Trước khi Quốc hội bấm nút về Luật đặc khu

Tạ Duy Anh

Có thể trên thực tế Quốc hội dưới sự lãnh đạo của đảng đã bấm nút về Luật Đặc khu rồi, hoặc ai không định bấm rồi sẽ phải bấm (như biểu quyết sáp nhập Hà Tây vào với Thủ đô) nhưng tôi vẫn kiên nhẫn nói thêm với các vị đôi điều.

Các vị đã từng cho phép thành lập những Tập đoàn kinh tế nhà nước, với lý lẽ để tạo nhiều quả đấm thép đưa nước ta bắt kịp Hàn Quốc. Khi đó ai nói khác đi là bị dọa “Bộ chính trị đã đồng ý”. Giờ thì nhìn đấy, mô hình Tập đoàn kinh tế là thảm họa chưa có lối thoát cho đất nước, là nơi công nghệ rác thải của Trung Quốc làm mưa làm gió trên lưng người dân Việt. Và thay vì mau mau sánh kịp Hàn Quốc, chúng ta tụt lại so với họ thêm một quãng dài miên man.

Các vị đã từng cho phép khai thác Bô-xít ở Tây Nguyên cũng với lý lẽ để tạo nguồn thu cho ngân sách và tăng trưởng quốc gia. Khi đó giới trí thức ra sức can ngăn, đều bị quý vị bỏ ngoài tai còn người can ngăn thì bị coi là phá hoại, là thế lực thù địch. Trong Quốc hội nếu có ai nói khác đi là bị dọa “Bộ chính trị đã đồng ý”. Giờ thì các vị đã thấy trắng mắt ra chưa? Lỗ nặng chưa phải là thảm họa đáng sợ nhất. Môi trường bị tàn phá tan nát chưa phải là thảm họa kinh khủng nhất. Hãy hình dung mấy chục năm các cơ sở của Trung Quốc không làm kinh tế, mà chuẩn bị cho việc to lớn hơn là thôn tính lãnh thổ, thì điều gì xảy ra hẳn các vị có thể hình dung, mặc dù thực lòng tôi nghi ngờ lòng yêu nước và trí tuệ của đa số quý vị.

Các vị đã từng cho phép khu công nghiệp Fomosa, tập đoàn kinh tế bị xua đuổi khắp nơi vì gây ô nhiễm vào tọa chiếm vùng xung yếu về an ninh của bờ biển Hà Tĩnh, với thời hạn tới 70 năm, cũng vẫn với lý lẽ để tạo cú huých cho tăng trưởng kinh tế, tạo bức tranh sáng cho đầu tư nước ngoài, vực dậy một vùng nghèo đói và nào là đánh thức tiềm năng… Giờ thì quý vị thấy hậu quả đã nhãn tiền. Tôi dám đảm bảo, thứ mà Fomosa tạo ra cho đất nước chúng ta, chỉ bằng một phần rất nhỏ thứ mà nó làm mất đi của đất nước. Đấy là chưa kể, trong 70 năm dài dằng dặc, sẽ còn bao nhiêu sự cố kinh hoàng như đã xảy ra, đi kèm sẽ là những cuộc nổi loạn không ai dám nói trước có thể kiểm soát của ngư dân.

Tôi không phải là người cứ muốn là nói lấy được, càng không là tín đồ của chủ nghĩa dân tộc một mực bài Trung Quốc. Có nhiều thứ chúng ta còn xa mới làm được như Trung Quốc. Đó là một sự thật. Nhưng sự thật mà tôi muốn nói ra trước tiên, là chúng ta đang tự trở thành miếng mồi ngon dưới con mắt của con sư tử Đại Hán chưa khi nào tàn bạo và tham lam như hiện nay.

Còn quá nhiều ví dụ khác mà tôi không còn hứng thú và sức lực để dẫn ra. Nhưng những thứ mà tôi đã dẫn và chưa dẫn, không phải để khía thêm nỗi bẽ bàng mà các quý vị đã và sẽ nhận đủ, mà chỉ để nhắc các vị nhớ lại, trước khi quyết định một vấn đề to lớn hơn tới vận mệnh và số phận của đất nước: Vấn đề thành lập các đặc khu kinh tế. Tôi cho rằng, mạng xã hội, với tình cảm quá sốt sắng, đang có sự nhầm lẫn khi hướng chú ý vào sự lựa chọn giữa hậu quả nhỏ và hậu quả lớn. 99 năm hay 70 năm, hay 50 năm không phải là vấn đề. Vấn đề là có cần phải thành lập các đặc khu trong bối cảnh hiện nay (xét cả về xu hướng phát triển, tiến bộ công nghệ, đòi hỏi của hoàn cảnh đất nước và nhất là KHI MÀ CHÚNG TA, BAO GỒM CẢ CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, BIẾT RÕ TRUNG QUỐC đang muốn gì ở cái mảnh đất hình chữ S này?).

Mục tiêu cuối cùng của họ là biến cả Việt Nam thành một ĐẶC KHU của họ. Nếu tôi là Tập Cận Bình, thì tôi cũng sẽ làm thế, nhân danh lợi ích dân tộc Trung Hoa.

Vì thế (tôi đang nói với tất cả) thay vì trách họ nham hiểm (trách Trung Quốc nham hiểm khác nào trách sao họ có tới một tỉ rưỡi người!), hãy trách mình trước: Vì sao mình lại dại dột để cho họ dắt mũi, vì sao mình không có chiến lược bài bản như họ, vì sao mình thiếu vắng những nhà lãnh đạo có tầm nhìn như họ… Vấn đề đó không ai giải quyết thay người Việt, vì thế, không ai có lỗi ngoài chính chúng ta. (Tôi thấy lạ, khi tận giờ này vẫn có người lập luận rằng chúng ta gặp khó vì Hoa Kỳ nước đôi, vì Nga thực dụng, vì Camphuchia hai ba bốn mặt, vì Lào thân Trung Quốc hơn, vì thế giới tối mắt trước lợi ích…)!

Trở lại chuyện đang bàn. Đừng lấy ví dụ thành công của Thâm Quyến hay bất kì sự thành công của các đặc khu nào khác làm lý lẽ thuyết phục cho sự ủng hộ luật đặc khu. Cũng không cần phải mang sự thất bại của mô hình này ở đâu đó ra để tăng trọng lượng cho ý kiến phản đối. Chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm của thế giới, nhưng đã đến lúc người Việt phải tập thói quen độc lập khi đưa ra những quyết định liên quan đến sự tồn vong của mình. Trên tinh thần đó, tôi đồng ý với nhà báo Huy Đức là chúng ta không cần phải có đặc khu kinh tế, không cần ưu đãi nơi này hơn nơi khác khiến đất nước thêm chia rẽ, trong khi tốn tiền xây thành trì cho tội phạm và tư bản thân hữu, mà hãy tạo một không gian mà sự kiếm sống để hưởng hạnh phúc của người dân trở nên thuận lợi, nhân bản cho cả cái đất nước này. Đừng hành hạ dân, hãy tạo ra một thế chế mà không quan chức nào muốn và có thể tự biến mình thành con mối chúa kéo theo cả đàn mối đục khoét đất nước, đừng bỏ rơi người tài chỉ vì họ không thích thú với các nguyên tắc chính trị hiện hành, hay khi họ căm ghét sự xu nịnh, không chịu nói như vẹt. Và xin đừng cố gắng biến nhân dân thành vật thế chấp cho các mục tiêu tù mù… Chỉ cần ngần ấy thôi, tự đất nước sẽ thanh bình, sẽ phát triển, sẽ giầu có mà không cần phải “lót ổ cho phượng hoàng” khi biết trước là diều cắt, cú vọ sẽ nhảy vào trước.

Các quý vị có tự hỏi và có biết là người dân đang hỏi: Vì sao Quốc hội lại sốt sắng với luật Đặc khu đến thế? Một bộ luật đụng chạm đến an nguy quốc gia, đến sự tồn vong của nòi giống, đến cuộc sống của nhiều thế hệ tương lai, mà sao lại cập rập trong thảo luận, trong tập hợp ý kiến người dân? Khôn ngoan của người Việt để đâu hết cả rồi? Tôi không muốn làm kẻ nói bừa, nhưng tôi tin rằng nhất định là có khuất tất.

Vài hôm nữa, với danh nghĩa là cơ quan quyền lực tối cao, quý vị có thể bấm nút thông qua luật đặc khu, bất chấp mọi sự phản đối và lo lắng của người dân cùng với giới sỹ phu (tôi muốn dùng lại từ này). Nhưng tôi muốn chân thành khuyên quý vị, làm diễn viên tồi quá lắm chỉ đáng chê cười vì thế, nếu vì miếng cơm manh áo mà phải thủ vai thì cũng được. Nhưng đừng tự biến mình thành tội đồ, khi biết rõ hoặc linh cảm thấy khả năng đó là rất cao. Dân tộc này có thể tha thứ mọi tội lỗi-như lịch sử từng cho thấy-trừ tội theo chân Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống.

T.D.A.

Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10214461306144040&id=1160946631

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.