạng an toàn, mà đồng thời là một công cụ để giám sát và theo dõi người dân, bảo vệ chế độ bằng cách xâm phạm quyền riêng tư của công dân, bịt miệng, đe doạ cô lập công dân. Điều này đi ngược lại với xu thế của thế giới, đẩy lùi quá trình dân chủ, cô lập người dân bằng sự sợ hãi, tạo rào cản cho tự do kiến thức, và làm nhụt chí các công ty nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam.
Luật an ninh mạng nếu được thông qua thì việc thông qua Luật Đặc khu là chuyện nhỏ. Ai PHẢN ĐỐI cứ quy thành CHỐNG ĐỐI là xong.
Nhiều người nghi chính quyền thả thính, hướng dư luận vào Luật Đặc khu để quên đi Luật An ninh mạng vốn có tính chất còn nguy hiểm hơn nhiều lần. Có thể thấy các cuộc biểu tình hôm nay chú trọng vào Luật Đặc khu chứ không phải Luật An ninh mạng. Nếu thật thế thì chiêu LƯỜM RAU GẮP THỊT này thật sự hiệu quả.
Luật An ninh mạng được dự thảo với lý do chống khả năng tấn công mạng và thông tin dỏm. Cả hai lý do này đều không thể giải quyết triệt để bằng việc trao cho công an quyền trở thành ông Trời, muốn xông vào nhà người ta lúc nào là xông. Ông Brad Adams, Giám đốc Theo dõi Nhân quyền Quốc tế khu vực châu Á cho rằng: “Dự thảo Luật An ninh mạng của Việt Nam đặt mục đích bảo vệ quyền lực độc tôn của đảng ngang với bảo đảm an ninh mạng”.
Lấy danh nghĩa bảo vệ an ninh mạng để tước đi quyền tự do của người dân, dùng sự SỢ HÃI để cai trị là cách ngắn nhất để tạo ra một xã hội ngu dân bởi sự cô lập, nông cạn, rúm ró và hèn nhát.
Người Việt chả chịu thế đâu! Mấy ngàn năm nay oánh nhau giành tự do với ngoại bang, giờ còn lâu mới chịu mất tự do từ tay kẻ đầy tớ của chính mình.
—
Đừng hy vọng báo chí lên tiếng. Gần nghìn tờ báo ở VN đã bị kiểm soát bịt miệng rồi. Mạng xã hội là nơi duy nhất để chúng ta gạn lọc thông tin và biết tình hình ̣thực sự cuả đất nước.
Vậy bạn có thể làm gì trong hai ngày tới:
-
Share/ chia sẻ post
2. Ký thỉnh nguyện thư gửi quốc hội, thực hiện quyền công dân tại change.org
Nguồn: FB Phuong Mai Nguyen
Đọc thêm
Luật An ninh mạng tước đoạt quyền
công dân của người Việt Nam, vi phạm
Hiến pháp (1)
Mạnh Kim
Các bạn đừng quên luật an ninh mạng cũng được thông qua trong đợt này. không đặc khu và không luật an ninh mạng. Ai bỏ phiếu cho hai luật này là có lỗi với bản thân và toàn bộ dân tộc Việt Nam.
Tài khoản Facebook của bạn có thể khóa bất cứ lúc nào, dịch vụ 3/4G cũng có thể bị cắt, bạn dễ dàng bị ra tòa hoặc thậm chí bị bỏ tù… Bạn không chỉ bị tước đoạt. Bạn bị “lột sạch” quyền công dân khi Luật an ninh mạng được Quốc hội thông qua ngày 12-6-2018. Không phải tự nhiên mà Luật an ninh mạng được bấm nút vài ngày trước khi Luật đặc khu thoát ra khỏi cánh cửa sân khấu Quốc hội.
Căn cứ những quy định của Luật an ninh mạng thì bạn hoàn toàn không còn là “chủ” tài khoản của mình. Công an kiểm soát toàn bộ không gian biểu đạt cá nhân của từng công dân. Công an không chỉ có quyền yêu cầu “xóa bỏ” (thông tin) mà thậm chí cấm “truy cập”. Bạn dễ dàng bị quy chụp “vi phạm” vào những điều mơ hồ như “thông tin trái pháp luật”, “thông tin sai sự thật”. Bạn bị theo dõi và bị đánh cắp thông tin cá nhân một cách công khai vì công an có quyền “thu thập dữ liệu điện tử”. Chưa hết, công an có quyền “kiểm tra an ninh mạng đột xuất” (Điều 12). Nói cách khác, “cuộc sống mạng” của bạn thuộc quyền quyết định gần như tuyệt đối của công an!
Ở Điều 15, bạn bị cấm loan tải:
– “Thông tin có nội dung tuyên truyền, kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở sự hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội nhằm chống chính quyền nhân dân hoặc gây mất ổn định về an ninh trật tự” (Những chia sẻ ủng hộ giới tài xế ứng phó với BOT có nằm trong quy định này? Hiểu theo cách nào đi nữa thì thực chất quy định này là nhắm vào các kêu gọi biểu tình ôn hòa).
Ở Điều 16, bạn bị cấm “Cố ý nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái phép” (Như thế nào là “ghi âm trái phép”? Ghi âm đoạn nói chuyện giữa một người dân với một tên cảnh sát công lộ vòi vĩnh hối lộ có “trái phép” không?)
Ở Điều 26, họ (các doanh nghiệp viễn thông…, trong nước lẫn nước ngoài) bị yêu cầu:
– “Thiết lập cơ chế xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách… khi có yêu cầu bằng văn bản”;
– “Xóa bỏ thông tin, ngăn chặn việc chia sẻ thông tin… chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng”;
– Ngoài ra còn phải “lưu vết liên quan để cung cấp cho lực lượng chuyên trách”; và tệ hại hơn: “Không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân… khi có yêu cầu” (Điều đó có nghĩa dù bạn không hề được cung cấp miễn phí dịch vụ truyền thông khi đăng ký sử dụng mạng nhưng bạn không những không thể đòi hỏi bất kỳ giá trị cộng thêm nào của dịch vụ mà còn có thể bị cắt bất cứ lúc nào).
Luật an ninh mạng Việt Nam thực chất gần như là phiên bản tiếng Việt của Luật an ninh mạng Trung Quốc (có thể dễ dàng so sánh hai luật, bằng cách tham khảo bộ luật Trung Quốc, với tên tiếng Anh “Management Regulations on Internet Forum and Community” hoặc tiếng Hoa “互联网论坛社区服务管理规定”). Điều này dễ hiểu vì sĩ quan an ninh mạng Việt Nam được đào tạo ở Trung Quốc và “công tác” an ninh mạng được hai nước thường xuyên chia sẻ. Cũng không loại trừ khả năng thiết bị kỹ thuật và hạ tầng an ninh mạng của Việt Nam được chính Trung Quốc thiết kế giúp.
Hai nước cũng gần như luôn “vai kề vai” ở vị trí chót bảng về tự do internet do tổ chức Freedom House xếp hạng hàng năm. Thậm chí thời điểm áp dụng cũng chẳng cách xa nhau nhiều. Chỉ gần một năm sau khi Trung Quốc tung ra các quy định khắc nghiệt hơn trong khuôn khổ Luật an ninh mạng (vào ngày 25-8-2017; có hiệu lực 1-10-2017) thì Bộ Công an, Bộ Quốc phòng lẫn một cơ quan gọi là “Cơ yếu chính phủ” của Việt Nam cũng hối hả “thực tế hóa” Luật an ninh mạng bằng “lá phiếu” của Quốc hội bù nhìn vào ngày 12-6-2018.
Việc tài khoản Google hoặc Facebook của bạn bị khóa theo yêu cầu công an có thể còn khó nhưng việc bạn có nguy cơ vĩnh viễn bị cô lập khỏi thế giới mạng (vì bị nhà mạng Việt Nam cắt hoặc từ chối không cho đăng ký dịch vụ nối mạng), một khi bạn lọt vào “sổ đen”, là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra. Luật an ninh mạng không phải để bảo vệ mạng. Luật an ninh mạng là để bảo vệ chế độ. Luật an ninh mạng là để bịt miệng người dân. Và: Luật an ninh mạng được thiết kế để bảo vệ Luật đặc khu (nhằm ngăn cản các ý kiến chống đối những gì xảy ra xung quanh đề tài đặc khu, bây giờ cũng như trong tương lai).
Chẳng phải tự nhiên mà hai dự luật này được bấm nút gần như cùng thời điểm (Luật an ninh mạng ngày 12 và Luật đặc khu ngày 15-6-2018). Tất cả đã được tính từ trước và tính từ lâu. Có thể có sự tư vấn của Trung Quốc. Đây là một “quyết tâm” của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là quyết tâm của Nguyễn Phú Trọng. Chưa bao giờ mà ý định đẩy Việt Nam vào quỹ đạo Trung Quốc rõ bằng lúc này. Hãy xem lại các tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc từ các chuyến công du Bắc Kinh của Nguyễn Phú Trọng. Những gì còn “mơ hồ” (đối với người dân) thật ra đã được ghi bằng giấy trắng mực đen. Đã có những cam kết giữa hai nước và bây giờ từng bước được thực hiện, đúng “quy trình”.
M.K.
(1) Chúng tôi giữ lại đầu đề gốc của tác giả trên FB – BVN
Nguồn: http://www.thesaigonpost.com/2018/06/cac-ban-ung-quen-luat-ninh-mang-cung.html