Ước gì lãnh đạo nước mình nhìn ảnh chụp Nhà Trắng…

Nhà Trắng

Nhà Trắng

Lướt mạng, thấy biệt thự của “lãnh tụ đáng kính” Bắc Hàn có cái sân golf 18 lỗ duy nhất của đất nước, có hồ nhân tạo, có du thuyền…, trong khi mỗi năm vài trăm ngàn người dân chết đói. Chú em tôi đi Lào về kể chuyện dinh Thủ tướng Lào to hơn ngôi nhà ở phố Downing của Thủ tướng Anh cả chục lần. Rồi, nghe nói quy hoạch Hà Nội với tổng số tiền lên đến 90 tỷ USD, trong đó Trung tâm Hành chính Quốc gia (các cơ quan của Chính phủ) lộng lẫy hết biết với chi phí lên đến hàng trăm triệu USD, tôi chẳng biết nghĩ sao, đành tìm để nhìn cái Nhà Trắng của TT Mỹ nó ra như thế nào…

Nếu bạn chưa một lần nhìn thật kỹ Nhà Trắng (NT) thì nhất thiết phải chộ cho rõ ràng bởi nếu không, sẽ mất ít nhất là một nửa cuộc đời! Tôi chưa từng thấy (qua ảnh) một Phủ TT nào giản dị, khiêm nhường, nhỏ và gần gũi đến thế.

Nhà Trắng được chính thức khởi công vào ngày 13.10.1792 và chính thức được TT Mỹ  J. Adams sử dụng từ 1.11.1800. Tổng kinh phí xây dựng tốn hết 232.371,83 USD – tương đương với giá hiện nay là 2,4 triệu USD = 45 tỷ VNĐ.

Nhìn bề ngoài, Nhà Trắng là một tòa nhà 2 tầng và một tầng hầm trông gần giống như một ngôi biệt thự trung bình của người khá giả cỡ vừa vừa (theo tiêu chuẩn Mỹ bây giờ). Thực ra, Nhà Trắng còn có phần ẩn là 3 tầng ngầm –  được xây trong thời Thế chiến 2 với mục đích đảm bảo sự phòng thủ trong tình trạng đặc biệt, bây giờ là Trung tâm Điều hành Khẩn cấp (cánh Đông). Tổng diện tích sử dụng của tòa nhà là 5.100m2.

Nhà Trắng nằm dưới thấp và trên đồi cao là tòa nhà Quốc hội. Thông điệp của Kiến trúc sư James Hoban rất minh bạch: TT phải là người có vị trí thấp hơn quyền lực của nhân dân (Quốc hội)! Nói một cách khác, cơ quan hành pháp luôn phải chịu sự kiểm soát của nhân dân, rõ ràng, trực tiếp. Màu trắng tượng trưng cho sự trong sáng của chính quyền. Sự cân đối của tòa nhà thể hiện sự công bằng, chuẩn mực. Những cột tròn (theo kiểu kiến trúc Hy Lạp) thể hiện sự hoàn hảo mà chính quyền muốn hướng tới. Chiều cao khiêm tốn thể hiện sự gần gũi với dân, thực sự của dân, vì dân… Rất nhiều ý nghĩa toát lên từ NT mà tôi tin, nếu bạn cũng nhìn như tôi, sẽ thấy rất nhiều điều tôi không thể thấy, không thể biết…

Tôi nhìn và cứ nghĩ mãi rằng những nhà lãnh đạo của các quốc gia nghèo – nhỏ trên thế giới đã bao giờ nhìn như tôi chưa? Họ có biết trên ống khói của NT (theo sách) có ghi câu châm ngôn nổi tiếng: “Người trị vì trong ngôi nhà này chỉ được phép lương thiện và khôn ngoan”?

Tại sao một nước bé bằng bàn tay, dân thì nghèo, công chức thì chỉ mỏi cổ hỏi nhau có lương chưa; GDP nhiều chưa đủ gấp 2 lần tài sản của Bill Gates…; vậy mà cái gì cũng muốn thật hoành tráng, thật to? Lập luận của mọi “dự án”, “thiết kế”, “quy hoạch” đều được phủ lớp sơn tầm nhìn vài chục năm sau(!) Thử hỏi, quý vị có nghĩ rằng NT của cường quốc lớn nhất thế giới (cho đến nay là cường quốc lớn nhất mọi thời đại) có lạc hậu hay không? Tại sao giàu như Mỹ, hiện đại và có GDP gần bằng một phần tư thế giới trog khi dân số chỉ có 308 triệu người tức là bằng 1/22 lần của loài người (2009) vẫn chưa hề có ý định “quy hoạch” lại phủ TT được xây dựng từ 210 năm trước đây?

Tại sao các nhà lãnh đạo nước ta cứ đua nhau chạy theo cái hoang tưởng thật to, thật hoành tráng trong khi dân tình khốn khổ đủ đường là điều tôi không thể nghĩ ra? Sao các vị không nghĩ đến một trong những lý do mà nhiều nước giàu có họ không muốn “quy hoạch” lại dinh thự của mình là vì muốn giữ gìn truyền thống tốt đẹp, vì không muốn phí phạm tiền dân của nước cho riêng ai đó được “oai”, cho nhiều ai đó kiếm được mười hay vài mươi phần trăm từ các dự án động trời?

Rất nhiều câu hỏi và vô số những điều muốn nói nhưng, thật tình, tôi chỉ muốn lãnh đạo nước ta mở trang web và nhìn thật kỹ, thật lâu NT. Cứ nhìn và biết đâu, dẫu tăm tối đến mấy cũng có lúc phải ngộ ra rằng những gì mình thấy (từ NT) khác nhiều lắm so với những gì mình muốn. Có thể, biết đâu đấy, trong một giây phút rùng mình của cảm xúc ít nhất từ lương tri, các vị sẽ hiểu rằng vấn đề quan trọng là nhận thức thật sự về địa vị của mình, trách nhiệm và bổn phận của mình chứ không phải dinh thự thật hoành tráng, “quy hoạch” thật lắm “tầm nhìn”, trong khi người dân đói khổ là điều chết sống cũng phải làm! Quả là đáng kinh hãi khi “đề án”, “tầm nhìn” cứ thi nhau lao trên đường băng chực chờ bay cao với những ngôn từ rổn rảng, còn đại đa số con dân đang nhẩm tính để đong đưa tiền lương trên giá chợ, mỗi ngày!

Tôi đang ước ao một điều: Giá như tôi có chút quyền thật nhỏ, có điều kiện thật ít, dù nghèo đến mấy, tôi cũng sẽ in hình NT rồi phát không và gửi qua đường bưu điện cho tất cả các vị lãnh đạo của nước nhà!

Huế, 8.6.2010

HVT

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.