ĐỪNG QUÁ SỢ DÂN

FB Truong Huy San

Chiều nay, đừng ngạc nhiên khi trên truyền thông hay trong các phòng kín có ai đó thổi phồng vai trò của “các thế lực thù địch” đứng sau các cuộc biểu tình [tuy có thể cũng có những kẻ tát nước theo mưa]. Và cũng đừng ngạc nhiên khi mạng xã hội (MXH) cũng bị cho là thủ phạm [để thuyết phục các nhà lãnh đạo ủng hộ các biện pháp cứng rắn hơn].

Cho dù hàng vạn con người đã xuống đường, người dân không hề thách thức quyền lực. Người dân chỉ bày tỏ thái độ.

Bóng dáng các “nhà đầu tư chiến lược” đứng sau dự luật đặc khu không khỏi khiến dân chúng cảm thấy, lợi ích nhóm đang ảnh hưởng lên tiến trình ban hành chính sách. Tham vọng kiểm soát MXH bằng việc đưa ra dự luật an ninh mạng – trong bối cảnh dân chúng lên tiếng về luật đặc khu – lại khiến cho nhiều người tin, những phản biện ngay thẳng của họ rồi đây sẽ bị đặt tròng vòng kiểm soát, và việc dừng luật đặc khu có thể chỉ là một bước đi chiến thuật mà thôi.

Không ai có thể thuyết phục được dân chúng nghĩ khác để ngồi nhà, mặc “đảng và nhà nước lo”, trừ khi có một tiến trình ban hành chính sách minh bạch, nơi tiếng dân được lắng nghe; nơi, trong chính sách, ý dân là quan trọng nhất.

Tối nay, hy vọng quý vị, thay vì ngồi nghĩ mưu thắng dân, chỉ ngồi để lựa tìm những bước đi để có dân.

Quốc hội nên ngưng họp ít ngày để có được sự bình tĩnh khi đánh giá sự kiện này và chưa nên thông qua ngay các chính sách ảnh hưởng đến số đông dân chúng.

Một chính sách đưa ra mà vôi vã; chỉ cân đong lời lãi hay chú trọng quyền lực ngành… thay vì phải đánh giá đầy đủ các tác động của nó kể cả các tác động chính trị thì rất khó tránh được sự “phản biện” mạnh mẽ như những gì xảy ra hôm nay.

Xin nói tiếp luật đặc khu trong một dịp khác, tôi chỉ khẩn thiết đề nghị QH ngưng ngay việc thông qua Luật an ninh mạng.

Dự luật có nguy cơ sắp được QH thông qua này đã không còn dừng lại ở các giải pháp nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công từ mạng. Phạm vi điều chỉnh của nó đã mở ra nhiều lĩnh vực: ảnh hưởng tới cơ hội phát triển nền kinh tế số; ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế, đặc biệt là các cam kết về tự do thương mại. Đặc biệt, dự luật này còn có nguy cơ ảnh hưởng đến các mối quan hệ đối ngoại.

Chỉ riêng Uỷ ban Quốc phòng An ninh không thể đánh giá hết các tác động của nó. UB Thường vụ Quốc hội cần dành thời gian để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, của Bộ TT & TT, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao… Cần để cho các Uỷ ban khác của Quốc hội tham gia thẩm định, đánh giá đầy đủ tác động nhiều mặt. Hãy rút kinh nghiệm từ Bộ luật Hình sự để đừng vội vã.

Mong sao, các nhà cầm quyền đừng quá lo sợ trước những gì diễn ra hôm nay. Còn được chứng kiến dân chúng bày tỏ thái độ một cách ôn hoà có nghĩa là dân chúng chưa bỏ rơi mình. Quan sát cuộc biểu tình hôm nay, tôi thấy dân chúng không hề “có tham vọng quyền lực”. Họ chỉ cần được lắng nghe, được tôn trọng từ một chính quyền biết đặt lợi ích của quốc dân và quốc gia lên trên hết.

PS: Khi tôi viết note này, chưa nhận được các thông tin về các diễn tiến ở Bình Thuận, đó là điều đáng tiếc, nhưng tôi tin những hành động đó là đơn lẻ; hy vọng, đôi bên đều dành cho nhau lối ra.

Nguồn: https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/1645324035502771

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.