Ngụy Hữu Tâm
Tập Cận Bình đánh tham nhũng cũng chỉ là một cuộc thanh trừng lớn mà thôi. TBT VN có học đến mấy cũng chỉ là trò láu cá vặt, đánh nhau của các phe phái chứ không bao giờ giải quyết được tận gốc…
Nhân hai bài gần đây trên bauxitevn “Thấy công bị vặt lông chết mà nghĩ tới dân tộc Việt” của Thục Quyên và “Cuộc xâm lược không diễn ra ở Biển Đông” của Phạm Đình Trọng, xin mạn phép góp thêm một số ý nhỏ, và cũng rất tản mạn.
Dĩ nhiên Thục Quyên, đưa hình ảnh bạo lực đến mức man rợ của người Trung Quốc ra rất ấn tượng. Và Phạm Đình Trọng với bài viết tỷ mỷ, sâu sắc nêu được hết cái nguy hiểm của giặc Tàu cũng như tất cả tội ác bán nước của Đ+SVN từ trước tới nay là hết sức quan trọng và đáng đọc.
Hồi còn nhỏ, tôi cũng mê tiểu thuyết và văn học Trung Quốc lắm, những Tam Quốc, Thủy Hử, Tây Du ký, Hồng Lâu Mộng hầu như thuộc lòng. Thế nhưng sử thì tôi lại rất ngại vì nó gán với tên riêng và các con số, mà tuổi trẻ, thường chỉ thích những vấn đề có lôgic chứ việc phải học thuộc lòng là rất ngán.
Lớn lên một chút, được tiếp xúc với văn hóa Nga, đã thấy sự khác biệt nhiều và rõ ràng.
Rồi khi đi học Đức, được học tiếng Đức và tiếp xúc với văn hóa phương Tây, thấy hai nền văn hóa Trung Hoa và phương Tây cách biệt và có nhiều nét đối chọi nhau như nước với lửa, dần dà tôi đi tới kết luận, dù có vẻ cực đoan, nhất là thực hiện nay phải lựa chọn giữa bài toán dân chủ và toàn trị, càng nghĩ phải đào sâu thêm quan điểm này.
Văn hóa Trung Hoa lấy Đạo Khổng với những tư tưởng của Khổng Tử làm trung tâm, chắc chắn đến nay không thích hợp nữa. Nhất là khi sự sáng tạo sẽ quyết định hết thì những điều dạy bảo của nhà tư tưởng này là rất lỗi thời.
Nói về những điều vừa diễn ra ở Việt Nam, trước tiên về thời tiết dĩ nhiên phải nhắc tới cái nóng như đổ lửa, còn về sự kiện, đầu tiên thì chắc chắn phải là tháng Năm vốn giành cho “Những ngày văn học châu Âu” hết sức gây ấn tượng, gây cho tôi cảm giác như Đức muốn vỗ về Việt Nam sau vụ Trịnh Xuân Thanh. Nhưng có vẻ như Việt Nam cũng muốn tỏ vẻ ta đây với họ nên mới có vụ cấm chiếu 2 bộ phim khá là vô thưởng vô phạt là “Thời nắng lịm” của Eugen Ruge và “Cái trống thiếc” của Günter Grass, mà may quá, ngay từ đầu tôi đã chẳng có ý định xem, nhất là tôi vốn không có thiện cảm mấy với tác giả sau này.
Nhưng ấn tượng nhất với tôi ở những sự kiện này lại là một cuốn sách Việt Nam mà Pháp có nhã ý giới thiệu ở Trung tâm Văn hóa Pháp Alliance Francaise ở “Cuộc tọa đàm với GS.TS Kiều Thu Hoạch”. Đó chính là cuốn “Góp phần nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam” của tác giả này. Với lượng tư liệu phong phú, cách tiếp cận mới mẻ, cuốn sách góp phần nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam thời kỳ thiên niên kỷ đầu công nguyên là một công trình thể hiện một phương pháp nghiên cứu liên ngành, đa ngành, với nhiều tư liệu, cứ liệu quý hiếm đáng tin cậy về mặt sử liệu, góp phần quan trọng cho việc khám phá, tìm hiểu về nhiều mặt của thời kỳ này. Nó cho tôi là người ngoài ngành có cái nhìn, tuy không mới nhưng lại hết sức quan trọng về lịch sử dân tộc ta. Nhân đó lại có sự kiện chúng tôi được mời đi thăm Đồng Xâm Thái Bình nhân dịp lễ hội Họ Triệu ở đây, mà tôi như được sáng mắt ra. “Cái trứng có trước hay con gà có trước”? Bài toán muôn thuở nhưng kẻ thù luôn muốn đánh lạc hướng chúng ta.
Trước tiên phải hiểu chúng ta là ai. Và cái ấy rất gây tranh cãi, nhưng lại là cần thiết.
Trở lại các sự kiện tháng năm này. Nhân Hội nghị TW 7 lần này vừa kết thúc với trọng tâm, nói chung mọi người quan tâm nhất tới việc chống tham nhũng có vẻ như quyết liệt của Ông TBT. Hiện đang có thảo luận sôi nổi về 3 điểm, Hội nghị TW 7 vừa qua vừa họp bàn, lớn quá nên tôi không đề cập tới ở đây.
Còn hai vấn đề nóng hổi nữa là vấn đề đất đai và vấn đề kê khai tài sản TBT Trọng tôi thấy cũng hay nhưng cũng tạm gác.
Nhiều người còn ngây thơ tin là ông quyết tâm và thậm chí có thể làm được việc đó.
Tôi hoàn toàn không tin. Đ+S nói chung và Đ+S Việt Nam và quan thầy của nó là Đ+S Trung Quốc vốn dĩ dựa trên những điều duy ý chí, hoang tưởng, làm sao có thể thực hiện được việc đó?
Tập Cận Bình đánh tham nhũng cũng chỉ là một cuộc thanh trừng lớn mà thôi. TBT VN có học đến mấy cũng chỉ là trò láu cá vặt, đánh nhau của các phe phái chứ không bao giờ giải quyết được tận gốc.
Vì khi mà chế độ chính trị vốn dĩ đã sai, với những chính sách kinh tế hết sức ngông cuồng, làm sao mà có thể đi vòng vèo mà trở thành nền kinh tế thị trường xã hội – social market economy đích thực được cơ chứ. Có nằm mơ cũng chẳng thấy!
N.H.T.
Tác giả gửi BVN.