Xin hãy chậm lại

(Thư gởi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc)

 

vpcp@chinhphu.vn

Thưa các anh chị và các bạn,

Trước tình hình Quốc hội sẽ bấm nút thông qua dự luật ba đặc khu kinh tế, tôi có gởi cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lá thư đề nghị nên dừng lại. Tôi xin gởi lại cho các anh các chị và các bạn đọc cho biết, nếu được quý vị chuyển cho nhiều người cùng đọc và cho biết cảm tưởng. Nếu có ai không thích đọc loại bài này làm ơn xóa giúp. Trân trọng cám ơn.

Nguyễn Đắc Xuân

Huế, ngày 6 tháng 6 năm 2018

Kính gởi Thủ tướng,

Với tư cách là một nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa, một nhà báo – tôi rất hân hạnh được giao thiệp với Thủ tướng từ hồi Thủ tướng còn giữ chức Giám đốc sở Du lịch Quảng Nam Đà Nẵng cho đến nay. Thời gian cũng gần một phần tư thế kỷ. Dù trên cương vị nào Thủ tướng cũng không hề quên tôi. Đáp lại hằng ngày qua TV tôi vẫn dõi theo mọi hoạt động của Thủ tướng dành cho dân cho nước. Tôi rất vui với những thành tựu của Chính phủ kiến tạo và đồng thời cũng rất lo cho Thủ tướng trước tình hình đất nước chưa từng khó khăn rối ren mất phương hướng như ngày nay. Về kinh tế nợ công ngấp nghé giáp trần, về văn hóa đạo đức xã hội xuống tận gót chân, giáo dục vỡ trận, người chết vì tai nạn giao thông hằng ngày như đất nước đang có chiến tranh, nhiều khu đất vàng trên khắp nước Việt Nam đã do người Tàu làm chủ (các cao ốc ở Đà Nẵng trong tay người Tàu), quốc nạn tham nhũng kinh khiếp chưa thấy có biện pháp nào bài trừ hữu hiệu cả, giặc Tàu đang đe dọa đánh chiếm toàn bộ hải đảo của Việt Nam bất cứ lúc nào, Hoa Kỳ – kẻ thù trong quá khứ và nhiều nước Á, Âu đang lo ngại cho Việt Nam, nhưng bộ máy Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng và cả Quốc hội vẫn bình chân như vại, bỏ bao nhiêu thì giờ công sức để bàn một vài từ của kẻ vô học, vô văn hóa vừa sử dụng như từ “Thu giá” của bộ GTVT. Tôi không chuyên về chính trị nên chỉ dẫn được một ít khó khăn mà ai cũng  thấy nêu trên, sự thực đất nước còn nhiều khó khăn lịch sử tầy trời hơn thế nữa. Tuy vậy cái mất mát, thiệt hại lớn nhất, quan trọng nhất, quyết định thành bại nhất là lòng tin của dân đối với Đảng và với Chính phủ. Một nhà nước mà không được toàn dân hậu thuẫn, muốn tồn tại thường phải nhờ ngoại bang chống lưng. Trong tình hình hiện nay Tàu đã là quân xâm lược trong thực tế, dựa vào Tàu là phản quốc, bán nước. Dựa vào Mỹ? Bài học của Mỹ đối với Chính phủ Ngô Đình Diệm (năm 1963) và đối Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu Nguyễn Cao Kỳ (Khi Hoa Kỳ bắt tay Trung Quốc 1972). Lịch sử đã cho thấy Hoa Kỳ họ chỉ quan tâm đến quyền lợi vị thế của nước họ chứ không hy sinh cho bất cứ ai. Việt Nam hiện nay chỉ còn một con đường mà thời Hồ Chí Minh đã dạy:

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu

Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Và, cũng không xa lắm, chắc Thủ tướng đã biết: Cuối năm 1788, 29 vạn quân Thanh xâm lược chiếm đóng Thủ đô Thăng Long, các đại thần, các tướng lĩnh Tây Sơn thúc giục Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc đánh giặc Thanh. Nguyễn Huệ chưa vội đánh giặc. Ông phải hành động quy tụ lòng dân trước đã. Dân có ủng hộ quân mới diệt được giặc ngoại xâm. Ông cho tổ chức lên ngôi Hoàng đế ở Núi Bân, lấy niên hiệu Quang Trung. Toàn dân nước Đại Việt lúc đó đã hết lòng phò vua Quang Trung. Trên đường kéo quân ra Bắc đi đến đâu quân đội Quang Trung cũng được dân hết lòng phò trợ đi theo. Nhờ thế trận được lòng dân chỉ trong vòng mấy ngày tết Kỷ Dậu (1789) quân đội Quang Trung đã quét sạch 29 vạn quân Thanh, đạt được một chiến thắng vĩ đại chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.

Đó là một bài học.

Trong tình hình Việt Nam hiện nay, Đảng và Nhà nước không được lòng dân, Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng với trình độ và uy tín của các cơ quan chức năng rất yếu, chuyện khó khăn của đất nước hiện nay chưa giải quyết được việc gì thì làm sao quý vị có thể đặt định được những việc lớn hệ trọng của đất nước trong vòng năm bảy chục năm nữa!(?) Với tư cách là một người đồng chí, một người bạn đã từng ưu tư trước tình hình đất nước với Thủ tướng, tôi tha thiết kính mong Thủ tướng đề nghị với Đảng, với Quốc hội cho dừng lại việc bấm nút thông qua “Dự án luật cho ba Đặc khu kinh tế”. Việc dừng lại nầy:

– Tránh được hậu quả vô cùng tai hại cho đất nước như dư luận mấy tuần qua đã bàn đến (ngay trong Hội trường Quốc hội trên báo chí, trên mạng xã hội và gởi trực tiếp đến Thủ tướng);

– Tránh cho gần 400 Đảng viên ngồi trong Quốc hội (trong đó có hàng trăm người xuất thân trong các gia đình Cách mạng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ) khỏi cái tội bấm nút tạo điều kiện cho giặc Tàu chiếm dần nước ta;

– Có đủ thời gian để Chính phủ mời các luật gia quan hệ quốc tế, các chuyên gia kinh tế thành danh trong và ngoài nước giúp Thủ tướng soạn thảo lại Dự án luật cho ba Đặc khu kinh tế chặt chẽ thích hợp với thời đại 4.0;

– Tiếp tục giữ ổn định (nếu không thì loạn) để đi đến cùng cuộc đấu tranh chống tham nhũng để cứu nước, khắc phục những yếu kém hiện nay để đất nước vươn lên;

– Thực hiện các chủ trương, chính sách thu phục lòng dân. Khi Đảng và Nhà nước được dân tin thì đất nước “khó vạn lần dân liệu cũng xong”, lúc ấy ta không còn sợ nước nào nữa, tất cả các nước đều là đối tác của ta, không ai còn dám lên mặt bảo hộ cho ta.

Là một người Đảng viên cầm bút có 45 tuổi Đảng, ngoài 80 tuổi với 3 năm đấu tranh chống Mỹ ở đô thị (1963-1966), 9 năm kháng chiến (1966-1975) với 15 lần suýt chết, hơn 40 năm tự túc nghiên cứu Triều Nguyễn, nghiên cứu khám phá về Dấu tích Cung điện Đan Dương – sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung – niềm tự hào của dân tộc… đứng trước tình hình vô cùng nguy hiểm của đất nước hiện nay tôi không thể tiếp tục vùi đầu lo chuyện hoàn thành những việc cuối đời mình mà phải ngồi viết trong nước mắt gởi đến Thủ tướng lá thư nầy. Kính mong Thủ tướng tiếp nhận và có sự lựa chọn. Một là chậm lại, hai là mất hết.

Nếu Dự án luật cho ba Đặc khu kinh tế sắp tới được đa số trong 496 đại biểu Quốc hội thông qua thì trong đầu óc người nghiên cứu lịch sử của tôi xem Ngày 30-4-1975 chưa phải là ngày Giải phóng dân tộc – Thống nhất đất nước. Cuộc đấu tranh Giải phóng dân tộc xuất phát từ ngày Thất thủ Kinh đô – vua Hàm Nghi xuất bôn ngày 23-5 Ất Dậu (1885) lại phải tiếp tục. Với tuổi ngoài 80 đấu tranh sẽ không đạt được thêm gì nữa nhưng tôi vẫn phải tiếp tục để khỏi hổ thẹn với những đồng chí đồng sự của tôi đã hy sinh cho đất nước, để cho con cháu tôi, các thế hệ nối tiếp biết đường mà đi.

Kính chúc Thủ tướng sức khỏe để lèo lái con thuyền dân tộc qua cơn sóng dữ nầy.

Kính chào Thủ tướng.

Nguyễn Đắc Xuân

Thư nầy tôi đã gởi đến Thủ tướng qua e-mail chính thức của Văn phòng Chính phủ: vpcp@chinhphu.vn

Địa chỉ:

3/7 Nguyễn Công Trứ, Huế

Đt: 0914 20 39 44

E-mail: gacnhieuloc@gmail.com

Web: gactholoc.com

cungdiendanduong.net

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in đặc khu. Bookmark the permalink.