Nghe thường dân trả lời

Trương Minh Ẩn

Sáng nay bầu trời khá đẹp, không khí mát mẻ, có mây nhiều nên không có nắng gắt, cùng với dư âm cơn mưa lớn tối qua nên khá dễ chịu. Tôi dạo một vòng quanh Sài Gòn chơi. Ngẫu hứng bỗng dưng muốn làm… nhà báo. Khoái gì thì làm nấy, phó thường dân nên chẳng có sợ, chẳng ràng buộc gì cả. Vì có cái “mác” dân đen, tôi chắc chắn mình không có cơ hội ngắm nghía thôi chứ đừng nói là phỏng vấn quan chức, vả lại, ngày Chủ nhựt gần hết là ngày ăn chơi của quan, cửa đóng then cài, làm sao mà gõ được. Thôi đành kiếm người cùng cảnh ngộ hỏi chuyện vậy. 

Đầu tiên gặp một người chạy xe ôm, tôi thưa chuyện và được ông vui vẻ nhận lời. Tôi xin phép hỏi:

– Dạ thưa, anh có nghe gì tới hai chữ “đại cục”?

Ông cười, trả lời:

– Có chứ, nghe nhiều là đằng khác nữa, bởi nhiều người bàn tán lắm. Nếu không lầm, tôi nhớ đó là câu trả lời của ông Trần Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT-DL, trong cuộc họp với tổ công tác của thủ tướng, do chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì vào ngày 18/05 vừa qua – Ông mở điện thoại ra và gật đầu: Nhớ đúng nè, trang báo Zing.vn đưa tin nè.

Ông đưa cho tôi xem câu nói có liên quan đến “đại cục” khi một tốp 14 khách du lịch Trung Quốc mặc áo phông có đường lưỡi bò, ông Nguyễn Văn Tuấn nói rằng, tinh thần xử lý việc này là kịp thời nhưng phải mềm dẻo: “Không để những sự cố nhỏ như thế ảnh hưởng đến đại cục, làm ảnh hưởng đến hợp tác du lịch giữa chúng ta với Trung Quốc cũng như những thị trường trên thế giới”.

Tôi chưa kịp hỏi tiếp thì ông đã đổi thái độ ngay tức thì, ông bực tức thấy rõ, ông nói:

– Nghe đại cục, nói thật, nếu được giáp mặt tôi sẵn sàng… đục một cái ngay liền tay. Xin lỗi, chỉ cần một cái ngay giữa mặt, một cái thôi nhưng tôi sẽ lấy hết sức mình cho cái mỏ của ông ta (ông Tuấn) cấm khẩu luôn.

– Anh nóng giận quá thể – Tôi thử.

Ông càng hậm hực:

– Yên được hay sao? chuyện như vậy mà là nhỏ hay sao? Với tôi đó là chuyện đại sự, chuyện chủ quyền quốc gia. Người ta muốn làm gì thì làm hay sao? Tôi là tôi trục xuất ngay những kẻ này, chúng bày mưu kế rõ ràng chứ không thể nói là tình cờ. Chỉ có cán bộ, quan chức nước ta quá hèn mạt, có lẽ một lòng muốn phò, muốn làm Hán nô, muốn cuối [cúi] đầu trước ngoại bang phương Bắc tham tàn mới như vậy.

Tôi giả sử với ông như thế này, một thằng du côn, du đãng hàng xóm, nó ngang nhiên vô nhà ông, nó bận cái áo in hình nhà nó rồi kèm cái phòng ngủ nhà ông kề bên, ngầm ý nó nói nó sở hữu phòng ngủ đó, đuổi ông phải ra ngoài, ông tính sao? Ông hèn nhát để nó hiếp đáp à, hay ông phang cho nó gãy giò? Tôi thì không chỉ phang, trong đầu tôi thì chỉ có ý nghĩ đập cho nát thây và tôi sẽ thực hiện dù tôi có yếu sức. Chuyện này chắc phải có người ủng hộ, bênh vực những kẻ yếu như tôi thôi.

Chưa kịp hỏi thêm thì có khách, ông xe ôm phải chạy, tôi không làm phiền ông nữa. Sau đó gặp chị quét dọn vệ sinh ở công viên, tôi cũng hỏi như vậy. Chống cái chổi, bậm môi một chút, chị đáp:

– Xin lỗi chú, tôi quét dọn vệ sinh hàng ngày, gặp rất nhiều thứ hôi hám, nhưng nói ngay chẳng có thứ nào hôi bằng thứ từ cái ông cục trưởng đó mở miệng nói ra. Tổng cục… c. nói đại cục… c. Không có vũ khí gì, chỉ có cây chổi thôi tôi cũng hết sức quét cái bọn lưu manh xảo trá về nước. Tôi khinh, coi ông tổng cục trưởng như cục c.

Không còn nghi ngờ gì nữa, dân mình ai ai cũng lên án hành động hèn mạt, phát biểu xuẩn ngốc của các quan chức, cán bộ.

Nhân chuyện nghe tới sự hôi hám nhất, sực nhớ tới câu nói của bà Bộ trưởng Bộ Y tế tại hội nghị về giảm thời gian chờ khám và cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện, cũng vào ngày 18/05. Tôi hỏi:

– Bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Nhà vệ sinh bẩn thì bệnh viện không thể xếp thứ hạng cao được, nhà vệ sinh bẩn thì tức là giám đốc bẩn, trưởng khoa bẩn”. Chị nghĩ sao về cá nhân bà Bộ trưởng?

Chị đáp:

– Cái bà có biệt danh Tiến Ruồi hay Kim Tiêm đó ha, thôi, thôi, tôi sợ bả quá. Bà ta có tài cán gì về chuyên môn tôi không biết, chứ trình độ quản lý vậy là quá kém. Đâu chỉ mỗi chuyện nhà vệ sinh, rất nhiều chuyện xảy ra mãi, chuyện thuốc dỏm, thuốc giả, thuốc lậu; chuyện tắc trách, vô trách nhiệm; chuyện y đức xuống cấp; chuyện chuyên môn yếu kém;… tồn tại suốt bao nhiêu năm nay chứ đâu phải mới đây. Không khắc phục được lại để xảy ra tiếp thì trước tiên người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Bà ta lại đi đổ hết cho cấp dưới, chạy tội cho mình đó mà. Thường, khi không quản lý được, ban hành lệnh mà cấp dưới không thực hiện thì coi như bất lực, vậy thì nên từ chức, để người khác có năng lực hơn họ làm. Ở các nước tiên tiến, có nền dân chủ thực sự, chỉ cần để xảy ra lỗi nhỏ chứ đâu cần chuyện to tát, người đứng đầu từ chức liền chứ chẳng đổ lỗi cho ai cả, mặc dù gây nên chuyện không phải là họ.

Câu trả lời này tôi thấy cũng rất là tuyệt vời. Một số người cũng đồng ý với chị khi họ cùng xúm lại nghe và bàn tán. Tôi cảm ơn và cảm phục hai thường dân, cảm ơn nhiều người nữa, đã cho tôi thấy được rõ ràng hơn. Hơn nữa, rất mừng là dân chúng đã bắt đầu quan tâm đến đời sống xã hội, chính trị, dần dần xóa bớt sự thờ ơ bấy lâu nay tồn tại. Một tia hy vọng rằng tình hình sẽ dần sáng sủa.

T.M.A.

Nguồn: https://baotiengdan.com/2018/05/21/nghe-thuong-dan-tra-loi/

This entry was posted in Trung Quốc, y tế, yêu nước. Bookmark the permalink.