Đặc khu kinh tế: Nhiều nước rơi cảnh “được ăn cả, ngã về không”

Ngọc Linh (tổng hợp)

TP – Lợi ích của việc thành lập các đặc khu kinh tế đã thể hiện qua sự phát triển của hơn 3.000 đặc khu kinh tế trên khắp thế giới. Nhưng bên cạnh những thành công, nhiều nước “ngậm đắng nuốt cay” khi các đặc khu kinh tế thất bại như ở châu Phi.

Đặc khu kinh tế tạo ra hơn 500 tỷ USD

Mô hình khu kinh tế hiện đại đầu tiên được thành lập tại Puerto Rico (vùng quốc hải ở phía Đông Bắc biển Caribe thuộc chủ quyền của Mỹ) năm 1942. Từ cuối những năm 1960, các mô hình khu kinh tế tự do, đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính, thành phố tự do phát triển mạnh ở nhiều quốc gia châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, UAE, Nhật Bản, Indonesia, Đài Loan, Malaysia…

Số lượng các đặc khu kinh tế tăng nhanh qua từng thời kỳ. Sự phát triển của các đặc khu kinh tế góp phần quan trọng thúc đẩy thương mại toàn cầu, tạo ra trên 70 triệu việc làm trực tiếp và hơn 500 tỷ USD doanh thu.

Theo Bộ KH&ĐT, 5 yếu tố tạo nên sự thành công của các đặc khu kinh tế gồm: vị trí địa kinh tế, chính trị chiến lược (gần cảng biển quốc tế, các tuyến giao thông quan trọng của đất nước, kết nối dễ dàng với khu vực và quốc tế); Chiến lược và mục tiêu phát triển rõ ràng với ngành, nghề ưu tiên phát triển và có lợi thế so sánh vượt trội; Môi trường đầu tư kinh doanh và chính sách ưu đãi; Có sự hỗ trợ ban đầu của Chính phủ để đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng và phát triển nguồn nhân lực; Bộ máy quản lý hành chính tinh gọn và hiệu quả.

“Các khu vực Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đáp ứng các yếu tố quyết định thành công đặc khu kinh tế theo kinh nghiệm quốc tế”, Bộ KH&ĐT cho biết.

66% đặc khu ở Ấn Độ thất bại

Để tránh rơi vào “vết xe đổ”, Ban soạn thảo Dự thảo luật cũng nghiên cứu nguyên nhân thất bại của một số đặc khu kinh tế trên thế giới. Theo nghiên cứu Quốc tế của FIAS (2008), Pakistan, một số đặc khu kinh tế của Ấn Độ, một số quốc gia ở châu Phi (Senegal, Namibia, Liberia, Bờ Biển Ngà, Công gô, Nam Phi), Ukraine, Moldova thất bại khi xây dựng mô hình đặc khu kinh tế.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại như vị trí không thuận lợi khiến chi phí đầu tư lớn; Chính sách cạnh tranh chỉ dựa vào ưu đãi thuế, lao động cứng nhắc; Giá thuê và các dịch vụ mang tính bao cấp; Mô hình quản lý và tổ chức bộ máy cồng kềnh, có quá nhiều cơ quan tham gia vào việc quản lý đặc khu.

Từ năm 2000-2014, Ấn Độ đã cấp phép cho 564 đặc khu kinh tế, nhưng tính đến tháng 6/2014, chỉ có 192 khu là còn hoạt động, chiếm 34%. Bộ Thương mại Ấn Độ đã tìm ra nguyên nhân thất bại do Chính phủ Ấn Độ đã dành các ưu đãi cho các đối tượng nằm ngoài đặc khu kinh tế và rút bớt ưu đãi cho các đặc khu kinh tế khi ký các thỏa thuận mậu dịch tự do.

Nguồn: https://www.msn.com/vi-vn/money/topstories/%C4%91%E1%BA%B7c-khu-kinh-t%E1%BA%BF-nhi%E1%BB%81u-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-r%C6%A1i-c%E1%BA%A3nh-%E2%80%9C%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-%C4%83n-c%E1%BA%A3-ng%C3%A3-v%E1%BB%81-kh%C3%B4ng%E2%80%9D/ar-AAr0wqR

This entry was posted in đặc khu, kinh tế, Trung Quốc. Bookmark the permalink.