Phạm Đoan Trang
Nửa đêm mùng 1, rạng sáng 2/6, tôi đi xe khách từ Sài Gòn về tới Hà Nội, chỉ vừa xuống bến xe được chừng nửa tiếng và đang loay hoay tìm đường về nhà một người bạn, thì đã bị “lực lượng chức năng phát hiện” (nói theo ngôn ngữ công an) và đưa lên xe, mang về nhà.
Họ yêu cầu tôi ngày hôm sau lên “làm việc”. Ngay sau đó, họ bắc ghế ngồi canh cửa rồi ngủ luôn trước hành lang nhà tôi. Sáng hôm sau, ô-tô đến đưa tôi “đi làm việc” từ sớm. Không giấy mời, không giấy triệu tập. Tôi cũng không có ý kiến gì bởi đã quá quen với việc đó: Mặc dù phải thường xuyên làm việc với cơ quan an ninh từ năm 2009, nhưng tôi chưa bao giờ nhận được giấy mời hay giấy triệu tập nào. Về cơ bản, anh em an ninh làm việc với tôi theo phong cách hễ cần gặp thì chặn bắt ở đâu đó mang về đồn; hỏi thì phải trả lời và làm việc xong thì phải có kết quả gì đó để họ báo cáo lãnh đạo. Họ coi đấy là làm việc trong tinh thần tôn trọng và hợp tác.
Trong trường hợp họ hỏi mà tôi không trả lời hay nói đúng hơn, không trả lời theo ý họ, thì như thế gọi là có thái độ bất hợp tác và thiếu tôn trọng.
“QUY TRÌNH”
Không khó để nhận ra quy trình của an ninh để khép tội một người viết, một blogger nào đó. Việc đầu tiên và quan trọng nhất, mang tính mấu chốt, là phải ép được blogger đó nhận bài viết abcxyz là của mình, và ký xác nhận. Còn nội dung bài viết, chất lượng của lập luận, quan điểm, mục đích, mong muốn của tác giả thế nào… không quan trọng. Điều thiết yếu chỉ là đối tượng phải thừa nhận mình là tác giả, mình làm ra những “tài liệu” ấy.
Nhiều blogger không hiểu được ý đồ của công an nên khi bị thẩm vấn thường sa vào tranh luận với công an rằng tôi viết thế thì có gì sai, tôi chỉ nói sự thật, tôi chỉ nêu quan điểm cá nhân và đó là quyền tự do biểu đạt tư tưởng của tôi, vân vân. Thế nên khi công an bảo: “Quan điểm cá nhân anh/chị thì chúng tôi tôn trọng, chúng tôi không bàn vấn đề ấy ở đây, chỉ xin anh/chị xác nhận giúp cái này gọi là thủ tục”, họ dễ dàng đặt bút ký nhận ngay. Công an cũng chỉ cần có thế. Sau này, việc diễn giải bài viết và từ đó quy chụp, luận tội tác giả, sẽ do cả một hội đồng giám định lập. Hội đồng này gồm các thành viên mà nhìn chung là chữ không đầy cái lá mít và cả đời không viết nổi một… status nên hồn chứ chưa nói tới chuyện viết báo hay viết sách. Dĩ nhiên cái gọi là kết quả giám định của hội đồng cũng cóp gần như nguyên si kết luận điều tra và buộc tội của công an. Lời lẽ dĩ nhiên đanh thép, đối tượng không thể cãi nổi (mà còn cãi vào lúc nào được nữa, trước toà chăng, hay trong tù?).
Trong trường hợp của tôi, do những bằng chứng buộc tội quá yếu, an ninh đã phải cố lôi cả các bài báo trên mạng từ những năm 2014-2015 ra để yêu cầu xác nhận. Những câu hỏi của họ luôn làm tôi bật cười vì nhớ đến lời lẽ trong các cáo trạng buộc tội Cù Huy Hà Vũ hay Mẹ Nấm, đại khái là “Vũ/ Quỳnh đã hàng trăm lần trả lời các báo phản động như VOA, BBC, RFA… với các nội dung xuyên tạc, bôi nhọ bản chất chế độ và tình hình nhân quyền ở Việt Nam”. Hoá ra trả lời phỏng vấn những cơ quan báo chí không được nhà nước CHXHCN Việt Nam cấp phép cũng cấu thành tội cơ đấy ạ.
“Tuyên truyền chống nhà nước” luôn là cái mũ rất rộng để có thể chụp vào đầu bất cứ ai trả lời báo đài nước ngoài theo hướng nói xấu chế độ. Nếu tội ấy chưa đủ nặng thì cũng không sao, công an vẫn còn nhiều công cụ khác để thực hành chuyên chính. Ví dụ có một tội rất nặng luôn lơ lửng trên đầu những người làm việc với các cá nhân, tổ chức nước ngoài: gián điệp.
Làm cộng tác viên cho báo đài nước ngoài: gián điệp. Gặp gỡ các cơ quan ngoại giao để thảo luận về tình hình nhân quyền và dân chủ trong nước và quốc tế: gián điệp. Gửi báo cáo – nghiên cứu cho các tổ chức nước ngoài: gián điệp. Vận động nhân quyền cho Việt Nam trên trường quốc tế, phản ánh tình hình nhân quyền trong nước ra nước ngoài: gián điệp. Vân vân.
– Bài này của chị phải không?
– Tôi không nhớ.
– Chị mà không nhớ? Dám làm dám nhận chứ chị nói vậy nghe nó không đàng hoàng.
– Tôi không nhớ. Mà nếu anh cứ ghi vào biên bản là tôi không nhớ thì sao, có gì hại cho anh đâu nhỉ? Đây là lỗi của tôi cơ mà. Tôi không nhớ là do tôi.
– Nhưng chị nói vậy nó không đúng sự thật.
– Sự thật là tôi không nhớ, thì anh cứ ghi vào biên bản là như thế. Sao anh lại cứ muốn tôi phải trả lời như ý của anh nhỉ? Tôi không hiểu đấy.
Đúng là công an chỉ thích những sự thật có lợi cho họ.
Ở một chỗ khác, tại phần “tình trạng sức khỏe”, họ muốn ghi chữ “bình thường, tỉnh táo”. Tôi lắc đầu:
– Không. Tôi chẳng bao giờ khỏe khi phải làm việc với các anh chị cả. Anh ghi vào đấy là “bị ép phải làm việc”.
– Ấy, không ghi thế được.
– Bị ép mà. Hay nếu không phải bị ép thì tôi về nhé. Tôi về đây.
– Không được, chị không thể về được.
– OK, vậy anh ghi vào là “bị ép làm việc” đi.
– Chị cứ nói vậy nhỉ? Ai đánh đập chửi bới gì chị đâu mà chị bảo bị ép.
– À tức là với anh, phải bị đánh đập chửi bới mới là bị ép à? OK cũng được. Không bị ép. Tôi về nhé.
– Chị không về được đâu. Đã vào đồn thì phải làm việc.
– Hay nhỉ, thế là tóm lại là ép hay là gì? Đấy, các anh thấy không, các anh làm sai từ cái mẫu ghi lời khai trở đi. Tôi khẳng định rằng có một triệu biên bản thì cả một triệu biên bản ghi tình trạng sức khỏe là bình thường, không ai bị ép. Còn thực tế thì nó thế này đây. Các anh làm sai từ cái mẫu giấy tờ trở đi.
– Đó là mẫu, là quy định vậy rồi. Chị bức xúc thì cũng phải chờ sửa dần thôi. Cái gì cũng phải có lộ trình.
– Lộ trình hả? Bao giờ sửa? Cho tôi biết thời gian.
Câu chuyện cứ lằng nhằng thế mãi, đến khi nào tôi chán thì thôi. Công an thì không chán; họ luôn tỏ ra sẵn sàng thi gan.
Thi gan như họ và chúng tôi – những thành phần “đặc biệt”, những đối tượng trong mắt họ ư? Họ có hàng chục người, chia làm nhiều ca luân phiên nhau, còn chúng tôi bao giờ cũng chỉ có một mình. Họ chẳng có việc gì khác ngoài “đấu tranh” với chúng tôi, đó là nghề nghiệp của họ, được trả công ăn lương, còn chúng tôi có quá nhiều việc phải làm, miễn phí, trong tình trạng luôn bị họ rình mò phá phách. Họ có toàn quyền lôi bất kỳ ai họ muốn về đồn “làm việc” của họ, trả lời các câu hỏi của họ, cung cấp thông tin cho họ, còn họ chỉ việc ngồi chờ thông tin, gọi là do kết quả đấu tranh mà có được. Họ có toàn quyền nghe trộm điện thoại, đọc trộm thư tín, tịch thu, cướp tài sản, giấy tờ, tài liệu của chúng tôi, còn chúng tôi không có gì về họ cả, ngay cả khi rời đồn cũng không có được tờ biên bản trong tay. Thi gan như thế thì an ninh sướng quá, lúc nào chẳng sẵn sàng thi gan.
LẠI CHUYỆN ĐẶC KHU
Đồng chí an ninh nào khi tiếp chuyện người của “phe dân chủ”, nhất là những người có tinh thần chống bá quyền Trung Quốc, cũng đều luôn nói ý rằng “chúng tôi cũng ghét Trung Quốc lắm chứ, chúng tôi cũng lo nguy cơ phụ thuộc Trung Quốc lắm chứ.”…
Nhưng thực tế những gì họ làm (mà phía dân chủ thấy được) thì hình như toàn theo hướng ủng hộ đảng bạn, nước bạn và thẳng tay đàn áp những người Việt Nam có khuynh hướng chống Trung Quốc quá mạnh. Đơn cử, nói về tranh chấp chủ quyền, học giả Trung Quốc được chính quyền o bế, chăm bẵm, mua chuộc; học giả Việt Nam nhiều người bị Đảng và Nhà nước coi như tội phạm dự khuyết. Báo chí chính thống (tờ Hoàn Cầu chẳng hạn), mạng xã hội Trung Quốc chửi Việt Nam thả giàn, nhưng báo chí Việt Nam chỉ dám phê phán bạn vàng khi tuyên giáo cho phép, mạng xã hội thì tưởng như tự do hơn nhưng thật ra luôn có bóng ma dư luận viên lởn vởn, nhất là trong chuyện chống Tàu, ngoài dư luận viên lại có thêm lực lượng Việt gian mới gồm đủ mặt nhà báo, học giả, chuyên gia… này nọ để chấn chỉnh đám đông ngu dốt.
Mỗi lần có cuộc biểu tình chống Trung Quốc nào thì người biểu tình lại bị công an bắt giam, sách nhiễu, đánh đập, đe doạ, ép cơ quan đuổi việc, ép chủ nhà cắt hợp đồng thuê, v.v. Ngay lúc này đây, khi Dự luật Đặc khu đang gây bức xúc trong dư luận, nhiều nhà hoạt động cũng đang bị canh chặt. Tất cả các quán nước và ghế đá trong khu nhà tôi đều có an ninh ngồi. Và họ vẫn hẹn tôi rằng sẽ mời tôi làm việc bất kỳ lúc nào “có điều kiện”, yêu cầu tôi hợp tác. Có lẽ vì công an sợ sẽ có biểu tình nổ ra chăng?
Tôi hiểu những thực trạng ấy, nên tôi ngờ vực lắm cái thái độ của an ninh hỏi “quan điểm của em về luật Đặc khu? Có gì cứ thẳng thắn trao đổi, đối thoại nào”. Ôi công dân Việt Nam. Chỗ mà anh/chị bày tỏ quan điểm về chính sách nhà nước không phải là diễn đàn quốc hội, hội thảo, hội nghị, diễn đàn xã hội dân sự nào cả, mà là đồn công an. Không có ông bà nghị nào lắng nghe anh/chị đâu, chỉ có lực lượng an ninh “ghi nhận” ý kiến, quan điểm, tư tưởng của anh/chị thôi, để thấy có gì sai lệch thì còn kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh.
“Anh nghĩ rằng tôi sẽ ngồi đối thoại và nêu quan điểm với anh ở đây à, trong đồn công an à?” – Đó là điều tôi muốn nói với họ hơn cả. Nhưng rồi tôi chỉ cười. 7h tối, tôi bỏ về nhà, đi bộ. Được nửa đường, đau chân quá, tôi gọi cậu thanh niên vẫn lẽo đẽo theo sau, nhờ cậu ta giúp nhưng cậu ta chỉ đứng nhìn và bảo: “Việc chị chị làm, việc tôi tôi làm”. Tôi ngồi bệt xuống vỉa hè một lúc rồi đứng dậy, cuối cùng cũng lết về nhà được sau một tiếng đồng hồ…
P.Đ.T.
Nguồn: https://www.facebook.com/pham.doan.trang/posts/10156711128548322