Phê chuẩn Luật Đặc khu kinh tế: mù mờ nhận thức hay cố ý đánh tráo khái niệm?

Thiên Điểu

“… từ một đề xuất qui hoạch phát triển kinh tế mang tính khu vực địa phương, đổi tên thành Luật đặc khu một cách khập khiểng nhưng “đúng qui trình” mà không có một chuyên gia kinh tế hay quản lý nhà nước nào có thể hiểu được lý do và cơ sở hình thành của nó”.

Dư luận và truyền thông đang sôi sục về việc Quốc hội đưa ra bàn thảo, biểu quyết về 3 Đặc khu kinh tế. Phản ứng bùng lên rất nhanh và hầu hết đều phản đối và thậm chí kết luận đó là hành vi bán nước. Bản chất và nội dung liên quan các Đặc khu kinh tế này như thế nào? Tại sao dư luận lại bùng lên phản ứng bất ngờ như vậy?

Trên truyền thông, việc xây dựng đề án về 3 Khu kinh tế trọng điểm gồm Phú Quốc (Kiên Giang); Vân Phong (Khánh Hòa); Vân Đồn (Quảng Ninh) đã được đưa ra từ lâu. Trong đó Phú Quốc và Vân Phong được truyền thông nhà nước đăng tải từ những năm 2009-2012, cùng với Khu kinh tế Vũng Áng (Formosa Hà Tĩnh). Vân Đồn chỉ mới được đưa vào khoảng 2015 trở lại đây. Sau một khoảng thời gian yên ắng vì các đề án chưa thống nhất và làm rõ về qui mô và định hướng phát triển trọng tâm tại các khu kinh tế này. Một điểm cần lưu ý: Khi đó Phú Quốc; Vân Phong; Vân Đồn; Vũng Áng đều được lập với tên là Đề án Khu kinh tế trọng điểm chứ không phải là Đặc khu kinh tế. Đặc khu kinh tế Phú Quốc có được nhắc tới trong một vài ý kiến đề xuất bổ sung nhưng không rõ ràng vì vào khoảng 2015-2016, nghị trường và thông tin cuốn vào đề xuất lập Đặc khu hành chính kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh làm thí điểm. Chính việc truyền thông mù mờ giữa Khu kinh tế trọng điểm và tiến trình xây dựng đề xuất thành lập các khu kinh tế trọng điểm đã âm thầm chuyển sang Đặc khu kinh tế là một trong những nguyên nhân dẫn đến phản ứng bất ngờ của dư luận những ngày qua.

Hình ảnh đồ họa về Đặc khu Vân Đồn

Về thời hạn 99 năm của các Đặc khu kinh tế. Giai đoạn trước 2016, khi ông Nguyễn Tấn Dũng đang còn làm Thủ tướng, việc qui hoạch các khu kinh tế trọng điểm: Vũng Áng; Vân Phong; Phú Quốc… với nhiều ưu đãi lớn đã thúc đẩy Quảng Ninh đệ trình thêm Vân Đồn là do một cuộc vận động nào đó hay đơn giản là theo kiểu phong trào “xí phần” tương tự phong trào tượng đài, cổng chào… Việc phê duyệt cho khu công nghiệp Formosa Vũng Áng thời hạn 70 năm, dẫn đến ông Võ Kim Cự bị mất chức sau sự cố môi trường biển thực chất chỉ là cái cớ để thí chốt thay cho ông Dũng vì thời hạn 70 năm là thời hạn dài nhất theo luật Đầu tư hiện hành và thuộc thẩm quyền của Thủ tướng quyết định. Ông Võ Kim Cự chỉ là người thừa ủy quyền mà Thủ tướng đã ký qua văn bản chấp thuận. Việc xuất hiệt con số 99 năm có lẽ đã manh nha hình thành khi mà Formosa liên tục tìm cách đòi hỏi các quyền lợi ưu đãi mà các doanh nghiệp Việt Nam nằm mơ cũng không thể có. Lập luận: “Thay vì tăng các chính sách ưu đãi thì kéo dài thời hạn đầu tư” đã bắt đầu từ đây, cùng giai đoạn này là hàng loạt dự án B.O.T về giao thông được viết theo bài “chi phí đầu tư cao, nguồn thu thấp” để kéo dài thời hạn thu phí. Dự án Cảng biển quốc tế Vân Phong – Khu kinh tế Vân Phong – cũng vì vậy mà khi đưa ra Quốc Hội đã không có giải trình thuyết phục. Bị loại ra để nghiên cứu thêm cho đến nay.

Đối với Phú Quốc, ý tưởng Đặc khu kinh tế vốn hình thành từ một đề xuất nghiêm túc đến từ Mỹ. Sau khi dỡ bỏ lệnh cấm vận, vào thời của Tổng thống Bil Clinton còn tại nhiệm đã có 2 đề xuất quan trọng là Hành lang giao thông hàng hải quốc tế ngang qua Vịnh Thái Lan – Phú Quốc; Cảng Cam Ranh (dự án kênh đào Kra). Các thông tin chính thống từ Mỹ cho biết rằng chính phía Mỹ đã đề xuất biến Phú Quốc thành điểm trung chuyển hàng hải với kế hoạch đào tuyến vận tải đi ngang qua eo biển Thái Lan giúp tàu bè đi qua Biển Đông thu ngắn được một quãng đường khá dài nhờ lợi thế về vị trí đặc biệt trong vịnh Thái Lan. Chuyến đi Mỹ của ông Dũng lần đầu lúc còn ở nhiệm kỳ Thủ tướng thứ nhất cũng mang lá bài chủ chốt là kế hoạch hợp tác này. Thất bại ở khoản hứa viện trợ 20 tỷ USD sau đó không được thực hiện là do BCT đảng CSVN đã gạt đi vì không muốn đáp ứng các điều kiện liên quan nhân quyền và chính sách kinh tế thị trường mà phía Mỹ đưa ra; do chưa sửa luật đầu tư thời hạn trên 70 năm hay do bàn tay Trung Quốc thọc vào thì không khẳng định được. Chỉ biết rằng cả 2 vị trí “sáng giá” nhất của Việt Nam đã không còn được tiếp tục xúc tiến với Mỹ. Khoản viện trợ để đối phó khủng khoảng kinh tế từ Mỹ đã chuyển sang khoản vay từ ông chủ Trung Quốc và không phải 20 tỷ mà là hơn 80 tỷ Mỹ kim. Điều kiện đi kèm là Bauxite Tây Nguyên và Formosa mà mọi người đã biết. Kể từ đây, cuộc bùng nổ các dự án mà nguồn vốn từ TQ hoặc do nhà đầu tư TQ ào ạt vào Việt Nam, song song với đó là cuộc lấn chiếm, cải tạo các đảo đá ở khu vực Trường Sa – Hoàng Sa của Việt Nam cũng được TQ ráo riết thực hiện. Bí mật truyền thông chấn động do một đại biểu quốc hội công bố: Tàu TQ hoạt động cách bờ biển chỉ 30 hải lý (!). Thông tin này xem như xác nhận toàn bộ vùng biển Việt Nam đã vào tay TQ mà chính quyền Hà Nội đã bưng bít lâu nay. Phải chăng việc TQ nối các điểm đứt quãng của đường lưỡi bò thành nét liền là một thông điệp xác nhận khác rằng đã hoàn tất việc thâu tóm Biển Đông? Không cần bàn thêm vì hẳn ai cũng có thể hiểu khi chắp nối hai thông điệp Việt-Trung lại với nhau.

Trở lại với Luật về 3 đặc khu kinh tế. Vân Đồn, vị trí địa đầu phía Bắc trên biển; Vân Phong, nằm giữa miền Trung và Phú Quốc, cực Nam của Việt Nam.

Trong khi Luật Đầu tư vẫn chưa sửa đổi về thời hạn cho thuê đất, giao đất. Đề án thành lập Đặc khu kinh tế với thời hạn 99 năm nếu được thông qua chắc chắn dẫn đến phải sửa luật đầu tư. Theo tính kế thừa của ban hành luật thì sau đó rất có khả năng các dự án ở vùng đặc biệt khó khăn mà giấy phép theo luật hiện tại là 50 năm, 70 năm sẽ được điều chỉnh theo. Hàng loạt các dự án trên đất liền, những vùng núi đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng hiện nằm trong tay nhà đầu tư TQ sẽ đi tiên phong vì cũng là nhà đầu tư nước ngoài. Các yếu tố và điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn theo luật là như nhau, khi đó dù muốn hay không cũng không dễ để không phải tiếp tục nhượng bộ.

Mô hình Đặc khu kinh tế khác với Khu kinh tế trọng điểm và Đặc khu hành chính – kinh tế như thế nào?

Tên đầy đủ dự luật mà dư luận Việt Nam đang phản đối là Đặc khu hành chính-kinh tế. Đặc khu (Special Economic Zone – còn có tên khác là Khu kinh tế đặc biệt; Khu thương mại tự do…) là cách gọi những khu vực mà việc quản lý – điều hành được thực hiện theo phương thức đặc biệt. Có những chính sách cả về hành chính và kinh tế khác với các qui định theo luật quản lý hành chính, luật đầu tư, luật thuế… đang được áp dụng chung trên các khu vực khác trong nước.

Đặc khu kinh tế – Khu kinh tế đặc biệt, là khu vực chỉ khác biệt về chính sách thuế. Hiện nay, trên thế giới, các nước phát triển áp dụng theo hướng này và được gọi là các Khu thương mại tự do. Một trong những ví dụ điển hình là “Thung lũng Silicon” ở Bắc Califoonia (Mỹ). Tại Việt Nam, các khu CNC Láng-Hòa Lạc (HN); Khu CN Đồng Ky (Bắc Ninh; CNC quận 9 (HCM); Công viên phần mềm Quang Trung (Q12, HCM)… chính là mô hình Khu kinh tế đặc biệt dạng này… Cũng không có sự khác biệt về quản lý hành chính ở các mô hình của Việt Nam và thế giới ở mô hình khu kinh tế đặc biệt – cơ chế quản lý hành chính vẫn là mô hình chính quyền địa phương và cơ chế quyền lực, luật pháp là áp dụng chung. Tuy nhiên, do tầm vóc và qui hoạch cũng như chiến lược phát triển manh mún, thụ động nên ở Việt Nam đã không đạt được hiệu quả như các dự án vẽ ra, vô hình chung nó chỉ gần nghĩa với “Khu công nghiệp đặc thù” chứ không có gì nổi bật.

Đối với mô hình Khu kinh tế trọng điểm. Sau nhiều năm loay hoay với qui hoạch kinh tế ngành, trên thực tế chính quyền Việt Nam đã lập ra khá nhiều vùng kinh tế trọng điểm theo kiểu phân vùng theo nhóm sản phẩm. Một kiểu tư duy kinh tế què quặt mà Liên-xô đã dùng trước đây. Việt Nam cho ra đời loại qui hoạch thực chất không rõ rệt trong khái niệm giữa Khu kinh tế đặc biệt và Khu kinh tế trọng điểm. Chẳng hạn như các khu công nghiệp (dạng khu kinh tế tập trung; khu kinh tế trọng điểm): Khu CNC Quận 9 được xác định tập trung sản xuất về lĩnh vực y tê, dược phẩm; Khu Công viên phần mềm Quang Trung; Láng Hòa Lạc… là CNC; phần mềm; tin học… nhưng cuối cùng lại trở thành nơi hoạt động rất nhiều các lĩnh vực khác nhau đến mức có thể nói là tạp nham. Một số Khu kinh tế trọng điểm về nông nghiệp, công nghiệp khác lại chồng chéo vào nhau, trong đó phong trào làm Khu công nghiệp ở vùng trung tâm sản xuất lúa gạo ở miền Tây nam bộ để lại một di sản hàng trăm ngàn tỷ đồng đầu tư rồi bỏ hoang hoặc sử dụng không theo qui hoạch vì không phù hợp. Kéo theo đó là việc tài nguyên đất bị mất cân đối nghiêm trọng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Soha

Năm 2016, khi mới ngồi lên ghế Thủ tướng chính phủ. Ông Nguyễn Xuân Phúc đã ký một văn bản chỉ đạo đề xuất lập đề án xây dựng các khu kinh tế trọng điểm. Ngày 22/3/2017, Ban chấp hành trung ương ra Thông báo số 21/TB-TB kết luận của Bộ chính trị về “các đề án đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt”. Năm 2018 dự thảo Luật đặc khu hành chính kinh tế Vân Đồn; Vân Phong; Phú Quốc được trình làng tại Quốc hội Việt Nam. Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian 2 năm, từ một đề xuất qui hoạch phát triển kinh tế mang tính khu vực địa phương, đổi tên thành Luật đặc khu một cách khập khiễng nhưng “đúng qui trình” mà không có một chuyên gia kinh tế hay quản lý nhà nước nào có thể hiểu được lý do và cơ sở hình thành của nó.

Chỉ qua các ví dụ nêu trên, các mô hình thí điểm về khu kinh tế và khu kinh tế trọng điểm đã cho thấy chỉ có một trong hai lý do: Một là sự mù mờ về chính sách, thiếu nhận thức khi lẫn lộn giữa chiến lược phát triển; khái niệm về các mô hình kinh tế và cơ chế thực hiện các định hướng phát triển kinh tế. Hoặc hai là cả một ý đồ đánh tráo khái niệm thông qua diễn biến thay đổi các khái niệm để ban hành các văn bản pháp lý.

Bản chất sự thật phía sau “Luật đặc khu hành chính – kinh tế Vân Phong’ Vân Đồn và Phú Quốc” là gì? Câu trả lời chắc chắn không quá khó để lý giải.

T.Đ.

VNTB gửi BVN.

This entry was posted in chủ quyền lãnh thổ, Dân chủ, luật pháp, Ý dân, yêu nước, đặc khu. Bookmark the permalink.