Ý kiến nói đại diện Việt Nam tại Hội nghị Đối thoại Shangri-La “sẽ rất khó phát biểu chung chung” trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường gây sức ép ở Biển Đông.
Tin cho hay đại tướng Ngô Xuân Lịch, ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 tại Singapore từ ngày 31/5 đến 3/6.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch “sẽ có bài phát biểu quan trọng” và “các cuộc tiếp xúc song phương với bộ trưởng quốc phòng các nước”, theo báo Thanh Niên.
Hôm 30/5, trả lời BBC, ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sài Gòn (SCIS), nói: “Thứ nhất là Đối thoại Shangri-La là đối thoại an ninh Track-1 (đối thoại kênh 1), cho nên mang tính nghiêm túc và thường hay bàn về những chủ đề mang tầm chiến lược ở cấp cao. Trung Quốc đã cố gắng gây ảnh hưởng lên Shangri-La nhưng không thành công.”
“Dĩ nhiên vì do Track-1 nên các nước “tấn công” chính sách Biển Đông của Trung Quốc khá nhiều, vì thế Trung Quốc dần dần đang muốn tổ chức một Đối thoại an ninh đối trọng khác ở Trung Quốc mà ở đó họ có thể kiểm soát được chương trình nghị sự như Diễn đàn Hương Sơn ở Bắc Kinh (đây là một đối thoại an ninh Track-1.5).
Trung Quốc không coi trọng Shangri-la lắm trong thời điểm hiện tại, các chính sách của Trung Quốc thì mọi người ai cũng có thể hiểu được. Shangri-La giờ là nơi để Mỹ và đối tác làm rõ hơn chính sách an ninh trong giai đoạn mới – Nguyễn Thế Phương
“Trung Quốc có khả năng sẽ không cử các quan chức cấp cao nhất tới Shangri-La. Đây là điều có thể dự đoán trước được và thực sự là nếu vắng mặt các quan chức an ninh cấp cao nhất của Trung Quốc thì tầm bao phủ về mặt chính sách của Shangri-La có thể giảm sút. Suy cho cùng thì nếu muốn “đối thoại” thì cũng cần phải có đầy đủ các bên liên quan”.
“Biển Đông chỉ là một trong những vấn đề nóng của Shangri-La thôi. Đối với Việt Nam thì Biển Đông quan trọng nhưng sẽ có những vấn đề khác được nêu lên và nóng không kém là vấn đề Triều Tiên, vấn đề Myanmar và các loại an ninh phi truyền thống. Tuy nhiên cũng phải nhấn mạnh lại là Shangri-La là diễn đàn đa phương được đánh giá là quan trọng để Việt Nam có thể thảo luận chính sách an ninh ở cấp cao với các đối tác.
“Nói tóm lại, Trung Quốc không coi trọng Shangri-La lắm trong thời điểm hiện tại, các chính sách của Trung Quốc thì mọi người ai cũng có thể hiểu được. Shangri-La giờ là nơi để Mỹ và đối tác làm rõ hơn chính sách an ninh trong giai đoạn mới”.
Cùng thời điểm, cây bút tự do Nguyễn An Dân ở TP.Hồ Chí Minh nói với BBC: “Đối thoại Shangri-La năm nay rất quan trọng vì nó thể hiện chính thức lập trường mỗi nước có liên quan đến tranh chấp và tự do, an ninh hàng hải ở Biển Đông, nhưng đa phần các nước sẽ chỉ tham gia ở cấp bộ trưởng, vì sách lược lớn thì hầu như đã quyết từ lâu rồi.”
Năm nay, với việc quân sự hóa hải quân, không quân ở khu vực tranh chấp, các điều kiện cần cho Bắc Kinh tuyên bố ADIZ đã có. Nó nghiêm trọng hơn nhiều so với vụ giàn khoan. Vậy Việt Nam cần thể hiện lập trường cứng rắn bằng hoặc hơn bối cảnh Shangri-La 2014 – Nguyễn An Dân
“Từ phát biểu của các đoàn tham dự, chúng ta sẽ thấy rõ lập trường trung lập hay đứng về phía nào của các nước nhỏ giữa hai bên Trung-Mỹ. Các nước nhỏ không liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông có quyền giữ “tế nhị ngoại giao”, nhưng các nước liên quan trực tiếp như Việt Nam sẽ rất khó phát biểu chung chung nữa”.
“Năm 2014, sự kiện giàn khoan HD 981 trực tiếp phá vỡ chủ quyền lãnh hải, tiềm ẩn nhiều nguy cơ an ninh quốc phòng, cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở thế “không thể lùi” đã buộc phải tuyên bố cứng rắn về lập trường để tranh thủ sự ủng hộ khi Việt Nam thực sự cần đến”.
“Năm nay, với việc quân sự hóa hải quân, không quân ở khu vực tranh chấp, các điều kiện cần cho Bắc Kinh tuyên bố ADIZ đã có. Nó nghiêm trọng hơn nhiều so với vụ giàn khoan. Vậy phái đoàn Việt Nam cần thể hiện lập trường cứng rắn bằng hoặc hơn bối cảnh Shangri-La 2014”.
“Nếu năm nay phái đoàn Việt Nam tuyên bố chung chung thì trong tương lai khi xảy ra xung đột, các nước ủng hộ Việt Nam sẽ khó có lý do hợp lý để ủng hộ Việt Nam”.